Rồi cả hai cùng vào đại học. Cường ở miền Bắc, Mai Lan ở miền Nam. Hai ngôi trường ở hai đầu đất nước. Những bức thư, những dòng tin nhắn, những cuộc gọi điện thoại… đều đặn đến với nhau từ hai phía. Họ đã gói ghém tất cả mọi nỗi nhớ thương để gửi cho nhau. Tình yêu quả là một thứ tình cảm lạ lùng, nó làm con tim khát khao mong đợi. Từ sau cái đêm chia tay, khi mà lời tỏ tình và nụ hôn được trao gửi thì tình cảm ấy lớn mạnh, nồng cháy hơn, không còn ranh giới, như dòng nước ào ào tuôn chảy, nó trở nên sục sôi, mãnh liệt. Và khi đã yêu nhau mà phải cách xa, không được ở cạnh nhau, cả hai mới thấm thía sự hụt hẫng, trống vắng. Những ngày mới yêu lại phải xa nhau nên Cường mong mỏi được gặp nhau, được ôm trọn Mai Lan vào lòng đến thế! Còn Mai Lan cũng vậy, cô mong chờ từng ngày để được về quê, để được sà vào lòng người yêu để nũng nịu. Nỗi nhớ cứ âm ỉ, dai dẳng, giày vò, tưởng như không thể nào còn chịu nổi nữa. Tưởng như chỉ cần một dòng tin nhắn hay một cuộc gọi điện hẹn hò ở đâu đó là cả hai sẽ vứt bỏ tất cả để đến với nhau. Nhưng rồi việc học hành đã cuốn hút cả hai, không cho họ còn có nhiều thời gian để mà suy nghĩ vẩn vơ. Từ phương bắc, Cường gửi thư cho Mai Lan một bức thư chứa chan tình cảm. Trong thư, Cường nói rằng, Cường không thích gọi điện nữa mà chỉ thích viết thư, vì viết thư tình cảm hơn, nói được nhiều điều hơn. Cường khoe với Mai Lan là anh đã học gần xong phần thứ nhất môn chính trị. Giờ là thời gian dành cho việc tập luyện ở thao trường. Những ngày ở thao trường, đối với người lính là ngững ngày đầy gian nan, vất vả. Môi trường quân đội đã rèn giũa anh từng bước trưởng thành. Cường thấy mình phải học tập tốt để không phụ công gia đình, bè bạn đã gửi gắm, tin trao. “Em biết không, có những ngày nắng nóng khủng khiếp, luyện tập vô cùng vất vả, giờ giấc hết sức nghiêm ngặt, nhưng lúc nào anh cũng vui vẻ, lạc quan, yên tâm học tập, công tác. Mai Lan có biết vì sao không? Đó là một phần vì anh có em, vì tình yêu của chúng mình. Dù xa em nhưng lúc nào anh cũng cảm thấy như em đang ở cạnh anh, động viên anh…”.
Mai Lan cũng gửi thư cho Cường. Mở đầu, Mai Lan viết: “Anh bộ đội thân yêu của em!”. Đó là câu mà Mai Lan vẫn thường đùa yêu như thế. Qua vài dòng tếu táo, Mai Lan mới kể với Cường việc học tập của bản thân. Rằng Mai Lan vừa qua đợt kiểm tra học kỳ, bài làm của cô nói về sự đa dạng của nông nghiệp nước ta trong quá trình chuyển đổi sản xuất, bài đã được xếp nhất lớp. Rằng Mai Lan chuẩn bị đi thực tập ở một vùng chuyên canh lúa và nếu có điều kiện thì sẽ xin phép về thăm gia đình. Mai Lan nhận thấy cô ngày càng say mê với ngành học mà mình đã chọn. Cô cũng bày tỏ sau này khi ra trường công tác, Mai Lan sẽ là một kỹ sư nông nghiệp tháng ngày gắn bó với những xóm làng bình dị, những người nông dân “một nắng hai sương”, hiền lành, mộc mạc, dung dị như đất làng, như hạt lúa, củ khoai… từ bao đời nay. Cuối thư, Mai Lan viết: “Chúc anh bộ đội của em chân cứng đá mềm, hoàn thành nhiệm vụ học tập, luôn nhớ về em. Nhớ em để học tập tốt hơn, phấn đấu tốt hơn anh nhé!”.
Bốn năm học tập miệt mài, ngày ra trường, Cường được phong quân hàm Thiếu uý và được điều về công tác ở một đơn vị đóng quân trong tỉnh. Mai Lan không được thuận lợi như Cường, nhưng rồi sau một thời gian bươn bả chạy vạy cô cũng được nhận về công tác tại phòng nông nghiệp huyện. Thế là chấm dứt những ngày cả hai phải đằng đẵng xa cách nhau. Được công tác cùng một tỉnh, cả hai càng có điều kiện gặp gỡ, vun đắp cho tình yêu. Nếu như trước đây, trong những năm đi học, Cường và Mai Lan chỉ mỗi năm được gặp nhau một lần ngắn ngủi vào dịp nghỉ hè, thì nay, đôi khi chỉ mươi ngày, một tuần, họ đã có thể gặp nhau. Và mỗi lần gặp cả hai lại đắm đuối bên nhau. Sau những nụ hôn cháy bỏng, ngọt ngào là những lời bàn định cho tương lai. Cường và Mai Lan cũng chính thức thưa chuyện với gia đình để bố mẹ hai bên làm lễ bỏ trầu cho hai đứa. Thấy các con yêu nhau đã lâu, nay cả hai đã ổn định công tác, hai gia đình bằng lòng tính đến tổ chức lễ thành hôn trong dịp mùa thu tới. Từ ngày ăn hỏi đến ngày cưới cũng ngót nghét hai tháng nữa. Đó là quãng thời gian đủ để cho đôi trai gái bàn bạc, chuẩn bị sắm sửa những gì cần thiết cho ngày vui của mình.
Sương càng lúc càng nặng hạt, khiến cho không khí về khuya có vẻ lành lạnh. Mai Lan ngả đầu vào ngực Cường như muốn tìm hơi ấm từ cơ thể anh.
– Khuya rồi, chúng mình về thôi anh! – Mai Lan thì thào.
– Không, anh muốn ngồi với em một lúc nữa!
Cường nói và lần tay vào ngực Mai Lan. Bàn tay tham lam của Cường mải miết trên bầu ngực cô. Rồi như không kìm nén được tình cảm, Cường cúi xuống áp cả khuôn mặt mình vào ngực người yêu. Mai Lan cũng không làm chủ được cảm xúc của mình, cô ôm chặt người yêu, Cường muốn đi xa hơn, nhưng Mai Lan cũng kịp ngăn cảm xúc, cô nắm lấy tay Cường, miệng ghé vào tai anh: “Không được! Đừng… đừng anh. Chúng mình phải để dành cho nhau đến ngày cưới. Nào, nghe em, đứng dậy đi về đi anh”. Từ phía làng bỗng rộ lên tiếng gà gáy. Và dưới sông cùng lúc nghe có tiếng dập dìu, lao xao của mái chèo khua nước từ những chiếc thuyền đánh cá. Đêm đã dần sáng.
Tin Mai Lan ốm nặng phải vào cấp cứu ở bệnh viện đến với Cường trong lúc anh đang công tác ở một huyện miền núi. Nói đúng hơn là chỉ sau cái đêm hai người gặp nhau lần vừa rồi chỉ vỏn vẹn có mấy ngày. Nhận được điện, Cường thẫn thờ một lúc như người mất hồn. Anh băn khoăn, lo lắng, tự hỏi, sao mà nhanh vậy, mới ngày nào Mai Lan còn khoẻ mạnh thế cơ mà! Cường đứng ngồi không yên nhưng chưa dám báo cáo với chỉ huy vì đợt công tác theo lịch trình phải đến chiều tối mai mới kết thúc. Một số công việc chưa hoàn thành, trong đó có cả phần việc của anh. Vả lại, từ đây về dưới ấy rất xa. Phương tiện đi lại, ngoài xe của đơn vị thì khó có thể tìm được một loại phương tiện nào khác để đi vào lúc này. Thế là đành phải đợi đến năm giờ chiều ngày hôm sau, khi công việc hoàn tất, anh mới báo cáo chỉ huy và cùng trở về thành phố. Mấy tiếng ngồi trên xe, ruột gan Cường như có lửa đốt. Anh chỉ mong mình có phép thần để đến được với Mai Lan ngay lúc này. Chắc giờ này Mai Lan cũng đang mong ngóng anh từng phút, từng giây. Ô tô về đến đơn vị thì trời đã chập choạng tối, chẳng kịp nghỉ, Cường đã nháo nhào chạy ra nhà để xe, dắt chiếc xe máy 78, chiếc xe cũ mà Mai Lan đã dành dụm tiền cả mấy tháng lương ít ỏi của mình để mua cho Cường. “Chắc anh phải đi nhiều, em mua để anh đi công tác, rồi còn có nó để mà thỉnh thoảng về thăm nhà. Em làm trong huyện, đi đâu thì đã có các anh, các chị cùng cơ quan đèo đi, còn không thì xe đạp cũng được”. Cường hiểu tấm lòng của người yêu. Vả lại, anh nghĩ, anh và Mai Lan đã như người một nhà, của ai thì cũng coi như là của chung, nên anh không nỡ từ chối. Nhưng Cường vẫn nghĩ mà thương Lan, chưa gì đã giành phần thiệt thòi về mình.
– Tại sao anh khóc?
– Tại vì anh thương em! Anh thương em nhiều lắm Mai Lan ạ!
Mai Lan nở một nụ cười yếu ớt trên đôi môi khô ráp:
– Rồi em sẽ khoẻ, sẽ lại đi làm. Ốm đau, bệnh tật chỉ là tạm thời thôi mà anh…
Nghe người yêu nói thế Cường lại càng thấy đau đớn, anh không kìm chế được cảm xúc, nước mắt Cường lại trào ra.
Bệnh tình của Mai Lan ngày một tiến triển theo chiều hướng xấu. Các bác sĩ đã làm tất cả những gì có thể làm được đối với bệnh nhân nhưng xem ra kết quả chẳng được là bao. Thời gian đầu khi Mai Lan mới nhập viện, Cường vẫn ngày hai lượt đến với người yêu. Nhiều bữa anh chẳng kịp ăn uống gì mà có ăn thì cũng không sao nuốt nổi. Ngày ngày, anh chỉ mong thời gian trôi qua thật nhanh để cuối giờ anh đến với Mai Lan. Sau rồi ban chỉ huy đơn vị thấy anh đi lại quá vất vả, nên quyết định cho anh nghỉ phép để anh có điều kiện chăm sóc cho vợ chưa cưới. Thế là anh đến bệnh viện ở hẳn cùng Mai Lan. Kể từ ngày yêu nhau, đây là quãng thời gian Cường và Mai Lan luôn ở cạnh nhau. Nghĩ mà buồn, mà thương, khi cả hai còn khoẻ mạnh thì phải học tập, công tác, phải cách xa nhau, nay, một trong hai người sự sống đang phải lắt lay như ngọn đèn trước gió, họ mới được ở cạnh nhau. Cường không một phút rời xa Mai Lan, anh chăm sóc cho người yêu từng ly từng tý như quên cả bản thân mình. Còn Mai Lan, sau một thời gian nằm viện, thấy bệnh tình không hề thuyên giảm, nhất là nhìn vẻ mặt mỗi người, từ bố mẹ, anh chị em, đến các cô dì, chú bác, rồi cả Cường nữa, thấy ai cũng rầu rĩ như đang cố nén một điều gì đó, Mai Lan cũng phần nào đoán định được bệnh tình của mình nhưng không dám hỏi ai. Cô đoán mình đang mang một căn bệnh nan y gì đó! Có điều cô không biết đó là bệnh gì và nguy hiểm đến đâu. Và khi cô biết mình bị bệnh máu trắng, một căn bệnh mà cho đến nay không thầy, không thuốc nào có thể chữa được thì Mai Lan chỉ còn biết ôm mặt khóc và trách Cường: “Mọi người giấu em đã đành. Còn anh, tại sao anh lại nỡ giấu em? Có phải anh lo em không chịu đựng nổi phải không?”. Nói rồi Mai Lan khóc nức nở và ngủ thiếp đi. Lúc tỉnh dậy, Mai Lan không khóc nữa. Sau hôm đó và những ngày sau Cường không hề thấy Mai Lan khóc một lần nào nữa. Với một vẻ mặt thản nhiên, gần như dửng dưng, gần như chưa từng có chuyện gì xảy ra với mình, chiều chiều, từ gác hai của phòng bệnh, Mai Lan bảo Cường cùng đến bên cửa sổ và cùng ngồi lại nhìn ra bên ngoài. Ở đó, ngay trước mặt hai người là cánh đồng lúa. Xa ra nữa là dòng sông, là xóm làng ẩn hiện sau những luỹ tre. Rồi những con đường, những hàng cây, những bóng người thấp thoáng. Và tít tắp kia mới là chân trời mờ xanh. Như một thói quen, một sự động viên, dẫu biết rằng mọi sự động viên đối với Mai Lan lúc này đều trở nên vô nghĩa, nhưng ngày nào Cường và Mai Lan cũng ngồi với nhau bên cửa sổ nhìn ra xa như thế.
Một buổi chiều, bên cửa sổ, Mai Lan đã hỏi Cường:
– Liệu em có sống được không? Và nếu sống được sẽ kéo dài bao lâu hả anh?
Cường đã trả lời Mai Lan rất tự tin, rằng anh vẫn hy vọng Mai Lan sẽ lành bệnh, sẽ khỏe mạnh trở lại như ngày nào. Rằng nhất định anh sẽ đưa Mai Lan đến những bệnh viện lớn nhất, tốt nhất để chữa trị cho cô. Nói vậy nhưng thâm tâm Cường hoàn toàn không tin vào những gì anh nói. Anh biết rất rõ những điều anh nói với Mai Lan chỉ là lời nói dối, chỉ là động viên. Một người thông minh như Mai Lan chắc cũng hiểu điều đó. Nhưng nếu đến được những bệnh viện lớn, ở đấy có đầy đủ các phương tiện điều trị hiện đại, có các giáo sư, bác sĩ giỏi, có nhiều loại thuốc tốt, anh tin bệnh tình của Mai Lan dù không có hy vọng chữa khỏi, nhưng sẽ có cơ may tiến triển chậm lại, sự sống của Mai Lan sẽ được kéo dài hơn. Nhiều người khuyên anh, kể cả các bác sĩ cũng góp ý với anh như vậy.
Trước đây, khi Mai Lan còn khoẻ mạnh, mỗi lần gặp nhau là Cường và Mai Lan lại say sưa nói về tình yêu, bàn định đến ngày cưới. Và họ đã chờ đợi ngày cưới của họ bằng cả tấm lòng ngóng trông khắc khoải. Hơn một tháng qua, kể từ ngày Mai Lan vào viện thì cả hai dường như không một ai nhắc tới chuyện cưới xin, cuộc sống vợ chồng sau này. Bây giờ được ở cạnh nhau, chăm sóc cho nhau trong cùng một nhà như đôi vợ chồng mới cưới, tình yêu ấy bỗng sống lại trong lòng mỗi người. Nhưng họ cũng chỉ nhắc tới mọi chuyện một cách dè dặt và tránh không đả động gì đến ngày cưới. Cả hai gần như quên hẳn chuyện cưới xin. Họ không nhớ, mà cũng không muốn nhớ đến ngày cưới để làm gì. Nhớ đến e chỉ thêm sầu thêm khổ mà thôi. Nhưng rồi có một lần, trong lúc Mai Lan đang nằm và Cường đang ngồi cạnh, rất ngẫu nhiên, cả hai cùng một lúc nhìn lên tờ lịch treo trên vách. Hôm đó là ngày mười tám tháng tám âm lịch. Thế là cả hai nhìn nhau và cùng nhớ tới ngày ấy. Đó là ngày hai mươi tám tháng tám, ngày mà cách đây gần hai tháng trước gia đình Cường và Mai Lan đã chọn làm ngày tổ chức lễ thành hôn cho hai người. “Vậy là không bao giờ em còn được làm vợ anh nữa rồi!”. Mai Lan nói rồi quay mặt đi không nhìn vào tờ lịch nữa. Cường thấy đôi vai gầy của Lan run lên khe khẽ. Anh muốn an ủi người yêu nhưng không biết phải làm gì. Những gì có thể làm được, dù nhỏ thôi để động viên được Mai Lan, Cường đều đã làm tất cả rồi. Giờ đây, anh không thể để cho Mai Lan hết hy vọng. Anh không thể để cho bất cứ một sức mạnh nào chia lìa tình yêu của anh và Mai Lan. Giá có thể thay thế được cho Mai Lan để gánh lấy nỗi đau cùng cực mà cô đang phải chịu đựng anh cũng sẵn sàng. “Mai Lan ơi, chỉ còn đúng mười ngày nữa là đến ngày cưới của chúng mình rồi. Em hãy vui lên đi”. – Vừa lau nước mắt cho Mai Lan, Cường vừa nói.
Mai Lan nhìn Cường, giọng yếu ớt:
– Nhưng mà còn có ý nghĩa gì nữa đâu, nhắc đến chỉ thêm đau lòng thôi anh ạ!
Hai tay Cường nắm chặt tay Mai Lan, tiếng anh trở nên tha thiết, khẩn khoản:
– Không! Anh vẫn cưới em. Anh sẽ đăng ký kết hôn và đúng ngày ấy chúng mình vẫn tổ chức lễ cưới. Tổ chức đơn giản thôi cũng được. Miễn sao chúng mình phải chính thức là vợ chồng của nhau, chung sống bên nhau. Nào, vui lên đi em!
Mắt Mai Lan nhoà lệ:
– Em ốm đau, bệnh tật, có sống được bao lâu nữa đâu mà anh cưới em! Có được anh bên cạnh, chăm sóc, động viên em thế này là em hạnh phúc lắm rồi!
– Không, em sẽ sống, sống trăm tuổi. – Cường nói và nước mắt trào ra: – Anh sẽ xin với bố mẹ hai bên tổ chức lễ cưới cho chúng mình. Chắc bố mẹ và mọi người sẽ mừng lắm! Đến ngày ấy em sẽ trang điểm thật lộng lẫy. Em sẽ mặc áo dài này, thắt nơ này, đeo nhẫn cưới này… Rồi còn có cả phấn, son cho em nữa. Em sẽ là cô dâu đẹp nhất, đẹp như ngày nào em hằng ao ước. Em có đồng ý không?
Trên đôi môi khô héo của Mai Lan bỗng nở một nụ cười lộ ra chiếc răng khểnh xinh xinh bên khoé miệng và cái lúm đồng tiền như vết son bên má. Cường đắm đuối nhìn Mai Lan rồi cúi xuống áp môi mình lên môi người yêu. Từ hôm ấy, sáng nào Cường cũng tự tay bóc lịch.
Mỗi tờ lịch được bóc đi là một ngày trôi qua và một ngày mới đến. Cường có cảm giác như trong mỗi tờ lịch mỏng manh kia là cả một gánh nặng thời gian và chất chứa tất cả mọi nỗi niềm của anh trong đó. Một nửa anh mong thời gian hãy chầm chậm lại và một nửa anh mong thời gian hãy vùn vụt trôi. Và như thể chút sức khoẻ ít ỏi cuối cùng của Mai Lan lại đồng hành tỷ lệ thuận với khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại. Mai Lan ngày một yếu đi, có ngày bệnh tình đột ngột trở nên nguy kịch. Chứng khó thở sau một thời gian tạm lắng nay xuất hiện trở lại. Mai Lan phải gồng người lên để thở mà vẫn không thở được. Mặt mũi cô xám ngoét lại, có lúc tưởng như lịm đi không trở dậy được nữa. Những lúc ấy Cường phải làm hô hấp nhân tạo bằng cách thổi hơi mình vào miệng Mai Lan. Có ngày anh phải làm hô hấp tới mấy lần Mai Lan mới thở được. Những cơn đau khiến cô quằn quại, vật vã. Cường phải đỡ Mai Lan ngồi dậy dựa vào người mình. Anh có thể ngồi như thế với cô cả buổi mà không cần ai thay thế. Đêm đêm, lúc Mai Lan đã thiêm thiếp ngủ, Cường vẫn ngồi bên cạnh đánh đàn cho Mai Lan nghe. Vừa đánh đàn Cường vừa nhìn Mai Lan ngủ. Những lúc ấy Cường lại rơm rớm nước mắt lặng lẽ khóc một mình.
– Em có nghe bố nói gì không? Bố vừa nói về chúng mình đấy. Bố bảo chúng mình đã là vợ chồng của nhau rồi đấy.
Tiếng Mai Lan chỉ còn nghe như gió thoảng:
– Có, em có nghe! Em rất mừng và thấy mình thực sự hạnh phúc.
Có mấy người từ phòng ngoài chạy ùa vào tặng hoa cho cô dâu chú rể. Đó là những người bạn cùng cơ quan của Cường và Mai Lan. Cường đón lấy những bó hoa ôm vào lòng mình và đặt vào lòng Mai Lan. Những bó hoa tươi thắm, thoang thoảng hương thơm như vây lấy đôi vợ chồng trẻ trong ngập tràn cả khổ đau và hạnh phúc. Mai Lan ngửng lên lờ đờ đôi mắt nhìn khắp lượt bạn bè và những người có mặt. Cô cố gượng cười như muốn thay cho một lời cảm ơn và thiếp đi. Lúc tỉnh lại, Mai Lan đột nhiên vươn người lên choàng tay ôm lấy cổ Cường, kéo đầu Cường xuống sát mặt mình, rồi thều thào: – Anh ơi, được thế này… là em mãn nguyện… lắm rồi! Em mệt lắm… em đi đây…
Sau câu đó Mai Lan lịm dần, lịm dần không còn biết gì nữa. Cường có hỏi gì cô cũng chỉ lặng im. “Mai Lan ơi, em đừng chết, đừng bỏ anh mà đi. Em đã hứa với anh là em sẽ mãi mãi làm cô kỹ sư tháng ngày lội ruộng với bà con nông dân, mãi mãi làm một người vợ yêu chồng, một người mẹ thương con cơ mà…”. Cường kêu lên rồi đỡ Mai Lan ngồi dậy dựa vào ngực mình, vòng tay ôm lấy vợ. Anh đã ngồi như thế với Mai Lan cho đến tận lúc vợ anh trút hơi thở cuối cùng. Lúc ấy là mười một giờ khuya. Cường vuốt mắt cho Mai Lan và nức nở khóc. Nước mắt lúc này có thể phần nào giúp anh vơi đi nỗi đau đang vò xé trái tim anh.
… Bóng chiều đã sụp xuống, Cường vẫn ngồi lại một mình bên mộ vợ. Mưa đã dần ngớt nhưng chưa tạnh hẳn.
Gió vẫn gầm rú và những làn nước chênh chếch như những ngọn roi vô hình vẫn đều đặn quất xuống.