Chủ đề: Cuộc chiến đấu dưới chân núi Chứa Chan  (Đọc 10533 lần)

        

*

*      *

        Nhà Đông ở ngay trước “động điếm” mà Hiền phải làm người canh cửa. Hằng ngày Hiền vẫn thấy Đông đi đến trường học, từ trường trở về nhà. Và Đông cũng thấy Hiền đêm cũng như ngày có mặt trước động gái. Khi có ngày lễ trọng, lễ chùa hay lễ nhà thờ, động đóng cửa. Hiền biến đi đâu chẳng rõ. Đông biết rõ công việc cực nhục của Hiền. Ba má Đông đôi khi cũng tỏ lòng thương hại Hiền: “Con cái nhà ai đẹp trai, mạnh khỏe thế mà phải đi làm cái nghề mặt rô mạt hạng này”…

        Nhiều đêm Đông đang ngủ, nghe tiếng Hiền la hét, chửi rủa và đánh lộn với bọn lính. Giật mình thức dậy, nhìn qua cửa sổ, Đông thấy mặt Hiền đẫm máu. Bọn lính khiêng thằng bị Hiền đánh gục, nằm trên cáng như đã chết rồi ra khỏi động. Ba má của Đông cũng thức dậy vì tiếng ồn ào bên láng giềng, mẹ Đông nói: “Đông, đi ngủ thôi con, mai còn dậy sớm đi học. Bọn đĩ điếm ma cô tiếp khách đánh lộn nhau thì hay hớm gì mà coi!”

        Đông nghe lời mẹ đi ngủ, nhưng trong lòng vẫn áy náy “tội nghiệp” anh con trai suốt đêm ngày canh cửa cho gái đĩ làm tiền. Còn anh thì ngồi tựa ngửa người trên cái ghế sắt, trước cửa động mà ngủ gà ngủ gật. Có khi thấy anh đang đọc sách, đọc báo. Có đêm trời lạnh, Đông không ngủ được, nhìn qua cửa sổ thấy Hiền co ro khoác mảnh chăn đơn. Lòng cô nghĩ “không biết cái anh chàng mặt rô ấy ngủ ngáy vào lúc nào. Tiền bà chủ động cho được bao nhiêu một ngày đêm, mà anh phải làm việc khốn khổ thế!”

        Người ta đồn rằng, anh mặt rô ấy có yêu một người con gái tên là Ngọc Nga. Cô Nga có người anh đi tập kết ra Bắc. Thời ông Diệm trả thù gia đình Việt Cộng này, cho tay sai đầu độc giết cả gia đình Ngọc Nga rồi vu cho Việt Cộng đế tránh hiểm họa người anh của Nga sẽ trở về sẽ chống Diệm. Có người lại khẳng định không phải Việt Cộng giết gia đình Nga, mà chính tay chân ông Diệm giết. Thằng Chi trưởng An ninh quân đội đã ngắm nghía sắc đẹp của Ngọc Nga, nên giết hết cả nhà, âm mưu chiếm đoạt cô gái.

        Cha mẹ chết rồi, Nga không biết dựa vào ai mà sống, lại sợ có ngày cũng bị Diệm giết, nên nghe lời mụ Tuyến dỗ ngon dỗ ngọt: “Nga xinh đẹp thế ở một mình thì sẽ rơi vào tay bọn lính tráng, quan chức. Chi bằng đến ở giúp chị bán cà phê. Chị coi em như em ruột, không ai dám động đến em đâu!”

        Trong lúc quẫn trí, chưa biết sống cách nào, Nga đi theo mụ Tuyến về động điếm nhưng mạo danh là quán cà phê, sinh tố. Nga ngây thơ có ngờ đâu mụ Tuyến đã phát hiện ra sắc đẹp của Nga sẽ là điểm thu hút đô la, vàng bạc cho động mụ. Nên khi đón được Nga về, chỉ mấy hôm sau mụ đã lấy mấy trăm đô la của thằng Chi trưởng An ninh ngụy, rồi lập mưu đánh thuốc mê để dâng cuộc đời trinh trắng của Nga cho tên ác ôn dày vò suốt một đêm. Sáng ra tỉnh dậy, Nga biết mình đã bị cướp mất đời con gái. Mụ Tuyến thì lu loa rằng có thằng lính nào đã lọt vào động phá đời “em gái yêu quý” của mụ. Mụ đưa đơn cho Chi trưởng An ninh quân đội kiện “thằng lính ngụy” nào đó đã lẻn đến quán của mụ để chiếm đoạt trinh tiết của Nga. Nhận được đơn thưa kiện, thằng An ninh gọi Nga lên hạch hỏi, hù dọa đủ điều, nói Nga đã dùng sắc đẹp mê hoặc làm cho lính tráng vi phạm lời Ngô Tống thống dạy về đạo đức và “thuần phong mỹ tục” của người lính. Hắn bắt Nga bỏ tiền ra “đền bù” cho nhân phẩm của chiến sĩ quân đội Việt Nam cộng hòa đã bị Nga làm nhục. Nga chẳng biết mô tê gì, chỉ biết ngồi ôm mặt khóc. Thằng An ninh nói: “Qua biết em không có tiền, cha mẹ thì bị Việt Cộng giết hết rồi, biết nương tựa vào đâu. Cô Tuyến là một người tốt. Tiếc là qua đã có vợ rồi, nên không thế cưới Nga được. Nga xinh đẹp, dịu dàng, con nhà lành, nếu rơi vào động chỉ biết làm điếm. Nghe lời qua, ta yêu em và gửi em ở với chị Tuyến, ta sẽ ra đó ăn ở với em mỗi tuần vài ba lần. Làm bồ nhí riêng của qua còn sung sướng hơn cả bà hoàng, lại khỏi bị bọn lính tráng nó dày vò, tội nghiệp em…” Nga chỉ biết khóc rồi về lại động, tiếp tục với việc bán “cà phê trá hình” của mụ Tuyến, cắn răng làm gái riêng cho thằng Trưởng chi An ninh quân đội thị xã Long Khánh.

        Hiền làm mặt rô cho mụ Tuyến vào thời điểm Nga rơi vào âm mưu của mụ Tuyến và thằng an ninh. Thấy Nga xinh đẹp, hiền dịu và thường tránh “tiếp khách” như những cô gái khác, Hiền tò mò tìm hiểu về cuộc đời Nga. Những lúc rỗi rãi, vắng khách và thằng chồng hờ của Nga, Hiền ngồi nghe Nga tâm sự mà rơi nước mắt. Hiền thương Nga như thương cuộc đời đau khổ của mình. Từ đó hai người có tình cảm và thương nhau trong cảnh ngộ tứ cố vô thân.

        Lần hỏi chuyện và dần dần, Hiền biết rõ chính mụ Tuyến và thằng Trưởng chi An ninh đã phá nát cuộc đời Nga. Hiền xót xa thương Nga, tính nết Hiền trầm lặng hẳn. Anh trở nên hung dữ với bọn quan, bọn lính đến chơi gái nhưng rất quan tâm chăm sóc Nga. Tình yêu đã dần dần tìm đến với hai người.

        Một hôm thằng Trưởng chi An ninh đến tìm Nga. Hắn định giở trò “vợ chồng” như mọi khi, nhưng bị Nga từ chối, hắn giận dữ đe dọa sẽ xử tội phản bội của Nga và hằn học lao ra cửa, nhảy lên xe Jeep lái chạy về đồn. Nhưng chiếc xe mới chạy đến cổng Chi An ninh thì đã nổ tung. Ngài trung tá chi trưởng văng ra khỏi xe, nằm úp mặt xuống đường, máu me lênh láng. Trước khi tắt thở trong bệnh viện Biên Hòa, tên chi trưởng nói phều phào mấy tiếng: “… Mặt rô… con Nga..!’ Bác sĩ, y tá đều ngơ ngác chẳng biết “ông trung tá” bị mê sảng hay muốn nhắn nhủ vợ con điều gì. Mấy thằng mật thám, CIA đứng quanh đó thì hiểu rằng nguyên nhân cái chết của “ngài trung tá” chi khu là manh mối ở Ngọc Nga “bồ nhí của ngài” – chúng đoán “Nga là đặc công của Việt Cộng đã cài trái nổ vào xe của ngài”. Ngay đêm đó Nga bị bắt. Hiền không kịp trở tay bảo vệ Nga. Bởi vì khi cài trái vào xe thằng chi trưởng, Hiền lo bị lộ, nên đã tránh mặt. Biết tin trái đã nổ, thằng chi trưởng chỉ bị thương mà không chết ngay, Hiền rất lo hắn sẽ khui ra quan hệ giữa Hiền và Nga. Hiền đi Biên Hòa tìm đến dò la ở bệnh viện biết tin chi trưởng đã chết. Anh thở phào nhẹ nhõm quay về thì trời đã sáng. Hiền hí hửng với niềm vui đã diệt được một thằng giặc ác và là một tên tình địch, để giải thoát cho cảnh đời làm nô lệ tình dục của Nga, nhưng choáng váng biết tin Nga đã bị bọn CIA đến bắt mang đi ngay trước lúc trời sáng.

        Hiền bị mụ Tuyển chửi bới té tát vì tội bỏ quán đi, không làm tròn công việc bảo vệ gái, để bọn “dâm dục” đến bắt đứa em nuôi xinh đẹp của mụ. Mụ tiếc vì “con mồi” kéo vàng bạc về cho mụ đã mất, nhưng mụ không biết rằng Hiền thương tiếc và đau xót hơn nhiều vì Nga là “trái tim vàng” của Hiền. Bị chửi mắng sỉ nhục, Hiền lặng lẽ rời khỏi quán. Nhưng không phải chỉ vì bị mụ Tuyến chửi mà bỏ đi, Hiền vội vàng rời khỏi động vì biết rằng, bọn đến bắt Nga chẳng phải là bọn mê gái đẹp, mà chính là bọn gián điệp Phượng Hoàng. Trước sau gì thì bọn chúng cũng khui ra, tìm ra nguyên nhân cái chết của ngài chi trưởng an ninh. Đến lúc đó Hiền cũng không thể thoát khỏi tay chúng.

        Mất Nga, Hiền đã quên ăn, mất ngủ, hàng tháng trời len lỏi qua mọi nhà tù, trại giam, tìm tin tức của Nga. Nhưng Nga vẫn biệt tăm. Có người nói Nga bị bọn cố vấn Mỹ, bọn Phượng Hoàng và Thám sát Báo Đen thay nhau hiếp chết chỉ mấy hôm sau khi bị bắt. Mới đầu, chúng đem Nga về Biên Hòa thẩm vấn, chúng đã đưa tiền, vàng ra dụ dỗ, mua chuộc hòng bắt Nga khai ra ai đã đặt trái trong xe chi trưởng An ninh quân đội ở Long Khánh. Dụ dỗ chẳng được, đến cùm kẹp tra tấn, Nga vẫn nghiến răng chịu đau đớn, không hề hé lộ ra tên của Hiền. Mặc dầu Nga nhớ lại trong những lần tâm sự sẻ chia nỗi khổ, có lần Hiền đã nghiến răng mà nói: “Anh sẽ “tính sổ” cái thằng hại đời con gái của em và giải thoát cho em khỏi tay con quỷ dâm ô này”. Nga đã lờ mờ biết vụ nổ xe jeep giết tên chi trưởng An ninh chính do tay Hiền. Hiền đã tìm Nga khắp các nhà tù, trại giam ở Biên Hòa và vào tìm cả trong nội ô Sài Gòn, cũng chẳng có tin Nga. Như vậy có lẽ nguồn tin Nga bị bọn đầu trâu mặt ngựa cuồng dâm hãm hiếp cho đến chết là đúng.

        Sau mấy tháng trời tuyệt vọng vì không tìm kiếm được Nga, Hiền quay về rẫy cũ, làm một cái “mộ gió” cho Nga, lập bàn thờ, hương đèn thờ cúng Nga, anh thề trước vong linh Nga sẽ đánh diệt bọn Mỹ – ngụy để trả thù cho Nga. Căm giận quân giặc, đau buồn vì mất Nga, Hiền tự tìm giặc đánh. Hiền đã nổi danh một mình mở một cách đánh giặc riêng không giống ai, nhưng giặc thì vô cùng khiếp sợ. Tên của Hiền đã lọt vào tai Trưởng ban An ninh Long Khánh: Sáu Tuệ quyết định gọi Hiền về Đội Trinh sát vũ trang.

        Sống trong tập thể của Đội, được anh Sáu Tuệ, chị út Lành, chị Năm Hồ, anh Trung Lương dìu dắt, phân tích tâm sự, dần dần hiểu Hiền đánh giặc là trách nhiệm, là nhiệm vụ chung của những người công dân yêu Tổ quốc, chứ không phải chỉ trả thù riêng cho người thân hay cho những người con gái sống tủi nhục trong động điếm.

        Từ ngày về sống trong tập thể, được đồng đội quý mến, tôn trọng, Hiền cảm thấy cuộc đời mình đã có ý nghĩa, có ích cho xã hội, cho nhân dân và đất nước.

        Từ đó Hiền lao vào cuộc chiến đấu. Làm tròn nhiệm vụ được giao và cả những việc không ai giao, nhưng vì lợi ích của nhân dân, của đồng đội, cho dù biết có thể mất mạng vì nguy hiểm, Hiền vẫn âm thầm tìm mọi cách giết giặc. Biết bao nhiêu tên Mỹ đi lẻ, đi tìm gái, đi dò la Việt Cộng đã bị Hiền thủ tiêu. Hiền giết giặc mà không báo công. Tranh thủ mọi lúc mọi nơi, tìm sơ hở của giặc để diệt chúng. Giết Mỹ ngay khi chúng còn đóng quân, cho đến khi Mỹ rút, Hiền cũng tìm cách đánh chặn trên những con đường chúng rút quân. Bọn cố vấn Mỹ và các trùm tình báo Mỹ tìm nguyên nhân những cái chết bí hiểm của bọn Mỹ. Chúng thiết quân luật, cấm bọn Mỹ đi lẻ ra vùng nương rẫy, đồng ruộng, và phố xá, chợ búa. Nhưng những cái chết khó hiểu vẫn cứ diễn ra. Chỉ một thế võ “đá song phi” và vài mũi dao găm xuyên tim là tiêu đời một thằng Mỹ. Cứ bình mình đến, khi mặt trời soi những tia nắng đầu tiên trên đỉnh núi Chứa Chan, thì dưới chân núi, lúc nơi này, khi nơi khác, xe tuần tiễu của giặc lại chở về một thây Mỹ hay thây sĩ quan, binh lính ngụy – mà phần lớn là bọn ác ôn, tề điệp, quân cảnh, thám báo. Mỗi cái xác chết của giặc, trên trán thằng giặc xuất hiện một dòng chữ bằng bút dạ, mực đen với chỉ vài từ và số ngắn gọn: “H.202”. Giặc truy lùng, tìm diệt cái bí số rùng rợn khiếp hãi đó đối với chúng, nhưng đồng đội và nhân dân thì biết rõ tên giặc đã “ngoéo” vì tay Hiền. Cho đến lúc cái bút dạ không còn mực để viết lên trán giặc, thì Hiền lấy mũi dao găm rạch lên trán chúng một chữ thập – coi như tiễn đưa tên giặc về “thiên đàng” với Chúa của hắn. Cả giặc, cả ta đều khó hiểu với cái thập ác trên trán thằng chết. Giặc thì điên đầu tìm kiếm, truy xét, nghiên cứu cái ký hiệu thập ác đó của Việt Cộng hay của dân Mọi, của các giáo phái chống lại nhau?!! Đồng đội của Hiền khi thấy cái dấu thập ác trên trán hay giữa bụng, nơi bắp tay, bắp chân giặc thì chì kết luận hai tiếng gọn lỏn: “Hiền rồi!”…

        Có thằng Mỹ chết đâu từ đêm hôm trước, sáng hôm sau thấy hắn nằm thẳng cẳng sau hè nhà canh nương của ông Năm Thợ Rèn. Đầu thằng Mỹ vỡ đôi, óc phọt ra bết vào quả sầu riêng nằm lăn lóc bên cạnh. “Hiền rồi!” Đồng đội kết luận và bảo Hiền báo công để được cộng lại số Mỹ chết, được nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Hiền cãi “thằng đó chết không phải tại tôi”. Rồi Hiền giải thích: “Quê ta nóng quá, thằng Mỹ nằm rình để diệt Việt Cộng, hắn tháo cái mũ sắt ra khỏi đầu cho mát. Hắn có biết đâu sầu riêng chín thường rụng về đêm. Thằng Mỹ đó chết vì sàu riêng rụng trúng bóc cái sọ dừa của hắn.”

        Đội trưởng Lương nhận xét: “Đúng rồi. Thằng Mỹ ấy chết vì tội đi rình, phục kích diệt Cộng, đã bị “sầu riêng” xử”. Sau đó mấy hôm, thằng “Chín Quậy”, con quỷ thám sát Báo

        Đen cũng đi phục kích trên rẫy của bác Bảy Huân, Quậy bị sầu riêng rụng đấm lưng, trật đĩa đệm cột sống phải đi cấp cứu. Thoát chết, từ bệnh viện về nhà, Chín Quậy ngòi xe lăn, miệng chửi đổng: “Đù má nó… cái trái sầu riêng cũng theo Việt Cộng thì cái thân tao làm sao sống được hở trời!”… Hắn tự nghĩ vậy và nghiệm thấy rằng cái nghề rình mò, giết người, làm tay sai cho Mỹ – ngụy của hắn trời không dung, đất không tha, cây cỏ cũng thù oán… Hắn liền hối thúc vợ con bỏ Long Khánh, tìm về quê đi cày cho yên thân. Từ đó Chín Quậy mất danh thành “Chín chuồn”. Nhớ lời cha ông dạy, hắn lấy “chước tẩu vi thượng sách!”

*

*      *

        Len lỏi theo sau canh chừng cho Đông đến Bảo Vinh, biết chắc chắn Đông đã về với tổ, nhưng nằm suy nghĩ lại, Hiền vẫn không yên tâm. Anh lồm cồm dậy ra khỏi hầm, theo lối đi cũ của Đông và tổ trinh sát nữ. “Phải cảnh giác” – Hiền nghĩ: chỉ vì sơ hở trong phút chốc, không kịp đề phòng quay lại đưa Nga tạm lánh sau cái chết của thằng chi trưởng, tức thì Nga đã rơi vào tay bọn CIA. Mất Nga – một nỗi đau giằng xé tâm can và Hiền đã được một bài học quá đắt nhớ đời. Chính vì ta chỉ sơ hở trong nháy mắt, mà con Cò Ngọc đã chỉ điểm cho Mỹ – ngụy bắt được và giết Tư Hà, tham mưu trưởng của tỉnh đội. Đội Trinh sát đã xử con Cò Ngọc, trả thù cho anh Tư Hà, nhưng cái giá còn quá đắt vì con Phượng Hoàng cái ấy đã chỉ điểm bắt và giết biết bao cán bộ, cơ sở và đồng bào yêu nước. Hiền tự nghĩ về sai lầm của mình. Trước kia, Hiền nghĩ rằng phải tìm diệt bọn Cấp cao, nghĩa là diệt từ thiếu tá trở lên đến cấp đại tá mới có giá trị. Một sơ hở khác là Hiền coi thường bọn con gái Phượng Hoàng. Sau khi bắt thằng “thầy chùa lửa”, Hiền mới té ngửa hiểu rằng cái con quỷ cái Hồng Nhung chân yếu tay mềm ấy lại là cấp chỉ huy của tên đại gian, đại ác Thích Dã Tống. Và đến khi Tư Hà chết, Hiền mới ý thức được chính cái mưu đàn bà mà anh đã coi thường như con Cò Ngọc, thì chính bàn tay và trí óc con này đã giết chết Tư Hà – một cán bộ tham mưu kỳ cựu, đánh giặc khét tiếng của quân ta. Đến lúc hiểu ra thì chuyện đã rồi. Nhưng Hiền đã thấm thìa, không chỉ diệt bọn cấp cao trung tá, đại tá mới là thắng lợi lớn, mà phải coi chừng bọn tay sai nhãi nhép mà nguy hiểm đến kinh hồn. Ví như thằng trung úy Ngô chẳng hạn. Nghe đồn thằng Ngô là ác ôn khét tiếng, nhưng Hiền coi thường bởi cái lon trên ve áo thằng Ngô chỉ là trung úy thôi. Hiền rút kinh nghiệm không bỏ sót lai lịch của bọn cấp thấp, liền đi tìm hiểu người dân. Không chỉ dò hỏi dân Xuân Lộc, Long Khánh, Hiền tìm hỏi cả dân vùng Định Quán, Vĩnh Cửu, kể cả người dân tộc Châu Ro ở miệt rừng Đạ Huôi, Đạ Tẻ. Có tai mắt của dân, Hiền mới biết chính thằng trung úy Ngô đã dẫn đội “Tìm diệt” của hắn đi lưu động giết người khắp cả miền Đông. Nhắc đến tên trung úy Ngô, người dân đều rùng mình ghê tởm: mỗi khi bắt được cơ sở của ta, hoặc cán bộ, đảng viên ta, Ngô thường sai lính đè xuống trói chân tay nạn nhân lại để cho hắn tự tay rút dao găm mổ bụng nạn nhân, tìm moi buồng gan, cắt lấy từng miếng gan người bỏ miệng nhai sống, ăn ngay tại chỗ, mồm miệng của hắn máu me nhoe nhoét như mỏ con sói xé thịt con cừu. Già làng Năm Nổi ở Xà Mếch kể cho Hiền nghe: “Trong rừng chiến khu Đ có con cọp dữ đã ăn thịt hàng trăm cán bộ, bộ đội, đồng bào. Căm thù con cọp hung dữ ấy, bộ đội, du kích ta đã tìm diệt cọp. Suốt hàng năm trời tìm mọi cách diệt cọp mà không ăn thua vì cọp khôn và thiêng lắm. Cuối cùng cọp bị dính mìn bay mất một chân. Còn lại ba chân cọp càng hung dữ, đi rình chụp ăn thịt thêm hàng chục người nữa. Nghe cọp ba chân dân đã run lẩy bẩy van lạy: “Lạy ông Ba Mươi, ông tha mạng cho dân Châu Ro chúng tôi”. Nhưng nghe đến ông Ba Ngô người dân còn kinh khiếp hơn cả ông Ba Chân. Ba Ngô cũng là cọp ba chân. Hai cái “chân chính” ông đi tìm diệt Việt Cộng, còn cái “chân phụ” ông đi diệt đời đàn bà con gái. Già làng Năm Nổi đã cùng du kích dân tộc Châu Ro mang cung nỏ và tên tẩm thuốc độc đi tìm diệt trung úy Ngô nhưng không diệt được hắn. Dân và bộ đội đã đi đặt mìn, gài bẫy diệt tên Ngô nhưng hắn thoắt ẩn, thoắt hiện như ma như quỷ, lần nào cũng thoát… Đến lượt Hiền, thì Hiền đã âm thầm xóa tên hắn ra khỏi vùng Xuân Lộc – Long Khánh. Tên Ngô chết không toàn thây vì ôm trọn quả thủ pháo của Hiền. Ngô chỉ còn sót lại cái đầu “Ngô mà mình Sở”. Nhưng trên cái trán còn nguyên vẹn của hắn thì không quên mang dòng chữ đen ngòm là bí số của Hiền: “H.202”.

        Ác ôn Ngô chết, nỗi hãi hùng khiếp đảm của người dân đối với Ngô đã trao lại cho quan quân Mỹ ngụy. Mấy chữ H.202 là sự kinh hồn bạt vía và là cơn ác mộng của bè lũ ác ôn, tề điệp. Một số tên thám sát Báo Đen, Phượng Hoàng, Bình Định, có cả tên ấp trưởng đi tìm các cụ ông, cụ bà nhờ các ba, các má thưa giúp với các anh, các chị trinh sát: Hl, H2, H202 tha tội chết cho chúng. Có đứa dao động thật sự, cáo bệnh, cáo trục trặc chuyện nhà, chuyện làm ăn sinh sống tìm đường về quê để tránh bản tuyên án tử hình của Đội Trinh sát dán trước ngực và tránh mấy chữ H202 thích đen ngòm trên trán. Nhưng không phải đứa nào cũng sợ chết, sợ nhân dân trừng trị… Bọn Mỹ – ngụy càng tung ra nhiều vàng bạc, đô la và những lời hứa hẹn phỉnh nịnh một cuộc sống giàu sang thì càng có nhiều đứa lao vào như con thiêu thân để mưu cầu danh lợi. Bọn sống sót này bày ra nhiều mưu chước ranh ma quỷ quyệt, thâm hiểm và độc ác hơn. Chúng lân la vào trong dân, vờ đi thăm nghèo hỏi khổ. Có thằng trẻ măng, đẹp trai, sắm nhiều bộ gió xe máy sang trọng đi tìm kiếm bắt quen với gái để tỏ tình, yêu đương. Chúng lang thang vào nương rẫy, vào các xóm nhà trong phố, ngoài chợ… Ve vãn được cô gái nhẹ dạ nào đó, chúng cũng âu yếm dẫn nhau vào chùa, vào nhà thờ, lên chùa Bửu Quang trên núi Chứa Chan thề non hẹn biển “yêu nhau đến đầu bạc răng long”…

        Kể từ ngày “thầy chùa lửa” “đại đức” Thích Dã Tống và trùm Phượng Hoàng Hồng Nhung bị diệt, tại các chùa, các nhà thờ xuất hiện nhiều “đại đức” và “linh mục”… dỏm. Các “đại đức” cũng mang họ Thích của nhà Phật, nhưng là các “đại bợm” thích… đủ thứ. Thích gái đẹp, thích đôla, thích rượu Tây, thịt chó và thích làm mật thám cho giặc. Dân Long Khánh cảnh giác gọi thầy chùa dỏm, các cha linh mục dỏm là “thầy” “cha” rất là “kính trọng”. Nhưng thưa cha, thưa “các thầy” xong thì bụm miệng cười khúc khích với nhau. Ấy là các bà mẹ, ông bố đã hiểu ngầm với nhau các thầy đó, nói lái ngược lại là “cầy thác” – tức là đồ chó chết.

        Ở nhà thờ, ngoài các cha tuyên úy mang lon sĩ quan thật, đeo súng thật, thường đi rửa tội cho mấy thằng quan lính Mỹ – ngụy chết, thì có các cha “tuyên úy” dỏm khoác chiếc áo thụng đen có giấu trong áo khẩu súng lục “côn đui”. Rửa tội cho con gái trinh thì giữ lại để cha “khui mạch” cho theo “ý Chúa” trước khi đi lấy chồng! Những câu hỏi tội là: “Con có thấy hầm hố che giấu bọn Việt Cộng quỷ sa tăng ở nhà nào không? Hãy báo cho cha biết để giúp con thoát tội lỗi, để về sau được dịp may lên Thiên đường với Chúa” …

        Ở nhà chùa các đại đức dỏm miệng luôn “Nam mô” nhưng bụng thì thắt sợi dây da có đeo dao găm không đầy một bồ, có kèm theo khẩu súng lục ru lô với băng đạn 6 viên vàng chóe, phủ áo cà sa ra ngoài… Tất cả những trò đó không thể qua mắt các đội viên trinh sát.

        Một hôm Hiền bám theo một cặp tình nhân ôm hương hoa phóng xe máy đi về phía núi Chứa Chan. Anh chàng này mặt mày lạ hoắc, cô nàng là con gái của ấp trưởng Bảo Bình. Cặp này có chiều hướng lần theo con đường vào chùa Bửu Quang cơ sở của ta, và lần mò đến căn cứ của mũi Bê Ba. Mấy hôm trước ở Suối Râm có hiện tượng cá chết nổi lên mặt nước. Lương đã báo động cho các cơ quan đơn vị đóng theo các con suối phải cảnh giác: không dùng nước suối để ăn uống, phải bảo vệ giếng nước và dùng nước giếng. Lúc này, trên trời máy bay Mỹ bay đi rải chất độc hóa học, dưới đất bọn tề điệp đi rải thuốc độc vào các nguồn suối. Chúng cho gián điệp đi tìm những con đường tắt mà ta thường đột nhập vào thị xã, cứ đêm đến lại cho bọn biệt kích thám báo đi gài mìn, phục kích…

        Hiền sắp đuổi kịp cặp tình nhân. Khi đi tắt qua vườn nhà bà Năm Thủy, bỗng nhiên từ sau bụi chuối có người thập lưng áo Hiền. Như bị điện giật, Hiền quay ngoắt chĩa súng ngắn vào người đó. Tức thì người đàn bà quắc mắt nói: “Mày đi ngay theo tao.” Hiền kêu: “Má làm con hết hồn”. Bà Năm Thủy chẳng nói gì, kéo Hiền đến hầm bí mật, lôi tuột Hiền xuống hầm, nói: “Tao đứng canh chừng. Mày không biết nó “câu” mày. Mày theo chúng thêm mấy chục bước nữa là “tiêu đời” con ơi. Nó phục từ đêm hôm qua lựng. Mày có nghe tụi nó treo đầu tụi bây bao nhiêu tiền không? Thằng Lương: trăm lạng vàng, con Năm Hồ năm chục. Còn cái đầu mày ngang giá với Sáu Tuệ, Năm Quảng… đến trăm rưỡi lạng, nghe chưa? Theo tao ngay lập tức, chui qua ngách này, gặp cái hàm ếch, nằm yên trong đó nghe chưa? Nếu nó khui đến hàm ếch thì ép mình luồn qua cái ngách rồi theo giao thông hào bí mật ra gần rẫy bà Sáu Bánh Giò nghe con. Còn tao phải chui ra ngay theo dõi chúng…”

     

NHỮNG CĂN HẦM BÍ MẬT

        Bà Năm Thủy vừa chui lên khỏi miệng hầm bí mật, lập tức bốn bề bọn thám sát Báo Đen và dân vệ ập vào túm lấy bà Năm tra hỏi:

        – Thằng H202 vừa xuất hiện sau vườn chuối, mày đã đem hắn đi giấu vào đâu?

        Tên ác ôn xứ Quảng tên là Kim Long – dân Long Khánh thường gọi hắn là ông Rông Vàng Khè (ám chỉ phân người bị bệnh tháo dạ), túm ngực áo bà Năm hét lên:

        – Con quỷ cái! Mày đưa thằng H202 xuống hầm bí mật nào, mày giả câm mà không khai ra, ông sẽ cắt lưỡi mày ném cho chó bẹc giê nhai. Nói mau!

        Thằng Thúi (tên hắn khi ở ngoài Quảng mới vào) dí khẩu súng ru-lô vào trán bà Năm gầm lên như thú dữ:

        – Nói mau! Không nói tao cho về chầu Hà Bá, Diêm Vương bây giờ. Thằng Hát hai trăm dêrô hai xuống hầm mô?

        – Tui không biết hát ca mô hết. – Bà Năm Thủy vừa trả lời vừa réo to lên với bà con làm rẫy chung quanh – Bớ bà con ơi! Ông Thúi đang vu oan cho tui đây này…

        Mấy người làm vườn quanh đó xúm lại trả lời hộ bà Năm khi bị thằng Thúi hạch hỏi:

        – Các ông muốn biết cái thằng lò mò theo gái vô đây à? Thì thằng đó mê con Lai – con gái rượu của cha ấp trưởng nên theo gái, chớ Việt Cộng chi cái thằng đó.

        Thằng Thúi lại hét:

        – Các bà đừng bao che cho nhau. Nói cho các bà biết không phải Việt Cộng chỉ xúi giục các ông già bà lão đào hầm bí mật mà Việt Cộng trong chùa, trong nhà thờ cũng đào hầm bí mật dưới cả bệ thờ Phật, thờ Chúa đế che giấu Việt Cộng ngoài Bắc mới xâm nhập vào. Các bà không nghe đài Giải phóng nó hát hò ca ngợi các bà à: “Má đã đào hầm lúc tóc hãy còn xanh, nay má đã phơ phơ đâu bạc, má lại đào hầm dưới tầm đại bác”… để giấu “cả sư đoàn dưới đất chứ có phải giấu một hai thằng đâu. Không nói tao cho đào bới cả mặt đất lên sẽ lòi ra cái thằng H202… Lúc đó các bà sẽ bị cắt đầu, chặt tay hết, xem các bà nội có còn đào hầm giấu đặc công Việt Cộng được nữa không, nghe chưa?

        Thằng Thúi phẩy tay, ra một cái ám hiệu, tức thì bọn lâu la đã vác cuốc, xẻng, choòng, mai… lao vào hì hục đào bới cả những gốc cà phê, hạt điều, chè, chuối… Chúng đào toát mô hôi mà chẳng thấy hầm hổ gì. Thằng Thúi tức tối đứng chống tay vào bao súng ngắn, thở dài rồi ra lệnh cho thằng mang máy bộ đàm, hét: “Ê! Gọi xe ủi vào đây.”

        Lát sau chiếc xe ủi đất nổ máy phành phạch vang cả vùng mương, xông tới. Cả bọn dừng cuốc xẻng, thở phào đổ dồn mắt vào cái xe húc. Thằng Thúi lại quát tháo bọn dân vệ:

        – Tụi bây ngu! Phải đào bằng cuốc, choòng mới phăn ra hầm. Đừng trông vào cái máy húc. Máy chí húc khi tìm thấy miệng hầm để húc dài dài theo đường thoát của giặc. Nghe chưa? Đào bằng tay đã…

        Từ đằng một gốc chuối sứ, cái miệng hầm lòi ra. Cả bọn reo lên: “Đây rồi”, “Hang hùm đây rồi!”

        Thằng tâm lý chiến giơ cái loa máy lên a lô: “Ai có công tóm được thằng H202 còn sống, được thưởng một chăm ngàn Mỹ kim. Ai nhanh tay hạ thủ hắn cũng được nhận hai nhăm ngàn. Đào nhanh tay lên mà hốt bạc!”

        Ngoài bờ ô rô cóc kèn có thằng gào lên như mắc dịch: “Đường hào đây rồi!”

        Thằng Thúi Kim Long hí hửng la lên: “Kêu xe ủi! Tờrắctơ lại đây. Cứ ủi theo đường hào sẽ lòi mặt cọp!” Thằng tâm lý lại a lô: “Mời ngài H202 chui lên thì sống, chống lại thì chết. Quốc gia sẽ tha tội, sẽ sử dụng tài năng ngõ hầu phục vụ tổ cuốc”…

        Chiếc xe ủi ở đằng bụi tầm vông đang nổ máy xoay trở đế tới ủi đường hào thì nghe một cái “bụp” như voi đánh rấm, nhưng rung cả mặt đất. Thằng trung sĩ lái máy nhảy xuống lao chạy, miệng kêu: “Mìn Việt Cộng. Mìn Việt Cộng”. Thế là cả bọn dân vệ, tề điệp quăng hết cuốc xẻng vùng chạy.

        Bà Năm Thủy bị trói vào gốc cây dừa nhưng vẫn bỏm bẻm nhai trầu, chờ giặc lôi Hiền từ dưới hầm lên để cho Hiền xem chúng chặt hai bàn tay giỏi “đào hầm bí mật” của bà. Nhưng thằng Thúi cũng bỏ chạy theo tụi lính lác rồi. Bà con đến mở dây trói cho bà Năm và có người “cơ sở” rỉ tai bà: “Thằng Hiền đã thoát ra cứ “từ khuya” rồi”. Bà Năm vẫn bình thản nhai trầu và bình luận: “Sức mấy mà tụi nó bắt được thằng Hiền.”

        Nhìn lui, nhìn tới, không thấy bóng dáng đứa chỉ điểm, gián điệp, tề ngụy nào lởn vởn gần chỗ mìn nổ nữa, bà con dân rẫy mới một người một câu: “Mồ ma thằng Tây đã khiếp dân ta đào hầm bí mật. Điện Biên Phủ đó, đường hầm chi chít dưới mặt đất mà luồn đến giữa tim đồn giặc”. Nghe đâu sau này cái thằng Bongke, kỹ sư đào hầm, đắp hào nối tiếng nước Anh đến xem hầm hào của Việt Minh cũng lắc đầu nói: “Đào hầm bí mật kiểu đó thì Tây thua Việt Minh cũng phải!” Chừ lại đến thằng Mỹ cho máy bay B52 giội bom cũng không phá nổi địa đạo Vĩnh Mổc, Mũi Si ở Vĩnh Linh Bắc Việt. Giữa Sài Gòn: các má ở Bàn Cờ, chợ Vườn Chuối, Phú Thọ Hòa cũng đào hầm bí mật giấu cả đoàn đặc công và hàng trăm tấn thuốc nổ đưa vào đánh Mỹ. Hàng mấy năm trời, Mỹ dùng máy bay, xe tăng, bộ binh đánh vào Củ Chi hàng trăm lần. Hàng ngàn tấn bom đạn trút xuống mà địa đạo Củ Chi vẫn đứng vững, tồn tại mãi đó thôi!”

*

*       *

        Bốn hôm sau, đại úy Thúi tức Kim Long Rồng vàng khè nằm chết trên cái miệng hầm “hàm ếch” má Năm Thủy đã đưa Hiền vào ẩn nấp thoát khỏi bọn phục kích trong gang tấc. Thằng Thúi chết vì ba mũi dao găm xuyên thủng tim. Trên bụng hắn găm lại bản án tử hình có dòng chữ TSVT.

        Không biết Thúi chết do Hiền, do tổ của Thương hay đội trưởng Trung Lương giết. Cũng chẳng biết hắn bị giết ở đâu mà xác lại nằm ở cái hầm bị hắn khui và bây giờ thì đã bỏ hoang.

        Sau khi Thúi chết, bọn thám sát Báo Đen, bọn BRU, CIA, Phượng Hoàng, Bình định nông thôn, dân vệ khiếp hãi, không noi gương Thúi tranh nhau đi khui hầm bí mật để lĩnh thưởng như trước nữa. Bọn cảnh sát, an ninh quốc gia gọi các ông già, bà lão ở Long Khánh lên tra xét hù dọa và cả mua chuộc bằng tiền, vàng để khai ra cho chúng khui hầm bí mật của Việt Cộng.

        Các vị nam nữ bô lão của Long Khánh biến những buổi tra xét của giặc thành cuộc đấu tranh họp pháp đòi đào thêm hầm hố để tránh “Việt Cộng pháo kích”, tránh “quốc gia bắn pháo” bất tử và ném bom bừa bãi vào nhà cửa, nương rẫy của dân…

        Hai ba ngày sau lần dân đòi đào hầm tránh phi pháo của cả hai phe chưa ngả ngũ, thì xảy ra vụ một em bé chăn trâu mười tuổi chết do bị pháo của Mỹ đâu từ căn cứ Nước Trong, Suối Râm hay từ Thành Tuy Hạ bắn tới. Hàng ngàn dân Xuân Lộc và công nhân các đồn điền cao su trong huyện và Long Khánh đã khiêng xác em bé lên dinh tỉnh trưởng đòi đền mạng, đòi chấm dứt bắn pháo vào làng xóm nương rẫy của dân và đòi được đào hầm hào tránh bom và đạn pháo. Tên tỉnh trưởng bị buộc phải đền mạng người chết và hứa hẹn cho phép dân được đào hãm trong nhà, ngoài nương rẫy để tự bảo vệ tính mạng của mình.

        Rút kinh nghiệm địch theo dõi hầm hào của ta, Sáu Tuệ đã triệu tập cuộc họp mở rộng giữa cấp ủy, chỉ huy Đội Trinh sát và các cơ sở cách mạng bàn việc: Chống nạn khui xăm hầm tróc người, vũ khí lương thực và xịt chất độc, hơi cay, ném lựu đạn, phun lửa vào các căn hầm, đường hào của dân.

        Trong cuộc họp có rút kinh nghiệm cái hầm hàm ếch Hiền được má Năm Thủy giấu, bị khui. May có đường hào thoát ra ven suối và rẫy cà phê dày đặc che khuất nên Hiền đã thoát được. Kể từ sau đó, mọi căn hầm bí mật đều phải làm nhiều ngóc ngách, nhiều ống thông hơi, đón gió. Đặc biệt phải chứa nước dưới hàm để chống khát và chống hơi ngạt, làm bao trấu nùi rơm chắn trước các hàm ếch chống lựu đạn, khoét các ngách chữ chi để phòng địch dùng súng phun lửa xít vào. Cũng từ đó mọi căn hầm bí mật đều phải có đường chui ra suối, ra sông, chui vào các bụi rậm, bờ tre. Có căn hầm nhà gần Ty Cảnh sát được moi đường hào chui ngay vào dưới bốt gác của tụi cảnh sát, an ninh.

        Thời gian địch ruồng bố, khui hầm ác liệt này, mọi nhà cơ sở đều đào hầm ở cả hai nơi: Hầm ngoài nương rẫy và hầm dưới sân, nền nhà, sâu dưới bàn thờ, chuồng gà, chuồng lợn và cả dưới hố xí.

        Hầm bí mật nhà bố Hai Táo chỉ cách hầm của bố Bảy Huân và má Ba Thảo vài rẫy. Hai căn hầm này suốt hàng năm trời chưa hề bị địch phát hiện.

        Hầm nhà Bảy Huân rộng lớn nhất vùng, chuyên đón cán bộ cấp “bự” từ trên rừng về. Hàm này có thể chứa vài chục người. Là nơi hội họp của huyện ủy Xuân Lộc và chi bộ Long Khánh. Sáu Tuệ Trưởng ban An ninh Long Khánh và Năm Thị trong Ban cán sự Đảng dùng căn hầm của Bảy Huân làm nơi thường trú bám dân, bám đất và là sở chỉ huy của các lực lượng vũ trang bí mật.

        Dân cơ sở cách mạng ở Long Khánh nói “Vợ chồng Bảy Huân và vợ chồng Hai Táo ăn rồi chỉ lo đào hàm”. Thấy các ông bố, bà mẹ cơ sở cực quá vì chăm sóc mấy đứa kháng chiến, Sáu Tuệ có lần an ủi má Ba Thảo: “Má ơi! Má chịu cực, chịu khổ vì tụi con quá. Bao giờ kháng chiến thành công, đất nước độc lập, tụi con sẽ nuôi nấng chăm sóc tuổi già của ba, má”.

        Bà Ba Thảo cười, nói: “Thành công mô chưa thấy, tao chỉ biết ngày hai bữa thòng canh thòng cơm xuống hàm nuôi tụi bây. Canh gác bảo vệ cho tụi bây không sa vào chốn miệng hùm, hang sói, lao tù của giặc. Hằng ngày, sợ tụi bây đau yếu, thiếu chất bổ, tao bí mật ra chợ mua miếng thịt về kho với tôm, mua con cá bông lau và nhúm măng chua về nấu canh bồi dưỡng tụi bây. Lấy cái sợi dây, cột lon hăng gô đựng canh mà thòng xuống hầm nuôi tụi bay. Tao chỉ biết thòng canh nuôi tụi bây đánh Mỹ, vì tao yêu đất nước. Tao không chờ độc lập thành công để tụi bây đền ơn đáp nghĩa đâu các con ạ”…

        Dân biết rõ quân giặc ngày càng ranh ma quỷ quyệt. Chúng nuôi một bọn tay sai làm chó săn và nuôi cả bầy chó săn thật – là những con chó bẹc giê đưa từ Úc-đại-lợi, từ liên bang Đức qua đi ngửi hầm đánh hơi người, để lùng tìm Việt Cộng ẩn nấp dưới các hàm bí mật. Dân có bí kíp rải dầu sả, đâm giã hành tỏi rải rắc ở các miệng hầm, đường hào vừa để chống muỗi, chống rắn, vừa đánh lừa mũi chó không thể tìm được hơi người dưới hàm sâu.

        Địch có mắt nhìn, có mũi ngửi, nhưng dân đã bưng bít làm cho mắt chúng mù, mũi và tai chúng điếc chẳng nghe được gì, ngửi được gì và thấy được những gì đang xảy ra ngay giữa sào huyệt của chúng.

        Diệt được thằng Thúi ác ôn, con Hồng Nhung Phượng Hoàng, con Cò Ngọc… các hầm bí mật trên nương, trên rẫy lập tức được cải tiến, hiểm hóc và tinh vi hơn. Bộ óc của dân hiện đại hơn cả máy móc điện tử của giặc. Dân đã làm cho thằng Boongke kỹ sư thiên tài về cách đào bới hầm hào trong chiến tranh của vương quốc Anh, và những thằng CIA chuyên gia về hầm hào của Mỹ như Bin Rít, Biu Tít gì gì đó cũng phải chịu… bó tay.

        Ngay cạnh đồn địch, nhà bố Bảy Huân to tiếng hen ho, địch cũng nghe được, vậy mà hai ông bà già ấy cũng sửa chữa và cải tiến đào bới lại hầm. Bảy Huân có cái hầm bí mật đào ngót dăm bảy năm trước, chừ đây kêu thợ đến xây lại. Muốn xây lại hàm bí mật, Bảy Huân đã cho vợ là Hai Thảo đi rêu rao ngoài chợ, chửi bới Mỹ và quốc gia cho xe tăng chạy, bắn pháo, dội bom rung cả mặt đất, nứt hết tường nhà, bể mái ngói nhà “người ta”. Còn Bảy Huân thì trước đó mấy hôm đã bí mật chờ đêm khuya, tự leo lên mái nhà, đập bể vài chục viên ngói móc, nện búa tạ đập nứt tường để tạo ra cái cớ dẫn trưởng ấp đến xem và xin phép được kêu thợ đến sửa nhà bị xe tăng và bom đạn làm “chấn động nứt tường, bể ngói”… Sau đó bà vợ mới đi chợ mua nhiều gạo, rau, thịt cá về nuôi thợ đến sửa nhà. Lớp thợ thứ nhất đến là thợ sửa nhà thật sự. Chỉ vài hôm là tường nứt được phá ra xây lại, ngói bể được lợp lại. Nếu ai tinh ý thì thấy số gạch cũ, tường cũ được chất đống và gạch mới cũng thừa ra nhiều. Tiễn tốp thợ xây thứ nhất về, lớp thợ thứ hai bí mật tới liền, do Tám thợ nề – một đảng viên mật chỉ huy đến, họ đào bới hầm cũ xây lại thành hai vách, đổ bê tông dàn cốt thép làm nóc đổ đất, địch có dùng xăm sắt thọc sâu xuống cũng không nghe được tiếng bòm bộp của mặt đất bị rỗng do có hầm hố bên dưới. Không chỉ căn hàm của Bảy Huân mà nhiều căn hầm bí mật khác của các gia đình cơ sở cũng đều làm lại chắc chắn, ngóc ngách, thông thoáng và có các đường tiến thoái hợp lý. Ngay cả người hoạt động trong nội ô Long Khánh cũng không biết rõ địa điểm và cách xây dựng. Khi có việc cần ấn nấp, họp hành ở hầm nào đều do giao liên của cấp ủy bàn với các ba má rồi dẫn dắt.

        Tên Sáu Mâu, một ác ôn thuộc hạ của tình báo Mỹ, hắn được địch mệnh danh là “chuyên gia tróc hầm” cũng phải bó tay chịu thua trước trí thông mình và đầu óc thực tế đồi dào kinh nghiệm làm hầm bí mật trong vùng địch của dân ta.

        Có lần Sáu Mâu bắt bác Bảy Huân lên trại cải huấn tra xét bởi hắn đã nắm được nguồn tin về hầm hố nhà Bảy Huân. Hắn đã nhiều lần cùng chó săn và bọn Phượng Hoàng, Bình định nông thôn kéo đến xăm hầm nhà bác Bảy, nhưng chẳng thấy dấu vết gì của hầm bí mật. Hắn đánh Bảy Huân đến gãy răng, dập xương ngón tay, tra hỏi về căn hầm nhà bác. Bảy Huân nói: “Các ông mặc sức xăm xoi tìm kiếm. Nếu tìm ra hầm bí mật trong nhà tui, thì Bảy Huân này chịu đứt đầu”. Nhưng đầu Bảy Huân chưa đứt, thì đầu Sáu Mâu đã mất do bị Trinh sát vũ trang trừng trị. Số là sau khi xăm hầm Bảy Huân, tên chó săn hầm này còn kéo lâu la đi đào bới lung tung. Anh em ta đã chấm dứt nghề săn hầm của Sáu Mâu. Cái chết của Mâu là đòn cảnh cáo nghiêm khắc răn đe bọn tay sai của Mỹ ngụy săn hầm.

        Những căn hầm bí mật là sự sống còn của cán bộ cách mạng, của cấp ủy Đảng ở Long Khánh. Không có những căn hầm này thì cách mạng khó lòng bám trụ được trong dân, cùng dân chiến đấu chống lại cả một đội quân trang bị vũ khí máy móc tối tân, kể cả máy truy lùng, mã thám, máy dò tìm và ngừi mùi, tìm hơi người và sự sống trong lòng đất. Bác Bảy-Huân nhớ lại những ngày đen tối khó khăn nhất của cách mạng miền Nam khi một triệu quân ngụy cùng nửa triệu quân Mỹ và chư hầu đóng trên khắp miền Nam. Không ngày đêm nào bọn tay sai không đi tróc hầm bí mật tìm diệt Việt Cộng sống len lỏi trong dân. Mỹ đã bỏ hàng triệu đô la, hàng vạn quân và lũ chó người làm chó săn và cả những con chó được huấn luyện, mỗi con chó với giá cả hàng trăm ngàn đô la dùng để đi săn người ẩn nấp trong lòng đất. Ta nói: “Cách mạng với dân như cá với nước”, thì chúng bằng mọi cách tát hết nước để bắt cá, chúng rêu rao “cá mà không có nước thì cá chết”. Cuối cùng, Mỹ nhận ra rằng: Không có sức mạnh nào, tiền bạc và mưu trí nào có thể tách dân ra khỏi Việt Cộng. Bởi dân và Việt Cộng chỉ là một. Riêng ở Long Khánh, chỉ lấy những ngày nổi dậy trong tết Mậu Thân làm ví dụ cũng thấy rõ tác dụng của những căn hầm bí mật.

        Bảy Huân nhớ lại những ngày cuối năm 1967, Sáu Tuệ từ mũi B1 qua B2, B3… trở về căn hầm nhà Bảy Huân và nhắn bác đi rỉ tai các ba, các má trong nội ô Long Khánh chuẩn bị hầm hào tử tế. Mỗi hầm bí mật chuẩn bị gạo cơm, nước nôi, thuốc bệnh để đón “khách” về ở lâu dài, từ một vài ngày có thể đến một vài tuần. Nhắc bác Bảy Tùng, thường gọi là Bảy đầu sói (hói) rỉ tai các cơ sở mật đi mua vải ba màu về dự trữ: vải đỏ, vải vàng và xanh màu da trời. Còn chuẩn bị dự trữ gạo càng nhiều càng tốt. Cái thạp gạo nhà Bảy Huân thường xuyên có ba chục ký thì nay tăng lên năm chục. Như thế là có người về đông. May cờ thì phải mua vải. Che mắt địch để gom mua vải đã khó nhưng may cờ càng khó hơn.

        Cờ Mặt trận nửa đỏ, nửa xanh và ở giữa là ngôi sao vàng. Loại cờ nhỏ may dễ, nhưng theo yêu cầu phải có cờ lớn cỡ bề rộng bốn mét, bề dài 6 mét. Mua vải dễ lộ, phải mua từng miếng nhỏ về khâu ghép lại. Đêm đêm, dưới hầm bí mật bà Mười Thửa, Sáu Nồng hướng dẫn các cô nữ du kích may tay. Phải mất hàng chục ngày mới có một khối lượng cờ lớn và nhiều gạo, xưa nay chưa từng có cuộc chuẩn bị nào như vậy. Mọi người khấp khởi mừng thầm không biết Mặt trận định làm “một cú” gì lớn đây, nhưng chưa biết làm gì. Sáu Tuệ, Năm Thị nằm hầm rẫy Bảy Huân phân công cho Chín Tùng nhiệm vụ làm quen với tên đại tá Phước, Trưởng ty Cảnh sát để chờ dịp treo cờ lớn nhất lên cây đa trong đồn cảnh sát.

        Lo hầm hố, cờ quạt xong thì đã vào đầu năm 1968. Năm mới có những chộn rộn khác thường, cấp trên chỉ thị cho Ban cán sự thị xã Long Khánh thông báo cho mọi cán bộ, đảng viên và cơ sở cách mạng tình hình nhiệm vụ mới. Sát nhập xã Bảo Vinh vào thị xã Long Khánh làm bàn đạp dừng chân và củng cố các mũi Bl, B2, B3 sẵn sàng khi có lệnh là tiến vào thị xã. Như thế các cơ sở Bảo Vinh và trong thị xã phải chuẩn bị gấp để đón cán bộ hơn hai chục người vào nội ô thị xã nằm hầm bí mật phục sẵn để chờ đến giờ G thi hành nghị quyết mới của Tỉnh ủy và Mặt trận. Tự vệ và biệt động mật đánh mạnh vào các quán nhậu, trạm gác, các chốt chặn của cảnh sát, quấy nhiễu các đồn bốt thu hút sự chú ý của địch để đánh lạc hướng nhận định của chúng về các kế hoạch mới của cách mạng.

        Song song với việc đánh phá quấy rối địch, Ban An ninh thị xã chỉ thị cho các nhân viên của mình cùng Đội Biệt động vẽ sơ đồ đường sá, đồn bốt của địch, sẵn sàng dẫn đường cho tiểu đoàn 440 của tỉnh đội và bộ đội đặc công của Khu, của Miền lúc có chiến sự xảy ra.

        Trong các rẫy sầu riêng, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, xoài, mít, ổi, chôm chôm… bề ngoài vẫn yên tĩnh. Chỉ có đàn ong mật là tất bật vội vã lui tới trên những chuỗi hoa xoài, hoa cà phê hút nhụy về làm mật. Mùi các loài hoa tỏa thơm trong những làn gió nhẹ chỉ làm người hơi se lạnh. Nhưng bên trong cái se lạnh là sôi sục không khí chuẩn bị cho một biến cố nào đó không bình thường nhưng rất thiêng liêng và khẩn trương. Dưới lòng đất vẫn âm vang tiếng cuốc đào hầm bí mật. Người từ các căn cứ sẽ vào thêm đông, phải đủ hầm bí mật để ém cán, ém quân.

        Sáu Tuệ đã bỏ hầm ngoài rẫy vào nằm hầm bí mật nhà bác Bảy Huân. Bên ngoài rẫy, các hầm bí mật vùng “dừng chân” Bảo Vinh đã có cán bộ về. Hai vợ chồng Bảy Huân đã được Sáu Tuệ phái đi nắm tình hình dân chúng, tình hình địch và nhất là chuẩn bị các hầm bí mật tại các gia đình đảng viên và cơ sở chìm.

        Ngày 15 tháng 1 năm 1968 đã đưa được Năm Thị và Sáu Bạc – là hai ủy viên trong Ban cán sự Đảng từ ngoài rẫy vào nội ô. Năm Thị được gửi vào hầm bí mật của bác Hồ Than, Sáu Bạc vào hầm nhà Hai Triết. Ngày 16 đưa được Sáu Lựu và Út Tầm vào hầm nhà ông Tư Mạnh – một gia đình ngoan đạo, có nhiều gắn bó với nhà thờ… Ngày 17, vất vả lắm, rào trước đón sau, cảnh giới mọi ngả đường, cắt đứt những “cái đuôi” chó săn, tề điệp mới đưa thêm được Nguyễn Chường vào nội ô.

        Ngày quy định cuối cùng đưa người vào nằm “lót ổ” trong thị xã đã gần hết mà còn hơn chục người chưa có cách gì đưa nhanh được. Sáu Tuệ bàn với Bảy Huân phải đi công khai mới đưa được nhiều người cùng một lúc vào nội ô.

        Ban An ninh làm gấp giấy tờ giả cho số người này. Bảy Huân phải tìm gặp Tư Hoàng nhờ giúp.

        Tư Hoàng là một nhà tư sản, chủ nhân của hàng chục rẫy, có nhà lầu trong rẫy và trong thị xã, có xe ô tô riêng. Tư Hoàng là người mua rẫy và đất đai giúp cho gia đình tổng Thiệu, gia đình Trần Thiện Khiêm và tỉnh trưởng Bùi Đắc Điềm, nên rất được các quan chức cảnh sát và chính quyền địa phương kính nể. Bảy Huân nói với Tư Hoàng là bà con, đồng hương của mình ngoài quê gặp chiến tranh, làm ăn khó khăn, nghèo khổ, chạy vô làm rẫy nhưng rẫy cũng hết việc, nhờ Tư Hoàng lái xe đưa họ vào tìm việc làm trong thị xã. Tư Hoàng nhận lời dùng xe Jeep của mình đưa hai chuyến vào nhà Bảy Huân, vừa hết số cán bộ cần vào mà chẳng gặp trở ngại gì.

        Đêm 28 tháng chạp năm con Dê ấy tại các căn hầm bí mật trong nội ô Long Khánh đã đầy ắp cán bộ và đủ mặt giàn giá ban cán sự, chi ủy Long Khánh, chỉ huy tỉnh đội, công an, đặc công, quân báo mà các mạng lưới tình báo, gián điệp, cảnh sát địch không hay biết gì. Chúng vẫn ăn nhậu, ca hát nhảy múa, chơi gái ở các quán bar, động điếm.

        Mùa xuân đến, muôn loài hoa đua nở, khoe sắc. Mai vàng, huệ trắng, hồng, thược dược,… đủ màu đã yên vị trên các bàn thờ mọi nhà chờ đón giao thừa. Chỉ riêng cây cao su về mùa xuân là rụng hết lá, trơ cành. Máy bay trinh sát, trực thăng bay rà lùng tìm du kích, cán bộ nhân dịp rừng cao su trút lá.

        Giờ G quy định cho khu vực Long Khánh – Xuân Lộc đúng 2 giờ sáng ngày mùng 2 tết Mậu Thân. Đại bác, tên lửa cầm tay, thủ pháo, lựu đạn của quân ta lập tức trút bão lửa vào các sào huyệt giặc trong thị xã. Từ các căn hầm bí mật trong thị xã, cán bộ, đảng viên cơ sở và các trinh sát, quân báo, tự vệ, biệt động, công an đã bung ra, đón tiếp và dẫn đường cho các cánh quân của tiểu đoàn 440 bộ đội tỉnh và K8 bộ đội huyện Xuân Lộc; đặc công của Quân khu miền Đông và chủ lực Miền đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng của Mỹ ngụy như sân bay, đồn binh Hoàng Diệu, Ty cảnh sát, các chi khu quân sự, tình báo, bình định, khu chợ và các trại giam, giải phóng cho tù nhân và đồng bào bị địch giam giữ. Quân dân Long Khánh, Xuân Lộc nổi dậy đồng loạt diệt ác, phá kềm, đánh phá các cơ quan chính quyền đầu não và quân sự của giặc, diệt và bắt sống nhiều tên chỉ huy, sĩ quan, bắt, diệt bọn ác ôn có nhiều nợ máu với đồng bào.

        Nhiều tấm gương chiến đấu công tác rất dũng cảm như má Hai Thủy, chị Năm Trợ đã lao giữa hai luồng đạn để đi nắm tình hình, đi động viên các má, các chị em gánh cơm nước, bánh trái ra nuôi quân, đi băng bó cấp cứu cho anh chị em bị thương.

        Quân và dân Xuân Lộc – Long Khánh đã chiếm thị xã, làm chủ trong nhiều giờ khiến quân địch hoảng sợ bỏ chạy tán loạn. Các cơ sở mật, kể cả ông bà già, phụ nữ và thiếu niên tung đi các nơi cắm cờ Mặt trận trên nóc nhà đồn bốt, lô cốt của giặc. Lá cờ lớn nhất phải may suốt mười ngày trước đêm tổng công kích đã được ông Chín đầu sói treo lên cây đa chính giữa sân Ty Cảnh sát. Ngọn đa được chắp thêm một cây tre chót vót, đứng xa hàng cây số vẫn nhìn thấy lá cờ của cách mạng.

        Sáng hôm sau, hàng tốp xe tăng Mỹ từ Suối Râm phản kích, tiến vào thị xã bắn phá bừa bãi dữ dội. Từng tốp máy bay đến ném bom vào các điểm quân ta chiếm đóng. Trước thế địch phản kích rất tàn bạo, quân ta và cán bộ được lệnh rút ra khỏi nội ô Long Khánh. Nhiều đơn vị lẻ không kịp rút, nằm kẹt lại trước hỏa lực rất mạnh của địch, các cơ sở cách mạng bí mật của ta đã đón anh chị em bộ đội cán bộ về hầm bí mật. Nhiều liệt sĩ và thương binh được đồng bào đem về giấu dưới hầm, chờ đêm đến mới đưa các đồng chí về khu căn cứ.

        Nhiều căn hầm bí mật đã bảo vệ liệt sĩ đến nhiều ngày sau mới chuyển ra ngoài an táng. Nhiều thương binh nặng được các mẹ, các chị nuôi dưỡng dưới hầm, lo thuốc thang cứu chữa. Có thương binh phải nằm lại dưới hầm không thể chuyển ra khỏi thị xã. Các ba má, các chị vẫn bí mật thay nhau lo cơm cháo, nước nôi, tắm rửa… giống như các hộ lý, y tá chăm sóc thương bệnh binh trong các bệnh viện.

        Cuộc tống tấn công tết Mậu Thân đưa lại thắng lợi lớn, sinh lực địch bị tiêu hao nặng, nhiều đội dân vệ của địch phản chiến, bỏ hàng ngũ địch về với nhân dân. Nhiều tên ác ôn, tề điệp bị tiêu diệt, khí thế của nhân dân vui mừng tin tưởng vào sức mạnh của cách mạng. Nhưng do sơ suất thiếu cảnh giác, chủ quan khinh địch nên ta đã bộc lộ lực lượng ở một số cơ sở bí mật. Khi thế bất ngờ của ta đã qua, địch chấn chỉnh lại các tổ chức của chúng. Có xe tăng và phi pháo của Mỹ hỗ trợ, chúng điên cuồng phản kích. Sư đoàn bộ binh 18 ngụy kết hợp với trung đoàn thiết giáp số 11 Mỹ từ Suối Râm kéo ra chốt chặn hết mọi con đường ra vào nội ô Long Khánh và các vùng ven, dồn lực lượng ta ở Xuân Lộc, Long Khánh vào thế bí. Suốt đêm ngày địch càn quét, bắt bớ, bắn giết. Bọn ác ôn, tề điệp, mật thám, tình báo ngóc đầu dậy trả thù quyết liệt. Cơ sở mật của ta bị lộ, đã tổn thất nặng nề. Hàng chục cán bộ trong Ban cán sự Đảng, trong các chi bộ tự vệ, biệt động tạm ngưng hoạt động. Lúc này những căn hầm bí mật thật sự là nơi ẩn náu, che chở, bảo vệ tính mạng cho cán bộ chiến sĩ cách mạng bị kẹt lại trong vùng địch. Nằm dưới hầm bí mật, đứt liên lạc với bên ngoài, Sáu Tuệ, Năm Thị, út Lành thật sự bối rối. Sáu Tuệ đã nghĩ tới việc phải tổ chức một lực lượng trinh sát vũ trang của Ban An ninh, thoát lên khỏi mặt đất đi theo dõi tình hình địch, bám sát vào dân, vừa tuyên truyền giác ngộ cách mạng vừa bảo vệ dân.

        Với những ý nghĩ đó, Sáu Tuệ đã cùng Ban cán sự Đảng Long Khánh bàn bạc và quyết định thành lập Đội Trinh sát vũ trang.

        Sáu Tuệ, Năm Thị bồi hồi nhớ lại những ngày nằm hầm được dân chở che. Lòng đất của quê hương và lòng dân yêu nước đã bảo vệ cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Lúc này Bảy Nghị, Năm Thị trong huyện ủy và Sáu Tuệ, Bảy Huân trong chi bộ Long Khánh đã thấy rõ không có thành trì nào bền vững bằng tấm lòng của nhân dân. Không có mảnh đất nào gắn bó chung thủy với cách mạng bằng mảnh đất quê hương. Người chiến sĩ cách mạng khi còn sống, bám lòng đất quê hương để đánh giặc. Và khi nhắm mắt xuôi tay lại về với lòng đất mẹ.

        Cho đến ngàn vạn đời sau, con cháu ta mang ơn những căn hầm bí mật. Những căn hầm bí mật và những bàn tay của cha mẹ, anh chị đào hầm đã góp phần không nhỏ trong công cuộc đưa lại nền độc lập tự do cho đất nước.

        Đội Trinh sát vũ trang Long Khánh ra đời ngay sau Mậu Thân. Từ sau đó là những cuộc chiến đấu sinh tử một mất một còn với giặc. Và cũng từ sau đó, cuộc cách mạng và kháng chiến đã bước sang một giai đoạn mới, tiến tới con đường giải phóng quê hương…

call Hotline 1 0906223114 call Hotline 2 0906 223 114 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok