Chủ đề: Cuộc chiến đấu dưới chân núi Chứa Chan  (Đọc 10532 lần)

        Vợ bệnh, không những để vợ nằm nhà chăm sóc, Tống còn năn nỉ xin bố mẹ vợ và các em để đưa vợ vào Sài Gòn, nằm bệnh viện lớn. Tiếc thay và tội nghiệp thay cho Tống, một người chồng chu đáo, vất vả chăm nom đến thế mà vợ không qua khỏi cơn bệnh, đã trút hơi thở cuối cùng trên tay chồng. Đưa thi hài vợ về nhà, Tống không cho làm lễ an táng ngay, để vợ nằm mấy ngày trong quan tài, ôm quan tài vợ mà khóc ròng. Các cô em gái vợ khóc theo, nói: “Số chị Hai may mắn được ông chồng yêu quý và tốt đến như vậy. Chị có chết cũng “ngậm cười” dưới suối vàng. Noi gương chị các em cũng phải tìm cho được tấm chồng như anh Tống của chị”.

        Đưa vợ ra nghĩa địa, đến lúc cúng một trăm ngày cho vợ, Tống phát hiện cô em vợ xinh đẹp nhất, kế sau vợ có bầu. Trước mặt bố mẹ vợ, anh rể gọi cả ba cô em gái vợ ra mắng dằn mặt: “Anh đi tu nghiệp ở thiền viện Trúc Lâm tận Ba Lê về, dù sao cũng là người anh của các em. Các em không biết gìn ngọc giữ vàng làm xấu cả mặt một trí thức Phật giáo như anh.”

        Cô có bầu bị anh xỉa xói, mắng mỏ chỉ biết ngồi một chỗ ấm ức khóc. Đưa cô em đi “trục” cái thai ba tháng xong, ai ngờ ba tháng sau, cô em xinh đẹp thứ hai lại có bầu. Giảng đạo đức mà các em không nghe, Tống dọa đánh đòn. Ông già vợ Tống đòi đuổi các con gái ra khỏi nhà. Nhưng các cô đã không nghe anh, không nghe lời bố mẹ, Tống phải thuyết phục khuyên bảo mãi mới đưa được em đi lấy thai. Cái thai to quá, em bị sản hậu, băng huyết mà chết. Tống lại đưa thi hài em vợ về nhà, ôm xác em mà khóc ròng, ai thấy cũng thương. Đúng là ông Tám Dưỡng có chàng rể quý thật.

        Vợ chết, thay vợ bảo ban các em không nghe, thầy Tống lại trở về nhà anh kết nghĩa Sáu Báng sống độc thân. Suốt ngày ôm đài Giải phóng nghe luật sư Nguyễn Hữu Thọ kêu gọi toàn dân miền Nam chiến đấu.

        Chuyện nhà sư Thích Dã Tống còn dài, nhưng tạm gác đó để trử lại câu chuyện người đẹp Hồng Nhung có liên quan đến một bà khùng.

        Bà Khùng, tên thật là Trần Thị Nữ, vợ của anh Lê Long, nguyên là chiến sĩ công an bảo vệ cơ quan lãnh đạo ở chiến khu Đ. Nữ ở trong rừng thời chống Pháp làm thư ký đánh máy chữ, yêu Long. Hai người cưới nhau được ba tháng thì ta thắng Điện Biên Phủ, hiệp nghị Giơnevơ mang lại hòa bình cho đất nước. Lê Long cùng cơ quan công an tập kết ra miền Bắc. Thương nhớ chồng, Nữ ở nhà nuôi dưỡng cái “bầu” đúng chín tháng mười ngày thì sinh hạ được thằng con trai giống Long như cái khuôn đúc, đặt tên là thằng Lê Đợi.

        Gặp lúc Diệm đang ra sức kêu gọi tố Cộng, diệt Cộng. Bọn đầu hàng chỉ điểm tố cáo Nữ đã từng là thư ký đánh máy cho Việt Minh ở trong rừng. Tay chân Diệm không bắt giam, không giết Nữ nhưng lại bày trò yêu đương, tình nghĩa. Chúng ép vợ những người đi tập kết phải lấy lính, lấy cán bộ quốc gia, nhằm bôi lem cách mạng và lung lạc tinh thần của những người chồng họ đang sống trên miền Bắc. Nữ còn đẹp, còn trẻ nhưng không chịu lấy thằng trưởng ấp. Chúng âm mưu bắt cóc, giết chết thằng Đợi lúc cháu mới vừa tròn hai tuổi. Hai năm trôi qua rồi, không thấy tổng tuyển cử thống nhất đất nước để Long về với Nữ. Chồng ở xa, con chết, đêm đêm trưởng ấp cho lính xáp vô buồng trói Nữ lại cho trưởng ấp hãm hiếp rồi dụ dỗ phải lấy hắn, hắn sẽ cho đất làm rẫy, cho tiền bạc làm đám cưới đàng hoàng. Nhớ chồng, thương đứa con thơ chết thảm, Nữ phát điên, áo quân rách rưới, tóc tai bù xù đi lang thang khắp chốn, vừa xin ăn vừa chửi vung thiên địa. Chửi Mỹ, chửi Diệm –  Nhu và chửi luôn cả Việt Minh. Từ đó, Nữ không còn tên, không còn hình bóng của cô gái miệt vườn xinh đẹp. Nữ biến thành bà Khùng.

        Bà Khùng đi đến đâu, trẻ con bu theo chọc ghẹo, ném đá.

        Bà thường đến trước trại pháo binh Hoàng Diệu, Lê Văn Duyệt đứng chửi hàng giờ. Chửi miết, đi miết, các quan, lính đều quen mặt và chẳng ai thèm bắt bớ giam cầm bà như lúc đầu bà mới phát điên. Có hôm bà đứng trước dinh tỉnh trưởng lớn tiếng chửi. Tỉnh trưởng cho lính mang tiền và gạo ra cho Khùng. Khùng lấy gạo tiền rồi chỉ mặt thằng lính mà nói: “Tiền này, gạo này là của dân, của tao. Tao đến lấy lại chớ qua không thèm xin xỏ thằng nào, con nào hết, nghe chưa?”

        Khùng chửi hết từ tống thống Mỹ cho đến tổng thống Việt Nam cộng hòa. Từ quan to, quan nhỏ Khùng đều gọi bằng thằng, réo tên mà chửi nhưng riêng Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Khùng không dám động đến mà gọi luôn một dãy Ông Bác Cụ Hồ:

        – Ông Bác Cụ Hồ ơi! Bao giờ tổng tuyển cử cho chồng tôi về. Thằng Diệm hắn bắt tôi lấy Diệm. Thằng Mỹ bắt tôi lấy Mỹ, cực lắm ông Bác Cụ Hồ ơi!…

        Chửi rồi, hát rồi, ca cải lương đủ sáu câu. Có câu nghe kỳ kỳ: “Em ơi! Anh khuyên em đừng đi tắm sông tắm biển, mà mấy con cá lòng tong nó rìa đứt mấy cái sợi lông… ơ lờ lờ… lông mày”. Thấy bọn lính ngụy vỗ tay cười: “Sao không ca thẳng tên cái nớ, mà lại để cá lòng tong trèo lên thấu lông mày mới chịu rỉa. Kẹt tên húy Việt Cộng nên né phải không Khùng.” Khùng trợn mắt nói: “Kẹt, kẹt tên ông nội mày nên tao né. Không cảm ơn tao lại còn cười hà?”

        Chửi Mỹ, chửi Thiệu tùm lum rồi Khùng vừa đi vừa nói càm ràm một mình. Hồng Nhung chạy xe máy Pơgiô cá vàng ngang qua, thấy bà Khùng đứng chửi bọn lính, nàng dừng lại nghe, lại thấy Khùng theo đường ra rẫy, Nhung rê rê xe theo rồi chạy vọt lên rẫy trước, vào nhà dựng xe chờ. Nàng vẫy một cậu làm vườn đến dặn: “Mày ra đón con mẹ Khùng cái bang đưa về đây tao cho nó ít gạo, ít tiền. Tội nghiệp lấy chồng Việt Cộng chi cho khổ, cho sinh khùng khùng, điên điên tội nghiệp!”

        Một giờ sau cậu làm vườn dẫn bà Khùng vào gặp cô Nhung. Cô đuổi cậu làm vườn ra vườn rồi chỉ cho Khùng cái ghế bảo ngồi. Bà Khùng vẫn đứng chắp hai tay trước mặt cô Nhung, vẻ sợ sệt, nói:

        – Kính chào bà Lệ Xuân!

        Nhung cười, rồi dịu dàng hỏi:

        – Mụ thấy tôi giống bà Lệ Xuân lắm a?

        – Dạ… kính thưa bà Diệm.

        Hồng Nhung trợn mắt nói:

        – Bà lại nhầm lẫn nữa rồi. Hay là bà nói theo giọng lưỡi vu khống của Việt Cộng? Tôi nghi bà lắm. Bà vào đây…

        Nhung gọi Khùng đi theo vào buồng trong, nói:

        – Lệ Xuân đây này. – Hồng Nhung cầm cái kìm sắt, kẹp vào đùi Khùng, nơi chỗ rách của cái quần xà lỏn.

        Bà Khùng đau quá kêu lên:

        – Á á. Bà Lệ Xuân chơi trò lóc thịt lột da của mồ ma ông Diệm rồi. Không chịu đâu.

        Nhung lại kẹp kìm vào chân bà Khùng nghiến răng nói:

        – Tao hỏi thật: mày có phải giả điên giả khùng để điều tra đồn bốt, rẫy nương của quốc gia, làm gián điệp cho Việt Cộng phải không? Khai thiệt ra thì sống, cố tình vờ điên là chết, nghe không? Ở đây chẳng có ma Vixi nào cứu mạng mày đâu.

        Cái kềm trong tay Nhung lại kẹp chỗ khác trên thân thể bà Khùng đến bật máu. Bà Khùng kêu lên:

        – Thưa bà cho tui khai… tui khai…

        – Ừ, khôn hồn thì khai đi, tao cho tiền, nhiều tiền…

        Bà Khùng đứng lên, nhìn trước, ngó sau, ròi bước đến nói nhỏ vào tai Nhung:

        – Thưa bà… ông… ông…

        – Sáu Tuệ phải không? – Nhung tỏ vẻ mừng, giục: – Nói tiếp đi. Ông Sáu Tuệ làm sao? Tao nghe tên ổng hoài mà chưa biết mặt. Kể đi.

        – Dạ… ông Trần Thiện Khiêm đưa bồ nhí về rẫy đ. hoài à!

        – Lại giả tàng giả khùng hả? – Nhung tát cái bốp vào mặt Nữ. Loay hoay tìm cầm cái kìm lên, thì đột nhiên dưới gối trên đầu giường Nhung có cái gì kêu tích tích tè tè.

        Nhung vội chạy đến giở cái gối, ánh đèn điện xanh đỏ nhấp nháy, Nhung cầm cái hộp thuốc lá áp vào tai. Bà Khùng đứng chết trân đó, bị Nhung đá vào đít, đẩy ra ngoài.

        Khùng nghe trong buồng, tiếng Nhung nói cái gì mà bà Khùng nghe như tiếng kêu của lợn đói, đòi ăn: “Oát. Oát. ô kê! Et ẹt, ô kê, ẹt ẹt!” Có đứng đó Khùng cũng chẳng hiểu “bà Lệ Xuân” nói cái thứ tiếng nước gì không phải tiếng nước Nam ta. Thuận chân Khùng bước ra ngõ, vọt lẹ. Khùng rất sợ cái kìm lột da, nhéo thịt của Hồng Nhung. Xong cái trò ẹt ẹt heo đói, Nhung ra gọi thì Khùng đã biến mất, liền hét bọn làm vườn: “Chạy theo bắt con mẹ Khùng đưa về đây”. Nhưng Khùng đã biến mất.

        Không bao lâu sau, sổ bí mật của Sáu Tuệ ghi rõ theo tiếng lóng mật mã như sau: “Đã rõ con H.N là một tay chân chủ yếu Phượng Hoàng nắm Long Khánh. Nhưng cứ để yên cho nó “làm việc”, chờ dịp “hốt trọn ổ”.

        Trong lúc Hồng Nhung lo bị lộ, chuẩn bị di chuyển thì Sáu Tuệ cho bắt “thầy chùa lửa” Thích Dã Tống. Việc bắt Tống là mũi tên bắn đi đến hai đích: Diệt gọn một đầu mối quan trọng của C1A. Đồng thời trấn an Hồng Nhung, xem như Nhung chưa bị lộ và bà Khùng chính hiệu là người điên thật. Bằng đường dây bí mật của CIA, bà Khùng bị bắt cóc đưa về nhà thương điên Biên Hòa kiểm tra xét nghiệm. Các thầy thuốc đã kết luận: “Bà ăn mày Trần Thị Nữ mắc bệnh điên, theo từ y học là đang mắc bệnh “tâm thần phân liệt thể hoang tưởng”.

   

*

*      *

        Việc bắt thày chùa lửa rất khó khăn và nguy hiểm. Sáu Tuệ phải cài trinh sát của Đội Trinh sát vũ trang vào làm vườn cho nhà Sáu Báng một thời gian khá lâu để nắm quy luật đi lại, ăn ở của Tống. Từ ngày ĐỘI QUÂN MA xuất hiện giết một số tên chiêu hồi, phản bội và diệt bọn ác ôn, Tống rất cảnh giác. Hắn liên tục chuyển chỗ ở, chỗ ngủ đêm. Đi chơi gái là việc thích thú của hắn, nhưng hắn luôn đề phòng, bí mật đưa gái đến chỗ hẹn, cho bọn mật thám canh gác bốn phía chung quanh chỗ chơi cẩn thận, hắn mới xuất hiện. Hắn thường xuất hiện rất bất ngờ, lúc chỗ này, lúc chỗ nọ. Hắn ra thăm rẫy cũng có tay chân ra trước lục soát, kiểm tra an toàn xong mới đón hắn rồi đứa bảo vệ bên trong, đứa canh gác bên ngoài nhà rẫy cẩn thận, hắn mới chịu từ chỗ ẩn nấp, dò dẫm từng bước ra nơi cần đến.

        Ngày quyết định số phận của tên thầy chùa dỏm, một tên tình báo nguy hiểm này cũng rất bất ngờ. Người đi bắt hắn chính là Sáu Tuệ, Trưởng ban An ninh Long Khánh cùng Hoàng Sáu – phó ban, rất giỏi võ, lại là một cán bộ trinh sát chủ chốt của ĐQM (Đội quân ma).

        Hai người mặc sắc phục cảnh sát dã chiến xuất hiện cạnh kề ngay chỗ hắn ngồi nhấm nháp rượu bổ tay gấu, rắn hổ mang và cá ngựa. Trước mặt hắn là Sáu Tuệ như từ đâu trên trời nhảy xuống. Hắn ngớ ra, chưa biết Việt Cộng hay là quân cảnh ngụy. Hắn kênh mặt lên hỏi Sáu Tuệ: “ông muốn gì?” Tuệ chẳng trả lời hắn, hất mắt ra hiệu cho Hoàng Sáu đã đứng sẵn sau lưng Tống. Sáu chỉ giơ bàn tay đánh một “yếu huyệt”, “thầy chùa lửa” gục xuống bàn, bất tỉnh. Hoàng Sáu bẻ quặt tay hắn ra sau trói lại, lấy băng keo bịt miệng hắn rồi xốc hắn lên vai, vác chạy ra khỏi rẫy, về căn cứ.

        Nghe tin hắn bị cách mạng bắt, ông Sáu Báng phản ứng cho rằng an ninh cách mạng bắt nhầm người tốt rồi, có ý trách móc. Cuối cùng thì ông nhận ra mình bị hắn lừa. Hắn biết ông có nhà lầu, có rẫy tốt nằm cạnh rẫy của các ông lớn Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm tiện bề làm quen để được mấy ông lớn này cất nhắc, thăng vinh về sau. Hắn lại biết Báng có người con nuôi là Nguyễn Mãi đi cách mạng, ở đội biệt động thị xã, đã hy sinh. Lọt vào nhà Báng vừa chiếm mấy cái rẫy cà phê, sầu riêng của Báng, lại được cận kề Thiệu, Khiêm, lại có vỏ bọc nhà sư thì cả Cộng sản và quốc gia đều không đụng đến hắn, tạo điều kiện cho hắn sống lâu dài ở Long Khánh để chỉ điểm bắt và giết nhiều người kháng chiến, phá rã nhiều tổ chức, cơ quan của cách mạng hơn nữa…

        Khi Sáu Tuệ và các cán bộ an ninh vào hỏi cung Thích Dã Tống, hắn đứng lên nói: “Chào đồng chí” và đưa tay ra bắt. Sáu Tuệ gạt bàn tay hắn, quắc mắt hỏi: “Ai đồng chí với mày?”

        Hắn rụt tay lại, nhún vai như Mỹ rồi nói to:

        – Các đồng chí nhàm to rồi, lại “quân ta” bắt lộn “quân mình”. Tôi sẽ kiện lên Hội đông Phật giáo của ủy ban Trung ương Mặt trận giải phóng.

        Sáu Tuệ đập bàn quát:

        – Mày chẳng phải thầy chùa, nhà sư gì hết. Tên của mày là thằng Phạm Dã, thiếu tá Nha tuyên úy Liên đoàn biệt động quân ở Gia Lai – Kontum, chạy về ẩn nấp ở Long Khánh theo kế hoạch cài người lâu dài để đánh phá cách mạng. Mỹ biết Long Khánh là địa điếm chiến lược, là vành đai bảo vệ Sài Gòn nên đã chọn lựa đưa mày đi học lớp tình báo đặc biệt ở Mã Lai ba năm để về cắm lâu dài vào Xuân Lộc. Chưa nói đển chuyện mày đã chỉ điểm mật báo cho Mỹ ngụy giết chết, bắt bớ tù đày nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Chỉ riêng chuyện trong gia đình ông Tám Dưỡng, do mày mê cô gái xinh đẹp Phi Phi con ông Dưỡng nên mày đầu độc giết vợ để cưới cô Phi Phi rồi dùng mưu hòng chiếm đoạt cả mấy cô gái đẹp con ông. Hai cô đã bị mày cưỡng bức mang bàu rồi ép đi phá cái thai của mày gây ra…

        Quan sát nét mặt từ từ đỏ bừng chuyển qua tái dần như con gà bị chọc tiết, ra hết máu của Tống, Sáu Tuệ nói:

        – Mày tìm cách đưa vợ vào bệnh viện Sài Gòn, giả vờ tận tình chăm sóc vợ. Dân Long Khánh ai cũng tin cái danh xưng đại đức của mày, nhưng mày đã mang lại đại họa cho người ta. Chính mắt dì Tám Nam đã thấy mày tự tay chăm sóc, cho vợ uống thuốc hàng ngày. Rồi cuối cùng mày cho vợ uống thuốc độc. Sau khi dì Tám thấy vợ mày tím tái, sặc máu mũi, phèo bọt mép chạy tìm bác sĩ cấp cứu thì mày vội vàng gọi xe chở ngay vợ mày về và bỏ vào áo quan, đóng kín lại, giả vờ thương tiếc, khóc lóc, đánh lừa thiên hạ để phi tang. Sau khi giết vợ mày đã yên tâm chiếm đoạt cô Phi Phi. Sau đó đến hai em của Phi Phi đều có bầu với mày. Trong hai cô bé, có đứa mới mười lăm tuổi mày cũng đổ bầu, đổ bệnh cho người vị thành niên. Tội ác của mày trời không dung, đất không tha. Nếu muốn được Chính phủ cách mạng khoan hồng, mày phải khai báo hết những dự định mà chủ Mỹ, chủ ngụy chỉ thị cho mày sẽ làm, phải làm trong thời gian tới. Giờ tao hỏi mày, cái đơn của ông Tám Dưỡng gửi tỉnh trưởng Bùi Đắc Điềm tố cáo mày giết vợ để cưỡng đoạt các con gái của ông ấy, sao lại lọt về trong túi mày? Tao hỏi vậy thôi chứ thừa biết tên tỉnh trưởng với mày đều là tay sai của Mỹ, đã thông đồng với nhau để đục khoét, đàn áp nhân dân. Còn chuyện mấy tờ seéc hàng trăm ngàn đô la mày đang giữ, là của trùm tình báo Mỹ, hay là của ông Thiệu gửi biếu vì thành tích “diệt Cộng” của mày? Nếu chúng tao không biết âm mưu của mày để báo cho ông Dưỡng biết trước mà đề phòng, thì ông ấy cũng bị mày thủ tiêu để bịt đầu mối từ lâu rồi. Có phải thế không?

        Sáu Tuệ đứng dậy, lấy trao cho hắn một tệp giấy trắng và cây bút bi, nói:

        – Viết đi. Cung khai tất cả công việc mà Mỹ ngụy bảo mày làm.

        Dã Tống đưa hai bàn tay run lẩy bẩy đón xấp giấy trắng và cây bút bi rồi ngòi xuống, vẫn còn run, hắn bặm môi viết:

        – Tôi là đại đức Thích Dã Tống…

        Sáu Tuệ iiếc mắt thấy dòng chữ đó, liền quát:

        – Viết lại. Mày là Phạm Dã… dã thú, dã tâm, dã man, giả dối, giả bộ… để lừa đảo chứ “thích” gì mày mà tự xưng đại đức, tiểu đức nhỏ bằng cái sợi lông mày cũng không có. Còn thích thì mày thích đủ thứ: thích theo giặc, thích đô la, thích giết người; thích rượu, gái, cờ bạc, thịt chó chứ tu hành gì mày… Còn chuyện nữa tao hỏi đây: Quan hệ giữa mày với con Nguyễn Thị Hồng Nhung thế nào?

        – Dạ thưa ông, trước đây là quan hệ bồ bịch, sau này là quan hệ đồng nghiệp.

        Như khơi đúng mạch, Tống tuôn ra một hồi về việc làm của Hồng Nhung. Tóm lại, sau hai giờ vòng vo, hắn đành phải khai báo những bí mật hoạt động của hắn và Hồng Nhung.

        – Vậy sao khi đi Mã Lai về, mày và Hồng Nhung lánh mặt nhau, đối xử lạnh nhạt với nhau như chưa hề quen biết?

        – Dạ… Đó là kỷ luật của CIA quy định. Dạ… dạ thưa… – Dã Tống ngập ngừng, định nói gì nữa, rồi ngồi im.

        Sáu Tuệ quát:

        – Mày còn giấu giếm nhiều chuyện. Mày là cấp trên của Hồng Nhung phải không?

        – Dạ thưa, con mẹ ấy là cấp trên của con ạ…

        – Thôi, không dài dòng. – Sáu Tuệ dịu giọng bảo – Viết lời khai đi!…

        Qua lời khai bất ngờ Dã thốt ra, Sáu Tuệ liền thay đổi ý định, ý nghĩ chợt đến: “Phải bắt ngay Hồng Nhung. Vì con quỷ cái này còn là “cấp trên’’ của thằng “thầy chùa lửa”.

        Kế hoạch là bắt riêng Dã để chờ con Nhung kéo bè ổ về họp mặt ở nhà nó sẽ hốt trọn ổ luôn, nhưng bây giờ thì đã động ổ rồi. Không bắt ngay, Hồng Nhung sẽ biến về Sài Gòn mất.

        Hôm sau Sáu Tuệ lại lập một tổ đi bắt Nguyễn Thị Hồng Nhung do anh trực tiếp chỉ huy. Tuy là loại gián điệp đầu sỏ, nhưng Hồng Nhung chỉ nghe tiếng Sáu Tuệ, dù muốn tiếp cận và đã có âm mưu “khử” Tuệ nhưng ả chưa hề biết mặt anh. Không để gây ồn ào nên Sáu Tuệ tổ chức một tổ gồm bốn cô đội viên của Trung Lương: Cô Liễn, Hồng và Năm. Người con gái thứ tư là H.611.

        Bí số H.611 là người thân cận của Hồng Nhung. Kế hoạch của Sáu Tuệ là cho H.611 vào nhà riêng rủ rê Hồng Nhung vào chơi rẫy. H. nói: “Có ông đại tá cảnh sát Sài Gòn đẹp trai muốn gặp Nhung, H. vào rủ Nhung ra rẫy chơi”. Nhung tin, phóng xe máy theo H. liền. Vào đến nhà rẫy của Nhung, người làm công giữ rẫy của Nhung mời ông cảnh sát ra gặp Nhung. Sáu Tuệ vồn vã bắt tay Nhung và nói là bạn của ngài đại tá Phú, về công vụ Xuân Lộc nhân tiện ghé thăm Nhung.

        Sáu Tuệ bịa chuyện vặt để chờ bọn bảo an, lính tráng đi tuần đường rút về hết mới hành động. Vì con Nhung giỏi võ, nên phải cẩn thận bố trí các cô vào sẵn các vị trí chiến đấu. Lại cho Hoàng Sáu phục trong bếp, đề phòng con Nhung sử dụng vũ khí tự vệ.

        Lúc có tín hiệu bên ngoài sân báo tin lính tráng đã rút hết khỏi rẫy, Sáu Tuệ liền rút khẩu ru lô chĩa vào Hòng Nhung, nói khẽ: “Bà Phượng Hoàng, bà đã bị bắt”.

        Hai cô đội viên ém sẵn đã nhảy vào trói nghiến hai tay Nhung quặt ra sau lưng. Miệng Nhung bị khăn bịt kín chỉ chừa lổ mũi cho thở. Nhung tuyệt vọng cựa quậy hai tay, miệng rên ư ử, nhìn H.611 với đôi mắt vừa căm thù, lại vừa van lơn, cầu cứu.

        Sáu Tuệ lấy khóa trong ví đầm của Nhung, mở tủ sắt lấy ra nào súng ngắn, dao găm, tài liệu mật. Như Trần Thị Nữ (bà Khùng) đã vẽ chỗ cất giấu điện đài ở dưới đầu giường, trên phủ đệm và có ván mỏng che. Khi kéo điện đài ra, Hồng Nhung đã ngất xỉu, té xuống đất. H.611 vội đến đỡ Nhung đứng lên, nhưng thấy mặt Nhung đã tím tái, lột khăn bịt miệng thấy răng cắn chặt, bọt miệng dễu ra. Sáu Tuệ la lên: “Thôi chết cha rồi! Mình bịt miệng hắn chậm, hắn đã kịp nuốt viên thuốc độc. Đúng là tụi tình báo Mỹ đào tạo nhân viên kỹ càng đến nỗi chuẩn bị sẵn cái chết khi bị lộ.” Sáu Tuệ kêu to: “Gọi y tế ngay, súc ruột, cứu sống hắn!”

        Ba hôm sau, bắt được mật mã của địch phát đi từ trung tâm Phượng Hoàng: “Bông hòng nhung đã héo!”…

NẮM XÔI MẸ GỬI VÀO TÙ

        Thất bại ở cả hai miền Nam – Bắc nước ta, đế quốc Mỹ buộc phải xuống thang, từng bước rút quân về nước, thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”.

        Xuân Lộc – Long Khánh là một trong những địa điểm Mỹ phải rút quân đầu tiên. Do vậy, trước khi rút quân, Mỹ đã dốc toàn bộ lực lượng đánh phá ác liệt: dùng xe ủi phá vườn trái cây của dân, rải chất độc hóa học, càn quét vùng ven căn cứ địa cách mạng nhằm bảo đảm an toàn tuyến rút quân của chúng và tạo điều kiện cho quân ngụy thoát khỏi thua trận khi không còn quân viễn chinh Mỹ.

        Chủ trương càn quét đánh phá ở Xuân Lộc – Long Khánh là quyết làm tan rã lực lượng cách mạng, hòng “diệt tận gốc” phong trào kháng chiến của quân dân ta. Các đơn vị quân đội Mỹ gồm Lữ đoàn 173, 199; quân ngụy có Sư đoàn 18, Tiểu đoàn 52 biệt động quân và bọn bảo an, dân vệ liên tục đánh phá vào các vùng ven như Bảo Vinh A, Bình Lộc, Bảo Vinh B, Suối Chồn, Bảo Định… Chúng đánh sâu vào căn cứ của ta tận Rừng Lá, núi Mây Tàu giáp Bình Thuận.

        Những tên ác ôn khét tiếng và tề điệp chưa bị tiêu diệt trong Tết Mậu Thân, nay ngóc đầu dậy đánh phá ta vô cùng ác liệt như tên Mười Dài, Sáu Mâu, Năm Đẩu, Lê Kình… Một số tên tình báo len lỏi vào tuyên truyền lợi dụng sự mê tín dị đoan của đồng bào các dân tộc, chúng đã lập ra cái đạo “Bà Hai” do Thế Cường – một tên mật thám ác ôn cầm đầu, nhằm lôi kéo đồng bào các dân tộc theo chúng. Bọn biệt kích ngụy do tên tỉnh trưởng Lâm Thành Nghĩa – một tên đầu hàng phản bội từ hồi đánh Pháp, nay chỉ huy phong tỏa các cửa rừng từ Bàu Hàm, Bảo Bình… chốt chặn tất cả các tuyến đường tiếp tế lương thực vào chiến khu. Chúng gài mìn dày đặc trong các vườn chuối, nương khoai, không để lọt một hột gạo, một củ khoai vào căn cứ của ta. Vì vậy cán bộ và bộ đội trong các căn cứ bị đói. Có đơn vị bộ đội hàng tháng trời ăn củ chuối, bột cây buông và rau rừng. Vừa thiếu đói, vừa bệnh tật lại bị càn quét, phục kích; bộ đội bị thương vong nhiều. Nhưng nhân dân Long Khánh vẫn tìm mọi cách đưa lương thực và thuốc men vào rừng.

        Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng thị xã Long Khánh đã chuyến hướng chỉ đạo chiến lược: Đưa cấp ủy vào bám trụ dân trong nội ô thị xã và vùng ven. Được nhân dân che chở, đùm bọc, nuôi nấng, các cơ sở mật trong dân và các lực lượng vũ trang vẫn phát triển. Nhiều quần chúng tích cực đã được kết nạp vào Đoàn, vào Đảng. Các đội dân quân, du kích, tự vệ, biệt động, trinh sát vũ trang vẫn được phát triển.

        Mặc dầu bị địch phản kích đánh phá rất tàn bạo, nhưng trong hai năm 1969 -1970 các lực lượng của thị xã đã phản công liên tục, giành nhiều thắng lợi khiến địch phải chùn chân, co cụm lại.

        Mở đầu là trận tấn công tiêu diệt đội Phòng vệ dân sự ở ấp Tân Phú1. Sau trận này, bọn Phòng vệ dân sự các ấp khác dao động, hoang mang, nhiều tên bỏ trốn, có đơn vị tan rã. Nhân dân đã bung ra ngoài các nương rẫy ven thị xã tăng gia sản xuất, có điều kiện để liên lạc và tổ chức những cơ sở, căn cứ mới cho bộ đội và cán bộ cách mạng.

        Sau đó, những đợt tấn công địch liên tục được mở ra của các lực lượng biệt động, tự vệ, trinh sát vũ trang, cơ sở mật phối hợp đánh địch như trận tấn công tiêu diệt địch ở đồn binh Hoàng Diệu.

        Riêng Đội Trinh sát vũ trang Long Khánh chỉ trong vòng mười ngày đã đánh hàng chục trận. Các đội viên mang bí số Jl, J2, J3 đã lọt vào nội ô thị xã, dùng lựu đạn và súng ngắn đánh diệt nhiều tên quân cảnh, mật vụ, biệt kích, ác ôn. J2 đã vào nội ô, tìm diệt tên trung tá trưởng ban tình báo khu 35 chiến thuật ngay tại nhà riêng của hắn trong ấp Phú Mỹ, trung tâm nội ô thị xã.

        Hoạt động vũ trang rộng khắp đã buộc địch co cụm lại, nhân dân đã bung ra sản xuất. Những bà con có đạo Thiên Chúa bị Diệm lừa phỉnh dụ dỗ bỏ quê hương ngoài Bắc để “vào Nam theo Chúa”, đến nay đã hiểu ra mình bị lừa, bị cưỡng ép nên đã trở thành quần chúng tích cực. Nhiều con chiên ngoan đạo và đồng bào dân tộc Hoa, Nùng đã tham gia kháng chiến, có nhiều người là cơ sở mật của cách mạng.

————————
        1. Lúc này thị xã Long Khánh vẫn gọi địa danh dân sự trong nội ô bằng Ấp chứ chưa gọi là khu phố, phường…

        Thực hiện chủ trương của Trung ương Cục và Tỉnh ủy đánh mạnh vào kế hoạch bình định và các hoạt động tình báo của địch, Đội Trinh sát vũ trang An ninh Long Khánh đã điều tra để diệt những tên tình báo và phản bội, chiêu hồi, nguy hiểm như các tên Phan Thanh Hoa, Hắc Sơn, Tư Bá… Phan Thanh Hoa là tên tình báo viên CIA khét tiếng ác ôn ở Tây Ninh đã bị lộ mặt, hết tác dụng, bị nhân dân Tây Ninh căm thù và đang tìm cách trừ khử, do đó CIA Mỹ chuyển hắn về Bảo Vinh, Long Khánh giả danh người dân làm rẫy kiếm sống. Hắn đã nắm được quy luật và tin tức tình báo của ta, phục vụ cho giặc đánh phá ác liệt các cơ sở cách mạng và lực lượng vũ trang ta. Các đơn vị đã nhiều lần phục kích giết hắn nhưng chưa được. Đội trinh sát đã điều tra nắm kỹ mọi hoạt động của hắn và một hôm, đội trưởng Trung Lương đóng vai “trung úy đồn trưởng” cùng hai lính “dân vệ” lọt vào chỗ của hắn ở chỉ cách đồn địch 100m. Không thể bắt sống mang đi được, nên phải khử hắn tại chỗ. Đứa con hắn thấy cảnh đó liền chạy đi báo với trưởng ấp rằng “ông trung úy đồn trưởng bắn chết cha”, lập tức bọn An ninh quân đội cho bắn giam ngay tên đồn trưởng. Việc này gây nghi ngờ lẫn nhau và dấy lên sự chia rẽ trong nội bộ địch.

        Hai tháng sau khi diệt tên tình báo Phan Thanh Hoa, đội trinh sát lại lập tổ đi truy lùng tên Nguyễn Hắc Sơn.

        Hắc Sơn vốn là lính thuộc binh đoàn vận tải quân sự 559 của ta. Do không chịu đựng nổi bom đạn ác liệt và đời sống khó khăn thiếu thốn trong rừng, hắn theo lời truyền đơn Mỹ thả từ máy bay xuống kêu gọi lính ta về đầu hàng sẽ thoát cảnh “Sinh Bắc, Tử Nam”, sẽ được ăn ở sung sướng, có vợ đẹp con khôn… Mơ tưởng đến một cuộc đời khác, hắn nhảy về đầu hàng địch, về đầu hàng, bọn chiêu hồi lại xúi hắn nhảy vào biệt động quân sẽ có lương to, đi càn quét sẽ cướp được nhiều vàng bạc, của cải, chơi gái xả láng.

        Vào biệt động quân, hắn chưa cướp được vàng bạc gì nhưng bị quân dân miền Đông đánh cho tơi bời, ôm đầu máu chạy. Rồi đi càn, hắn cướp được một mớ tiền, vàng của bọn thương lái người Hoa. Hắn dùng số tiền vàng đó hối lộ cho cấp trên đế được chuyển qua lính bảo an.

        Về lính bảo an, hắn cưới vợ là con gái của một gia đình cách mạng. Gia đình vợ giáo dục, thuyết phục hắn trở về với nhân dân, tham gia du kích. Hắn được tổ chức giao làm công tác binh vận được hơn một năm. Chứng nào tật ấy, sợ bom đạn Mỹ và thích ăn sung mặc sướng, hắn ăn cắp tài sản của cách mạng đem cho gái. Rồi ngủ với vợ của đồng đội, bị thi hành kỷ luật. Hắn lại ra đầu hàng địch một lần nữa, mang theo tài sản ăn cắp và cưỡng ép cô vợ của đồng đội theo hắn.

        Do biết nhiều cơ sở bí mật của ta, khi về đầu hàng lần này, hắn dẫn giặc đi bắn giết, bắt bớ, tàn phá các cơ sở và đơn vị của ta, giết hại quá nhiều người. Ngày ngày, hắn đi đến các nhà quen trước kia hù dọa, tống tiền, kiếm gái. Nếu ai không đáp ứng, thỏa mãn lòng tham và dục vọng của hắn, thì hắn dẫn giặc đến bắt bớ, đánh đập, tra tấn cho đến chết. Nhưng hắn cũng liên lạc với cơ sở ta để báo cho ta biết địch đã cài mìn và lựu đạn quanh các vị trí. Thực ra không phải hắn ăn năn hối lỗi mà vì địch đã thuê hắn tung tin như thế nhằm làm cho ta không dám đến hoạt động.

        Nhân dân thị xã Long Khánh vô cùng căm thù hắn, đã cung cấp cho Đội Trinh sát Long Khánh biết quy luật tiếp xúc, đi lại, ăn ở của hắn. Lúc này hắn đã là một tên gián điệp nguy hiểm do Mỹ trả lương, nên được bọn cảnh sát ngụy bảo vệ từ chỗ ở đến những nơi hắn lui tới.

        Tuy nhiên tai mắt của ta là lòng dân. Dân đã căm thù thì trời phật thần thánh gì cũng không cứu nổi. Được tin báo và tín hiệu của dân cho biết hắn rời nhà ra ruộng, đội của Trung Lương đã lần theo bước Hắc Sơn và bắn gục hắn ngay trên đám ruộng của hắn.

        Tên Hắc Sơn đền tội, nhân dân thở phào, phấn khởi vì đã xóa sổ một tên đầu hàng, phản bội Tổ quốc nguy hiểm.

        Sau khi tên Hắc Sơn bị tiêu diệt, bọn đầu hàng, chiêu hồi hoảng vía. Đứa thì nằm im, đứa thì chuyến chỗ ở đi nơi khác.

        Những trận đánh diệt bọn phản bội, đầu hàng của Đội Trinh sát vũ trang Long Khánh đã làm bọn này rúng động hoảng hồn, phải chùn bước. Đồng thời cũng là đòn cảnh báo cho những kẻ đang sống trong hàng ngũ của ta nhưng còn tham sống sợ chết, nghe lời giặc phỉnh nịnh, hứa hẹn mà mơ tưởng đến một cuộc sống ăn ngon, mặc đẹp, giàu sang. Đồng bào luôn khuyên can nhắc nhở chúng hãy tĩnh tâm, tĩnh trí mà suy nghĩ về những ý nghĩ lầm lạc và hành động của mình.

        Bài ca “Mắng Việt gian” trong thời kỳ chống Pháp vẫn còn dư âm thấm thìa với những ai có ý đồ phản bội nhân dân và Tổ quốc:

        “Mi nghe chăng hỡi tên mê mùi phú quý, đem non sông bán cho những loại đế quốc ác gian. Đồng bào ta sẽ nguyên rủa mi đời đời…”

        Giết bọn đầu hàng, phản bội nguy hiểm vì chúng đã khai báo cho địch tàn phá, giết chóc các cơ sở cách mạng và cán bộ, đảng viên ta. Nhưng giết chúng cũng là việc bất đắc dĩ, rất đau lòng.

        Cấp ủy, Ban An ninh đã chỉ đạo tiêu diệt bọn đầu hàng nguy hiểm, còn bọn vì sợ chết, sợ khổ mà bỏ hàng ngũ thì phải để ngỏ cho chúng nó còn cơ hội nhìn ra sai lầm để trở về với nhân dân.

        Lúc này, Đội Trinh sát Long Khánh chủ trương không chỉ đánh những trận nhỏ, lẻ tẻ dù đánh bí mật hay công khai, kể cả đầu độc, ám sát, mà cần thiết phải tổ chức những trận lớn hơn nhằm đánh vào bọn đầu sỏ, ác ôn, tề điệp, tình báo, phải khiến địch kinh hồn, khiếp vía, tiêu hao lực lượng của chúng, giết chết và làm bị thương nhiều tên cùng một lúc.

        Thực hiện chủ trương trên, đội trưởng Trung Lương trực tiếp chỉ huy hai đồng đội của mình, bạn từ thời “canh rẫy” là Nguyễn Thanh Xuân và Nguyễn Văn Ngọc cùng đột nhập vào nội ô. Thứ nhất là diệt tên ác ôn Tư Bạ. Sau đó sẽ đánh vào Bar Ly Ly. Theo các nguồn tin của cơ sở ta thì quán ăn uống, nhậu nhẹt có tên Ly Ly nằm sâu trong nội ô thị xã Long Khánh là chỗ lui tới của bọn sĩ quan ngụy và cố vấn Mỹ ăn nhậu, trác táng. Nhưng cũng là nơi chúng thường xuyên đến vờ ăn chơi nhưng nhằm che mắt trinh sát của ta, để họp bàn các kế hoạch đánh phá cách mạng. Vì vậy, địch bố phòng canh giác, lùng quét chung quanh Ly Ly rất ráo riết, những người sống xung quanh đều có phép của tỉnh trưởng. Những gia đình có người đi tập kết, đi kháng chiến đều bị đuổi ra khỏi trọng điểm này. Sau hàng chục trận ta tấn công vào nội ô, địch cảnh giác đặt thêm các vọng gác bảo vệ phòng thủ và ra lệnh giới nghiêm từ hai mươi giờ đêm đến sáu giờ sáng. Bọn ác ôn trong “vùng cấm” này càng hoành hành, tác oai tác quái hơn một lũ chó sói giữa đàn cừu.

        Tổ chiến đấu của Trung Lương cải trang thành lính ngụy, mười sáu giờ chiều đã lọt vào thị xã. Nhờ có cơ sở bên trong giúp đỡ, họ đến tận nhà Tư Bạ. Nhưng cơ sở mật cho biết giờ đó, Bạ đã đến Bar Ly Ly. Không chỉ đến đó để chơi gái và ăn nhậu, Bạ và bọn thám báo, gián điệp, CIA đã luồn lách vào các vùng ven, căn cứ của ta cũng như mạng lưới tình báo của ta nằm vùng trong nội ô, thường đến đây để gặp bọn trùm tình báo, Phượng Hoàng… báo cáo tin tức, nhận chỉ thị.

        Đêm đó, cũng như mọi đêm khác, từ đồn Hoàng Diệu đến Bar Ly Ly lúc nhúc bọn Mỹ, ngụy, ác ôn, tề điệp, bọn canh gác tuần tra cùng xe cộ đi lại rầm rầm dưới ánh đèn pha và đèn đường sáng choang như ban ngày.

        Tổ của Lương mặc bọn tuần tra, cảnh sát, cả tổ vẫn theo con lộ dẫn đến quán Ly Ly. Lúc này Lương mới nhận ra mình đã thiếu điều tra về trang phục: Bọn trú quân vùng này toàn mặc đò lính dù, ta lại hóa trang mặc quần áo thủy quân lục chiến. Lính ngụy thường bỏ áo trong quần, ta lại thả áo ra ngoài quần để che súng và lựu đạn. Lương rỉ tai Ngọc và Xuân sơ hở đó, địch dễ phát hiện ra không phải quân của nó. Nhưng anh vẫn động viên Xuân và Ngọc bình tĩnh tiến tới. Quả lựu đạn mỏ vịt đeo lưng của Lương bị trật ra khỏi thắt lưng, rơi xuống đường. Chiếc xe ]ep tuần tra của giặc thấy quả lựu đạn rơi, liền dừng lại. Lương thản nhiên đứng lại, nhặt quả lựu đạn lên, cài vào thắt lưng. Chiếc xe quân cảnh liền chạy vụt qua, tổ của Lương vẫn bình tĩnh theo nhau đi đến quán Ly Ly.

        Trong quán lúc này đã vào đoạn 21 giờ đêm. Thời điểm này sau khi ôm gái nhảy đã thấm mệt, giặc sẽ kéo ra nơi ăn và uống rượu. Nếu cần bí mật bàn bạc một việc gì đó quan trọng, thì cuộc ôm gái nhảy coi như ngụy trang đánh lạc hướng trinh sát ta theo dõi để chúng bước vào phòng họp cách ly riêng biệt. Lúc này bọn gái, đĩ và bồi bàn sẽ không được vào chỗ này. Theo quy luật, họp xong chúng mới ra quầy ăn uổng nhậu nhẹt. No say ròi là “các quan” dắt cô gái mà chúng đã chọn trong lúc nhảy nhót đưa vè từng phòng riêng “hú hí” và qua đêm cho đến sáng hôm sau mới trở về đơn vị.

        Tổ của Lương đã đột nhập vào nơi gọi là “phòng đặc biệt”. Khi cả bọn chỉ huy và tay sai tình báo, tề điệp ác ôn đang bàn luận về các kế hoạch tiếp tục “tiêu diệt Việt Cộng”, thì ba quả lựu đạn cùng lúc rơi đúng chỗ họp, tiêu diệt gần như trọn ổ sói lang trong đó có tên ác ôn Tư Bạ. Chỉ còn vài đứa sống sót như người mất hồn, miệng vừa la, vừa chạy. Lương, Ngọc, Xuân cũng la to “Việt Cộng! Đặc công Việt Cộng” rồi tìm đường thoát thân ra vùng ven, về căn cứ.

        Về sau, khi đang nằm trong bệnh xá quân y miền Đông, Lương mới biết trận đánh hôm đó, tổ của Lương đã diệt được tên Tư Bạ và mười một tên đầu sỏ khác, gồm có tên Tỉnh đoàn trưởng đặc trách chiêu hồi, tên Phó chi Cảnh sát, hai đại úy cố vấn Mỹ, ba tên cảnh sát đặc biệt, một đại úy tình báo Tiểu khu, ba trung úy tình báo Khu 33. Trận đánh dù đã thắng lớn, vang dội đến tận Sài Gòn, Biên Hòa, được Khu ủy miền Đông và Tỉnh ủy tuyên dương khen thưởng, nhưng cũng mất mát hy sinh không nhỏ: Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Thanh Xuân hy sinh.

        Lương nhớ lại, khi rút được ra gần vùng căn cứ của ta, chỉ còn cách chừng một cây số thì cả tổ rơi vào bãi mìn địch vừa cài. Mìn nổ, Lương bị thương vào cánh tay. Xuân gãy cả hai chân, Ngọc gãy một tay, một chân, cả ba bị ngất đi một lúc rồi tỉnh lại, bò đến băng bó vết thương cho nhau, chia nhau nuốt thuốc cầm máu. Họ bàn bạc Lương nên về đơn vị gọi người đến tiếp ứng, đưa hai người bị gãy chân không bò đi được về căn cứ. Lương không đành bỏ anh em lại trong bãi mìn của địch. Nếu sáng địch ra, ba người sẽ đánh đến viên đạn cuối cùng. Ngọc nói: Chúng ta là một tổ đảng. Tôi đề nghị lấy biểu quyết. Là đội trưởng, Trung Lương hỏi: “Ai đồng ý cả ba ở lại cùng chiến đấu. Nếu hy sinh, cùng hy sinh”. Nói rồi Lương giơ tay đồng ý phương án thứ nhất. Ngọc và Xuân nằm im. Lương lại hỏi: “Ai đồng ý cử một người về gọi anh em ra cấp cứu, khiêng nhau về đơn vị. Nào, biểu quyết.” Nói dứt câu, Lương ngồi im. Xuân và Ngọc giơ tay trên mặt đất đồng ý cử một người về. Thế là Lương phải chấp hành theo nguyên tắc biểu quyết đa số của tổ.

        Lương giao lại số thủ pháo, lựu đạn, số đạn AR15 còn lại cho Xuân và Ngọc, ngậm ngùi bò ra khỏi bãi mìn thì trời vừa sáng hẳn. Sáng ra, xe quân cảnh, cảnh sát, lính dù ào ào ầm ầm chạy đến bãi mìn. Hai đội viên trinh sát nấp sau ụ mối và cây gai bốm lúp xúp, sẵn sàng chiến đấu. Địch dụ dỗ ngon ngọt: “Các anh đã bị thương nặng rồi. Chúng tôi sẽ cho trực thăng đến đưa các anh về nhà thương cứu chữa. Dại gì mà chết lúc đang còn trẻ. Cha mẹ vợ con các anh sẽ mất cha, mất chồng, mất con”.

        Không nghe “Việt Cộng” đối đáp gì, bọn ngụy lại kêu gọi. Kêu gọi không có hồi âm, từng tốp cảnh sát, lính dù, biệt động xông lên, liền bị Ngọc và Xuân bắn đè rạp chúng xuống, chúng bỏ chạy, lại kêu gọi đầu hàng, lại xông lên. Cuộc đánh trả kéo dài đến trưa, xác giặc đã nằm ngổn ngang phía trước. Đạn đã hết, lựu đạn, thủ pháo cũng hết, hai đội viên trinh sát đã đuối sức ngất đi tỉnh lại nhiều lần nhưng vẫn không đầu hàng giặc. Mười hai giờ trưa, pháo địch từ Suối Râm, Biên Hòa bắn tới. Xuân, Ngọc lại bị thêm những miếng pháo, hy sinh. Các anh đã chết mà giặc vẫn run sợ, chúng cho máy bay đến bắn phá, ném bom. Xuân, Ngọc chết thật ròi mà vẫn còn phải hy sinh đến mấy lần nữa!

        Trận táo bạo đánh vào Bar Ly Ly có hy sinh mất mát nhưng thắng lợi lớn, làm cho địch nao núng, bất an. Đúng như chủ trương của cấp ủy Long Khánh mà Đội Trinh sát đã thực hiện: “diệt một, rã mười”.

        Đội trưởng Trung Lương ra viện, vết thương chưa kín miệng, anh vẫn đi nhúc nhắc ra ngồi bên mộ hai người bạn chí thân từ thời trẻ tuổi. Anh nói thầm trong lòng: “Xuân ơi! Ngọc ơi! Tao sẽ trả thù cho chúng mày”.

*

*      *

        H.5 và H.6 theo sát bên đội trưởng an ủi Trung Lương: “Anh Lương đừng buồn. Chúng em sẽ diệt thằng ác ôn ấp trưởng ấp 5. Anh Xuân, anh Ngọc đã tìm diệt hắn nhưng hẳn thoát chết. Hai anh em về ấm ức lắm. Bây giờ chúng em sẽ tiếp tục nhiệm vụ hai anh còn dang dở.” Lương nói: “Các em đừng mạo hiểm. Thằng Bạo ấp trưởng ranh ma như loài chồn cáo. Các em không điều tra nắm tình hình đi lại, ăn ở của hắn thì khó giết hắn. Hai em phải chờ anh điều về cho một khẩu AR15 mới có súng mà hành động. Chỉ có dao găm và lựu đạn, không giết được hắn đâu.”

        Nhưng chỉ vài hôm sau, thằng Bạo đã bị một loạt súng AR15 bắn nát ngực, nằm chết trên vũng máu chính căn giữa nhà của hắn. Bản cáo trạng tử hình dán trên đầu Bạo ký tên “H5 và H6, Đội Trinh sát vũ trang Long Khánh”.

        Lương rất ngạc nhiên vì súng anh chưa điều về, vậy H5, H6 lấy súng đâu ra để trừng trị tên Bạo? Lúc nghe H6 báo cáo rằng cô có người anh ruột là lính Bình định nông thôn, H6 đã mượn súng của anh ruột để cùng H5 đi giết tên Bạo ác ôn.

        Tuy lập được chiến công, làm tròn lời hứa tiếp tục nhiệm vụ mà Xuân và Ngọc còn bỏ dở, nhưng H5, H6 vẫn bị Lương phê bình là hoạt động sai nguyên tắc: chưa được đội trưởng giao nhiệm vụ mà đã tự động đi thi hành bản án giết chết tên Bạo.

        Hôm sau, Lương giao nhiệm vụ cho hai cô H5 và H6 đi giết hai tên cảnh sát chốt giữ ở Cua Heo.

        Cua Heo là một đoạn đường cong từ quốc lộ 1 nối từ Dầu Giây vào Bình Lộc. Đoạn này có một bốt cảnh sát nằm khuất trong rừng cao su. Người dân Long Khánh đã nhiều làn yêu cầu Đội Trinh sát phải diệt bọn cảnh sát ác ôn này. Bốt này thường xuyên có hai tên canh giữ giám sát người dân và công nhân cao su qua lại. Bọn cảnh sát này là loại lưu manh đầu trộm đuôi cướp. Ngoài mặt thì tự xưng là người bảo vệ dân, nhưng hành động thì ăn cướp, đòi hối lộ, mãi lộ. Thấy con gái đẹp thì đòi “khám người”, dùng súng xô đẩy người ta vào rừng cao su để hãm hiếp, cưỡng dâm.

        H5 và H6 liền phóng xe hơn đa tới, mưu trí lừa được hai thằng háo sắc dâm ô này theo vào rừng và dùng dao hạ sát, rồi đoạt lấy súng. H5 quàng khẩu AR15 ra sau lưng, lái xe chở H6 cầm khẩu “côn 12” ngòi sau, phóng xe về phía căn cứ. Bọn cảnh sát báo động có “đặc công” Việt Cộng, liền tỏa ra chặn các ngả đường. Trận đánh diễn ra vào quãng 15 giờ là lúc rất khó rút lui, mặc dầu đã giành phần thắng. Thấy địch bao vây, đuổi chặn khó có thể thoát, H6 ngồi sau quăng khẩu súng ngắn vào bụi, còn H5 mắc tay lái xe không tháo được súng ra chiến đấu liền bị xe Jeep địch xô tới, bắt cả hai và tước lấy súng.

        Lúc đưa về nhà tù, H5 bị bắt có vũ khí nên bị giam ở xà lim riêng. H6 có người anh là lính Bình định, lại không có vũ khí khi bị bắt, nên được giam lỏng bên ngoài.

        Trước khi bị giải đi giam riêng, H5 đã kịp nói với H6 cố tìm cách liên lạc với mẹ của mình và nhắn bà nếu thăm nuôi thì giấu một quả “da láng”1 mang vào cho H5. Nhắn má có gửi “da láng” vào, con mới tự giải thoát ra được.

        Lời nhắn của H5 đã được H6 chuyển ra cho bà cụ. H5 hy vọng mẹ sẽ tìm mọi cách gửi lựu đạn vào cho mình. Nhưng H5 chờ mãi. Ba ngày bị tra tấn liên tục, đau đớn trước các ngọn roi đòn, bị quay điện vào đầu vú, vào cửa mình, H5 vẫn cắn răng chịu đựng và chờ đợi má gửi “thức ăn” vào.

        Vào một ngày chủ nhật, nhằm lúc bọn cảnh sát và cai tù mắc ăn nhậu, H5 đã nhận được nắm xôi đậu xanh to tướng má gửi vào tù. Nằm trong xà lim, H5 bẻ nắm xôi và nhận được quả lựu đạn da láng, cô mừng quýnh, liền chích máu viết bức thư gửi về cho Lương và anh Sáu Tuệ. Thư viết: “Trước hết xin chúc các anh chị ở lại mạnh khỏe. Em thề theo Đảng, thề chết chứ không khai báo, không đầu hàng giặc!…”

        Sáng thứ hai, sau một ngày nghỉ ngơi ăn nhậu, chơi bời, bọn cảnh sát ác ôn đến gọi H5 ra để tiếp tục tra tấn. H5 nằm ì trong xà lim không chịu ra. Cả tốp cảnh sát bốn thằng hầm hè xông vào kéo H5 ra. Trong phòng biệt giam tối thui, cả bốn thằng vừa túm được người H5 thì quả lựu đạn trong tay cô lóe lửa, nổ. Cả bọn cảnh sát gục xuống. H5 cũng nằm giữa vũng máu cùng đám xác thù.

        Khi địch kéo thi thể của H5 ra cổng nhà tù, đồng bào lối phố xúm lại xem và nhận ra đó là cô Nguyễn Thị Thường, con gái của bà Bảy. Mọi người sụt sùi khóc thương. Bọn cảnh sát la lên chửi bới đồng bào. Thằng Trưởng chi Cảnh sát lầm bầm chửi: “Đù má… Con đặc công Việt Cộng chết các bà khóc. Tụi tui chết thì các bà cười! Các bà ăn cơm quốc gia, mà đi thờ ma Cộng sản. Đù má… các bà!”

*

*      *

        Dưới căn hầm bí mật của nhà bác Bảy Huân, anh Sáu Tuệ cùng Bí thư Thị ủy và Trung Lương ngồi bàn bạc kế hoạch những trận đánh sắp tới, và rút kinh nghiệm: “Đánh thắng, nhưng khi rút lui lại bị thiệt hại. Phải tìm biện pháp cẩn thận hơn, kỹ càng hơn để giảm bớt thương vong khi rút lui sau trận đánh”.

        Các anh phân tích, thành tích của H5, H6 rất táo bạo, dũng cảm, đáng biểu dương. Nhưng dầu sao cũng thiếu kinh nghiệm. Dùng xe hơn đa đèo nhau giữa ban ngày chạy về căn cứ là hành động chủ quan, khinh địch! Cần phải chỉnh đốn và sửa chữa sai làm để giành chiến thắng trọn vẹn trong các trận sau…

———————-
        1. Loại lựu đạn Mỹ vỏ bên ngoài sơn màu xánh rát bóng loáng và nhỏ nhẹ chỉ bằng một quả cam.

HIẾN “MẶT RÔ”

        Hiền vừa từ dưới hầm bí mật bò ra, con chó Ba Đeo của bác Nghĩa cụt đã rối rít vẫy đuôi chạy tới mừng. Hiền ôm con chó hỏi “Ba mày đâu?”

        – Tao đây thằng mặt rô – Bác Hai Nghĩa xuất hiện như từ trên trời rơi xuống.

        Hiền hỏi ngay:

        – Bác xem có “cái đuôi” nào bám bác không?

        – Con yên tâm đi. – Bác Nghĩa cười cười – Địch tao cắt rồi. Nhưng còn con Đông bám đuôi, đòi theo về tìm mày. Nó nhớ mày không chịu nổi rồi.

        Hiền mừng quýnh, vội hỏi:

        – Vậy Đông đâu bác?

        – Tao bảo: Yêu lắm nhưng phải kiềm chế. Chủ quan là giặc nó tóm cả đôi. Mày qua hầm Bảy Huân. Con Đông nó chờ mày bên đó.

        Biết là tạo điều kiện cho tụi trẻ yêu nhau, gặp nhau là sai nguyên tắc của những người hoạt động bí mật, nhưng Nghĩa cụt chẳng đành lòng, nên đôi khi ngấm ngầm làm liên lạc cho tụi trẻ gặp nhau.

        Hiền hoạt động đơn tuyến. Tuy ở cùng đội nhưng Hiền ít khi được giáp mặt với người yêu. Nghe Hai Nghĩa báo tin, Hiền vội đi tắt qua vườn nhà ông Hai Táo, lên đến hầm bí mật nhà bác Bảy Huân. Đông nóng ruột ngồi chờ Hiền. Bác Bảy an ủi: “Cứ bình tĩnh chờ. Hai Nghĩa cho hay tin con chờ, thế nào thằng Hiền cũng tới liền mà!”

        Hiền vào cửa sau vườn, xuất hiện ngay trong bếp, chưa kịp mở miệng chào thì Bảy Huân đã giục: “Xuống với hắn đi”.

        Hiền bưng cái nong khoai khô dịch ra, miệng hầm là cái miệng lu, thò hai chân tụt xuống. Đông đón sẵn ôm lấy Hiền mà hôn tới tấp vào cổ, vào mặt, vào môi. Hiền xiết chặt người yêu vào lòng. Hai người đã yêu nhau hơn năm trời, mà gặp nhau chỉ được dăm ba lần. Họ phải sống cách biệt, mỗi người hoạt động một tuyến. Suốt tháng lo đánh giặc, sống cạnh kề cái chết, phải tính từng phút, từng giờ mà sống. Gặp nhau không nói nhiều lời chỉ hôn nhau không kịp thở. Hiền vuốt ve người yêu, rồi lần tay lên ngực, cởi cúc áo Đông, đưa bàn tay âu yếm vuốt ve đôi bầu vú đày tròn, mềm mại. Hai người thở gấp, phả hơi ấm vào mặt nhau. Hiền lần tay xuống dưới bụng người yêu, Đông nắm bàn tay Hiền, giữ lại, nói qua hơi thở dồn dập: “Đừng anh. Em gìn giữ cho anh. Nhưng chúng mình để dành. Chờ ngày cưới, ngày chiến thắng”.

        Hiền dừng lại, đưa cả hai bàn tay nâng mặt Đông lên, nói: “Anh nhớ em quá!” “Em cũng nhớ anh. Chừ kể anh nghe chuyện chị Thường H5. Chị Thường chết rất anh hùng. Còn chị H6 cũng bị giặc tra tấn. Chúng hỏi chuyện cách nào mà H6 liên lạc được ra ngoài để đưa lựu đạn vào “chia hai” với bọn cảnh sát. H6 cương quyết không khai mình đã liên lạc nhắn mẹ H5 gửi lựu đạn vào. Rồi nhắn tin cho bà mẹ chị thoát ra cứ. H6 bị giặc tra tấn tới chết trong tù”…

        Kể đến đó, Đông khóc, nói tiếp: “Khi anh Xuân, anh Ngọc chết, anh Sáu Tuệ, chị út Lành khóc thương một, thì khi nhận được bức thư bằng máu của Thường gửi ra, rồi cả H5, H6 đều hy sinh, anh Sáu Tuệ, chị út Lành khóc thương đến mười phần”…

        Nghe xong, Hiền hôn người yêu, nói: “Thôi, em về đi kẻo chị Kiên, cô Năm Trợ chờ. Em với Kiên cùng cô Năm đi diệt thằng Đào Tài phải coi chừng. Hắn là một con quỷ đầu trâu mặt ngựa, gian ác nổi tiếng khắp vùng. Hắn có võ, lại lắm mưu mẹo xảo quyệt. Cô Năm, chị Kiên và em phải điều tra thật kỹ, phải tổ chức cơ sở “nội công, ngoại kích” may ra mới trừ khử được hắn. Nếu sơ hở, vội vàng không tính trước mọi tình huống có thể xảy ra mà hành sự thất bại, không may rơi vào tay hắn là rồi đời. Các chị và em mà rơi vào tay con quỷ dâm ô, khát máu ấy thì anh chết mất em ơi!”

        Đông đưa tay lên bịt miệng người yêu, nói: “Cái miệng nói lời xui xẻo này”, rồi áp đôi môi của mình vào, hôn Hiền. Anh con trai lực lưỡng ôm xiết người yêu mà hôn say đắm.

        Nụ hôn kéo dài hàng phút làm Đông muốn ngạt thở, cô xô Hiền ra: “Cho em thử với, không thì hụt hơi, em chết mất”.

        Hiền buông người yêu, rồi như sực tỉnh sau cơn mê, Hiền nói: “Em lên hầm trước đi. Anh cảnh giới cho. Em về, gặp anh Thảnh và Thương cho anh gửi lời thăm. Hai đứa nó yêu nhau lắm, nhưng ít được gặp nhau như tụi mình, thương quá đi mất.”

        Hiền lẻn theo Đông ra sau vườn bác Bảy, nhằm hướng Đông vừa đi, đưa mắt tìm xem có tên gián điệp chỉ điểm nào bám theo Đông để bảo vệ người yêu. Biết chắc chắn là Đông đã trở về chỗ cô Năm Trợ, Hiền quay lại căn hầm bí mật của bác Bảy Huân, nằm gác tay lên trán suy nghĩ về mối tình của mình…

call Hotline 1 0906223114 call Hotline 2 0906 223 114 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok