Chủ đề: Cuộc chiến đấu dưới chân núi Chứa Chan  (Đọc 10531 lần)

TRỜI VỪA HỬNG, MÂY ĐEN ĐÃ BAO PHỦ

        Thuở ấy, vùng Đồng Nai còn hoang vu, sơ khai, đất đai mầu mỡ, dân cư thưa thớt. Người Kinh, Chăm, Châu Ro, Châu Mạ, STiêng, K’Ho… sống vui vẻ, đoàn kết bên nhau. Cùng nhau đi đặt bẫy, săn bắn, bắt chim, thú ăn thịt… Cùng đi đào bới kiếm củ rừng, hái lượm rau rừng hạt rừng. Men theo các dòng sông, suối kiếm tôm cá, rùa rắn… Tiến lên một bước họ biết gieo hạt, trồng ngô, lúa, khoai, sắn. Kiếm đủ ăn, chẳng ai đe dọa, cướp bóc của ai…

        Cái tên Long Khánh xuất hiện từ đời vua Minh Mạng thứ 18 – năm 1837. Gần 50 năm sau, đời Thiệu Trị, Tự Đức 1851 lập ra tên huyện Long Khánh, rồi quận Chứa Chan. Huyện Long Khánh bị giải tán sát nhập vào phủ Phước Tuy.

        Từ sau ngày thực dân Pháp xâm lược nước ta, như mây đen bao phủ bầu trời, các bản làng tối tăm mặt mũi, bị xua đuổi khỏi các chòi lá, đất rẫy vào tuốt rừng sâu.

        Những tộc người cổ xưa ở vùng đất này đã để lại dấu tích của họ ở Hàng Gòn, Dầu Giây, Suối Chồn… từ 2500 đến 4000 năm trước.

        Người các dân tộc thực sự sống khốn khổ khi bọn người tóc râu ngô, mắt xanh, mũi lõ mang sắt thép đến làm ra con đường xe lửa chạy từ Sài Gòn, qua Mường Mán và các ga Xuân Lộc, Dầu Giây đến Nha Trang. Con đường sắt chạy đến đâu gieo tai họa cho con người đến đấy.

        Khi con đường sắt hoàn thành, nối liền nước ta, thì bọn thực dân tư bản Pháp bắt đầu mộ phu vào, đuổi đồng bào dân tộc ra khỏi các phum, sóc của họ, cướp đất, phá rừng để trồng cây cao su.

        Cây cao su nguyên là một loài cây hoang dại mọc trong rừng men theo hai bờ sông rừng Amazon. Thổ dân người Phi, người Brazin gọi theo tiếng địa phương là “Cây khóc’’ (Caa = cây, Osu = khóc]. Cây này khi bị con người, con thú gây ra một vết xước, sẽ rỉ ra một loại nhựa trắng chảy dọc theo thân rồi từng giọt, từng giọt rơi xuống đất như nước mắt người rơi xuống. Trẻ con châu Phi nhặt những giọt sợi đã khô, vón lại thành cục như quả bóng. Thấy sức nảy bật của nó, trẻ con thích rồi đem đá chơi, giội chơi cho nảy lên xuống. Mấy ai ngờ rằng tư bản Pháp đã thấy nguồn lợi từ mủ cây này, đã đem giống từ Brazin vào trồng thí nghiệm ở Suối Dầu Nha Trang, Bàu ông Yệm và Phú Nhuận [Bến Nghé xưa].

        Sau khi trồng thí nghiệm thành công, tư bản Pháp đã lập công ty SIPH1 năm 1906, đóng trụ sở tại Suối Tre (An Lộc) và công ty cao su An Lộc đóng tại Hàng Gòn. Trước đó một năm, Pháp đã thành lập quận Núi Chứa Chan.

        Từ đó hàng chục công ty đồn điền của tư bản Pháp mọc khắp nơi trên vùng đất đỏ, đất xám miền Đông Nam bộ. Hàng chục ngàn phu mộ từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ đổ đến; con đường sắt đưa những nông dân nghèo khổ bị mộ phu đổ xuống các cánh rừng miền Đông. Từ đó, họ sống kiếp trâu ngựa dưới roi vọt, đói khát, rách rưới, khổ nhục và đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Trời vô tư vẫn mưa, vẫn nắng, nhưng với họ, kiếp cu li, phu phen thì lúc nào trong lòng, trên mắt cũng chỉ có một bầu trời xám xịt, mây đen bao phủ và sự hành hạ của chủ Tây, của tay sai xu, xếp.

        Nỗi cơ cực không bút nào tả xiết. Ăn uống kham khổ, không bao giờ được bữa no, sốt rét, ốm đau liên miên. Thuốc thang chẳng có, chỉ có roi vọt, mũi giày đinh đánh, đá suốt ngày. Bốn giờ sáng đã có mặt ngoài lô, tám giờ tối mới về đến chỗ ngủ. Có người phu nói vè về cuộc đời mình khi sống ở đồn điền:

        Con chẳng biết mặt cha
        Chó không biết mặt chủ nhà…

        Đã thế, suốt ngày nai lưng ra làm việc trong rừng cao su, nhưng nào có được yên thân

        “Sợi tóc chủ chẻ làm đôi.
        Bày trăm thứ tội để lôi ra hành”.

        Dân phu chỉ biết chịu đựng, kêu chẳng thấu trời:

        Cao su khổ lắm trời ơi!
        Vui chẳng dám cười, buồn chẳng dám than
        Xu muốn đánh, Xu càn xu đánh
        Xếp muốn giam, xếp bắt xếp giam
        Người phu thua loại thú cầm
        Chủ Tây hơn cả ác than sói lang…

        Thuở ấy, nếu ai có công ghi lại ca dao, hò vè của dân phu nói về nỗi khổ của mình, thì có thể in được hàng ngàn trang sách. Các nhà báo bấy giờ chỉ viết ra được một ít sự thật: “… Bị hành hạ, bệnh tật, đói khát, phu chết như ngả rạ. Nghĩa địa chồng chất lên nghĩa địa. Chỉ riêng một đồn điền An Lộc, gần thị trấn Long Khánh mỗi ngày chết sáu, bảy người, chôn không kịp, không áo quan, chỉ bó bằng mấy thanh tre, chất lên xe bò chở ra nghĩa địa số 97 ở Núi Đỏ mà vùi thây xuống lòng đất, một tháng sau kiến mối ăn hết thịt người, đùn lên những ụ đất lô nhô đẫy rừng, ụ mối là những tâm bia báo hiệu dưới lòng đất là mộ huyệt người dân phu…”

        Sau này, nhà thơ Tố Hữu đã viết mấy cầu về sự kiện cu li đồn điền:

        “Cha chạy ra Hòn Gai cuốc mỏ
        Anh tìm vào Đất Đỏ làm phu
        Bán thân đổi mây đồng xu
        Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng…”

——————-
        1. S.l.P.H = chữ Pháp viễt tắt Societé Indochinoise de plantations d’ Hévéas (Công ty đồn điền cao su Đông Dưong).

        Khốn khổ, nghèo đói, bị đàn áp đến mức không còn chịu đựng được nữa, công nhân trong các đòn điền của tư bản Pháp nổi dậy đấu tranh đòi đuổi cổ bọn chủ gian ác ra khỏi đồn điền, cút về nước.

        Những trận đấu tranh bị đàn áp đẫm máu diễn ra tại đồn điền Phú Riềng. Nhưng phu phen vẫn xông tới trước súng đạn, lưỡi lê của quân thù, hết đợt này đến đợt khác, từ Phú Riềng loang dần ra các vùng khác khắp miền Đông Nam Bộ. Ở vùng Long Khánh, các đồn điền ông Quế, Cẩm Mỹ, Bình Lộc, Cẩm Tiêm, An Lộc… cũng nổi dậy đòi bọn chủ Tây gian ác và bọn xu xếp phải đền tội.

        Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời. Các tầng lớp công nhân, trí thức, nông dân Đông Nam Bộ theo đảng làm cách mạng. Huyện ủy Cao Su được thành lập lãnh đạo công nhân Xuân Lộc – Long Khánh cướp chính quyền vào ngày 19 tháng 8 năm 1945. Giặc Nhật giặc Tây cút về nước.

        Trời vừa hửng sáng, công nhân cao su, nông dân và các tầng lớp khác, người Kinh cũng như đồng bào các dân tộc ở Xuân Lộc – Long Khánh vừa thoát ách một trăm năm nô lệ, sống trong cảnh độc lập tự do của đất nước vừa được 34 ngày thì giặc Pháp nấp bóng đồng minh Anh, Ấn quay trở lại cướp nước ta.

        Chẳng bao lâu sau ngày 23 tháng 9 năm 1945, giặc Pháp đánh chiếm Đồng Nai, Xuân Lộc, Long Khánh. Đồn bốt giặc đóng khắp nơi trên trục đường số 1 và số 20 từ Sài Gòn, Biên Hòa, Long Khánh, Đà Lạt.
   
        Các chủ đồn điền quay trở lại các vườn cây cao su với sức mạnh binh lính súng đạn của quân viễn chinh Pháp. Chúng tàn ác hơn xưa. Cây cao su lại về với cái tên Cây khóc, và người thì trào máu dưới roi vọt kềm kẹp và họng súng. Mây đen lại bao phủ bầu trời.

        Không thể ngồi yên chịu nhục nô lệ như những năm xưa, thanh niên Long Khánh, Xuân Lộc trốn ra vùng giải phóng gia nhập quân đội, du kích tự vệ. Công nhân cao su đã lập thành các đơn vị chiến đấu, trừng trị xếp, xu, chủ Tây gian ác. Buộc chúng phải chấp hành luật lệ của Cách mạng, phải giữ đúng luật công đoàn, không được đánh đập, cúp phạt, phải đóng thuế cho cách mạng nuôi quân.

        Quân dân Đông Nam Bộ cũng như ở Xuân Lộc -Long Khánh đã đánh nhiều trận khiến giặc hoang mang lo sợ. Trận đánh giao thông từ Định Quán – La Ngà trên đường 20 đã diệt ngót ngàn tên vừa chết, vừa bị thương, bắt sống hai trăm tù binh, đốt cháy hàng trăm phương tiện quân sự, bắn rơi máy bay… Trong những tên bị giết, có đại tá Đơxarinhê (De Saringé) chỉ huy Lữ đoàn Lê dương số 13; đại tá Paruýt (Paruist) Phó tham mưu trưởng thứ nhất quân Pháp ở Nam Đông Dương… Rồi sau đó, địch cay cú cho quân tiến công chiến khu Đ, lại thất bại thảm hại đến nỗi tên đại tá Talét (Talles) chỉ huy quân khu Đồng Nai Thượng phải tự sát.

        Suốt chín năm dài đánh Pháp, công nhân các đồn điền cao su cũng như quân và dân Xuân Lộc, Long Khánh đã chịu bao nhiêu khổ cực, gian nan, hy sinh và mất mát nhưng vẫn kiên cường bám trụ trên mảnh đất quê hương, cùng quân dân cả nước đánh cho giặc Pháp phải co cụm lại. Trận đại bại của tập đoàn quân Pháp ở cứ điểm Điện Biên Phủ đã dẫn đến sự thất bại hoàn toàn của quân viễn chinh Pháp trên bán đảo Đông Dương buộc chúng và bọn can thiệp Mỹ phải ký kết hiệp định Giơnevơ, đưa lại hòa bình ở Việt Nam, Campuchia và Lào…

        Nhân dân Đồng Nai, Long Khánh, Xuân Lộc được hưởng hòa bình. Trời lại vừa được hửng sáng, nhưng ngay sau đó mây đen lại kéo đến bao phủ bầu trời. Mỹ hất cẳng Pháp, một Cụ Thượng triều đình Huế xưa, nay được Mỹ nuôi dưỡng, đưa trở về muổn lập lại “ngôi vua”, mang danh Thủ tướng Ngô Đình Diệm.

        Với vàng bạc, đô la, súng đạn Mỹ, Diệm lập ra bộ máy tay sai Mỹ, kềm kẹp đàn áp nhân dân miền Nam vô cùng man rợ và khốc liệt.

        Lợi dụng hiệp định Giơnevơ về tập kết quân đội và nhân dân hai miền Nam Bắc, chúng lừa phỉnh giáo dân ở miên Bắc rằng “Chúa đã vào Nam” để dụ dỗ, lôi kéo hàng chục vạn người theo đạo Thiên Chúa vào Nam. Chúng tập trung đồng bào di cư vào lập ấp sinh sống ven các con đường chiến lược, các căn cứ quân sự ở Tây Nguyên, vùng ven Sài Gòn. Để bảo vệ tam giác chiến lược Sài Gòn, Biên Hòa, Đồng Nai và các trục đường giao thông quan trọng số 1,15, 20 đi từ Sài Gòn, Biên Hòa, Đà Lạt, Bà Rịa – Vũng Tàu. Trước mắt, chúng dùng đồng bào và giáo dân ở Hố Nai, Long Khánh, Xuân Lộc, Gia Kiệm, Định Quán… làm lá chắn bảo vệ vành đai bên ngoài cho ngụy quyền Sài Gòn, cho các căn cứ quân sự của chúng. Sau đó chúng dùng số dân này để gom phiếu bầu cho Diệm, nếu chúng không phá được việc bầu cử thống nhất đất nước theo Hiệp định Giơnevơ quy định.

        Một trăm năm nô lệ, chín năm kháng chiến nhân dân ta đã bị giết chóc, tàn sát, giam cầm, tù tội nhưng chưa lúc nào ác liệt và tàn khốc bằng lúc chế độ họ Ngô cầm quyền. Máu đã chảy thành sông, xương đã chồng chất thành núi. Vậy mà Mỹ chưa hài lòng. Chúng thấy Diệm bất lực và khó bảo, lập tức cho tay chân khử Diệm-Nhu để thay con ngựa khác. Những con ngựa chứng lên thay Diệm còn tàn ác hơn, tham lam hơn, đểu cáng hơn… Chúng vừa đàn áp nhân dân vừa đấu đá lẫn nhau để tranh chức quyền, giành tiền bạc của Mỹ đổ vào.

        Diệm đổ, mưu đồ của Mỹ không thay đổi: xảo quyệt hơn, tinh vi hơn, lừa bịp hơn, tàn bạo và hiểm ác hơn. Những con bài bình định nông thôn, ấp chiến lược, chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ… và đủ thứ mưu ma chước quỷ áp dụng trên toàn chiến trường miền Nam, gây ra biết bao tội ác với nhân dân ta.

        Một cái thị trấn Xuân Lộc – Long Khánh nhỏ bé chỉ 9.000 dân mà quân Mỹ và ngụy đóng trong nội ô và vùng ven đến cả chục sư đoàn, trung đoàn. Quân ngụy có Sư đoàn 10, Sư đoàn 18, ba tiểu đoàn bảo an, 1 đại đội thám sát tiểu khu: Bình Lộc, Suối Chồn, Bảo Vinh A, Bảo Vinh B, Bảo Hòa, Bảo Định. Mỗi ấp còn có một trung đội dân vệ. Chư hầu Mỹ có mặt ở đây: Thái Lan, Hàn Quốc, Phi Luật Tân, Úc đóng ở Núi Đất nhưng vẫn càn quét đến vùng ven Long Khánh. Lực lượng Mỹ có Lữ đoàn “Anh cả đỏ”, Lữ đoàn 99 kỵ binh bay đóng ở vòng ngoài; Trung đoàn thiết giáp 11 đóng ở Suối Râm. Trung đoàn pháo 105 đóng ở đồn Hoàng Diệu, Trung đoàn pháo 155 đóng ở Tòa Hành chánh – trận địa 81. Rồi còn Thiết đoàn 5 thiết giáp – một đại đội B.R.U biệt kích mũ nồi xanh. Còn có một trung đội thám sát chi khu Xuân Lộc… Ban chỉ huy vùng 3 chiến thuật cũng đóng ở đây. Dân vùng Long Khánh nói: “Lính đông hơn cả dân. Hai thằng lính kềm kẹp một người dân, thì dân chỉ có chết”. Nhưng lính tráng cả Mỹ, cả ngụy súng ống xe tăng, đại bác máy bay hùng hổ thế nhưng không nguy hiểm bằng những tổ chức đảng phái phản động, giáo phái kỳ cục. Các đảng phái để lại từ thời Phòng nhì tình báo (2“burreau) giặc Pháp lập và sau Hiệp định Giơnevơ, có các đảng Đại Việt, Quốc dân Đảng, Cấp Tiến, Liên minh dân chủ xã hội… Đạo giáo có bọn đội lốt Phật giáo, cha cố phản động và dân Thiên Chúa giáo bị Diệm cưỡng ép dụ dỗ di cư vào rất đông ở vùng này do bị lừa phỉnh đã mù quáng chống Cộng quyết liệt. Trong nội ô Long Khánh, ngoài lực lượng quân sự của Mỹ, ngụy có các sư đoàn, lữ đoàn và bảo an, dân vệ, cảnh sát đặc biệt, cảnh sát dã chiến, thám sát Báo đen, biệt kích Bờru (B.R.U). Nguy hiểm nhất là bọn tình báo do C1A Mỹ lập ra, cùng với bọn chỉ điểm, gián điệp, Phượng Hoàng… chui vào nội bộ ta bắt tay cùng bọn đầu hàng chiêu hồi đánh phá ta ngấm ngầm. Chúng đã dẫn đường chỉ lối cho giặc phục kích, tập kích chốt chặn các ngả đường; đi lùng sục vùng ven, đóng dã chiến trong rừng… Những hoạt động của bọn chúng đã gây ra cho ta vô vàn khó khăn, cán bộ chiến sĩ, đảng viên ta đổ máu, thương vong không ít.

        Những năm Mỹ đóng quân tại nội ô Long Khánh cũng như vùng ven, Bộ đội trung đoàn 57, Tiểu đoàn 45, Công binh K8 phối hợp với bộ đội Miền đánh Mỹ nhiều trận lớn. Ban chỉ huy tỉnh đội, các ông Tư Lạc, Tám Còn, Tư Hà vẫn băn khoăn suy nghĩ trong lòng: “Vì sao có những trận ta giữ bí mật chặt chẽ, nhưng Mỹ ngụy vẫn biết và tránh những chỗ ta phục kích. Máy bay chúng lại đánh phá rất trúng những chỗ ta ém quân cũng như kho hậu cần dự trữ của ta?”

        Ông Sáu, trưởng Ban An ninh Long Khánh nhiều lần đặt ra với cấp ủy thị xã: “Bọn chiêu hồi khai báo hay địch cài gián điệp vào nội bộ ta? Các đội biệt động, tự vệ thị xã đã đánh diệt nhiều tên ác ôn, cảnh sát mật và truy lùng những tên đầu hàng cũng như bọn tình báo CIA, Phượng Hoàng sinh sống iàm ăn trong dân. Nhưng sao nhiều hoạt động của ta vẫn bị lộ?”

        Các cơ sở mật của ta ở ấp Bảo Vinh A, ven thị xã báo tin có một cô gái quãng mười lăm, mười sáu tuổi tên Thương, hay mon men đến gặp các cậu Lương, Xuân, Ngọc và Thảnh là những người trong đội bảo vệ cán bộ lãnh đạo của thị xã. Có lần cô gái rủ Thảnh đi chùa Bảo Hưng và lên núi Chứa Chan. Vậy cô bé Thương ấy có phải là mồi của tổ chức tình báo Phượng Hoàng, cố làm quen với tổ bảo vệ cấp ủy, nhằm đánh vào đầu não lãnh đạo của thị xã? Nghe quần chúng cơ sở mật đưa tin như vậy, Sáu an ninh liên hệ đến cô Hồng Nhung thường vào ra rẫy và những tên chiêu hồi đầu hàng như Phan Thanh Hoa, Phạm Sơn đang chí thú làm ăn và tỏ ra phục thiện.

        Một cuộc họp trong khu vực mộ đá ở Hàng Gòn, nơi sát đồn địch để bảo vệ an toàn, Sáu triệu tập các cơ sở mật đã phát hiện những tin tức lạ và đội bảo vệ lãnh đạo để tìm nguyên nhân các sự bại lộ của ta. Cuộc họp này không có Thảnh. Bởi Thảnh là người bị phát hiện là liên lạc với cô gái bên ngoài tổ chức ta. Lương, kể cả Xuân, Ngọc trong nhóm bạn xác định Thảnh và Thương thật sự yêu nhau. Qua các lá thư của Thương gửi cho Thảnh chứng tỏ họ rủ nhau đi chùa và lên núi Chứa Chan là để thề thốt với Trời, Phật, với thần linh, thần Tình yêu và hổ xám Xứa Xan rằng họ sẽ yêu nhau trọn đời và nếu không thực hiện được lời thề, họ có thể chết bên nhau như truyền thuyết nói về đôi lứa đã chết trên núi Chứa Chan.

        Lương báo cáo với ông Sáu rằng anh và Xuân, Ngọc đã bí mật theo dõi những hiện tượng lạ trong rẫy như có người trong nội ô ra thậm thụt với bọn Thanh Hoa, Phạm Sơn, Hồng Nhung… Đáng chú ý là Lương đã phát hiện nhà sư Thích Dã Tống, bỏ chùa đi mất tích ba năm, nay trở về không sống trong chùa mà ra làm con nuôi ông Sáu Báng, ăn ở trong nhà Sáu Báng và ra rẫy canh nương cho Sáu Báng. Dã Tống mở miệng ra là nói giọng cách mạng, gọi những cơ sở mật khác đến liên hệ với ông Sáu Báng bằng đồng chí. Tống tỏ ra chẳng sợ cảnh sát, binh lính ngụy. Giữa ban ngày vẫn mở đài phát thanh Giải phóng ra nghe tin hoạt động của Mặt trận và Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. Hầm bí mật sau nhà Sáu Báng không bao giờ bị cảnh sát xăm khui, nhưng nhà khác thì bị lục soát thường xuyên…

        Những người họp mặt trong mộ vẫn còn nêu nhiều dấu hiệu hoạt động chìm của tình báo Mỹ ngụy. Sáu kết thúc tình hình ta, địch và căn dặn từ nay phải bí mật, cảnh giác cao hơn nữa rồi giải tán. Mọi người lần lượt ra khỏi khu mộ đá, nhìn trước, trông sau, lần mò đi trong đêm mỗi người về một hướng khác nhau.

        Lương trở về rẫy của mình thì gặp Thảnh và Thương đang ngồi tâm sự trên chòi. Thấy vẻ mặt Thảnh buồn vì không được cùng Lương đi họp, Lương an ủi: “Bọn mình sắp xa nhau rồi Thảnh ơi! ông Sáu nói sẽ cho Thảnh qua Đội Biệt động, đánh địch công khai. Còn bọn Xuân, Ngọc, Lương sẽ rút vào bí mật.”

        Thương nói: “Vậy thì anh Lương xin chú Sáu cho em qua Đội Biệt động cùng đánh giặc với anh Thảnh.”

        – Không được đâu em ơi! Chú Sáu phụ trách Ban An ninh Long Khánh. Còn việc bên biệt động phải gặp chú Tư Lạc tỉnh đội. Thôi, anh về đây không thì thằng Xuân, thằng Ngọc nó chờ, suốt đêm không ngủ.

        Lương đi rồi, Thương nói: “Anh Thảnh cũng ngủ đi. Được nghỉ phép một đêm về thay anh Phong canh rẫy, bị em qua quậy không ngủ được, có giận em không?”

        – Làm sao mà giận em được? Thảnh nói – Trăng còn sáng, còn đẹp thế này, ờ lại canh nương với anh.

        Thương lại ngồi xuống bên Thảnh, cô nói: “Trăng sáng đẹp thật. Nhưng đẹp mà buồn, mà kỳ kỳ. Nhìn trăng, em thấy có cái gì dồn lên ngực em tức tức. Em có linh tính như sắp xa anh…”

        – Không sao đâu em. Ở đâu thì mình cũng chiến đấu, làm rẫy cạnh nhau. Thảnh lục trong bòng, lôi ra một cái xắc nhỏ, âu yếm trao cho Thương cái lược i nốc làm bằng mảnh máy bay bị bắn rơi trong trận đầu đánh Mỹ ở Xuân Lộc. Thương cảm động hỏi: “Ai làm tặng anh?” “Thì anh làm chứ ai. Anh mượn đồ nghề của bác Bảy thợ điện, đục đục mài mài, cắt mãi mới thành cái lược hình chiếc máy bay F4. Nhớ lúc bọn mình lên núi Chứa Chan, bị máy bay trinh sát rượt, rồi phản lực F4 đến ném bom. Tưởng hắn “bom” mình. Ai ngờ chúng đánh vào mấy chị em tiếp lương thực ra cứ.”

        Thương cũng móc túi lấy ra một mẩu vải gấp tư, thơm thơm mùi hoa lài – loại hoa mà Thương rất thích, thường hái nó để cài lên mái tóc. Thương mở tấm vải ra. Đó là chiếc khăn thêu một cành hoa hồng đỏ thắm, có hai con chim bồ câu bay quấn quýt bên nhau. Dưới mỏ đôi chim tha quả tim. Trong quả tim là hai chữ TT đỏ lồng vào nhau.

        Thảnh cầm chiếc khăn Thương trao, áp lên mũi, kêu: “Thơm quá! Em mua khăn ở đâu?”

        “Hỏi kỳ quá!” Thương nguýt một cái, đôi mắt dưới hai đường mày cong “sắc như dao” nói:

        “Em thêu khăn để tặng người em yêu. Đi mua ngoài chợ thì còn ý nghĩa gì?”

        “Em giỏi quá.” – Thảnh lại trêu – “Nhưng T.T là chữ gì?”

        “Đừng có giả bộ.” – Thương lại nguýt một cái nữa, cùng với đôi đường mày sắc như dao cau.

        – Thôi thôi – Thảnh kêu lên – Có rửa thì rửa chân tay. Đừng rửa lông mày mà chết cá ao anh… Coi đuôi mắt, đường mày của em kìa!

        – Xì! – Thương đấm vào lưng Thảnh – Ao hồ đâu đây mà ví von. Bọn con gái Long Khánh nó trêu em chán rồi. Bây giờ lại đến miệng anh.

        – Miệng anh chỉ để hôn em. – Thảnh vội ôm Thương vào lòng, âu yếm hôn lên đôi môi mọng đỏ, rồi hỏi:

        – Chúng nó trêu làm sao?

        – Chúng nó ca cải lương – Thương nhắc lại lời ca: “Em ơi! Anh khuyên em đừng đi tắm sông tắm biển, đừng cho mấy con cá lòng tong nó rìa đứt mây cái sợi lông… mày…”

        – Xoi mói đến bộ lông… mày của em, thì em phớt lờ mà hát bài “Lên ngàn”. Giờ em hát cho Thảnh nghe đây.

        Rồi Thương hồn nhiên cất giọng khe khẽ, như chỉ để riêng cho Thảnh nghe:

Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh
Nghe tiếng hát ai vang động cây rừng…

        Thảnh cười:

        – Lộn rồi em ơi! Đó là bài “Cô gái mở đường”.

        – Ừ hè? Lộn lộn…

        Thương cười ngặt nghẽo rồi sà vào lòng Thảnh.

        Hôn Thương rồi Thảnh nói:

        – Khuya rồi. Anh đưa em về. Mai em còn giúp ba đi bẻ bắp nữa mà!

        – Thôi. Để em về một mình, giặc em không sợ, thì sợ gì ma!

        – Anh biết rồi. – Thảnh cười – Ừ. Anh biết rồi. Tây, Mỹ, thám báo, biệt kích, ma quỷ em không sợ. Chỉ sợ con đom đóm thôi. Phải không?

     

ĐỘI QUÂN MA XUẤT HIỆN

        Trận tổng tấn công nổi dậy toàn miền Nam Việt Nam trong tết Mậu Thân làm cho các sào huyệt giặc từ Sài Gòn đến nông thôn hoang mang run sợ. Nhà Trắng hốt hoảng họp bàn tìm cách trả đũa. Có nghị sĩ phái diều hâu còn đưa bom nguyên tử ra đe dọa Việt Nam.

        Trên chiến trường lúc này, Mỹ ngụy phản kích ác liệt. Máy bay B52 và các loại máy bay khác tăng cường ném bom bắn phá suốt ngày đêm.

        Ở địa bàn Xuân Lộc, Long Khánh, quân và dân ta chịu đựng sự phục thù trả đũa của Mỹ ngụy dã man, tàn bạo chưa từng thấy trong lịch sử cuộc chiến tranh này. Chúng huy động tối đa mọi lực lượng, bổ sung ngay những phương tiện quân sự, máy bay, xe tăng, đại bác và quân lính đã bị phá hủy, tiêu diệt trong Tết Mậu Thân. Đi theo các đội quân càn quét, vây ráp, truy lùng là bọn cảnh sát, thám báo, tình báo CIA, Phượng Hoàng, biệt kích mũ nồi xanh; bọn phản động giáo phái, bọn hiệp sĩ Báo đen, bảo an, dân vệ… lùng sục vào các nương rẫy, đi xoi hầm hào bí mật, lập lại các liên gia chống Cộng, buộc treo đèn trước mỗi cửa nhà, lập lại dân số như thời Diệm-Nhu… Những cuộc bắt bớ tra tấn, cùm kẹp, giam cầm xảy ra khắp nơi trong tỉnh, trong huyện và thị xã Long Khánh.

        Những gia đình cơ sở tham gia vào cuộc tấn công Tết Mậu Thân đã bị lộ mặt, lập tức bị bắt hoặc bị truy sát. Xác chết cán bộ bám trụ và người dân vô tội nằm rải rác khắp các đoạn đường số 1, lộ 20, lộ 2, lộ 15 và ven sông, ven suối, trên rẫy, giữa đồng, trong các cánh rừng cao su…

        Hễ ngớt tiếng máy bay, tiếng đại bác là chim ăn thịt người, diều hâu, quạ, bay lượn đen ngòm trên bầu trời ròi sà xuống rỉa xác người chết chưa chôn hết. Đêm đêm, các bầy sói đi lùng ăn xác chết tru hú lên từng hồi dài nghe sởn tóc gáy…

        Nhân lúc này, bọn ác ôn, gián điệp chỉ điểm; bọn tình báo ăn lương của CIA ngóc đầu dậy, kéo nhau đi rình mò, theo dõi động tĩnh của các cơ sở cách mạng còn sót lại trong thị xã. Nhiều người bị bắt, bị giết, bị tra tấn. Các nhà giam, trại tù ở Biên Hòa, Long Khánh, Xuân Lộc, Sông Ray chật kín người bị bắt. Những cái chết bí hiểm do bọn ác ôn, tề điệp, C1A, Phượng Hoàng, chiêu hồi trả thù, xảy ra khắp nơi.

        Các cơ sở chưa bị lộ vội vàng di chuyển chỗ ở, đào lại hầm bí mật khôn ngoan tinh vi hơn: làm hầm hai vách, nhiều ống thông hơi và nhiều đường thoát hơn. Khi giặc đến gõ trên hầm, không nghe tiếng bồm bộp. Thọc cây xăm sắt nhọn, vẫn không phát hiện được hầm bí mật.

        Ông Sáu Tuệ – Trưởng ban An ninh Long Khánh mà dân quen gọi là Sáu an ninh vẫn bám trụ tại hầm nhà bác Bảy Huân. Con gái của bác: cô Năm Hồ, đảng viên bí mật chưa bị lộ, vẫn bám nội ô, là người trực tiếp chuyển đạt những chỉ đạo của cấp ủy và Ban An ninh từ trong nội ô ra ngoài căn cứ và ngược lại.

        Hồ đã chuyển cho ông Sáu một bức mật thư của Ban An ninh Miền1 gửi tới đã được mã hóa. Nội dung như sau:

        …”Địch phản kích dữ dội. Những lực lượng tự vệ, biệt động hoạt động công khai đã bị lộ. Bọn gián điệp, CIA, Phượng Hoàng, thám sát, biệt kích địch đang phục hồi lại tai mắt của chúng, đánh phá ta rất tinh vi, xảo quyệt.

        Để chặn đứng âm mưu của chúng, bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ nhân dân chính quyền và cấp ủy Đảng, đồng thời tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang ta hoạt động kết quả, An ninh Miền đề nghị An ninh Long Khánh thành lập đội quân bí mật, tuyệt mật để đối phó và tìm diệt bọn ác ôn, tề điệp trong các xóm ấp, các căn cứ của ta, nội ô và vùng ven Long Khánh, Xuân Lộc. Tên gọi và phiên hiệu mới của đơn vị này có thể tạm gọi là “Đội trinh sát vũ trang Long Khánh”.

        Tất cả chỉ huy và đội viên đều mang bí số, hoạt động đơn tuyến. Khi chiến đấu có thể sử dụng đến cấp tổ từ hai đến ba người. Vũ khí trang bị và hậu cần nuôi quân Ban An ninh Miền đã thống nhất với Tỉnh ủy. Trước mắt huyện ủy Xuân Lộc và cấp ủy Long Khánh sẽ tạm thời trang bị vũ khí sẵn có tại chỗ và lương thực để hoạt động. Thực hiện chỉ thị này đến đâu và gặp khó khăn gì, cần báo ngay lên Ban An ninh Miền để tiếp nhận sự chỉ đạo của cấp trên. TM. Ban AN Miền ký: Tám Hải”

        Đọc xong thư của Ban An ninh Miền, Sáu Tuệ nằm suy nghĩ: Anh đã điểm mặt, nghĩ đến tiêu chuẩn chọn lựa những con người để đưa vào đội quân bí mật này: Khỏe mạnh, mưu lược, dũng cảm, trung thực, ít lời, linh hoạt, có trình độ văn hóa càng tốt; hiểu biết quân sự, vũ khí và kỹ năng chiến đấu. Phải chọn trong số đảng viên và đoàn viên ưu tú đưa vào đội. Quân số ít nhưng chất lượng cao, tinh nhuệ và sẵn sàng lao vào khó khăn nguy hiểm, không sợ hy sinh gian khổ. Có lẽ những người đầu tiên sẽ chọn là Nguyễn Trung Lương, Năm Hồ, Lê Thị Hồng, Nguyễn Thanh Xuân, Nguyễn Văn Ngọc…

        Sáu Tuệ nhớ lại thời chống Pháp đã có đội quân của Công an Nam Bộ mang tên là Đội Ám sát. Đội này đã tiêu diệt những tên tay chân của Đơgiem buyarô (Phòng nhì tình báo Pháp) bằng nhiều cách “xuất quỷ nhập thần” giết kẻ thù ngay giữa Sài Gòn, dán bản cáo trạng tử hình lên xác giặc rồi biến mất. Giặc đã tổ chức ra các lực lượng đối phó, nhưng chưa bao giờ bắt được các chiến sĩ trong đội ám sát này. Chúng đã kinh hồn, khiếp vía gọi các chiến sĩ công an này là “Đội quân ma”. Có một bài hát cũng mang tên Đội quân ma: Đoàn ta toán quân ma, âm thầm trong đêm tối tìm giết giặc Pháp… mà thời đó, thanh niên Sài Gòn, Hà Nội, Huế vẫn hát.

——————–
        1. Cơ quan Công an của Trung ương Cục.

        Sau nhiều lần Sáu Tuệ cùng họp bàn với cấp ủy Long Khánh, ngày 15 tháng 5 năm 1968 Đội Trinh sát vũ trang Long Khánh đã được thành lập. Những người đầu tiên được gọi về đội là Trung Lương và Năm Hồ. Sáu Tuệ biết Lương trong nhóm đoàn viên thanh niên, gồm có Xuân, Thảnh, Ngọc thường tụ tập mỗi khi ra canh rẫy để bàn chuyện cách mạng của “Việt Cộng”. Sáu Tuệ đã nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện, khuyên bảo những đứa con của các gia đình cơ sở mật trong thị xã Long Khánh này. Năm Hồ và Lương đã được kết nạp Đảng lúc hai người là nhân viên bảo vệ cấp ủy. Trước mắt, phân công tạm thời Lương làm đội trưởng, mang bí số là Al. Hồ là đội phó mang bí số A2. Những người gọi về tiếp sau là Hiền (thường gọi là Hiền mặt rô), Thảnh, Xuân, Ngọc, Hồng, Tường, Hai Phùng, Liễn, Hồ Thị Thương… Có những người do các đảng viên mật chọn và các đơn vị tự vệ, biệt động giới thiệu đến, nhằm giữ bí mật danh tánh của họ, nên họ đã được các tổ Đảng, các đơn vị đặt bí số trước và gửi đến như Jl, J2, J3, J4, H5, H6… hoặc các mật danh Kim Hòa, Lệ Mỹ…

        Trong số người về, Sáu Tuệ băn khoăn đắn đo khi chọn lựa là trường hợp của Thảnh và Hiền.

        Thảnh nằm trong nhóm đoàn viên bạn của Trung Lương đã được Sáu Tuệ chăm sóc giáo dục nhiều, quen biết từ lâu. Nhưng Thảnh là người để ý đến Hô Thị Thương từ lúc cô bé mười lăm tuổi, chuyện này ai cũng biết. Liệu sau này đưa Thương vào đội, hai người này cùng ở trong đội có ảnh hưởng gì không. Công tác bí mật và thường là đơn tuyến. Người yêu nhau thì không muốn rời nhau cho dù một bước. Quan hệ yêu đương có thể lộ bí mật và ảnh hưởng đến công tác không? Có lẽ nên chuyển cho Thảnh về bên đội tự vệ biệt động “đánh nổi”, đánh địch công khai, ngược lại sau này nếu đưa Thương vào đội, với công tác chiến đấu của Thương là phải “đánh chìm”. Hai người không thể sống cùng một đơn vị. Chắc là Thảnh và Thương sống xa nhau sẽ buồn, nhưng nhiệm vụ và yêu cầu sắp xếp của tổ chức, hai người ấy cũng sẽ vui lòng mà chấp nhận. Còn Hiền thì sao? Người ta quen gọi anh ta với cái tên chẳng hay ho gì: Hiền mặt rô1, là do Hiền có một thời gian dài làm nghề canh cửa cho các động gái. Hiền đẹp trai, khỏe mạnh, giỏi võ và hung dữ với những tên lính ngụy, những tên giang hồ “đầu trộm đuôi cướp” đến chơi gái rồi quỵt, không trả tiền. Hiền tung chân đá văng chúng vào tường, tống quả đấm vào mặt cho lợi răng, sặc máu mũi. Mỹ đen, Mỹ trắng đến động gái quỵt tiền. Hễ nghe “các em” la lên thằng Mỹ này quỵt tiền, Hiền đứng trước cửa chặn nó lại, bắt trả tiền, không xì ra mấy chục “ông tổng thống Mỹ”2 là bị Hiền cho “ăn” quả đấm như trời giáng vào mặt.

        Mỹ vào động, kể cả sĩ quan ngụy thấy Hiền đứng trước cửa là “ngán”, lo chồng tiền bạc đàng hoàng. Nghe các cô vui vẻ “bai bai”, Hiền mới để yên cho ra cổng.

        Từ khi bỏ nghề mặt rô, Hiền vào Đội Biệt động. Một mình bày mưu đánh một trận. Hiền đã làm giặc khiếp hồn vì tài đánh tiêu diệt bất ngờ của mình. Một hôm Hiền theo dõi thằng trung tá tình báo vào quán nhậu. Biết uống xong thùng bia thế nào thằng chả cũng đi tè, Hiền lẻn vào chờ sẵn trong nhà xí, đứng nép vào cánh cửa, chờ gần một giờ, chịu đựng cho muỗi đốt và mùi hôi thối lộn mửa. Rồi thằng trung tá cũng mò ra đi tè. Một thế chặt bàn tay mạnh vào sau gáy, thằng giặc té sấp xuống bô tiểu, Hiền nện cho nó một báng súng côn đui vào thái dương, chết không kịp ngáp. Hiền đốt điếu thuốc ngậm vênh lên khóe môi nhả khói, đàng hoàng bước ra đường.

        Lúc trong quán chộn rộn, báo động thì Hiền đã lột bộ quần áo rằn ri đút gọn vào túi xách, thong thả rảo bước về lại động gái cũ, í ới cười đùa với “các em”.

        Biết bao thằng tình báo, ác ôn, chỉ điểm chết vì tay Hiền.

        Sáu Tuệ nhớ lại thời Hiền còn sống lang thang tứ cố vô thân, sống bụi đời ăn theo các cô gái làm tiền. Cha mẹ chết sớm, sống với người bác. Bác bị chủ đồn điền cao su đánh dập lá lách, bệnh nặng rồi chết. Hiền căm thù giặc bởi ông bác chết và người yêu Hiền cũng bị Mỹ hiếp, uất quá treo cổ tự tử. Sau cái chết của Ngọc Nga, Hiền như phát điên. Nhiều tên lính Mỹ đi lẻ tìm gái đã bị Hiền thủ tiêu. Hiền diệt Mỹ, diệt ngụy như một trò chơi. Giết rồi chẳng báo cho ai biết. Mãi sau này Đoàn Thanh niên giải phóng Long Khánh mới biết việc làm và hành động của Hiền, gần gũi tâm tình vận động Hiền tham gia vào đội biệt động của thị trấn. Từ khi trở thành người của tổ chức kháng chiến, Hiền mới sống tử tế, nghiêm túc. Nhưng tên tuổi thì người ta quên mất cái họ Hoàng mà chỉ gọi trống không Hiền mặt rô. Sáu Tuệ băn khoăn là cái tên ấy có làm hại gì đến uy tín Đội Trinh sát Long Khánh hay không?

        Các đội viên được tiếp tục điều động từ các nơi về. Nhưng Sáu Tuệ vẫn kiên quyết tiến hành với ý định “có bao nhiêu cũng khẩn trương sắp xếp và hoạt động bấy nhiêu”.

———————-
        1. Phiên âm tiếng Pháp, chỉ người làm bảo kê, dắt gái.

        2. Tiền đô la Mỹ mệnh giá nhỏ một đồng cho đến đồng 2, đồng 5, đồng 10,50,100 đều in hình các Tổng thổng nước Mỹ.

*

*      *

        Một đêm trời tối, len lỏi trong mọi con đường bí mật và những lối tắt, dưới ánh sáng nhập nhoạng của pháo sáng các đồn địch và đèn pha trên các chòi canh cao chiếu qua, chiếu lại, các đội viên lặng lẽ, từng người một tìm đường tập trung ở căn cứ ven ấp Bảo Vinh.

        Sáu Tuệ cử dân quân tự vệ canh gác cảnh giới bốn chung quanh, giới thiệu đại diện cấp ủy, thị đội ròi mời anh Ba Quảng, phó bí thư thường trực của thị ủy nói mấy lời chào mừng sự ra đời của Đội. Tiếp đó, Sáu Tuệ – Trưởng ban An ninh thị xã giao nhiệm vụ. Anh nói:

        – Sau Mậu Thân, địch phản kích quyết liệt, càng hung hăng, ráo riết càn quét, bắt giết cán bộ đảng viên và những cơ sở cách mạng. Nhân dân hoang mang và chờ đợi chúng ta trả lời phải làm sao đây trước thế địch điên cuồng đánh phá chúng ta. Ban An ninh Miền chỉ đạo phải thành lập Đội Trinh sát vũ trang của thị xã Long Khánh.

        Như mọi người đã biết: Long Khánh là ngã ba chiến lược của hai trục đường số 1 và số 20 Sài Gòn – Biên Hòa – Long Khánh – Đà Lạt. Long Khánh là trung tâm huấn luyện các loại tình báo để tung ra đánh phá miền Đông: Long Khánh, Bình Tuy, Bình Dương, Tây Ninh… Đặc ủy tình báo trung ương ngụy do tên Đỗ Tiến Long, cố vấn Mỹ kèm cũng đóng ở Long Khánh.

        Thời gian gần đây bọn gián điệp, biệt kích, thám báo, tình báo CIA, Phượng Hoàng ráo riết hoạt động. Nhiều người lạ mặt xuất hiện trong thị xã, trên nương rẫy, ven căn cứ ta. Đó là những ai? Nguy hiểm nhất là bọn chiêu hòi, đầu hàng như bọn thằng Bào, thằng Sơn công khai hoạt động phản cách mạng. Các đảng phái và tôn giáo phản động cùng với bọn ác ôn, bình định, tề điệp như các tên Năm Kia, Mười Dày, Sáu Mâu… ngóc đầu dậy càng xảo quyệt hung ác hơn trước. Đồng bào ta đang kêu trời, đang đòi hỏi chúng ta phải làm gì để ngăn chặn và tiêu diệt chúng nó.

        Chưa đòi hỏi gì lớn lao, nhiệm vụ trước mắt của Đội là “Bảo đảm an toàn căn cứ và bảo vệ cấp ủy. Bảo vệ cán bộ qua lại trên đường ra vào căn cứ và nội ô thị xã. Tích cực diệt ác, phá kềm, tạo khí thế cho quần chúng nổi dậy đấu tranh, buộc địch phải chùn bước, từ bỏ tội ác, trở về với nhân dân. Chiến đấu theo phương châm “lấy ít thắng nhiều, đánh một rã mười”. Đánh làm rung chuyển, làm nao núng tinh thần địch. Trước mắt phải diệt mấy thằng Phạm Sơn, Phan Thanh Hoa, Đào Tài… Trinh sát điều tra nắm kỹ hoạt động của các tên Phượng Hoàng như Nguyễn Thị Hồng Nhung, thày chùa Thích Dã Tống. Vừa đánh, ta vừa rút kinh nghiệm. Kết hợp ba mũi giáp công. Vừa đánh vừa chú ý công tác binh vận, công tác phát động quần chúng, giữ gìn chính sách của Mặt trận…

        Sáu Tuệ dứt lời, anh chị em có một vài ý kiến đề nghị “khử” ngay tên thầy chùa lửa Thích Dã Tống. Có người nêu ý kiến nên đưa ông Bốn Râu – người dân tộc Châu Ro vào đội.

        Thích Dã Tống người từ đâu đến không ai biết. Hắn xuất hiện trong chùa Vĩnh Khánh ít lâu rồi biến mất. Ba năm sau hắn trở về không vào chùa nữa mà ở nhà Sáu Báng, nhận Sáu Báng làm anh kết nghĩa. Hắn tuyên bố: “Đồng bào ai có gì oan ức, ai bị chính quyền bắt nạt, đụng đến, nói với tôi là yên chuyện ngay”. Nhà Sáu Báng có người tập kết ra Bắc nên bị chính quyền cấp “sổ bìa đen”, Tống hứa sẽ nói với Trường Ty cảnh sát tỉnh xóa sổ bìa đen cho gia đình. Sáu Báng rất tin hắn.

        Ở nhà Sáu Báng, Tống vặn đài giải phóng ra nghe. Mở miệng ra là nói giọng như cán bộ cách mạng. Biến ông Sáu Báng thành cái loa đi tuyên truyền hắn là người tốt, là người cảm tình với cách mạng.

        Sáu Báng có nhà lầu, có bốn mẫu cà phê. Đất của Sáu Báng gần đất các ông lớn như Tổng thống Thiệu, Trần Thiện Khiêm… Sáu Báng lại có các cô con gái đẹp. Hắn bày mưu đưa Sáu Báng lên Sài Gòn ở, tiện cho việc hắn cướp tài sản và chiếm luôn các cô gái của Báng.

        Sống trong nhà Sáu Báng hắn nuôi một con nhòng (loại chim biết nói). Suốt ngày dạy chim câu: “A di đà Phật! Con nhờ ơn Phật”. Hắn dạy cho chim hát bài: “Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước”…

        Nói giọng cách mạng, cạo trọc đầu, mặc áo thầy chùa nhưng thầy Tống là một con sâu rượu. Thày lùng kiếm gái chơi suốt đêm, rồi đi bắt chó về làm thịt, ăn nhậu với tay chân suốt ngày.

        Có nhiều cơ sở cách mạng bí mật trong thị xã bị khui hầm, bị bắt, bỏ tù, bắn chết. Có những trận đánh bị lộ, những cuộc hành quân của quân ta bị phục kích… Tất cả điều đó dân đã quy về đầu mối là “Thầy chùa lửa”.

        Ngay những đứa trẻ con cũng ghét Tống, lẻn vào nhà Sáu Báng dạy cho con nhồng nói: “Thằng Tống, mày sẽ chết”. Một hôm hắn ngòi uống rượu, có gọi mấy em quán Ly Ly đến đấm bóp. Hắn khoe con nhồng biết hát, biết niệm Phật. Khi các em gái xúm đến xem hắn điều khiển nhồng ca cải lương và “A di đà Phật” thì con nhồng bỗng không nghe lời Tống và dướn cổ lên, phát âm tiếng người rất chính xác: “Thằng Tống, mày sẽ chết!”. Hắn trợn trừng mắt nhìn con chim rồi thò tay vào lòng tóm con chim mang xuống nhà bếp, đặt chim lên cái thớt, cầm dao chặt bay đầu chim. Một tay xách con chim còn rỏ máu, một tay kéo cô gái đẹp nhất vào buồng, dằn ngửa ra, lột hết áo quần, bôi máu chim vào đầy khắp người cô gái rồi chồm lên hãm hiếp…

        Không lâu sau, các trinh sát Ban An ninh Long Khánh báo cho Sáu Tuệ biết thời gian mất tích, là do CIA Mỹ đưa Tống đi học lớp đào tạo tình báo ở Phi Luật Tân. Những cái chết bí hiểm của cán bộ cách mạng, những kế hoạch chiến đấu, hành quân của bộ đội, dân quân ta bị bại lộ, bị thương vong mất mát, anh chị em trinh sát đều quy tội cho các tên CIA, Phượng Hoàng như Hồng Nhung, Dã Tống… Anh chị em đề nghị với Ban cho diệt ngay tên “Thầy chùa lửa”. Sáu Tuệ liền chỉ đạo: “Thằng Tống là người của CIA, được Mỹ đào tạo rất cơ bản và dài ngày, rất chu đáo, kỹ càng để sử dụng lâu dài. Nhiều kế hoạch của Mỹ ngụy đánh phá lực lượng kháng chiến đều được nằm trong đầu Tống. Tuyệt đối không ai được giết chết hắn mà phải bắt sống cho kỳ được để khai thác tin tình báo qua miệng, lưỡi của hắn. Cái quan trọng là điều tra thật kỹ, thật thận trọng trước khi bắt Tống, để giữ gìn chính sách của Mặt trận đối với các tu sĩ đạo giáo.”

        Còn việc đưa ông Bốn Râu vào đội cũng có nhiều ý kiến tranh luận.

        Bốn Râu là người Châu Ro tên thật là K’Roong. Mặt ông rám nắng đen đúa nhưng có cặp mắt xếch rất dữ, và độc đáo nhất là bộ râu xám xịt xoăn tít che cả mòm cả mũi, trẻ con thấy cũng khóc thét lên. Đại bác Mỹ bắn trúng nhà ông, giết chết người mẹ già, vợ và các con gái của ông. Bốn Râu và đứa con trai tên là Kà Riềng sống sót. Nhà cháy, lúa gạo áo quần tài sản mất sạch. Thằng Kà Riềng mười lăm tuổi đi làm thuê, giữ rẫy cho già làng. Còn lại một mình, Bốn Râu đi lang thang, ăn cơm nhờ của các đội dân quân du kích, rồi đi đặt bẫy bắt con nhúi, con cheo, con cá để ăn và mang đến cho du kích trả ơn họ cưu mang.

        Nghe ấp nào, rẫy nào có bọn ác ôn, thám báo, lính tráng quậy phá, ông lẻn vào rình, theo dõi hành động của giặc xem thằng giặc đó có đáng chết hay không, ông đánh giặc bằng đôi bàn tay không tấc sắt, không gậy gộc súng đạn gì cả. Rình thấy thằng nào đáng tội chết, thì ông cho chết. Ông nói: “Mình sợ cái “nước máu” lắm, không dám nhìn thấy máu chảy”, ông “cho” giặc chết bằng cách rình như hổ rình con mòi. Hổ thì ém mình, quật đuôi một cái phóng đến chụp cắn cố người tha đi. Còn ông không có đuôi để quật, chỉ có cái miệng ông la “giêêết” hai chân ông lao tới, dùng hai bàn tay bóp cổ. Thằng giặc chỉ giãy đành đạch mấy cái, rồi yên lặng…

        Tin đồn loang ra khắp vùng, giặc run sợ đi lùng kiếm để giết, nhưng Bốn Râu vẫn thoát chết, ung dung sống và tiếp tục đi diệt Mỹ, diệt lính Úc ở Núi Đất, diệt lính Nam Hàn ở Hàng Gòn. Bọn ác ôn, dân vệ, ấp trưởng đi rình để sát hại ông nhưng phần lớn bị ông phát hiện ra trước, thế là chúng “tiêu đời”. Sợ quá, chúng kéo nhau đi bắt tất cả những người Kinh, người Nùng, Tày, STiêng, Châu Ro, Châu Mạ… những người có râu ở quanh vùng Long Khánh đem về giam giữ tra vấn nhưng vẫn không bắt được Bốn Râu. Một hôm thằng Trưởng chi cảnh sát tóm được một ông già người Nùng1 có râu tàng tàng, hỏi: “Có phải Bốn Râu không mày, nói thiệt đi cho tao khỏi run nghe mày!”

        Chuyện Bốn Râu, anh Ba Quảng, Phó Bí thư thị ủy nói:

        – Không nên đưa ông vào đội. Cứ để ông “làm cách mạng” theo lối “quần chúng tự phát” ấy có lợi hơn. Sẽ có nhiều ông già noi theo Bốn Râu xuất hiện làm cho giặc run sợ vì tất cả quân và dân Long Khánh đều đánh giặc. Nếu già trẻ, trai gái ai cũng tham gia đánh giặc thì thắng lợi sẽ đến gần hơn, nhanh hơn…

——————–
        1. Ở vùng Xuân Lộc, Long Khánh có nhiều dân tộc khác nhau do Pháp thua trận đưa vào năm 1954 và các giáo dân bị Diệm lừa phình cưỡng ép di cư từ khắp miền Bắc vào Nam.

       
*

*       *

        Cuộc họp ra mắt Đội Trinh sát vũ trang Long Khánh kết thúc lúc ba giờ sáng.

        Một thời gian ngắn sau cuộc họp lịch sử đó, các trinh sát đã bung đi các nơi nắm tình hình địch, khẩn trương chuẩn bị cho các trận đánh sắp diễn ra, toàn đội đã phân công xong công việc cho từng người.

        Năm Hồ bảo Thương: “Chị em mình hôm nay mặc thật đẹp vào. Chúng ta ra rẫy ông Sáu Báng xem có thày Tống ở đó không? Gù nó theo cho nó làm quen, chờ ngày “tóm” nó.”

        Thương xì một tiếng:

        – “Bụp” nó dễ hơn chị ơi! Nhưng sợ ông Sáu Tuệ kỷ luật. Ông đã nói phải bắt sống. Em nghe người ta đồn cái thằng “thầy chùa dỏm” bạo dâm ấy rồi! Sợ lắm.

        – Hắn không dám làm gì ta đâu. Ta đi trước, có Hiền mặt rô bám xa xa ở đằng sau. Nhỡ xảy ra chuyện gì, Hiền sẽ xông lên hỗ trợ. Em đừng lo. Bây giờ chị đi tới rẫy Sáu Báng, em tới rẫy con Hồng Nhung. Hẹn đúng 10 giờ, gặp lại nhau tại đây cùng rút về nội ô.

        Vừa chia tay Hồ đi được vài đám cà phê, sầu riêng, đã thấy rẫy của Hồng Nhung trước mặt. Nhưng Thương thấy có một anh chàng vác cuốc nhòm ngó gì đó vào nhà rẫy của Hồng Nhung. Con “Phượng Hoàng” này xinh đẹp, hay đưa các quan to ra rẫy “tì tèo”. Thương nép mình khuất dạng, theo các bụi cà phê đi tới. Trời ơi! Chàng vác cuốc chính là Thảnh, người yêu của mình.

        – Anh Thảnh! – Thương kêu lên.

        Thảnh nhìn lại thấy Thương, chạy ào tới ôm lấy Thương, rồi buông ra ngay, đẩy nhẹ Thương ra xa mình, miệng hỏi:

        – Hẹn với cha nào mà phấn son, quần là, áo lượt đẹp dữ vậy?

        Thương nguýt dài một cái, giọng có vẻ giận, nói:

        – Anh rình mò chi ở đây. Hay là anh ăn phải bả con quỷ cái Hồng Nhung ròi?

        – Đừng nói bậy em ơi! – Thảnh thanh minh – Cũng vì nhiệm vụ cả thôi.

        Nói qua nói lại mấy lần, hai anh chị hiểu ra, liền nắm tay nhau bước khuất vào trong vườn cà phê, ôm lấy nhau mà hôn say đắm. Thương hỏi:

        – Thảnh ơi! Không được ở chung cùng đơn vị với em, anh có buồn không?

        – Đội biệt động của anh cũng hoạt động bên cạnh em thôi. Anh buồn ít, nhưng lo thì nhiều.

        – Lo gì anh? Lo em hy sinh, hay bị thương, hay bị bắt?

        – Anh chỉ lo là… – Thảnh hơi ngắc ngứ một tí, rồi tiếp –  Hồi ở trong ấp, em mới mười lăm tuổi mà bọn sĩ quan đồn Lê Văn Duyệt, bọn thám sát lúc nào cũng xúm xít bên em. Anh sợ mất em quá trời!

        – Trời ơi! Sao anh coi thường em quá vậy? Sao anh không tin em. Bọn mình đã đến thế thốt với nhau trước mặt Phật Bà Quan âm ở chùa Vĩnh Khánh. Bọn mình đã lên núi Chứa Chan hứa hẹn với nhau trước Thần Núi, Thần Tình yêu Hổ xám Xứa Xan. Nếu em thay lòng đổi dạ, thần linh sẽ vặn cổ em…

        – Thôi thôi – Thảnh vội nhào đến đưa bàn tay bịt miệng Thương, nói một hơi – Thôi em đừng đại mồm đại miệng mà Trời Phật quở mắng. Em đừng nói những lời xui xẻo trong lúc chúng ta đang làm nhiệm vụ. Em đi với chị Năm Hồ à? Em về đi. Anh đã nắm tình hình rồi. Con Hồng Nhung đang ở Sài Gòn với thằng tỉnh trưởng Bùi Đắc Điềm.

        Hai người âu yếm ôm hôn chia tay nhau, bước về hai phía. Vườn cà phê vào mùa hoa nở từng chuỗi dài theo cành lá, hoa trắng muốt, tỏa hương thơm ngào ngạt. Thương nhìn theo những con ong mật đang hút nhị hoa, lòng cô dạt dào mơ đến ngày đất nước hết giặc, cô và Thảnh sẽ trở về sống hạnh phúc bên nhau.

*

*       *

        Tin đầu tiên sau một tuần Đội Trinh sát vũ trang Long Khánh hoạt động: J1 ném lựu đạn vào trụ sở cán bộ “bình định” ấp Phú Thạnh trong thị xã, diệt 8 tên. Hai ngày sau J2 ném lựu đạn vào trụ sở C1A Mỹ, diệt 4 tên. Tiếp đó J3 ném lựu đạn vào xe Jeep diệt 5 tên, làm bị thương hai tên. Đêm 23 tháng 11, J2 đột nhập vào nhà riêng bắn chết tên trung tá Trưởng ban 2 tại ấp Phú Mỹ, nội ô Long Khánh. Lặp lại hành động mưu trí giết địch xong, các chiến sĩ ta đã găm lại bản cáo trạng với lệnh tử hình vì những tên giặc này có tội lớn với nhân dân.

        Địch thông báo cho nhau đề phòng chống lại lực lượng ngầm mới xuất hiện, giết người của chúng xong là biến mất.

        Những tờ cáo trạng ký tên tổ chức thi hành án là Đ.TSVTLK. Địch ghép đi ghép lại những chữ cái đó để tìm hiểu, nghiên cứu và chống trả. Trước kia bọn ngụy thích hút loại thuốc CAPSTAN vì chúng tin vào số mệnh. Chúng đọc xuôi tên loại thuốc lá đó gồm những chữ cái để phiên ra câu:

        Cho Anh Phát Súng Tim Anh Nát. Đọc ngược lại những chữ cái trên thành kết quả của câu: Nhưng Anh Tin Số Phận Anh Còn. Những cái chết bất ngờ bí hiểm của những tên ác ôn, tình báo, gián điệp, chiêu hồi làm nội bộ chúng hoang mang, lo sợ. Sau những cái chết trên, đến lượt những tên đầu hàng phản bội nhân dân phải đền tội.

        Trước những hoạt động của Đội Trinh sát vũ trang Long Khánh, tên đại tá tỉnh trưởng Bùi Đắc Điềm triệu tập ngay Trưởng ty Cảnh sát Võ Văn Phước và tên Nguyễn Văn Hưng, Trưởng ban An ninh quân đội cùng tay chân tình báo Phượng Hoàng, CIA họp bàn tìm cách đối phó.

        Bùi Đắc Điềm ra lệnh cho quận Xuân Lộc, thị Long Khánh và các tiểu khu, chi khu, các đơn vị thám sát Báo đen, các đơn vị cảnh sát và lực lượng Bình định nông thôn, các trưởng ấp và bảo an, dân vệ sẵn sàng đánh trả.

        Điềm kêu gào: “Đồng bào và binh sĩ chú ý: Việt Cộng đã cho “ĐỘI QUÂN MA” xuất hiện. Tất cả mọi người dưới chế độ quốc gia hãy chung sức nhau lại để đánh tan đội quân ma này!

        Trong khi đó Sáu Tuệ mở sổ tay vòng hai khoanh chì đỏ vào tên Thích Dã Tống và Nguyễn Thị Hồng Nhung…

     
BÔNG HỒNG NHUNG VÀ THẦY CHÙA LỬA

        Không ai biết Nguyễn Thị Hồng Nhung từ đâu đến ngụ cư ở Long Khánh. Sau ngày hai anh em cụ Thượng họ Ngô bị giết, dân Long Khánh biết Hồng Nhung có sang tên một rẫy cà phê, sầu riêng ở Bảo Vinh, rồi làm thêm nhà trong rẫy.

        Ngày ngày, Hồng Nhung ra rẫy sửa soạn để đón bạn bè khách khứa từ Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Lạt, Biên Hòa đến picnic “chơi rẫy” vào những ngày lễ Tết, chủ nhật.

        Bà con Long Khánh thấy Hồng Nhung ăn nói dịu dàng, lịch sự, giao du thân tình nên ai cũng mến. Đi đâu xa dăm bảy ngày về, Hồng Nhung đều mang cái bánh, cái kẹo hoặc các loại trái cây đặc sản đến thăm, biếu bà con lối xóm. Ơn nghĩa của bà con láng giềng đối với Nhung thật thắm thiết, sâu đậm.

        Đối với dân Long Khánh, việc nhiều người xa lạ, giàu sang, quan chức, tướng tá đến với Nhung cũng là chuyện thường tình: Hoa có đẹp thì ong bướm mới tới lượn lờ chập chờn ngắm hoa, hút nhị.

        Cũng phải thôi bởi Hồng Nhung xinh đẹp. Cặp mắt Nhung đen láy, mở to nhìn người hồn nhiên ngơ ngác như mắt nai. Đôi đường mày thanh mảnh, cong cong nằm trên đôi mắt đẹp mê hồn. Nhiều cán bộ cách mạng lúc về hoạt động trong rẫy, thấy mắt Nhung, lòng cũng rung động, xao xuyến. Có chàng nổi hứng làm thơ tả về “Đôi mắt Hồng Nhung”.

        Đặc biệt Nhung có giọng hát trong vắt, luyến láy mượt mà đàng điệu chẳng thua gì các ca sĩ Thái Thanh, Khánh Ly, Thái Hằng hát trên đài Sài Gòn. Người lao công giúp việc cuốc cỏ, bón phân, chăm sóc cà phê, sầu riêng trong vườn, nghe Nhung hát cũng buông cuốc, ngẩn ngơ.

Thiên thai, chốn đây hoa xuân
chưa gặp bướm trần gian…

        Bọn trẻ chăn bò, chăn dê đi qua thấy Nhung nằm đung đưa trên võng, đọc tiểu thuyết “Hồn bướm mơ tiên” hay “Đồi thông hai mộ”, chúng kêu: “Cô Nhung ơi! Thiên Thai đi!”

        Hồng Nhung biết lũ trẻ cũng yêu mình, nên hát với giọng khôi hài:

        “Thiên thai, có mười hai ông cọp đang nhai kẹo mè…”

        Cả bọn con nít cười ré lên, vui thú. Hồng Nhung nghe tiếng trẻ cười, tự bằng lòng với mình và bỗng nhớ đến một câu giáo hoàng Vaticăng hay nhà triết học Thiên Chúa giáo nào đã nói: “Chinh phục được tâm hồn một đứa trẻ bằng xây dựng cả một giáo đường…”

        “Cô Nhung dễ thương thiệt tình.” – Bọn trẻ nhận xét và thật sự yêu quý cô. Không ai biết ngoài việc hàng năm thu hoạch cây trái trên rẫy, Nhung còn kinh doanh gì mà giàu có thế. Một lần đón khách về rẫy, lúc nhiều đến vài chục và lúc ít cũng một mâm bốn người. Không biết tiền bạc lấy đâu ra mà Nhung ăn tiêu “vô tư” quá xá vậy?

        Bà con cô bác ở Long Khánh thương yêu Hồng Nhung, giữ gìn “cái ngàn vàng” hộ cô vì thấy từ khi sư thầy Thích Dã Tống về chùa Vĩnh Khánh thì Hồng Nhung năng đi chùa. “Coi chừng đừng đi chùa một mình nghe con. – cô bác dặn – Tụi “qua” thấy cặp mắt sư thầy nhìn con, như muốn “ăn tươi, nuốt sống” con. Sợ sa sẩy chuyện gì, hỏng mất, uổng mất đời con gái nghe con!” Hồng Nhung dạ, cảm ơn cô bác nhưng vẫn lui tới chùa với thầy.

        Bỗng một hôm, Nhung đến, thầy chùa Dã Tống biến đâu mất tiêu. Ba năm sau, thày trở về, bỏ chùa vào ở nhà Sáu Báng, ít lui tới với cô vợ, mặc dầu vợ thầy có đến mấy cô em gái tuổi sàn sàn mười sáu, đôi mươi, cô nào cũng xinh đẹp như “người trong mộng”. Một điều làm ai cũng ngạc nhiên là mặc dầu rẫy Sáu Báng và rẫy Hồng Nhung gần xịt cận kề, nhưng thầy Tống chẳng bao giờ bén mảng đến thăm người tình cũ. Hồng Nhung cũng cắt luôn mối tình và xem thầy Tống như người xa lạ. Gặp nhau ngoài đường cũng làm lơ, chẳng chào hỏi nhau một tiếng.

        Cũng một chuyện lạ nữa là trước khi mất tích ba năm, Tống lạnh nhạt với vợ nhưng quan tâm chăm sóc bốn cô em gái vợ. Khi Tống trở về, cô em vợ lớn nhất đã lấy chồng là một cán bộ cách mạng. Ba cô còn lại càng xinh đẹp, Tống càng mê mẩn và chăm sóc các em. Không hiểu vì có phải như người đời ví von: “Xem vợ như bà già, còn em vợ là Thiên nga” hay không, mà thầy Tống quay về chăm sóc vợ để gần gũi ba cô em vợ hay là thật sự ân hận vì đã bỏ bê vợ quá lâu. Được tin vợ bệnh, cũng chỉ sốt rét bình thường như những người làm rẫy khác, nhưng thầy xin phép “anh” Sáu Báng về ở hẳn trong nhà ông bà già vợ để lo lắng thuốc thang cơm cháo hàng ngày cho vợ. Ai cũng mừng và đồn thổi nhau Trời Phật có mắt. Thầy đi tu nghiệp ở chùa nào bên Ấn Độ, Nam Dương mà về thay đổi tính nết, thương vợ, chăm sóc vợ và các em vợ chu đáo.

call Hotline 1 0906223114 call Hotline 2 0906 223 114 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok