Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn giơ tay đầu hàng quân Giải phóng. Ở Xuân Lộc, các chiến sĩ Đội Trinh sát vũ trang Long Khánh cũng vui mừng đón đội viên Hai Phùng thoát khỏi tay chân bọn CIA ở bệnh viện Thủ Đức, trở về với đồng đội, với quê hương.
Về đến Long Khánh, Phùng yêu cầu chị Thư liên lạc với dì Ba Lưỡng, đưa Phùng ra mộ Thương. Phùng chống đôi nạng bước thấp bước cao ra khu mộ, thấy nhiều ngôi mộ mới. Đó là nơi yên nghỉ của các chiến sĩ quân Giải phóng hy sinh trong những ngày đánh vào tuyến phòng thủ của ngụy quân Sài Gòn.
Mộ của Thương cũng như các mộ khác đầy các chân nhang và hoa. Mộ Thương có những nén nhang đang cháy, khói cuộn lên thơm ngát cả một vùng. Hoa tươi rất nhiều. Hoa vườn nhà, hoa đồng nội, hoa đại và cả hoa cà phê trắng muốt tinh khôi…
Lời đầu tiên Phùng nói với Thương cũng giống như lời của Thảnh:
– Thương ơi! Ngày em mất cho đến nay vừa tròn ba tháng. Chỉ 90 ngày sao em không đợi được, em bỏ anh em đồng đội, bỏ chị mà đi tội quá em ơi!
Phùng vịn vào chị Thư, ngồi xuống, chống cả hai cánh tay, hai bàn tay trên cỏ xanh như muốn ôm lấy ngôi mộ, ôm lấy Thương, cô úp mặt xuống cỏ khóc nức nở một hồi lâu. Bao nhiêu nỗi đau, nỗi thương nhớ dồn nén trong lòng đều tuôn ra theo nước mắt: “Thương ơi! Em lao mìn vào giặc, chia hai với chúng, sao em không san sẻ cho chị cùng theo em. Bỏ chị lại cho giặc nó hành hạ chị khổ lắm em ơi!”…
Khi Phùng ngẩng đầu lên, thấy đồng đội vây quanh, ai nấy ràn rụa nước mắt, bước đến ôm lấy Phùng.
Những ngày Thư ra khỏi nhà tù từ Biên Hòa tìm về bệnh viện Thủ Đức nuôi em, Phùng đã kể lại cho Thư nghe cái buổi chiều ấy, khi Thương kêu Phùng nhảy xuống xe thoát vào phố. Phùng nhảy xuống chưa kịp chạy thì Thương đã lao đi cùng tiếng mìn nổ. Bị giặc bắn nát chân, Phùng ngất đi vì sức ép của quả mìn, vì mất máu. Khi tỉnh lại đã thấy mình nằm trong bệnh viện. Thấy các ma xơ mặc đồ trắng đứng vây quanh. Có cả tụi cảnh sát và mật vụ cũng vây quanh la lối: “Nó là con đặc công Việt Cộng ôm mìn lao vào đồn giết cảnh sát. Phải băng bó bắt nó sống để tra tấn bắt nó khai ra đồng bọn. Khai ra ai sai nó đi làm cảm tử”…
Vết thương của Phùng chưa đáng phải cưa chân. Nhưng tra hỏi mãi, Phùng vẫn câm nín, không trả lời nên chúng đã bắt bác sĩ phải cưa cụt chân Phùng. Suốt ngày đêm bọn CIA đến tra khảo, mặc dầu vết thương của Phùng chưa lành. Bọn giặc cử lính đến canh giữ hai chị em không cho liên lạc với bất cứ ai bên ngoài. Chúng hằn học tức tối bảo nếu không chịu khai báo, không chịu trả lời những câu hỏi, thì chúng sẽ cưa cụt cả chân tay còn lại. Suốt hàng tháng trời chịu tra tấn đau đớn nhưng hai chị em không tìm được cách nào để báo ra bên ngoài. Muốn trốn thoát cũng không được, đành chờ cho đến những ngày cuối tháng Tư. Nghe tiếng súng nổ rất gần. Các ma xơ cho biết Việt Cộng đã chiếm được Xuân Lộc – Long Khánh rồi. Hai chị em hồi hộp quá.
Vào một buổi chiều, cả Thủ Đức dậy lên tiếng súng. Mặc bên trường sĩ quan đạn bom vẫn nố ì ầm, trong bệnh viện đã chộn rộn mà bọn cảnh sát và tình báo vẫn mang cưa đến tra tấn lấy lời khai của Phùng. Chúng mang cưa không phải loại cưa của bác sĩ mà là loại cưa tay dùng để cưa cây, cưa củi. Cả bọn xúm lại trói tay, trói chân Phùng vào giường sắt, bày đồ nghề tra tấn ra. Các ma xơ có người khóc. Tiếng cầu kinh và tiếng “lạy Chúa” vang lên. Bị giặc cầm kìm kẹp vào đùi non bắt khai, đau quá, Phùng thét lên: “Chúng mày cưa cụt hết cả tay chân cũng đừng hòng bắt tao khai”. Chúng đã xắn tay áo cầm cưa lên, hai thằng sự máu bắn vào áo, vừa cởi áo ở trần trùng trục xúm đến đè chân Phùng để cưa cắt, đúng lúc đó bọn lính ngoài sân la lên: “Xe tăng Việt Cộng tới rồi”. Tiếng xích xe tăng và tiếng đại bác bắn rung cả cửa kính, tiếng hô xung phong vang đến. Bọn lính canh giữ Phùng bỏ chạy. Bọn cảnh sát, tình báo cũng vứt cưa, vứt áo chạy theo. Vừa chạy, chúng vừa rút súng ngắn bắn vào các ma xơ, bắn vào chị em Phùng nhưng đạn chẳng trúng được ai. Thư vội mở trói đỡ em đứng lên, trao đôi nạng và đưa Phùng thoát ra cổng bệnh viện, dẫn về nhà người quen ở Linh Trung, tạm dừng lại đó nghe ngóng tin tức.
Sau đó một ngày, tiếng súng ngớt. Tiếng xe tăng vẫn vang rền trên quốc lộ và tiếng súng nổ dữ dội đoạn chỗ cầu Rạch Chiếc.
Thư đưa em đi dần về đến Hố Nai thì thấy xe đò, xe máy cắm cờ đỏ sao vàng chạy ra, chạy vào trên quốc lộ 1. Lúc đó mới biết quân ta đã chiếm được Sài Gòn và quân ngụy đã đầu hàng.
Được anh chị em trong Đội Trinh sát thăm hỏi, động viên, Phùng lau nước mắt, mừng rỡ ôm lấy từng người. Trung Lương ôm Phùng nói:
– Em đừng buồn, đừng lo. Mất cái chân cho Long Khánh mình, nhân dân đất nước sẽ đền lại chân cho em. Em sẽ được đi Hà Nội làm chân giả. Chân giả bước đi như chân thật. Em vẫn xinh đẹp như xưa, em sẽ lấy chồng sinh con…
Mọi người đang vui lây với nỗi vui mừng của Phùng thì Lương nói:
– Có tin mới anh em bên quân báo tỉnh đội vừa nắm được: thằng Lê Minh Đảo chưa chạy thoát. Hắn còn lẩn quẩn đâu đây. Cả thằng Rụt cũng chưa chạy đi đâu xa. Cho dù hắn lẩn trốn ở đâu thì nhân dân cũng phát hiện và kéo cổ hắn ra mà trừng trị tội ác của hắn…
Chuyện Thiếu tướng Lê Minh Đảo còn dài. Có người cam đoan thấy hắn đã chết với bọn quan quân của chiến đoàn tử thủ, khi một quả bom Dansy Cutler bọn không quân hốt hoảng ném nhầm vào đội hình của Sư đoàn 18. Có thằng sĩ quan tham mưu kề cận Đảo kể: Phòng tuyến đang bị đại bác Việt Cộng nã vào tới tấp thì có chiếc xe Jeep phóng đến tìm tướng Lê Minh Đảo, trao cho hắn lệnh phong quân hàm tướng hai sao do Tổng thống Trần Văn Hương gửi đến. Có lẽ Tổng Hương muốn động viên tưởng thưởng vinh danh ngay giữa trận tiền để mong Đảo lập lại chiến tích tử thủ An Lộc, giữ vững Xuân Lộc, giữ vững cái “ngai… gỗ” của Tân quân họ Trần. Đảo cay đắng chửi đổng: “Đù má… sắp chết đến đít rồi… còn một sao hai sao làm chó gì nữa đây…” Đảo bèn cầm cái hàm tướng hai sao liệng xuống hố đạn đại bác của Việt Cộng vừa nã vào.
Khi xe tăng của quân Giải phóng ầm ầm tràn qua chiến lũy, đè bẹp những thằng lính lóp ngóp dưới đường hào, cán lên chiếc xe jeep cắm cờ tướng của Tư lệnh Sư đoàn bẹp dúm, Lê Minh Đảo còn hò hét đến lạc giọng hô tử thủ, bọn quan lính dưới quyền Đảo vẫn đạp lên nhau, vứt cả súng ống, cởi bỏ binh phục tháo chạy. Đảo ngao ngán lắc đầu. Tay Đảo cầm khẩu súng ngắn “ru-lô” khảm bạc mà một vị tướng Mỹ đã tặng ngày “chiến thắng An Lộc”, Đảo không dám bắn vào những người lính Việt Cộng mà chĩa vào đầu mình. Đã mấy lần định bóp cò để kết liễu sự nhục nhã của cái miệng huênh hoang mà thất trận, nhưng nghĩ đến người mẹ đẻ, người vợ và bày con, Đảo vứt súng, lẩn vào đám lính cùng chạy như… vịt chuyển đồng…
Đảo không chạy ra biển theo bọn lính vỡ trận, mà chạy ngược về Sài Gòn, lẩn trốn trong nhà người quen hay nhà bồ bịch gì đó. Vài ngày sau thấy yên yên, Đảo không dám về cư xá sĩ quan để gặp lại vợ con, mà nhắn vợ đến. Gặp lại chồng, cô Bích Liên xinh đẹp vừa khóc vừa nói: “Người ta bỏ trốn hết rồi. Anh lấy máy bay trực thăng bay ra ngoài hạm đội Mỹ mà trốn đi”. Đảo nói: “Bây giờ thì muộn rồi. Còn đi đâu được nữa. Vả lại, còn mẹ, còn em và chín đứa con. Làm sao đem nhau đi được. Trốn đi một mình anh không đi. Bây giờ chỉ nhờ trời. May nhờ, rủi chịu. Ở lại xem tình hình sao rồi tính tiếp…”
Bỏ lại vợ con ở cư xá, Đảo lẩn quẩn mấy nhà quen ở Sài Gòn nghe ngóng tình hình. Sau mấy ngày lẩn trốn, Đảo xuống Rạch Giá, Cần Thơ tìm người bạn thân là Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Phó tư lệnh Quân đoàn 4. Tìm được dinh cơ của Hưng, Đảo mới biết tin Quân đoàn 4 đã tan rã, Hưng đã bắn vào đầu tự sát. Ngao ngán và tuyệt vọng, cởi bỏ quân phục, quân hàm, Đảo mặc áo quàn thường dân, đi lần vê Sài Gòn…
Nghe Lương kể đến đó, mọi người nhao nhao tranh nhau nói: “Phải truy tìm cho được thằng Đảo, thằng Rụt mang về lập tòa án để dân trị tội. Hai thằng đó đã giết biết bao nhiêu là cán bộ, đồng bào Xuân Lộc – Long Khánh mình.”
Lương nói tiếp:
– Nghe đâu bên địch vận và quân quản cho biết tướng Lê Minh Đảo cùng một mớ tướng tá Sài Gòn khác đã ra trình diện, nộp mạng chờ xử lý.
Hoàng Sáu tiếp lời Lương:
– Còn ngài trung tá tình báo Trần Đoản, tức Lê Văn Rụt nếu không chạy thoát hắn cũng chết. Khỏi bắt bớ trừng trị gì, bởi hắn đã già quá rồi, không bắn hắn cũng chết già…
Nghe thế, Hai Nghĩa vụt đứng dậy, vung tay lên nói:
– Hắn già gì đâu, xấp xỉ bằng tuổi tôi thôi. Phải tìm diệt nó. Nếu đội không truy tìm nó, thì tự tôi sẽ đi tìm. Không giết được nó, thì những oan hồn của nhân dân Long Khánh đã chết vì tay nó sẽ trách móc, sẽ không tha thứ cho chúng ta đâu.
Thấy bác Nghĩa cụt đang hừng hực lên như thế, Hiền mặt rô dịu giọng:
– Thôi. Tha cho nó bác Hai ơi. Thằng Rụt, thằng Hạp cướp cô Tình của bác, thì bây giờ bác đã được trời đền cô Út Nữ cho bác rồi…
Út Nữ đấm thùm thụp vào lưng Hiền, mắng: “Đồ… Cái thằng này! Cái thằng này!”…
Cả bọn quân Trinh sát vũ trang Long Khánh cười vang, kêu lên:
– Cô Út ơi! Thằng Hiền nói vậy mà đúng đó cô! Cô tha cho nó. Tha cho nó đi…
* *
Hoàng Hiền nói vậy mà đúng. Sau giải phóng Đội Trinh sát vũ trang Long Khánh, Đội Biệt động và liệt sĩ Hồ Thị Thương được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Các đơn vị chiến đấu trong thời kháng chiến chống Mỹ được sắp xếp lại, hầu hết cán bộ đội viên đều được phân công lại công tác trong sản xuất và xây dựng. Sáu Tuệ về làm Phó giám đốc Công an tỉnh, Hoàng Sáu nhận chức Trưởng Công an huyện Xuân Lộc, và thời gian sau làm Bí thư huyện ủy Xuân Lộc rồi Viện trưởng Kiểm sát nhân dân của tỉnh. Trung Lương được chuyển sang ngành kinh tế – làm Trường ban bảo vệ Công ty cao su Đồng Nai, Nguyễn Thảnh về làm Trưởng đồn Công an huyện Châu Thành… Hầu hết các nam nữ đội viên đều được bổ sung vê làm công tác an ninh khắp các đơn vị trong toàn tỉnh Đồng Nai.
Riêng bác Hai Nghĩa và cô út Nữ tuổi đã cao, được Nhà nước cho nghỉ hưu.
Ít bữa sau, bác Hai và cô út được Công an Xuân Lộc cho xe mời đi thăm rừng chiến khu Đ. Cái chính là để út Nữ thăm mộ Lê Long – người chồng yêu quý của cô đã mất khi trở lại đánh Mỹ trên quê hương. Nhưng buồn thay, ngôi mộ mà Ban An ninh Miền đã đắp, và làn đến tìm Long, Hai Nghĩa từng vác tảng đá đến đánh dấu, thì nay bom đạn Mỹ – ngụy đã đánh tan, không còn tìm được dấu tích gì. Cái nơi khi Hai Nghĩa được Tám Hải dẫn đến thăm Long có hai cây săng lẻ, nay một cây bị bom cắt đổ gục xuống trên một hố bom. Út Nữ nhìn dấu vết ngôi mộ chồng mà Hai Nghĩa chỉ cho, ngồi thụp xuống bốc từng nắm đất lên mà nước mắt tuôn trào. Hai Nghĩa đến bên cạnh út Nữ, lặng lẽ chia sẻ nỗi đau của người mẹ đã mất con, người vợ đã mất chồng, bây giờ lại mất luôn cả ngôi mộ, mất luôn nắm xương tàn của chồng, còn nỗi đau nào bằng nỗi đau này nữa không? Chẳng biết kêu khóc với ai giữa đám rừng già ngổn ngang cây đổ vì đạn đại bác, vì bom tạ… Cơ quan của tỉnh, của khu miền Đông nay đã về thành phố hết rồi. Chỉ trơ lại hai ông bà già với nhau, út Nữ gục bên vai Hai Nghĩa khóc cho bõ những ngày chờ đợi chiến thắng, chờ đợi hòa bình mong được đến đây tìm hài cốt chồng, bây giờ chẳng còn gì ngoài những hố bom sâu hoắm đọng đầy nước mưa và rêu xanh, cỏ dại. Hai Nghĩa dắt tay út Nữ, xúc động nói: “Thôi em ơi! Ta về đi”. Út Nữ lau nước mắt, ngỡ ngàng và bối rối, làn đầu tiên kể từ sau khi Long lên đường ra Bắc tập kết, bây giờ mới có người đàn ông âu yếm gọi mình bằng em.
Út Nữ vịn tay vào vai Hai Nghĩa, hỏi lại bằng giọng xúc động thân tình:
– Nhưng ta về đâu bây giờ, anh ơi?
– Về quê anh. – Hai Nghĩa nói mà giọng như nghẹn lại – Ta về cái làng Tri Bưu nghèo khổ của anh ngoài Quảng Trị. Hay ta về làng quê của em cũng được. Đi thôi em…
Út Nữ ngồi xuống, trải cái khăn quàng xuống đất, đưa tay bốc mấy nắm đất bột bỏ vào khăn, khẽ khàng gói lại và thầm khấn một mình: “Thôi cũng đành lấy nắm đất về thờ anh. Linh hồn anh có linh thiêng theo em phù hộ cuộc sống cuối đời của em. Thịt xương anh đã tan biến vào đất nước. Bom đạn giặc đã cày lên giập xuống biết bao lần còn đâu nữa con ơi! Anh ơi!…”
Nước mắt Út Nữ lại tuôn trào. Hai Nghĩa cúi xuống dìu Út Nữ đứng dậy, dẫn Nữ ra khỏi rừng…
* *
Căn cứ Gia Ray của giặc bị đạn pháo quân Giải phóng giội tan tành. May sao ngôi mộ Tình vẫn còn. Cái thập ác bằng bê tông Thảnh trồng làm dấu vẫn còn nguyên vẹn nhưng Tình bị thằng Rụt, thằng Hạp chôn đã ngót ba chục năm qua, lại không áo quan, áo quách gì nên thịt xương cũng tan biến thành đất bụi. Nghĩa và Nữ đã nhặt nhạnh nhúm đất đen mà các dì, các má cho rằng đó là món tóc còn lại của Tình. Hai người mang hình hài còn lại của Tình về nhà rồi bỏ chung cùng hình hài của Long: những nắm đất bên hố bom ở rừng chiến khu Đ và ở căn cứ Gia Ray.
Bây giờ, mấy nắm đất của hai người đã khuất đã nằm gọn trong cái bình thủy tinh mà Trung Lương tặng làm bình hoa mừng ngày vui Hai Nghĩa và Út Nữ về sống bên nhau. Cái bình hoa quý bằng thủy tinh mà ngày trước Lương đi học nghiệp vụ từ Liên Xô mang về, bây giờ thành vật thiêng vật quý, là tài sản quý giá còn lại của hai ông bà già. Nghĩa lấy lá cờ Tổ quốc gói ghém cẩn thận cái bình thủy tinh ấy, đặt lên bàn thờ hương khói ngày đêm, chờ ngày mang về Quảng Trị quê mình.
Và ngày đó cũng đã đến: Đúng 30 tháng 4 năm 1976 – cũng vào đúng 11 giờ 30 phút, Nghĩa đưa Nữ ra bến xe Long Khánh để về quê.
Chỉ một thời gian ngắn sau lễ thành hôn của Hiền mặt rô với Đông. Hôm đó anh chị em trong hai đội Trinh sát và Biệt động cũ về dự rất đông. Vừa mừng cho hạnh phúc Đông – Hiền. Lại mừng cho hạnh phúc của Nghĩa – Nữ. Và hôm đó cũng là buổi chia tay trước, để tiễn hai ông bà xa rời mảnh đất Long Khánh, xa rời đồng đội thân yêu…
Đúng vào giờ, vào phút của cái ngày chế độ phản quốc sụp đổ, đầu hàng quân giải phóng, Thượng úy An ninh nhân dân Nguyễn Nghĩa và Trung úy An ninh nhân dân Trần Thị Nữ dắt nhau tìm về quê Nghĩa để xây tổ ấm mới.
Ông mang cái ba lô “cóc” trong đó có cái bình thủy tinh bọc kín bằng lá cờ. Còn bà cũng đeo cái ba lô di vật của Long. Hai người vẫy tay từ biệt những bà con ra tiễn rồi. bước ngang qua chợ cũ. Cảnh mua bán vẫn tấp nập ồn ào như chưa hề có chiến tranh. Trước mặt họ, nơi cái cột lều chợ, có một ông già ngồi dựa cột, đầu tóc bạc bù xù, râu ria lởm chởm, áo quần rách rưới bẩn thỉu. Bên cạnh ông già có cái bị bàng đứt quai, cái gậy đè lên cái bị. Cái gậy cũng lạ đời, nó bằng thân trúc già, một đầu có cái móc câu ngóc lên như đầu rắn.
Một bà già đi ngang qua, bước xen qua đám con nít đang vây quanh ông già khùng, bà lễ phép hỏi người ăn mày: “Thưa ông trung tá Trần Đoản, thưa ông Xu Rụt: Sao ông không đi lùng bắt Việt Cộng nữa mà ngồi đây?” Người ăn mày không trả lời câu hỏi. Có lẽ vì ông đang đói, nên lặng lẽ lượm cái lá bánh ai vứt cạnh đó, mở ra, đưa lưỡi liếm mấy hạt nếp dẻo còn dính lại trên lá.
Hai Nghĩa, út Nữ ngờ ngợ đứng lại quan sát. Bỗng một người đàn bà dừng lại, giọng đay nghiến: “A…a thằng mật thám xịa. Tưởng là mày đã chạy sang tận bên Hoa Kỳ. Ở lại đây tiếp tục nghề giết người nữa à?”
Hình như ông già phản ứng, ngửng lên nói: “Vợ tôi ở đây bị Mỹ quyến rũ, đem đi. Con tôi đi lính quốc gia chết trận ở đây. Tôi không về đây gần chỗ cũ của vợ con mà đi ăn mày nơi khác sao có được”…
Nữ chăm chú nhìn rồi chợt kêu lên: “Đúng là thằng Rụt, anh Hai ơi!” Nữ đặt cái ba lô con cóc xuống đất, mở ba lô, đưa tay lục tìm cái gì trong đó. Nghĩa vội đến nắm giữ tay Nữ lại nói: “Em không được làm thế. Con dao đó anh đem theo để cắt trái cây cho em ăn trên xe. Đừng thèm giết nó, em ạ”.
– Không! – Nữ nói – Nó đã là thằng ăn mày rồi thì kệ kiếp nó. Cơ nhưng mà nó đói, dân đã nhận ra nó, họ còn căm thù, không ai cho gì. Em còn lại ít tiền, lấy đem cho nó mà…
Hai Nghĩa thở hắt ra, tự tay buộc lại nắp ba lô ròi nhìn theo Nữ đến trước mặt người ăn mày. Nữ nói: “Chào ông Rụt”. Thấy một người mặc sắc phục, đội mũ tai bèo màu cỏ úa, chào giật giọng, Rụt sợ hãi ngửng lên nhìn. Hắn vừa nhận ra Nữ, người mà hắn đã từng bám theo, từng giết hụt mấy lần, hắn ớ người, miệng kêu lên: “Lạy bà…” Nữ vỗ ngực: “Bà Khùng đây. ông nhận ra tôi rồi phải không?” Rụt bỗng sụp xuống lạy như tể sao: “Xin lạy bà trăm nghìn lạy. Bà tha chết cho con.” Rồi bỗng hắn cười ré lên, cười sằng sặc như bị ai cầm dao cứa vào cổ. Vừa khóc vừa cười, vừa lạy, vừa nói lảm nhảm những gì chẳng ai hiểu.
Nữ ném tờ bạc giấy xuống trước mặt Rụt. Hắn nhặt tờ bạc đưa lên ngắm nghía rồi ôm mặt khóc hu hu. Rồi lại cười sặc sụa…
Bọn con nít chạy tóe ra, vừa chạy vừa kêu: “Chạy đi bay ơi! Chạy đi không thằng điên nó giết chết.”
Nữ lặng lẽ quay lại. Nghĩa giúp Nữ khoác ba lô lên vai, bước tới bến xe.
Mùi hoa cà phê thơm ngạt ngào trên đường đi. Mùa xuân lại về trên mảnh đất Xuân Lộc – Long Khánh. Nắng vàng trùm lên núi Chứa Chan. Ánh nắng vàng, làn gió xuân nhè nhẹ thối, như bịn rịn tiễn đưa hai ông bà già ra đi. Hình như ngọn núi Chứa Chan cũng lặng lẽ dõi theo bước họ…
Lời nói đầu
Những mẩu chuyện xưa
Truyền thuyết về ngọn núi lạ
Trời vừa hửng, mây đen đã bao phủ
Đội quân ma xuất hiện
Bông hồng nhung và thầy chùa lửa
Nắm xôi mẹ gửi vào tù
Hiền “mặt rô”
Những căn hầm bí mật
Duới chân núi Chứa Chan
Những ngày sôi động
Cơn bão đang hình thành
Đông Bắc Sài Gòn nổi bão
Bão tan, trời rạng, bình mình về