Chủ đề: Cuộc chiến đấu dưới chân núi Chứa Chan  (Đọc 10534 lần)

DƯỚI CHÂN NÚI CHỨA CHAN

        Đứng từ thị xã Long Khánh, nhìn chếch phía Tây Bắc, thấy núi Chứa Chan nằm dài giữa một vùng bình địa trông giống thế hổ phục. Khi mặt trời từ phía Bà Rịa – Vũng Tàu nhô lên, một mảng nắng như giát vàng lên mái núi. Người ta ví núi Chứa Chan như cái nóc nhà, mái nhà của miền Đông Nam Bộ.

        Nhiều lần nhìn lên núi, Trung Lương nói với Hoàng Sáu: “Quê mình có địa linh nhân kiệt. Có núi hùng vĩ thế hổ phục như thế; có sông dài uốn lượn kiểu rồng bay như thế tất là đất thiêng, nảy sinh anh hùng nhân kiệt; dân cần cù, dũng cảm, không có kẻ thù nào nhảy vào đây mà có thế sống lâu dài, chiếm cứ được quê ta…”

        Nhiều lần dẫn các chiến sĩ trinh sát lên núi theo dõi bọn CIA, gián điệp hoạt động trong chùa Bửu Quang, chùa Chánh Giác, Lương mới phát hiện ra cảnh đẹp và sự hùng vĩ của Chứa Chan. Núi không cao chọc trời như một số bài thơ nào đó của các thi nhân xưa để lại, theo bản đồ quân sự của thực dân Pháp, có ảnh chụp ảnh, thì núi chỉ cao ngót chín trăm mét. Có nhiều tên gọi khác nhau, Tây in trên bản đồ không có dấu, ai đọc theo tiếng Việt thì chỉ có đoán mò: Núi Chua Chan có người gọi Chùa Chân. Chùa Chân – người Khơ-me gọi Chân là Tàu, là Trung Quốc. Có nghĩa là có chùa của Hoa kiều. Lại còn có tên núi Gia Ray (chắc gần với địa điểm Gia Ray). Có người đọc theo bản đồ khác của Tây in là núi Gia Lao. Vậy phải gọi ngọn núi cổ kính này là già lão hay Gia Lào? Cuối cùng thì tên thơ mộng Chứa Chan sống mãi cho đến sau này.

        Chứa Chan có rừng rậm, nhiều cây gỗ quý và cây thuốc. Có suối chảy quanh co lúc nào cũng đầy ắp nước trong veo. Có cây trái, có nước uống để sinh sống đã thu hút nhiều loại thú và chim quý về trong núi. Nhiều lần vào công tác trong núi, Lương đã thấy hổ và bò tót, sợ hết hồn. Nhưng cũng có lần ẩn nấp xem giữa trảng cỏ, một đàn công đang múa với những bộ lông cánh, lông đuôi nhiều màu sắc rực rỡ xòe ra khép vào, đi quanh vờn nhau như những đoạn phim thần thoại.

        Bác Nghĩa cụt kể lại thời đánh Pháp bác đã làm giao liên đưa công văn cho huyện ủy đóng căn cứ ở Chứa Chan. Hồi đó gọi vùng núi là mật khu Hầm Hinh. Có kho quân lương, hậu cần, quân giới, vũ khí và là sở chỉ huy của tỉnh đội. Năm 1947, ông Lê Duẩn khi đi công tác miền Đông Nam Bộ có ghé lại làm việc một thời gian ở mật khu này.

        Nghe chuyện kể của Hai Nghĩa, Hoàng Sáu và Trung Lương đều cho rằng truyền thống cách mạng của Chứa Chan thời đánh Pháp cũng sẽ rất cần thiết cho giai đoạn đánh Mỹ ngụy sau này.

        Vài năm sau khi ta tổng công kích vào quân Mỹ – ngụy năm Mậu Thân, Chứa Chan đã là trạm giao thông quan trọng, nơi tiếp nhận lương thực của bà con Long Khánh –  Xuân Lộc đóng góp cho cách mạng. Từ những bơ gạo giấu dưới gô cơm bới theo đi làm rẫy, từng lon gạo giấu trong cán xẻng, cán cuốc tre rỗng, trong áo nịt vú phụ nữ chuyển lên núi góp lại hàng ngày, hàng đêm để chuyển vào căn cứ nuôi cán bộ, bộ đội đang bị giặc vây, đói, đang ăn rau, lá, củ rừng, củ chuối, củ chụp, măng vòi… Dân Long Khánh – Xuân Lộc đã cứu đói, cứu cách mạng qua cơn khó khăn. Bước vào năm 71-72 các căn cứ được nguồn tiếp tế từ miền Bắc vào. Trạm giao thông Chứa Chan trở thành trạm đón vũ khí và lương thực từ các con tàu không số miền Bắc chi viện vượt biển chuyển vào đổ hàng lên ven bờ Bà Rịa trước khi được đưa đến Khu miền Đông.

        Tình hình nội ô Long Khánh có những chuyển biến mới sau khi Thị đảng bộ Long Khánh được thành lập do Năm Thị, một cán bộ trẻ, nhiệt tình cách mạng và rất dũng cảm trước kẻ thù hung bạo tàn ác, phụ trách. Thị đã sống hẳn trong dân, xốc các phong trào vươn lên. Thị ủy chủ trương tăng cường đội ngũ cán bộ cho các mũi. Mũi B1 do Hai Não phụ trách, Mũi B2 do Hai Bảy và Mũi B3 do Sáu Tuệ chỉ huy. Trong nội ô Long khánh, các chi bộ kết nạp thêm nhiều đảng viên từ nguồn các cơ sở bí mật. Từ đây Long Khánh sục sôi với những cuộc đấu tranh chính trị có quy mô lớn làm rúng động đến tận sào huyệt bọn Mỹ – ngụy ở Sài Gòn. Như cuộc biểu tình đấu tranh của hơn bốn trăm cô nhi quả phụ chống lại việc đuổi chợ, cướp đất làm căn cứ quân sự. Tiếp đó quần chúng nổi dậy truy bắt bọn dân vệ giết người, lôi kéo cả ba bốn trăm người tuần hành chống bọn dân vệ và tề điệp đàn áp nhân dân. Dân Long Khánh đã lôi kéo và vận động một số binh lính của Trung đoàn 43 và bọn đóng đồn Hoàng Diệu tham gia chống lại ngụy quyền.

        Cuộc đấu tranh lớn nhất thời kỳ này do Thị ủy Long Khánh và Huyện ủy Xuân Lộc phát động chống lại cuộc “bầu cử độc diễn” của ngụy quyền Sài Gòn, đã quy tụ sáu ngàn người là dân các ấp Bảo Vinh A, Bảo Vinh B, gia đình các công nhân cao su sống ven thị xã cùng gia đình binh lính tham gia. Các đảng viên mật và các cơ sở cách mạng trong nội ô Long Khánh đã huy động thanh niên, học sinh biểu tình chống lại cuộc bầu cử tổng thống ngụy. Quần chúng đã tràn vào chùa Vĩnh Khánh phát loa kêu gọi nhân dân vạch mặt bọn bịp bợm lừa đảo dân. Những khẩu hiệu và băng rôn có những dòng chữ lớn: “Tẩy chay cuộc độc diễn phi pháp. Thiệu – Hương là hai tên bịp bợm, lừa gạt nhân dân”, “Độc diễn là chà đạp dân chủ, phản bội dân tộc”, “Thiệu – Hương là tay sai đế quốc Mỹ”… Cuộc đấu tranh diễn ra bốn ngày liền. Ngày cuối xảy ra trong nội ô Long Khánh vô cùng quyết liệt. Các biểu ngữ đánh thẳng vào mặt những tên tay sai như Nguyễn Văn Chuyên, Nguyễn Mộng Long, trưởng và phó Tiểu khu Long Khánh; Lý Minh Chơn chỉ huy trưởng cảnh sát Xuân Lộc như “Cực lực lên án hành động ngoan cố của tên gia nô đao phủ Nguyễn Văn Chuyên tỉnh trưởng”; “Lý Minh Chơn là con chó chạy theo đô la Mỹ…”

        Ngụy quyền tay sai đã ra lệnh dùng vòi rồng, lựu đạn hơi cay, gậy gộc đàn áp quần chúng. Đồng bào Long Khánh dùng bom xăng, gạch đá chống trả quyết liệt. Họ mang cả bàn tủ, bánh xe ô tô hỏng ra đường đốt lên làm hàng rào lửa chặn quân đàn áp và đốt cháy cả xe cảnh sát, xé tan thẻ cử tri ném vào mặt bọn giặc, khiến cho cuộc bầu cử tổng thống ngụy trở thành trò cười.

        Những ngày Long Khánh sôi sục đấu tranh này, các đội viên Trinh sát phân công nhau len lỏi trong quần chúng để phát hiện bọn ác ôn, bọn tay sai gian ác hung hăng đàn áp nhân dân. Đêm đến, Lương phân công anh chị em tìm đến tận sào huyệt để trừng trị chúng. Những cái chết của những tên ác ôn này là đòn cảnh cáo đanh thép đã làm nhụt chí, chùn tay bọn tay sai Mỹ – ngụy.

        Đội Trinh sát vũ trang hỗ trợ cho các cuộc đấu tranh Chính trị, binh vận của quần chúng và vẫn chiến đấu theo kế hoạch chung. Nhưng với tình hình diễn biến mới xảy ra tại hội nghị Paris, cuộc leo thang ném bom miền Bắc của Mỹ và những hoạt động khẩn trương ở khắp chiến trường miền Nam cùng với những trận đánh của quân giải phóng hai miền Đông, Tây Nam Bộ, cho thấy rõ một cơn bão lớn đang hình thành. Trong tỉnh Bà Rịa – Long Khánh quân chủ lực Miền và một vài sư đoàn nổi tiếng của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã xuất hiện đánh những trận lớn làm cho ngụy quyền Sài Gòn hoang mang, lo sợ.

        Nhìn lên núi Chứa Chan, Lương thấy hình dáng núi vẫn lặng lẽ trầm mặc như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng dưới chân núi Chứa Chan, như có một sự âm thầm chuyển động. Chùa Bửu Quang hoạt động nhộn nhịp hơn. Lúc này, Chứa Chan trở thành căn cứ địa linh thiêng của Thị ủy Long Khánh và huyện ủy Xuân Lộc. Tình báo Mỹ đã “ngửi” thấy chuyện gì sắp xảy ra trên đỉnh và dưới chân núi Chứa Chan. Lũ ruồi nhặng điệp viên, thám sát Báo Đen, tay sai CIA, Phượng Hoàng đã vo ve bâu đến.

        Sáu Tuệ, trưởng Ban An ninh đã chỉ đạo Đội Trinh sát vũ trang cử các tổ đến hoạt động, bảo vệ Chứa Chan. Trung Lương phân công tổ Thương và Hai Phùng theo dõi vùng phía Nam Chứa Chan. Thảnh và Bân bên Đội Biệt động phối hợp với Trinh sát vũ trang theo dõi vùng Bắc đến tận Mũi Tàu – Gia Ray. Tổ Hiền trinh sát quanh chân núi và đặc biệt theo dõi gián điệp địch hoạt động ở hai chùa Bửu Quang và Chánh Giác.

        Hiền nhớ lại khuôn mặt cái thằng “đĩ trai” cùng con gái ấp trưởng “câu nhử” Hiền theo cho thằng Thúi phục kích bắt dạo trước. Thằng này xuất hiện vào các ngày rằm, mùng một trong tháng, Phật tử đi lễ chùa rất đông. Hắn cùng con gái ấp trưởng đi vào chùa để cúng Phật, xin xăm, thề nguyền yêu đương hay là điệp viên đi dò la những hoạt động của quân giải phóng, của cán bộ huyện ủy Xuân Lộc?

        Tổ Hiền có Lệ Mỹ – một cô gái đẹp đi trước cảnh giới dò đường và phát hiện địch giúp Hiền – Hiền thường khi đi một mình để được rảnh rang mà đánh lẻ, diệt địch bất ngờ.
       
        Nhưng sợ Hiền chủ quan, Lương phân công Lệ Mỹ có thêm nhiệm vụ bảo vệ Hiền – Hiền đi bất ngờ, bí mật, nhưng có hai “đối tượng” bám sát theo dõi Hiền. Đó là Đông, rất lo lắng cho người yêu. Ngày xưa Hai Nghĩa đi tìm cô Tình thì người đời có câu:

       

Nhìn lên ngọn núi Chứa Chan
Nàng đâu chẳng thấy, chỉ nghe sói hú vang, hổ gầm.

        Bây giờ thì Thương trêu chọc Đông:

Nhìn lên đỉnh núi Chứa Chan
Địch đâu chưa thấy chỉ sợ bước chân chàng sa cơ…

        Không chỉ có Đông sợ Hiền sa cơ rơi vào tay giặc như lần được bà Năm Thủy cứu, mà còn có một người theo sau Hiền – người đó chẳng thuộc quân của ai và chẳng có ai phân công mà tự nguyện đi bám sát để bảo vệ Hiền, đó là ông Bốn Râu.

        Khi lừa được thằng “đĩ trai” và Mộng Loan – con gái trưởng ấp cắt đuôi, mất mục tiêu đeo bám, Hiền quay lại thì gặp Đông. Mặc dù rất yêu và nhớ nhung nhưng Hiền vẫn gay gắt bảo Đông quay trở lại với tổ. Hai người đang lời qua, tiếng lại thì Thương xuất hiện. Thương biết rõ nỗi lòng của Đông nên bênh bạn. Thương gỡ tội “vi phạm” nguyên tắc của người an ninh mật bằng lời thanh mình rằng “Do phát hiện có người theo Hiền nên Thương đã bảo Đông theo Hiền để hỗ trợ khi cần thiết…”.

        Biết người bám theo mình là Bốn Râu, Hiền rất lo lắng cho tính mạng của ông già Châu Ro này, vì biết rõ ông là người rất cảm phục cách đánh giặc của Hiền và yêu mến Hiền. Chia tay Đông và Thương, Hiền vội quay lại con đường cũ tìm thì không thấy Bốn Râu đâu nữa. Về đến căn hầm bí mật của mình, Hiền nghe cơ sở mật báo: “Chẳng biết bọn thám sát bắt được ai mà chúng rêu rao với nhau “Đi săn hổ mà bắt được beo”. Hiền tự hỏi: “Vậy beo là ai?”

        Bốn ngày sau, không thấy Bốn Râu ghé vào tổ biệt động của Thảnh xin cơm ăn như mọi khi, Thảnh vội đi tìm khắp nơi vẫn không biết Bốn Râu đi đâu. Thảnh thông báo cho bên Đội Trinh sát biết: “Bốn Râu đã mất tích.”

        

*

*     *

        Trong hàm bí mật nhà Bảy Huân, Sáu Tuệ nói với Nữ:

        – Anh Long ngoài Bắc vào chiến trường B2, được bổ sung về Ban An ninh Miền. Chúng tôi đã báo cho anh ấy biết chị đang công tác mật ở đây, nên chưa bố trí cho hai người gặp nhau được. Tôi có hứa chờ một dịp thuận lợi sẽ bí mật đưa chị ra Xêkađê1 để hai vợ chồng gặp nhau. Mong chị bình tĩnh chờ đợi.

        – Vâng. – Nữ cứng rắn trả lời, nhưng giọng như có nước mắt – Tôi chờ được. Cảm ơn anh, tôi về.

        Nữ chưa ra khỏi hầm thì Sáu Tuệ còn gọi lại, dặn thêm:

        – Chị về tiếp tục công tác cũ. Nhưng phải coi chừng: bọn CIA đã kháo với nhau: “Bà Khùng “vui bất ngờ”, coi chừng có chuyện!” Như thế là chúng vẫn ráo riết theo dõi từng cử chỉ, dáng bộ, nét mặt và hành động của chị. Nhớ lại lần chúng bắt chị ném vào nhà thương điên để điều tra vụ có liên quan đến con Hồng Nhung. Chúng tôi đã liên lạc với bác sĩ cơ sở mật của mình trong nhà thương điên để xác nhận chị ”điên” thật với căn bệnh “tâm thần phân liệt thể hoang tưởng”. Theo ngành y, bệnh này người mắc phải, có thể diễn biến tâm lý và hành động phức tạp: lúc khóc, lúc cười, lúc vui, lúc buồn. Giận dữ xen với hiền dịu. Có khi tưởng tượng mình là nhân vật quan trọng, nhưng có lúc hạ mình van xin như kẻ ăn mày. Chúng tôi đã nhờ bác sĩ ghi bệnh và phòng xa như vậy, nhưng tình báo Mỹ ghê gớm lắm: chúng đã phát hiện chị “vui bất ngờ”, chúng đang theo dõi chị và theo dõi cả đồng chí bác sĩ ở nhà thương điên. Có thể được tin anh Long đã vào nên chị vui sắp được gặp chồng. Điều đó mọi người thông cảm và mừng cho chị, nhưng thằng địch nó cũng mừng vì sắp khám phá và chộp được một nữ chiến sĩ an ninh bí mật của ta…

        Giọng người trưởng ban vẫn nhẹ nhàng nhưng lòng Nữ cay đắng ân hận rằng sự sơ hở của mình là nặng nề, khó tha thứ. Chị như người biết lỗi, lặng lẽ chui ra khỏi căn hầm bí mật của Sáu Tuệ.

        Giao xong công việc, dặn dò và tiễn “Bà Khùng” về rồi, Sáu Tuệ mở bị bàng lấy tài liệu mật ra tìm hiểu về cái chết của Bốn Râu: Bốn Râu bị trói chân tay, ném vào rẫy cạnh ấp Cấp Rang của người Châu Ro. Trên ngực Bốn bị những mũi dao găm đâm xuyên tim, khắp người có nhiều vết xây xát chứng tỏ trước khi bị đâm chết, Bốn đã vật lộn chống trả với đối thủ quyết liệt. Bản cáo trạng viết lên mảnh vải bạt bằng mực đen găm trên ngực nạn nhân với dòng chữ: “Đội Trinh sát vũ trang tử hình”. Chuyện Đội trinh sát giết ông Bốn Râu đã gây sự xáo động trong làng cấp Rang rồi lây sang cả các làng có đồng bào dân tộc Châu Ro, STiêng, Châu Mạ… sinh sống. Các già làng phẫn nộ, căm tức hỏi nhau: “Tại sao cái Việt Cộng, thằng Cách mạng lại giết người Ro mình. Người Ro mình có ai phản lại ông Hồ, ông luật sư Thọ đâu he?”

        Sáu Tuệ đã cho người đi tìm hiểu điều tra ai giết Bốn Râu. Trung Lương, Hoàng Sáu, Năm Hò, út Lành… đã kiểm tra kỹ từng người trong đội. Bốn Râu là người ngoài tổ chức của đội nhưng toàn thể đội viên trinh sát và tự vệ du kích mật, ai cũng kính nể và yêu mến Bốn Râu. Kà Riềng, con trai Bốn Râu cũng là đội viên Biệt động. Sáu Tuệ đã có lần đề nghị lên ủy ban Mặt trận tỉnh xin thưởng huân chương cho Bốn Râu. Phải tìm gấp mọi manh mối tin tức về cái chết của Bốn Râu để làm yên lòng đồng bào dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng bậc nhất của đội.

        Bí thư thị ủy hối thúc và chỉ đạo Ban An ninh thị xã Long Khánh phải khẩn trương trả lời cấp ủy và kết luận giải quyết dứt điểm vụ mất tích và cái chết của “ông già gân” Bốn Râu.

        Người tiếc thương Bốn Râu và đau khổ về vụ này hơn ai hết là Hiền mặt rô. Hiền biết vì theo sát bảo vệ mình mà Bốn Râu bị địch trừ khử. Một mình Hiền một cánh, lần theo đường dây thằng “đĩ trai” và con Mộng Loan. Cuối cùng Hiền đã phăn ra một đầu mối: Mộng Loan không chỉ là con đĩ “Loạn mông”, dâng “mông”, dâng “bướm” cho bao nhiêu thằng Mỹ, thằng ngụy mà cái chính hắn là đường dây giữa cha đẻ của hắn đang đội lốt “ấp trưởng” và thằng “đĩ trai” đóng vai trò nhân tình của Mộng Loan. Hai thằng đó mới là nguyên nhân gây sự chia rẽ cách mạng với người dân tộc ở Long Khánh – Xuân Lộc theo mưu đồ của CIA Mỹ.

———————
       1. Chiến khu Đ.

        Được nguồn tin của Hiền và một vài chiến sĩ trinh sát báo cáo với Sáu Tuệ, thì ấp trưởng nguyên là tên Huỳnh Phượng, cha tuyên úy của Thủy quân lục chiến người Thiên Chúa giáo thời Diệm thành lập ở vùng 1 chiến thuật. Sau khi Diệm chết, cha tuyên úy đã bỏ nghề rửa tội cho lính chết mà chạy vào Nam Bộ, theo kế hoạch của CIA Mỹ “cấy” Huỳnh Phượng vào vùng Công giáo Long Khánh. Không làm cha đạo nữa, Phượng mua đất và đi làm rẫy. Vừa làm rẫy, Phượng vừa làm quen với một số gia đình cạnh kề rẫy của hắn. Dùng tiền của CIA, hắn gây thanh thế và mua chuộc bà con Công giáo. Mang cái vỏ hợp pháp “ấp trưởng”, hắn đã hoạt động tình báo, gián điệp – Còn tên “đĩ trai” chính là Nguyễn Trảng, tay chân ruột của trùm tình báo Mỹ Lênđên1. được CIA lấy từ nhà thờ Ba Chuông đem đi Mỹ đào tạo từ tuổi niên thiếu trong Ban Thánh ca của nhà thờ. Trảng chẳng là nhân tình, nhân bánh gì của Mộng Loan. Chúng chỉ “cặp bồ” với nhau theo bàn tay chỉ đạo tại chỗ của Phượng. Trảng được giao đi nắm những chuyển động quanh vùng chân núi và trên núi Chứa Chan. Sự xuất hiện của bộ đội chủ lực Bắc Việt ở miền Đông Nam Bộ và vùng Xuân Lộc cùng núi Chứa Chan đã thu hút tay chân của các tổ chức tình báo gián điệp Mỹ ngụy. Không chỉ đi rình mò thu thập tin tức tình báo về hoạt động của Việt Cộng vùng xung yếu chiến lược này, mà chúng còn thực hiện âm mưu tìm diệt những nhân vật đánh giặc nổi tiếng trong các đội Trinh sát, Biệt động như Hoàng Hiền, Trung Lương, Hoàng Sáu, Sáu Tuệ… mà chúng còn nhắm vào tìm diệt Bí thư thị ủy Long Khánh; diệt Bảy Nghi, Tư Lạc ở huyện ủy Xuân Lộc và cả Phạm Văn Hy ở tỉnh ủy…

        Trong lúc Sáu Tuệ đang nát óc tìm nguyên nhân cái chết của Bốn Râu thì cơ sở của Thương báo đồng bào Châu Ro ở ấp Bảo Vinh và cấp Rang đang rục rịch mài giáo, sửa soạn cung tên để làm một việc gì đó bí mật. Thương đoán có thể cái chết của Bốn Râu đã khiến cho người Ro phẫn nộ, nhằm vào Đội Trinh sát để trả thù. Hoặc là bà con dân tộc sẽ nổi dậy chống lại lính của chiến đoàn 44, thuộc sư đoàn 18 ngụy đã đốt mấy nóc nhà trong rẫy của bà con Châu Ro. Nếu cả hai dự đoán của Thương báo cáo với đội trưởng Trung Lương và Ban An ninh mà đúng, cũng đều phải ngăn chặn vì rất nguy hiểm. Đồng bào nổi dậy giết các chiến sĩ trinh sát để trả thù sẽ gây nên sự chia rẽ kinh, thượng trong lúc tình hình vùng núi Chứa Chan đang diễn biến phức tạp sẽ gây không ít nguy hiểm khó khăn cho cách mạng. Còn nếu dân làm bạo động tự đến bao vây đánh vào chiến đoàn 44 cũng sẽ tổn thất nặng nề và mất mát đau thương khó lường. Dự kiến thứ hai này cũng cần ngăn chặn. Sáu Tuệ đang bối rối chuẩn bị đối phó các tình huống xấu sắp xảy ra, thì cả Thảnh bên đội biệt động và Trung Lương đều cùng tìm gặp Sáu Tuệ báo tin: “Kà Riềng, con trai Bốn Râu xin gặp Sáu Tuệ rất khẩn cấp”.

        Sáu Tuệ liền chuyển đến hầm bí mật của Hai Táo và cho Thảnh đưa Kà Riềng đến. Vừa gặp Sáu Tuệ, Kà Riềng oà khóc và nói: “Chú Sáu. Cho mình về đội anh Lương. Mình với chị Thương đi bắt cái thằng đâm chết ông Râu cha mình!”

        Dưới ánh đèn trong căn hầm tối, Sáu Tuệ nhìn thấy ánh thép lóe lên ở lưỡi con dao găm Kà Riềng vừa đặt xuống chiếu. Giọng nói với hơi thở dồn dập, Kà Riềng kể khi tìm thấy cha, mọi người dừng cả lại, nằm sấp xuống đất vì sợ địch thường khi giết người xong, chúng cài lựu đạn lại để giết đồng đội đi tìm. Nhưng đã không sợ lựu đạn, chạy đến bên xác cha, Kà Riềng giật lấy bản cáo trạng trên người cha. Thấy cánh tay phải cha bị bẻ quặt ra sau lưng, Kà Riềng lật xác cha lại đế kéo cánh tay đã gãy ra phía trước, thì thấy con dao pônha Mỹ này. Kà Riềng kể tiếp với Sáu Tuệ: rằng anh đã thấy con dao có đeo sợi dây chuyền inốc này trưởng ấp hay cầm vung lên dọa thằng Xén và Kà Riềng khi hai cậu đang làm thuê cho nhà Phượng, đã trêu chọc Mộng Loan con gái trưởng ấp. Kà Riềng gục đầu khóc và tức tưởi nói: “Chú Sáu cho mình đi cắt đầu “ông trưởng” để cúng cha mình”.

        Ôm lấy cái đầu tóc rễ tre xoăn tít của Kà Riềng mà vỗ về, an ủi, Sáu Tuệ nói:

        – Cháu chưa càn đi cắt đầu trưởng ấp Phượng. Chú cần cháu cầm lấy con dao này chạy ngay về ấp Cấp Rang và Bảo Vinh, gặp già làng trình con dao này và báo cho già làng biết những lời cháu vừa kể với chú. Già làng sẽ xử hay tha tội chết cho trưởng ấp là quyền của già làng. Cháu đi ngay đi.

        Kà Riềng chui ra khỏi hầm, lủi ra sau vườn, vượt qua đồn cảnh sát, men theo lối đi bí mật của đội biệt động vẫn đi. Ra khỏi vùng kiểm soát nội ô của đồn bốt giặc, Kà Riềng về đến đầu ấp Cấp Rang thì thấy bà con người Ro đã giáo mác, cung tên kéo về hướng căn cứ Mũi B3, đi tìm giết các chiến sĩ trinh sát để trả thù cho Bốn Râu.

        – Đứng lại! Đứng lại cho mình nói! – Kà Riềng kêu lên bằng tiếng Châu Ro, giơ cao con dao găm Mỹ chạy đến với già làng – Về thôi. Chú Sáu Tuệ đã tìm ra thằng giết cha mình rồi. Về thôi!…

———————–
        1. Lên đên: Lansdale.

*

*     *

        Ba hôm sau, một tốp trai tráng Châu Ro đi theo già làng Điểu Chong, có Kà Riềng dẫn đường nấp rình quanh nhà ấp trưởng Phượng.

        Chờ bọn cảnh sát bảo vệ nhà ấp Phượng rút về đồn, toán người Ro đã ập vào nhà. Phượng rút súng lục chưa kịp bắn, thì đã bị Kà Riềng dùng một thế võ lợi hại của đội viên biệt động, đánh gục Phượng và trói lại. Tốp người Ro vác ấp trưởng Phượng chạy qua trước đồn cảnh sát đem về núi Cấp Rang, trói vào gốc cây, chính cái nơi ngày xưa Điểu Xích đã cắm cọc cái đầu Tây chủ sở cao su trên núi.

        Một đại đội cảnh sát ngụy và lính của Sư đoàn 18 đến bao vây núi Cấp Rang để giải thoát trưởng ấp. Khi chúng chạy lên núi thì chẳng thấy có người Châu Ro nào đứng với ấp Phượng. Nhưng ấp Phượng đã ngoẹo đầu, hai mắt trợn trừng như bị lồi con ngươi, hai dòng máu mũi chảy xuống cái miệng méo xệch, bọt mép phèo ra một bãi trắng như trứng cóc. Ấp Phượng đã chết vì mũi tên độc cắm trên ngục, xuyên qua tim. Mũi tên độc đó, chính là mũi tên trả thù cho cha của Kà Riềng…

*

*      *

        Thảnh đến tìm gặp Lương không phải bàn chuyện hợp đồng chiến đấu giữa Đội Biệt động hoạt động công khai vói Đội Trinh sát vũ trang hoạt động bí mật như mọi khi, mà muốn tâm sự với Lương một chuyện khác. Đó là chuyện tình yêu của Thảnh với Thương. Hai người đã yêu nhau đến độ chín muồi. Họ cũng có ý định chờ đến ngày đất nước hết giặc. Nhưng cứ sống gần đơn vị của nhau mà cách trở vì nguyên tắc bí mật của tổ chức, khó có điều kiện để được gần gũi, chăm sóc nhau. Thảnh đã tâm sự hết với Lương, người bạn chí thân cũng là đồng đội với nhau thời cùng sống bên nhau làm người chiến sĩ bảo vệ cấp ủy Long Khánh. Lương thông cảm với bạn và an ủi Thảnh:

        – Cậu yên tâm. Mình cũng nghe Thương thổ lộ chuyện này. Mình sẽ báo với chú Sáu và Bí thư thị ủy để xin cho Thương về công tác bên Đội Biệt động với cậu. Nhưng khó một chuyện là Thương đi qua bên đó thì không thể trở lại nắm các cơ sở bí mật do Thương tổ chức. Bên này, Thương là một đội viên chủ chốt của đội. Vừa chiến đấu mưu trí, dũng cảm, diệt được nhiều đầu mối của bọn CIA, Phượng Hoàng, thám báo. Nhưng Thương cũng tổ chức được hơn mười cơ sở bí mật của cách mạng hoạt động rất có hiệu quả. Thương qua bên biệt động cũng là chuyện hợp lý hóa cho tình yêu của hai bạn, nhưng lại bất hợp lý trong công tác. Mình chỉ sợ ông Sáu không ủng hộ thôi. Còn chú Năm Thị bí thư thì thường ủng hộ bọn trẻ ta. Có lần chú ấy nói: “Các cháu cứ yêu nhau một cách chính đáng, tình yêu của đôi lứa sẽ giúp nhau tiến bộ, hăng hái chiến đấu và công tác”.

        – Còn chuyện này nữa Lương ạ. – Thảnh nói tiếp một chuyện mới xảy ra – Đó là chuyện bác Hai Nghĩa mấy hôm nay rầu rĩ, bỏ ăn, người khật khừ như sắp chết.

        Lương hốt hoảng hỏi lại:

        – Làm sao? Bác Hai bệnh làm sao mà nặng vậy?

        – Không phải đau ốm gì. – Thảnh nói – Tại vì con Ba Đeo của bác chết ròi.

        – Lại mấy đứa bên tự vệ mật bắt làm thịt phải không?

        – Không! – Thảnh nói – Ba Đeo ăn phải cái gì đó, trúng độc chết, hoặc bị đâm, bị bắn chết cũng chưa rõ.

        Lương lắc đầu không chịu thừa nhận Ba Đeo đi ăn bậy bạ mà bị nhiễm độc chết. Bởi vì con chó đã được bác Hai Nghĩa dạy rất kỹ. Ngoài thức ăn bác Hai cho, nó không bao giờ ăn thứ gì người khác ném cho nó, kể cả những người thân của bác Hai trong Đội Trinh sát cũng như anh chị em tự vệ và biệt động. Con chó khôn ngoan này đã nhiều lần cứu chủ và đồng đội của chủ khỏi sa vào tay giặc. Có lần bọn Phượng Hoàng đã nói xa nói gần với nhau là “Ba Đeo” rất lợi hại. “Con chó của ông già Vi Xi đó có giá bằng cả chục tình báo viên của CIA Mỹ”.

        Như vậy Lương có thể đoán ra lý do vì sao “Ba Đeo” chết. Lương nghĩ giá mà công lao của Ba Đeo đứng vào danh sách “có công với dân, với nước” thì cũng được khen thưởng xứng đáng. Có lần Lương nghe ông Đấu, ông Tư Lạc kể hồi chống Pháp, chính phủ mình cũng đã thưởng huân chương cho những con ngựa có công đưa những viên chỉ huy và những liên lạc viên đi lại giữa mặt trận. Các chú voi có công vận tải hàng quân sự ở Tây Nguyên cũng được thưởng huân chương. Nghe có những chú ngựa ở mặt trận Điện Biên Phủ được phong quân hàm sĩ quan chuẩn úy, thiếu úy nữa mà.

        Tiễn Thảnh ra về, Lương vỗ vai an ủi bạn:

        – Thảnh yên tâm chuyện của Thương. Mình sẽ trình bày ý kiến Thảnh với chú Bí thư thị ủy và chú Sáu. Thương đang cùng chị Đông, cô Năm Hò nhận nhiệm vụ đánh vào các Bar có đông bọn sĩ quan tụ tập. Chỉ có những cô gái đẹp như Đông, như Hồ và Thương đến các quán ấy mới qua mặt được bọn cảnh sát và mật thám ngụy theo dõi. Mình sẽ đi gặp an ủi bác Hai. Có thể mình sẽ kiếm cho bác con chó khác.

        – Phải đó. – Thảnh đồng tình với ý kiến của Trung Lương.

 

*

*     *

        Thảnh về Đội Biệt động. Lương chưa tìm ra nguyên nhân Ba Đeo chết. Thì ba ngày sau, tổ Hiền đã phục kích và bắt cóc thằng Trảng tại chùa Chánh Giác trên núi Chứa Chan. Liền sau đó, tổ của Thương đã phục kích bắt con Mộng Loan. Khám xét trong người nó có bản đồ vùng núi Chứa Chan và mục tiêu hoạt động của bộ đội chủ lực Miền ở vùng dưới chân núi.

        Tên Trảng “đĩ trai” và nàng nhân tình Mộng Loan của hắn bị bắt, mọi đầu mối hoạt động của địch ở vùng dưới chân núi Chứa Chan dần dần được hé lộ.

        Đội Trinh sát vẫn hoạt động khẩn trương, đánh vào một vài địa điểm quan trọng của bọn ngụy quân, ngụy quyền đóng ở nội ô thị xã Long Khánh. “Bà Khùng” được giao nhiệm vụ nắm mọi động tĩnh của Sư đoàn 18 và căn cứ Suối Râm nơi thiết đoàn xe tăng số 11 Mỹ đóng trước kia, thì nay các loại xe tăng, xe bọc thép vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ khác là bây giờ không còn lính Mỹ nữa mà chỉ toàn lính ngụy và dăm ba tên cố vấn Mỹ. Mấy ngày gần đây, tình báo ta đã thấy lính tráng của Lữ đoàn dù, thiết đoàn xe bọc thép và Sư đoàn 18 di chuyển đổi chỗ, hành quân lung tung sôi sục cả lên. “Bà Khùng” đã mặc rách rưới hơn, bẩn thỉu hơn và vừa đi vừa chửi vung thiên địa. Ngô Đình Diệm, quân Mỹ bị réo tên chửi ròi đến tên ông Trần Văn Hương, Nguyễn Văn Thiệu… Bọn lính và cảnh sát vẫn trêu chọc bà. Trẻ con vẫn chạy theo ném vỏ chuối, cùi bắp vào bà. Bà vẫn vừa đi vừa hát bài “quốc ca” của thời ông Diệm: “Này thanh niên ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng mà phỏng dái”. Bọn lính lại lăn ra cười. Nhưng ở Ban An ninh đã nhận được tin mật từ nội tuyến báo ra: Bọn CIA thông báo với nhau một câu bí hiểm: “Bà Khùng lại “buồn bất ngờ”.

        Sáu Tuệ đã báo cáo lên Ban An ninh của tỉnh và Miền biết nguồn tin này. Cấp trên trả lời: “Như vậy là địch đã theo dõi chặt chẽ mọi hành động của H.26. Nếu thật sự đã bị lộ, thì bằng mọi cách bảo vệ đồng chí ấy”. Trao đổi riêng với Sáu Tuệ, Tám Hải cho biết đầu tuần trước, máy bay địch ném bom một địa điểm ở C.K.Đ, Long bị thương nặng và đã hy sinh. Không biết từ nguồn tin nào hay là do linh tính, do “thần giao cách cảm” giữa tình vợ chồng mà Nữ đã biết được Long không còn nữa. Nỗi đau bị cùm kẹp, đàn áp và đứa con trai độc nhất bị giết từ thời Diệm. Rồi nỗi khát khao mong đợi chồng trở về. Nay chồng đã về, chưa được gặp lại nhau sau gần hai mươi năm chờ đợi thì chồng lại bị giặc giết. Nỗi đau tột cùng của Nữ đã không qua được những cặp mắt cú vọ của bọn tay sai tình báo Mỹ – ngụy. Chấp hành chỉ thị của cấp trên, Sáu Tuệ lập tức báo cho Lương và Hoàng Sáu thực hiện một kế hoạch mới: “Chuyển ngay Nữ vào căn cứ của Mũi B3. Điều tổ của Thương thay Nữ theo dõi các đơn vị ngụy quân trong nội ô Long Khánh và mọi động tĩnh của Sư đoàn 18 ngụy.”

        Chuyện Nữ và đường dây cơ sở của Nữ bị lộ vừa giải quyết xong thì xảy ra một sự kiện mới: “Nghĩa cụt mất tích”. Sáu Tuệ đang tìm lý do sự vắng mặt của bác Hai Nghĩa thì nội tuyến báo ra địch đang lùng bắt “Bà Khùng” và CIA đã mật báo cho nhau: “Bà Khùng đã mất tích”.

        Dưới chân núi Chứa Chan thật sự đã bước vào những ngày tháng sôi động…

NHỮNG NGÀY SÔI ĐỘNG

        Rừng vẫn bạt ngàn. Trên các vòm lá xanh rì, vẫn thấy rõ những tốp máy bay phản lực Mỹ vút qua bầu trời, để lại tiếng ầm ầm gào rít trong gió. Đây đó vang lên những loạt bom nổ rung chuyển mặt đất, rào rạt lay chuyển các cành lá như trời bão giông. Nhưng sau mọi tiếng rú, rít của động cơ phản lực, của tiếng đạn pháo và tiếng bom ngừng nổ, là chim rừng lại bay lượn đuổi nhau giỡn chơi, líu lo hót trên các vòm lá xanh bất tận. Tiếng chim tu hú vẫn gọi bầy. Con gõ kiến vẫn miệt mài bám lấy gốc cây săng lẻ, dùng chiếc mỏ của mình mà gõ lốc cốc liên hòi vào thân cây xua đàn kiến ra khỏi tổ. Dọc các con suối muôn đời vẫn rì rào, róc rách, hễ ngớt tiếng máy bay và bom đạn là tiếng vượn lại hú dài buồn bã.

        Hai Nghĩa lầm lũi bước. Anh nghe rõ cả bước chân mình dẫm lên lá khô. Lúc vượt qua các trảng cỏ xanh trống trải, những con nai ngơ ngác nhìn anh rồi giật mình vụt nhảy vào rừng rậm. Mặc nai, mặc bò tót, anh vẫn cố dấn bước. Khi qua vùng rừng Cát Tiên, Nghĩa đụng ngay một đàn bò rừng. Có khi còn thấy cả đôi vợ chồng tê giác thủng thỉnh bước đi…

        Ngày xưa, khi làm cu li đồn điền cao su, Nghĩa đã nghe đến tên vùng rừng thiêng Đất Cuốc. Lúc tham gia cướp chính quyền rồi cùng dân quân Long Khánh đánh Pháp, Nghĩa đã nghe danh một người thanh niên tên là Huỳnh Văn Nghệ mở các lớp huấn luyện trên nẻo rừng núi này, tập họp thanh niên vùng Đồng Nai lên đây để xây dựng lực lượng chống lại giặc Pháp. Đó là sau ngày 23 tháng 9 năm 1945, giặc Pháp quay lại xâm lược nước ta. Nghĩa đã đến đây tìm Huỳnh Văn Nghệ. Lúc đó vùng rừng này đã có danh tiếng là chiến khu của Việt Minh đánh Pháp, gọi tên bí mật là C.K.Đ, chữ Đ viết tắt này có lẽ dùng để ám chỉ vùng Đất Cuốc, miền Đông hoặc là đất rừng Đồng Nai?

        Đi suốt đêm và cả ban ngày. Đến ngày thứ ba, khi ruột nghé gạo rang đã cạn, Hai Nghĩa tìm lá rừng, củ rừng và trái dâu, trái bứa ăn tạm đỡ đói lòng, mà dấn bước tiếp tục đi.

        Trước khi ra đi, Hai Nghĩa có nói chuyện xa gần với Sáu Tuệ rằng anh muốn nghỉ vài ba ngày ở Đội Trinh sát để đi thăm người bà con Quảng Trị đang bệnh. Nhưng thực ra anh cố đến chiến khu Đ để tìm gặp Tám Hải. Anh biết ông Tám từ ngày ông còn làm công an Việt Minh ở Xuân Lộc. Lúc đó Hai Nghĩa đã làm nhân viên cảnh giới bảo vệ ông Tám đi liên lạc với sắp nhỏ Hai Mác ở Cẩm Mỹ. Sắp nhỏ ở Cẩm Mỹ là các cô, chú thiếu niên rất hăng hái tham gia tổ chức công an mật lấy tin tức giặc cho Tám Hải phục vụ chiến đấu.

        Ngày cuối lọt vào giữa C.K.Đ, ở ngã ba Bà Hào, Hai Nghĩa đã thấy những đường giao thông hào chạy dọc, ngang dưới những tán rừng, những bụi mây, bụi cóc kèn rậm rạp. Anh đang tự hỏi sao ở vùng này chẳng có trạm canh, chòi gác bảo vệ gì cả. Ngày trước khi anh đi tìm ông Việt Minh Huỳnh Văn Nghệ, chưa bước được vào chốn này thì đã bị du kích, tự vệ bắt bớ, xét hỏi đến mấy lần. Vậy mà bây giờ… Hai Nghĩa nghĩ bụng: “bây giờ đánh với thằng Mỹ ranh ma thế, mà sao mật khu của ta lại lơ là cảnh giác”… Anh đang thầm nghĩ và cố dấn bước thì một đám lá rừng từ cành cây cao đổ ập xuống lưng anh. Một tiếng hét vang: “Dơ tay lên!” Người hô bắt Hai Nghĩa rủ bỏ tấm lá ngụy trang và đưa họng súng ngắn vào tai anh. Hai Nghĩa ú ớ chưa kịp phản ứng gì thì hai bóng người lật đất đứng lên, bước đến thộp hai cánh tay anh bẻ quặt ra sau lưng. Thế là Hai Nghĩa bị bắt.

        Qua lời khai của Hai Nghĩa, anh bị tốp vệ binh dẫn đi loanh quanh mãi trong rừng. Tuy bị bắt, nhưng anh cũng được những người bắt anh chia cho vài củ mì luộc. Tạm no lòng, chân hết run, bước theo hai người tự vệ qua các trạm canh trình báo, khai lý do thâm nhập vào mật khu… Cuối cùng Hai Nghĩa cũng gặp được Tám Hải.

*

*      *

        Những ngày sống gần nhau và qua những đêm gác chân lên nhau nằm trên sạp lán ghép bằng cây rừng, dưới mái lá trung quân, Tám Hải đã hiểu thấu tấm lòng của Hai Nghĩa với đồng đội, đồng nghiệp. Không nỗi đau nào nhức nhối bằng nỗi đau của người chồng khi vợ mình bị giặc hiếp, giặc cướp mất, và người vợ bị giặc giết mất chồng, mất con như trường hợp của Hai Nghĩa và út Nữ.

        Từ ngày Long đi tập kết, út Nữ ở lại Long Khánh chờ chồng, nuôi con. Bị vây hãm trong âm mưu thâm độc của Mỹ – Diệm. Tay chân Diệm muốn chia cắt lâu dài đất nước ta. Diệm tuyên bố biên giới của Hoa Kỳ kéo dài đến tận bờ Nam sông Bến Hải và ngày đêm cho bọn tay chân đi mua chuộc rủ rê những người vợ có chồng đi tập kết nên lấy chúng làm chồng. Chúng tung tin cô này, bà nọ đã ngủ với chúng hòng làm lung lạc, gây nghi ngờ với những người chồng đang sống trên đất Bắc. Chúng cưỡng ép út Nữ lấy chúng không được thì đem vàng bạc, đô la ra mua chuộc. Mua chuộc không được thì chúng dọa dẫm, dọa cưỡng hiếp, dọa giết. Dọa giết không được thì chúng đầu độc thằng cu Đợi, con trai yêu quý của Nữ để hòng cắt đứt mối quan hệ qua đứa con với người chòng đi tập kết. Con chết, xa chồng, bị bủa vây, đe dọa đến mức út Nữ đã phát điên, phát khùng. Lúc đó Nghĩa rất thông cảm với nỗi đau của người vợ mất chồng, người mẹ mất con. Thấy út Nữ còn trẻ, còn đẹp mà đã thành bà khùng, mặt mày nhem nhuốc, áo quần bẩn thỉu rách rưới đi lang thang khắp làng khắp chợ, Nghĩa xót xa thương người đàn bà bất hạnh đó và tự an ủi mình khi nhớ đến Tình. Tình bị cướp đi, bị hãm hiếp cũng đau khổ như Nữ. Không biết chừng cũng đang thành người điên, đi lang thang ở một xứ nào đó trên đất miền Nam này. Nhiều buổi Nghĩa lần theo bà Khùng, cũng lang thang nhưng mục đích của Nghĩa là để bảo vệ Nữ lúc sa chân thất thế bị giặc rình mò hãm hại. Từ trước đến nay Nghĩa theo út và đinh ninh Út điên thật. Qua các câu chuyện của Tám Hải, Nghĩa mới biết những chiến công lẫy lừng đã góp phần phá những vụ án, tiêu diệt bọn CIA, Phượng Hoàng, tề điệp, ác ôn chính là thành tích và việc làm của Nữ với bí số, mật danh H.26. Nghĩa vô cùng cảm phục người đàn bà đã vượt qua nỗi đau tận cùng của mình, đóng trọn vai một người điên, để tìm diệt bọn tay sai của Mỹ ngụy. Chính Nữ đã phát hiện và góp công trong vụ diệt con Phượng Hoàng Nguyễn Thị Hồng Nhung.

        Nhưng sự chịu đựng của con người cũng có hạn. Út Nữ đã không vượt qua nỗi đau khủng khiếp cuối cùng sau ngót hàng chục năm chờ chồng khi được tin chồng chết. Vì thế địch đã phát hiện ra cái “vỏ bọc bà Khùng” và quyết tìm diệt Nữ. Lúc Nữ được lệnh bỏ “vỏ bọc” để thoát ra vùng căn cứ cũng chính là khi Hai Nghĩa “mất tích”.

        Ngày cuối cùng để hôm sau tiễn Nghĩa trở về Long Khánh, Tám Hải đã đưa Nghĩa đi thăm mộ Long. Hai Nghĩa vẽ sơ đồ, chôn một thanh đá làm bia đánh dấu mộ Long để sau này đưa út Nữ đi thăm.

        Hôm chia tay Hai Nghĩa, Tám Hải đã trao chiếc ba lô con cóc di vật của Long để lại và dặn: “Anh Hai mang di vật kỷ niệm này về trao lại cho cô út. Hoàn cảnh của anh cũng “đơn thân, độp mã” như cô út. Anh nên cố gắng chăm sóc, an ủi cô ấy trong nhiệm vụ công tác mới. Tội nghiệp, cho đến khi Long chết, cậu ấy vẫn chưa biết tin thằng cu Đợi, con trai của Long đã bị Mỹ Diệm thủ tiêu.”

        Tám Hải đã cử hai chiến sĩ an ninh đi theo bảo vệ Hai Nghĩa và chiếc ba lô của Long, theo đường tắt bí mật của giao liên về Xuân Lộc…

*

*      *

        – Các con ơi! Dậy ăn cơm mà đi làm. Trời tối rồi. – Tiếng má Năm gọi những người con gái đang ngủ dưới hầm bí mật của má ở Bảo Vinh.

        Thương choàng dậy, lay gọi Hai Phùng và Nữ.

        Mấy hôm nay Nữ được bổ sung về tổ của Thương. Thôi đóng vai “bà Khùng”, đi lang thang trong thị xã, công khai theo dõi hoạt động của địch trong cái “vỏ bọc người điên”. Địch đang ráo riết lùng sục để bắt Nữ – “một điệp viên lợi hại của Việt Cộng”. Chúng tìm bắt để tra tấn, khai thác, truy cho ra những đầu mối, những cơ sở bí mật, những cấp chỉ huy đã điều khiển Nữ đóng vai “bà Khùng”. Nếu không moi được tin tức gì thêm thì những hoạt động của Nữ mấy năm vừa qua đã gây thiệt hại không ít cho lực lượng tình báo, gián điệp của chúng. Chỉ riêng việc Nữ phát hiện con Phượng Hoàng Hồng Nhung để cho Ban An ninh Long Khánh bắt, cũng đủ chứng cứ để chúng tìm giết Nữ. Bây giờ giặc tìm diệt, thì Nữ đã là một đội viên trực tiếp cầm súng, lùng tìm tiêu diệt bọn CIA, ác ôn, điệp báo của giặc.

        Về với Đội Trinh sát, Nữ không còn sống trên mặt đất, đi lang thang nắm tình hình địch trong thị xã Long Khánh mà sống trong lòng dân, trong lòng các ba má Long Khánh. Người dân Long Khánh đã xem những đội viên Trinh sát vũ trang như con đẻ của mình. Dân che chở, bảo vệ, cho ăn uống lo thuốc thang khi đau ốm, lại lo cho cả áo quần mặc, cả vũ khí để chống lại giặc.

        Thương tổ chức được hàng chục cơ sở mật. Một số cơ sở đã được kết nạp vào Đảng Nhân dân cách mạng. Con em họ được vào Đoàn Thanh niên giải phóng. Nữ theo Thương đêm đi nắm địch, đi chiến đấu, khi trời sắp sáng thì trở về chui xuống hầm bí mật mà họp hành, học tập, nghỉ ngơi. Lúc thì xuống hầm bác Ba thợ rèn, má Sáu bún riêu, dì Tư Bình; lúc thì nằm hầm nhà dì Hai Lưỡng, ông Tư Bắc, dì Năm Trợ… Những căn hàm bí mật trên rẫy, trong các ấp và các căn cứ Suối Chồn, Bàu Sàm, Suối Rết,… chung quanh chân núi Chứa Chan là nhà của họ. Chủ nhà và là chủ các căn hầm ấy là nhân dân Long Khánh, Xuân Lộc, mà các đội viên xem các ba má, cô bác anh chị em con cháu họ như bà con trong gia đình mình.

        Nghe hai tiếng gõ vào cái chảo nhôm là hiệu lệnh của má Năm báo đến giờ ăn cơm, Thương bò ra miệng hàm đón mấy gô cơm canh má đưa xuống. Thương mở gô cơm ra, chưa kịp ăn thì má Năm lại gõ mật hiệu “có tin tức mới”. Vừa chui ra khỏi miệng hầm, Thương đã thấy má Năm ngồi chờ, nói khẽ vào tai Thương: “Thằng Lương nhắn con đến ngay nhà Bảy Huân có việc”. Thương dạ một tiếng ròi chui vào báo cho Phùng và Nữ ăn trước không cần chờ mình, rồi vội ra khỏi hầm đi ngay. Thương biết đến nhà bác Bảy Huân là đến gặp Bí thư thị ủy và Trưởng ban An ninh.

        Vừa ăn, Nữ vừa băn khoăn hỏi Phùng: “Thương đi một mình có sao không?” Phùng nói: “Đội trưởng Lương đã triệu tập cáo tổ trưởng, thì nhất định đã phân công người bảo vệ chu đáo. Cô Nữ đừng lo.”

        Nữ được bổ sung về tổ Thương – một tổ trưởng trẻ tuổi, nhưng đã nổi tiếng trong công tác chiến đấu và xây dựng cơ sở cách mạng. Khi làm “người điên”, Nữ hoạt động đơn tuyến nhưng Nữ vẫn theo dõi những việc làm của tổ khác. Nữ cảm phục Thương nhưng Nữ chưa hiểu được cuộc đời riêng tư của Thương. Nữ chỉ biết Thương là một cô gái xinh đẹp, cũng như Phùng, rất thật thà khiêm tốn và thương người. Khi Nữ mới về tổ, Thương đã xem Nữ như người cô ruột, ôm lấy Nữ mà nói: “Được cô về ở với chúng cháu, cháu mừng quá. Nghe kể những chuyện buồn, chuyện đau khổ của cô, cháu thương cô lắm! Mong cô coi cháu như đứa cháu ruột. Chỉ bảo công việc và giúp đỡ cháu bởi cháu còn non nớt, ngu ngơ lắm cô ơi!”

        Cơm nước xong, Nữ và Phùng đã chuẩn bị súng đạn, thay đổi áo quần để đêm đến len lỏi qua các đồn bốt giặc. Nằm chờ mãi vẫn chưa thấy Thương trở về, Nữ hỏi Phùng gia cảnh Thương. Phùng nói: “Nhà con Thương ở ngay trước nhà chú Năm thịt chó đó thôi. Cháu đã thấy cô đứng lại đó nhiều lần chửi bới chốt cảnh sát đường Lê Văn Duyệt mà!”

        Nữ bật cười: “Thì người điên đi lung tung khắp thị xã chửi bới lung tung, có nhớ nơi nào lại chốn nào đâu!”

        Phùng cũng cười vang: “Cô chẳng điên tí nào. Cô sắm vai điên giỏi quá. Các cháu phục quá. Con Thương nó bảo: Cô chẳng điên dại gì đâu. Cô chửi và đến đúng bóc những chỗ cần đến, cần chửi: dinh tỉnh trưởng này, Ty cảnh sát này, trung tâm CIA Phượng Hoàng, căn cử pháo binh Mỹ này, Ty tâm lý chiến, chiêu hồi này…”

        – Thôi. Chuyện cũ điên đại bỏ qua đi. – Nữ sốt ruột hỏi – Thương quê gốc ở đâu cháu? Có người yêu chưa? Cha mẹ Thương ở đâu?

        – Để từ từ cháu kể cô nghe. – Phùng nói – Nhưng rồi thế nào Thương nó cũng tâm sự với cô. Tính nó hồn nhiên, chân thật, cởi mở lắm.

        Rồi Phùng cũng tóm tắt mấy nét đời tư của bạn cho Nữ nghe…

        … Mười lăm ngày sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ ở Tây Bắc thì ngày 20 tháng 7 năm 1954, tại Bình Khê, tỉnh Bình Định gia đình ông Hồ Khâm sinh ra con gái đầu lòng đặt tên Hồ Thị Thương.

        Là một gia đình nông dân chất phác, vợ chồng ông Khâm vừa mừng đất nước được thanh bình, không còn giặc Pháp ruồng bố, bắn đại bác và thả bom xuống xóm làng, đồng ruộng để vợ chồng ông được yên ổn cày cấy nuôi con. Nào ngờ sau khi cán bộ và bộ đội Việt Minh ra Bắc tập kết, Ngô Đình Diệm đã xua quân tràn đến cùng với bộ máy hương lý, hội tề, tay sai ngày ngày đi lùng sục, bắn giết trả thù những người kháng chiến cũ đang sinh sống yên ổn với gia đình. Cảnh tù đày giam cầm không sót một ai. Ông Hồ Khâm và bà vợ ốm yếu của ông sinh thêm con, càng khổ sở hơn, lại cũng bị bắt vào trại giam tra xét mấy lần. Ác liệt nhất là từ tháng 10 năm 1959, Diệm cho chở chiếc máy chém đi lưu động chém người khắp các làng quê. Dân Bình Định chịu không nổi, nhiều gia đình bỏ quê hương chạy tứ tán lên rừng, xuống biển, ra phía Bắc, vào phía Nam.

        Lúc Thương lên chín tuổi, vợ chồng ông Khâm nghe bảo trong Nam, nơi gần Sài Gòn dân sống đỡ khổ hơn, ít bị kìm kẹp hơn. Như ở vùng Đồng Nai thuộc miền Đông Nam Bộ, có nhiều đồn điền trồng cao su của tư bản Pháp cần tuyển nhiều người làm công. Đất đai trồng cao su rất tốt và nhiều, nếu bỏ công sức khai phá rừng rậm, đồi trọc để trồng ngô, trồng khoai có thể sinh sống được. Dân Quảng Ngãi cũng đã bỏ xứ vào Nam nhắn ra cho bà con Bình Định tìm vào. ông Khâm quyết định đem vợ con ra đi. Vào đến Xuân Lộc, thấy dân làm rẫy nhiều, ông dừng lại vùng đất thuộc Long Khánh, đi làm thuê cho các chủ rẫy. Vợ ông cùng Thương – con gái lớn giúp sức buôn gánh bán bưng, chạy chợ. Dần dần, gia đình Hồ Khâm cũng sống được, dành dụm được một ít tiền cất ngôi nhà lá, sống như dân địa phương. Mặc dầu làm thuê, ở đậu xứ người nhưng Long Khánh là nơi tụ tập dân tứ chiếng từ khắp nơi kéo đến nên cũng dễ sống.

        Dân Long Khánh gốc phần nhiều là đồng bào các dân tộc đã sống lâu đời như người Châu Ro, K’Ho, STiêng, Châu Mạ,… Số người dân tộc Nùng, Hoa, Tày, Thái,… sau hiệp định Giơnevơ đã mang gia đình họ, chủ yếu là gia đình ngụy theo quân Pháp vào đây. Đông đúc nhất là đồng bào theo đạo Thiên Chúa bị Mỹ Diệm lừa phỉnh “Chúa đã vào Nam”, chúng dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào Công giáo chạy theo chúng với mục đích để sau này có hiệp thương bầu cử như các điều khoản hiệp định Giơnevơ quy định thì phe Diệm chiếm được nhiều lá phiếu để tranh giành chỗ ngôi, chỗ đứng ở quốc hội, chính quyền trong tương lai. Do vậy lúc này hàng trăm ngàn đồng bào ngoài Bắc di cư vào, Diệm đã lập ấp, lập các trung tâm đón tiếp rải dân Công giáo định cư vòng ngoài vùng ven Sài Gòn để che chắn bảo vệ cho “thủ đô sào huyệt” của chế độ và chính phủ phản động theo Mỹ.

        Hằng ngày theo mẹ ra chợ, Thương thấy từng xe tải chở đầy người bị bắt đem về trại giam Biên Hòa. Tại Long Khánh cũng kín các trại nhốt người. Cảnh đánh đập, tra tấn bắn giết xảy ra khắp nơi. Bố Thương đi làm mướn cũng bị bắt lên bắt xuống hoài, bị giam giữ nhiều ngày. Tất cả chén cơm, củ mì cái ăn hàng ngày đều dồn vào vai mẹ, đến nỗi mẹ đổ bệnh rồi chết. Thương thay mẹ đi làm mướn trong rẫy để nuôi em và cha. ông Khâm bị đánh đập tra tấn hoài, cũng gầy yếu chỉ trông mong vào con gái.

        Đi làm thuê trong rẫy, Thương quen biết và chơi thân với mấy tốp thanh thiếu niên chăn bò, chăn dê, canh rẫy,… Họ cũng giúp đỡ và an ủi Thương. Trong tốp thiếu niên mới lớn độ tuổi mười sáu, mười bảy như tuổi Thương có Trung Lương, Ngọc, Thảnh, Xuân. Năm Hồ lớn tuổi hơn cả. Thương xem Hồ như người chị. Riêng cậu Thảnh thì thường chăm sóc Thương nhiều hơn. Thảnh lén bạn đem cho Thương quả cam, củ mì nướng, chéo dù pháo sáng tặng Thương làm khăn quàng cổ khi trời trở lạnh. Dần dần, tốp Lương, Thảnh, Xuân, Ngọc,… đã vào căn cứ gia nhập các đơn vị trinh sát, biệt động, tự vệ chống Mỹ ngụy. Chỉ còn chị Năm Hồ là luôn gãn gũi Thương. Sống trong cảnh bị đàn áp, đọa đày, dân Long Khánh không chịu nổi đã liên lạc với các cơ sở cách mạng, tham gia chống giặc. Hồ trở thành cơ sở cách mạng, cùng cha làm hầm bí mật nuôi giấu các đồng chí trong cấp ủy Long Khánh. Hồ đã là đảng viên mật cùng chi bộ với Sáu Tuệ.

call Hotline 1 0906223114 call Hotline 2 0906 223 114 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok