Chủ đề: Cuộc chiến đấu dưới chân núi Chứa Chan  (Đọc 10536 lần)

        Phùng từ ngoài rừng lao vào nói không kịp thở:

        – Anh Lương! Không biết chuyện gì mà lính tráng rục rịch dữ lắm. Cơ sở Suối Râm, Suối Rết báo ra: Nhiều xe tăng xe bọc thép mới tinh vừa được điều đến. Trong Bộ tư lệnh Sư 18 quan lính chộn rộn. Địch đóng thêm chốt Dầu Giây, Suối Tre, Ba Dốc, Cua Heo… Xe kéo nhiều đại bác đến các trận địa pháo Lê Văn Duyệt, Hoàng Diệu, căn cứ 81, sân bay…

        – Được rồi. Phùng ngồi xuống đi. – Lương cười cười, nói – Trước kia tính bình quân ở Xuân Lộc – Long Khánh cứ một người dân, có năm thằng lính kềm kẹp. Sắp đến chắc là gấp đôi số lính kéo về đây để giữ cửa ngõ Sài Gòn. Không chỉ có giặc kéo đến đông mà cả quân chủ lực của ta cũng sẽ về đây. Tâm bão sẽ ở đây… Thôi. Chuyện đó để trên lo. Bây giờ ta bàn chuyện của ta…

        Hôm nay, đội trưởng Trinh sát Trung Lương đến mục đích là giao nhiệm vụ cho tổ của Thương chuẩn bị đánh vào quán Song Nga.

        Song Nga là quán của hai chị em cô Hồng Nga và Thanh Nga do tên Phú ác ôn, tay chân của CIA làm chủ. Lúc Mỹ chưa rút quân, chị em Song Nga là trung tâm tiêu thụ hàng trong Sở Mỹ tuôn ra. Nơi cung cấp Hêrôin và gái cho tụi sĩ quan binh lính Mỹ ngụy. Ngoài những việc trên, Song Nga còn là nơi đặt bẫy moi tin tức tình báo những hoạt động của “Việt Cộng”, nơi hò hẹn của bọn gái nhảy, gái điếm với sĩ quan và bọn gián điệp, thám sát đến họp kín trao đổi tin tức với nhau. Tuy nhiên quán cũng có rượu ngon và những món ăn khoái khẩu như ngọc dương tẩm thuốc bắc, ngầu pin, vú nàng nướng… Đặc biệt loại cà phê chồn ngon nổi tiếng, và kem ly, kem que thì Long Khánh chẳng thua kém các tiệm trong đô thành. Chuyện ăn, chơi, hút, đớp nhậu nhẹt nổi tiếng đã đành, nhưng vị trí của quán là an toàn tuyệt đối vì nó nằm ngay trước cổng Bộ tư lệnh Sư đoàn 18. Trong thị xã Long Khánh có đến hàng trăm nơi ăn chơi hầu hết đều bị “Việt Cộng hỏi thăm”, riêng Song Nga thì chưa hề bị ai quấy rầy. Bởi thế, khi Lê Minh Đảo muốn triệu tập bọn tề điệp, ác ôn, tình báo đến họp bàn việc liên mình chống Cộng ở các bar, các quán ờ những địa điểm khác, bọn chúng đều ngại nhưng khi Đảo đưa điểm Song Nga là tất cả bè lũ tay sai của CIA… ôkê.

        Tin từ nội tuyến cho biết vào đầu tháng này quãng ngày 18 Đảo sẽ tổ chức cuộc họp kín với “thân hữu’’ ở Song Nga, ngay cạnh bộ chỉ huy của hắn.

        Trải tấm bản đồ quán Song Nga xuống mặt đất, chị em xúm lại, Lương trao nhiệm vụ đánh quán Song Nga cho chị em và hướng dẫn đường đi lối lại, cách đánh, cách rút. Sau một hồi bàn bạc với tổ của Thương, Lương nói thêm: “Giờ họp của tụi chúng, nội tuyến sẽ báo một giờ trước khi chúng tụ tập”. Thành phần tụ tập gồm các sĩ quan thuộc Sư đoàn 18 từ cấp tiểu đoàn trưởng trở lên cùng trưởng ty an ninh, trưởng cuộc cảnh sát, trưởng ban 2, trưởng thám sát, trưởng an ninh quân đội và các trùm CIA, Phượng Hoàng, biệt kích, bình định xây dựng nông thôn, bảo an dân vệ… Nếu trận này thắng lợi, ta sẽ tiêu diệt được một số lớn bọn đầu sỏ. Các đồng chí tham gia ý kiến và bàn bạc kỹ thêm đi…”

        Một giờ liền bàn cách đánh và tranh luận, phân tích lợi hại với nhau, cuối cùng Lương hỏi:

        – Đồng chí Thương thấy thế nào, phát biểu đi!

        Thương đứng dậy, háo hức lộ rõ vẻ vui mừng, xúc động:

        – Em nhất trí với ý kiến của anh, chỉ xin đề nghị cho tổ thời hạn ba ngày để điều tra nắm tình hình cụ thể thêm trước khi đánh.

*

*      *

        Trong lúc tổ của Thương đang khẩn trương len lỏi vào nắm tình hình và địa thế trong quán Song Nga thì đặc công, công binh, quân báo của ta đã tỏa ra khắp tỉnh Bà Rịa – Long Khánh. Vùng chiến lược án ngữ cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn các sắc lính ngụy cũng đang rục rịch di chuyển tràn ngập. Mặc Thiệu đang điều binh khiển tướng, nhân dân Sài Gòn vẫn âm ỉ như lửa dưới tro đang chờ lúc bùng cháy. Liên tiếp những cuộc biểu tình đòi “Thiệu phải từ chức ngay”. Hàng chục ngàn đồng bào theo đạo Thiên Chúa giơ cao hàng trăm ngọn đuốc và biểu ngữ chống Thiệu. Đồng bào Công giáo túc trực trong bảy nhà thờ lớn quanh Sài Gòn đã phá vòng vây cảnh sát, cùng các “dân biểu” đối lập, nhà báo, luật sư kéo đến chứng kiến đấu tranh phản đối Thiệu mở tòa án xử ba tờ báo Sóng Thần, Đại dân tộc và Điện tín chống đối ngụy quyền Sài Gòn. Các cuộc biểu tình của bà con theo đạo Thiên Chúa ở Sài Gòn rồi đến hàng trăm nghiệp đoàn và công nhân các nhà máy nổi dậy. Tiếp theo sự xuống đường của hàng ngàn người theo đạo Hòa Hảo ở miền Tây chống Thiệu, đến việc đông bào Sài Gòn phá hai kho thóc mà bọn Thiệu chuẩn bị chở sang Campuchia cho bè lũ Lon Non. Bà con đã lấy số thóc gạo đó đem cứu đói cho dân nghèo trong thành phố.

        Nhằm lúc bè lũ Thiệu đang lúng túng như gà mắc tóc đối phó với các tầng lớp nhân dân đô thành và các đô thị nổi dậy, quân giải phóng khắp miền Nam đã đánh trả quyết liệt bọn giặc lấn chiếm vùng giải phóng. Những trận đánh ở miền Đông Nam Bộ liên tiếp xảy ra. Đầu tiên là tấn công vào sào huyệt nơi xuất phát quân lấn chiếm ở chi khu quân sự Phước Bình, tiêu diệt các đòn bốt trong thị trấn và sân bay Phước Bình.

        Kiên quyết trừng trị quân ngụy lấn chiếm và tiếp tục gây chiến tranh, vi phạm nghiêm trọng hiệp định Paris, Đài phát thanh giải phóng đưa tin: “Quân giải phóng giáng trả địch ở tỉnh ly Phước Long. Căn cứ quân sự này là nơi xuất phát các cuộc hành quân càn quét, lấn chiếm và là sào huyệt của bọn ác ôn đã từng gây nhiều tội ác với nhân dân địa phương. Ngay từ đầu cuộc tiến công, các lực lượng vũ trang giải phóng phôi hợp chặt chẽ, chiến đấu anh dũng, tiêu diệt nhiều vị trí chung quanh căn cứ. Sau đó, các lực lượng vũ trang giải phóng đánh vào khu vực trung tâm. Đến 7 giờ tối, quân dân Phước Long tiêu diệt, làm tan rã và kêu gọi địch đầu hàng, làm chủ hoàn toàn căn cứ quân sự này, loại khỏi vòng chiến đâu hàng ngàn tên, bắn rơi 4 máy bay, thu toàn bộ vũ khí và nhiều phương tiện chiến tranh.

        Phước Long là tỉnh đầu tiên ở miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Chiến thắng Phước Long đánh dấu những biến đổi quan trọng mới trong so sánh lực lượng giữa ta và địch từ sau Hiệp định Paris, làm nổi lên thế suy yếu và những khó khăn to lớn của Mỹ – ngụy, thế và lực của quân và dân ta ở miền Nam mạnh hơn bao giờ hết…”

        Bầu trời Long Khánh chiều hôm ấy sao mà trong xanh, một màu xanh bình yên đẹp đến ngỡ ngàng. Trước cửa quán Song Nga có vài cô gái mặc áo dài màu hoa lý, màu hồng phấn đang cười nói vui vẻ dắt những chiếc xe đạp đuyara sáng loáng dạo quanh trước sân quán như chờ đợi ai. Những cô gái đó có thể là các Phượng Hoàng, Thiên Nga tay chân của CIA, cũng có thể là chị em gái điếm, gái nhảy.

        Lệ Mỹ làm nhiệm vụ cảnh giới và là người yểm trợ khi cần thiết trong cuộc chiến đấu sắp đến của tổ. Lệ Mỹ đến sớm và đã bước vào quán cô Ba bán bánh ướt, kêu một đĩa bánh ướt nước mắm cà cuống. Quán cô Ba – bánh ướt nằm xế bên cạnh quán Song Nga. Tiếng nhạc, tiếng hát bên đó, bên này nghe rõ mồn một:

        Mưa vẫn mưa rơi trên tầng tháp cố… giọng hát Khánh Ly mượt mà sướt mướt nhừa nhựa như giọng người ghiền ma túy:

        Chiều này còn mưa, sao em không lại?

        Nhỡ mai, trong cơn đau vùi, làm sao có nhau? Hằn lên nỗi đau, bước chân em xin về mau…

        Ngồi quán bánh ướt, Lệ Mỹ có thể quan sát rộng. Trước cổng Bộ chỉ huy Sư đoàn 18 hôm nay lính canh đứng xớ rớ đông hơn. Trong sân có vài chiếc xe bọc thép đậu sẵn như đang sắp có cuộc hành quân…

        Giờ hẹn đến gần, Lệ Mỹ đã thấy bóng hai cô gái, người mặc áo dài tím Huế, đó là nàng Hai Phùng, và người mặc áo dài màu thiên thanh là nàng Thương. Thương đang đèo Phùng ngồi sau cái ba-ga xe đạp. Trông hai cô gái rất điệu, họ xinh đẹp hơn cả mấy cô vừa dạo chơi chờ ai đó trước quán Song Nga. Thấy Lệ Mỹ, Thương nháy mắt một cái như trao đổi quyết tâm và mỉm miệng cười. Lệ Mỹ nghĩ bụng: “Cái nàng tổ trưởng này gan lì hết biết. Trước giờ chiến đấu mà cứ tỉnh bơ như không.” Nhớ lại câu Thương hay đùa với chữ bê: “Bây! Bớ bây. Bên Bảo Bình bà Ba bán bánh bèo, bún bò bị bò bạng bể bụng, bớ bây!…” Mỹ muốn bật cười nhưng kìm lại được, nhìn theo Thương đang đèo Phùng vòng xe vô quán. Trước cái giỏ xe có một bó hoa hông nhiều màu che cho quả mìn định hướng đang nằm gọn trong xách đầm của Thương. Mấy cô gái đến trước dựng xe đạp lung tung trước quán. Chiếc thì dựa vào lan can, chiếc thì dựa vào gốc cây cảnh bằng lăng tím. Trước sảnh quán có kê một dãy bàn hình chữ u, trải khăn bàn trắng tinh. Trên bàn sắp sẵn các bình hoa nhỏ, bình trà và mấy chai rượu Tây: Mácten, Napoleon, Uychki Scốtlen, Bléten Oai… Thương hồn nhiên cười tươi với cô tiếp viên xinh đẹp Thanh Nga, vừa dựng xe đạp cạnh gốc mộc hương, có bụi thiên tuế che nắng, giọng Thương vui vẻ: “Chị Nga cho tụi em Sô cô la ly nghe!”

        Nói rồi hai cô dắt nhau lên ngồi vào cái bàn có hai ghế bên góc quán. Mỹ thấy Thương đã dựng xe cho cái giỏ hướng vào dãy bàn, được che đậy bằng bó hoa hồng, lại được bụi thiên tuế che mắt khách ăn ở dẫy bàn. Nếu quả mìn định hướng này mà nổ, nó sẽ “thổi” thẳng về phía trước, thì người ngồi ở dãy bàn chữ u sẽ về “chầu” ông bà, ông vải hết trơn. Một vài chiếc hơn đa của mấy chàng cảnh sát mặc thường phục đã đến, nhào vào ngôi cạnh các cô gái, nói cười cợt nhả. Thương nhẩm tính theo tuần tự nội tuyến báo: 6 giờ chiều các quan khách bắt đầu đến. 6 giờ 40 tướng Lê Minh Đảo và các sĩ quan bên Bộ chỉ huy bước qua quán. 7 giờ cuộc họp bắt đầu. 7 giờ 40 phút là giờ hẹn cài đặt cho mìn nổ. Bắt đầu từ 6 giờ quan khách đã lục tục đến ngồi vào bàn, mở rượu uống. Sáu giờ bốn mươi trôi qua vẫn chưa thấy tướng Lê Minh Đảo xuất hiện. Đúng 7 giờ có một tên trung tá an ninh quân đội tự lái xe ]ep lao đến, vào quán nói thầm gì đó với bọn khách. Tự dưng bọn khách rỉ tai nhau và bước ra khỏi quán, mặc dầu chị em nhà Song Nga đã bưng các món đặc sản thơm lừng ra đặt trên bàn. Trong lúc bọn sĩ quan, các cô gái của chúng lục tục bước ra thì một bọn con nít học sinh đang đá banh bên sân trường Hoàng Diệu bất ngờ chạy ào vào quán tranh nhau mua kem, mua nước ngọt.

        Chỉ còn vài chục phút nữa là mìn nổ mà tình huống nguy hiểm này xảy ra, các học sinh sẽ chết hết… Thương nghiêm giọng nói với Phùng: “Bảo vệ “hàng”. – Nhanh như chớp, Phùng lao tới, dẫn xe đạp ra cửa quán. Thương đặt tiền trả hai cốc kem, vẫy chào cô Thanh Nga rồi bước vội theo. Thương cầm lấy tay lái, giục Phùng lên xe. Thương vừa cắm cổ đạp xe rời quán vừa nói nhanh với Phùng: “Không kịp cắt giờ tháo kíp nữa rồi. Mình sẽ lao xe vào chốt cảnh sát trước mặt, Phùng nhảy xuống chạy vào phố mà thoát nghe”. Phùng nghe, chưa kịp phản ứng gì thì Thương đã lao xe vào chốt cảnh sát bên cạnh đường Hoàng Diệu. Bọn cảnh sát chẳng biết chuyện gì xảy ra, ba bốn thằng cầm súng ào tới chặn Thương thì ánh lửa chớp lòe kèm theo một tiếng nổ như sét đánh, rung cả trời đất.

        Lệ Mỹ đạp xe chạy theo Thương không kịp. Khi đến gần chốt cảnh sát Hoàng Diệu đã thấy xác mấy thằng cảnh sát chết nằm ngổn ngang cạnh Thương. Phùng bị thương nặng. Xe cứu thương của cảnh sát bốc hai thằng bị thương và Phùng lên xe chạy vội về phía Biên Hòa. Bọn cảnh sát tỏa ra chặn các ngả đường, không cho bất cứ ai vào hiện trường.

        Biết Thương hy sinh và Phùng bị thương địch đã mang đi, Mỹ vội đạp xe về báo cho ông già của Thương biết tin dữ, rồi vội lấy khẩu súng ngắn K54 và đồ vật của Thương đem đi chôn giấu.

        Ngay trong đêm đó, bọn cảnh sát đến lục soát nhà Thương, nhà Phùng và bắt ba của Thương mang đi.

        Cũng ngay trong đêm đó, Lương và Hoàng Sáu dẫn đội đến đánh vỗ mặt chốt cảnh sát Hoàng Diệu, mang thi hài Thương về hầm bí mật của dì Ba Lưỡng. Các má, dì, xúm lại rửa vết thương băng bó tấm lưng coi như cấp cứu khi Thương còn sống. Dì Ba ôm lấy Thương mà nói trong nước mắt: “Thương ơi! Mới hồi trưa dì đi xe lam mang trái cây và trái nổ đến trao cho con. Ai ngờ bó hoa hồng che trái mìn, lại là bó hoa đưa tiễn con…”

        Các má mỗi người một tay bồng bế tắm rửa tẩm liệm cho Thương. Những chai rượu trắng được đổ ra khăn lau mặt, lau chân tay cho Thương. Dì Ba lấy bộ áo quần mới bằng satanh đẹp nhất của mình đem mặc cho Thương. Các má vừa chăm sóc Thương vừa khóc.

        Trung Lương và Hoàng Sáu đưa được Thương đến giao cho các má, các dì liền về ngay theo công việc khẩn cấp. Bởi vì Lệ Mỹ báo địch đã nhận diện Thương và đã đưa Phùng về bệnh viện Thủ Đức, cách ly Phùng xa khỏi Xuân Lộc – Long Khánh. Bọn CIA và An ninh quân đội, cảnh sát đang xúm lại băng bó cấp cứu Phùng với mục đích sẽ chờ để khai thác tra xét Phùng. Trung Lương và Hoàng Sáu đang chưa hiểu lý do nào Thương và Phùng lại cho nổ mìn tại chốt cảnh sát mới lập ở mé đường Hoàng Diệu. Sao lại không đánh quán Song Nga theo kế hoạch mà lại đánh chốt cảnh sát? Lệ Mỹ cũng chưa kịp trình bày đầu đuôi với chỉ huy đội, vì cô cũng chỉ được quan sát từ xa trong vai trò yểm trợ. Khi thấy Thương đèo Phùng lao ra khỏi quán, Lệ Mỹ cũng chưa không hiểu chuyện gì xảy ra. Cô đạp xe theo sau chưa kịp thì mìn đã nổ. Sức công phá và sức ép quả mìn đã thổi bay cái chòi canh của cảnh sát và xô Lệ Mỹ ngã xuống ven đường. Lồm cồm bò dậy Mỹ chỉ thấy Thương nằm bất động giữa mấy cái xác cảnh sát và thấy bọn cảnh sát khiêng hai thằng bị thương và khiêng cả Phùng ném vào xe cứu thương. Xe chạy mất hút về phía Hố Nai. Mỹ vội quay về bảo em Đồng liên lạc cơ sở mật đi báo cho đội trưởng Lương biết tin dữ.

        Lương phân công Mỹ liên hệ với chị Thư của Phùng để theo vào bệnh viện thăm nuôi Phùng và dò xem bọn CIA đang khai thác moi tin bí mật của Phùng như thế nào, có kế hoạch bảo vệ Phùng.

        Khuya đó, các má các dì chẳng ai kịp ăn tối, cứ ngôi ôm Thương. Dì Ba nấu cơm đơm một chén, vót đôi đũa tre có bông cắm lên bát cơm cùng quả trứng gà luộc đặt lên phía đầu Thương. Cúng cơm cho Thương mà không dám thắp nhang. Chú Hai Triết mang nén nhang đến nhưng dì Thảo không cho thắp nhang, vì sợ mùi nhang dưới hầm bay lên, địch đi lùng tìm, sẽ lộ mất. Dì Thảo lấy lược vừa chải tóc cho Thương, vừa mếu máo than thở: “Thương ơi! Các má, các dì cúng cơm cho con mà cũng không được thắp nhang cho linh hồn con mát mẻ. Tội nghiệp thân con lắm Thương ơi!” Dì Năm Thẹo nãy giờ ngồi lặng lẽ sụt sùi lau nước mắt. Chợt dì hỏi: “Vậy đã có ai đi báo cho thằng Thảnh chưa?” Dì Ba Lưỡng đưa ngón tay lên miệng “xuỵt, xuỵt” như sợ Thương nghe, nói khẽ: “ông Nghĩa cụt, thằng Thảnh và út Nữ bên Biệt động đang theo dõi bọn biệt kích lùng sục ngoài Rừng Lá và ngã ba ông Đồn”…

        Dưới lòng đất các dì, các má ngồi khóc, thương tiếc Thương trong tiếng còi xe cảnh sát rú lên trong đêm. Lính tráng chạy rầm rập trên các con đường, nẻo phổ. Tiếng chúng la hét bắt bớ ai đó. Tiếng súng tiểu liên AR15 nổ từng tràng dài. Dì Ba Lưỡng nói: “Chắc tụi nó đi càn. Cũng có thế lính thằng Lương đi trừng trị ác ôn, tiếng tiểu liên AK nghe rõ lắm.” Mọi người ngồi im lặng bên cạnh Thương. Trong đêm khuya thanh vắng, chỉ nghe tiếng khóc sụt sùi…

        Gần sáng thì mọi tiếng động của súng đạn, của ruồng bố chiến tranh ngưng hẳn. Chỉ vọng đến tiếng gà gáy sáng…

*

*      *

        Tại khu vực Bảo Chánh vừa được giải phóng, Bí thư thị ủy họp mặt với Sáu Tuệ, Trưởng ban An ninh cùng chỉ huy các đội Tự vệ mật, Đội Biệt động, Đội Trinh sát vũ trang, Ban cán sự thị ủy Long Khánh cùng phụ trách các cơ sở mật, các tổ chức dân vận, binh vận, mặt trận… thuộc thị xã. Bây giờ cuộc họp không còn ở sâu dưới lòng đất, họ mắc võng ngoài vườn. Tết nguyên đán Ất Mão đến gần, gió xuân mát mẻ thổi nhẹ qua vườn cây trái. Mùi hoa cà phê, hoa bưởi, hoa chanh thơm dìu dịu. Năm Thị giọng xúc động nghiêm trang phổ biến thông báo những thắng lợi của bước đầu chiến dịch Đông Xuân và nghị quyết của Khu ủy miền Đông, của Tỉnh ủy Bà Rịa – Long Khánh về tình hình sắp đến. Đặc biệt trong nghị quyết của Thị ủy Long Khánh nói rõ phương hướng và nhiệm vụ sắp đến của toàn đảng bộ, trong không khí của toàn quốc đang nô nức chuyển mình giành thời cơ và quyết tâm chiến đấu giải phóng miền Nam như nghị quyết của Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam. Cả miền Nam đang chuyển mình. Long Khánh cũng đang chuyển mình.

        Trước mắt, địch sẽ cố dồn mọi khả năng và lực lượng để trấn giữ Long Khánh – Xuân Lộc. Mỹ – Thiệu xem Long Khánh như cánh cửa thép bảo vệ sào huyệt cuối cùng của chúng. Chúng đã khẳng định: “Việt Cộng chọc thủng tuyến phòng thủ Xuân Lộc – Long Khánh, coi như mất đô thành Sài Gòn, chế độ đệ nhị Việt Nam Cộng hòa sẽ sụp đổ, sẽ bị tiêu diệt”.

        Thị ủy nhận định: “Thị xã Long Khánh là một trong những nơi ta sẽ dứt điểm, nhằm đến mục tiêu cuối cùng chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài hàng chục năm trời. Và địch sẽ cố sống cố chết, một mất một còn quyết giữ Long Khánh – Xuân Lộc, bảo vệ Sài Gòn. Vì vậy, thị ủy kêu gọi đảng viên toàn đảng bộ, các tô chức dân chính, mặt trận, đoàn thể quần chúng; các lực lượng vũ trang vận dụng ba mũi giáp công, giải phóng vùng ven thị xã, tạo địa bàn cho quân chủ lực tiến công đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng tại Long Khánh – Xuân Lộc…

        Cuộc họp mặt đã xong, giọng Sáu Tuệ buồn buồn nói: “Mình nhớ con Thương quá. – vừa nói, Sáu Tuệ vừa với lấy cái máy ghi âm trên mặt bàn, bật lên – Nghe nó nói, nó cười. Kế lại chuyện đánh quán Ngọc Hương nguy hiếm thế mà giọng nó tỉnh bơ như chuyện nấu cơm, nấu canh vậy!” Mọi người lắng nghe tiếng Thương rõ ràng như lúc Thương còn sống, còn đưa võng trong góc vườn. Trung Lương nói: “Hôm hai đứa bỏ quán Song Nga không đánh, lại đánh vào chốt cảnh sát Hoàng Diệu giữa ban ngày. Tôi thắc mắc bực mình tụi nó không chấp hành đúng mệnh lệnh. Mấy hôm sau đó, khi đã an táng Thương một thời gian thì Lệ Mỹ cho biết Thư, chị của Phùng vừa ra khỏi nhà tù, được bọn ngụy cho phép đến nuôi em ở bệnh viện kể lại, bọn tình báo dọa cưa cụt cả hai chân nếu Phùng không khai ra chủ trương của ta đánh quán Song Nga và những bí mật, những kế hoạch khác. Phùng chịu đau đớn và im lặng. Nếu địch có cưa cụt cả chân tay cũng không bao giờ lộ cho giặc biết hoạt động của Đội Trinh sát vũ trang. Phùng cho Thư biết lại chuyện mìn sắp đến giờ nổ khi bọn sĩ quan đang kéo đến, bỗng dưng tụi chúng đứng dậy bỏ ra khỏi quán và các em học trò lao ào ào vào quán mua kem. Vì thế, Thương đã bảo Phùng lấy lại mìn, đưa ra khỏi quán để tránh nguy hiểm cho các em. Vì không kịp tháo ngòi nổ cho nên Thương đã lao cả xe chở mìn vào chốt cảnh sát để chia hai với giặc. Nghe Lương kể, Năm Thị cứ tắc lưỡi thán phục hành động của Thương. Còn Sáu Tuệ thì lau nước mắt, nói: “Thương hy sinh oanh liệt quá. Như thế tính đến nay đã ngót mười chiến sĩ của Trinh sát vũ trang hy sinh và ngót cả chục người bị thương trong cuộc chiến đấu ác liệt này. Thằng Ngọc, thằng Xuân, con Thể rồi con Thương… chỉ tiếc bốn đứa nó còn trẻ quá! Bây giờ chúng ta là những người còn sống, phải dũng cảm chiến đấu, giết nhiều giặc để trả thù cho đong đội, đồng bào đã bị giặc đàn áp, giết hại suốt hàng chục năm qua”…

*

*      *

        Bầu trời Long Khánh – Xuân Lộc suốt cả tuần nay nặng nề như muốn đổ sụp vì tiếng động cơ máy bay phản lực, trực thăng. Các trận địa pháo đóng dọc các lộ 1, lộ 3, lộ 20 và cả từ Chơn Thành, Nước Trong, Thành Tuy Hạ bắn tới. Tiếng đạn pháo, tiếng bom nổ long trời, lở đất bao quanh vùng Xuân Lộc – Long Khánh; bao quanh núi Đỏ, núi Chứa Chan, núi Đầu Tây, suối Sóc Lu, Suối Chồn, Suối Tre, Bàu sầm…

        Hàng chục tốp máy bay trực thăng đổ quân xuống các vùng giải phóng của ta. Liên đoàn biệt kích 81 đổ quân xuống khu vực núi Chứa Chan bắc lộ 1, tây lộ 3 càn quét nhằm đẩy lùi quân chủ lực của ta ra khỏi vành đai an toàn Long Khánh – Xuân Lộc.

        Những vùng biệt kích đổ quân xuống, đã có hàng trăm xe tăng từ căn cứ lữ đoàn 11 ở Suối Râm cơ động đến vây quanh, sẵn sàng đón đánh các đơn vị của ta nếu bị biệt kích địch xua ra khỏi công sự và các cánh rừng, các ấp vừa được giải phóng.

        Lê Minh Đảo, tướng 1 sao Tư lệnh Sư đoàn 18 ngụy tập trung chiến đoàn 43 và 52, có phi pháo và xe bọc thép yểm trợ, liên tục mở những cuộc hành quân càn quét khu vực Bảo Chánh – Ruộng Tre Đông Bắc Long Khánh để giữ hành lang lộ 1. Càn quét xong, chúng kéo nhau về phòng thủ thị xã Long Khánh. Rồi điều tiểu đoàn bảo an 324 từ Bình Phú ra án ngữ cầu Gia Liêu. Các cơ quan đầu não, tình báo, an ninh quân đội và các chiến đoàn bộ binh, xe tăng, pháo binh thuộc Sư đoàn 18 được đặt trong tình trạng báo động, sẵn sàng chặn các con đường, các vùng xung yếu địch dự kiến có thể bị quân giải phóng xâm nhập. Mìn được chúng cài dày đặc khắp nơi. Gián điệp, chỉ điểm, chiêu hồi, giáo phái phản động cũng như bom mìn được cài mọi chốn để bảo vệ Long Khánh. Những cuộc bắt bớ, tra tấn, thủ tiêu người kháng chiến và đàn áp nhân dân càng dã man tàn bạo hơn. Nhưng các chiến sĩ và đồng bào ta hiểu rằng địch hung hăng như thế không phải vì chúng mạnh hơn lên, mà đó là sự cháy bùng của ngọn đèn sắp tắt. Các đơn vị biệt động, trinh sát vũ trang, tự vệ của ta bám sát các đơn vị ngụy quân quấy rối, chặn đánh chúng bất cứ giờ giấc ngày đêm, bất cứ địa điểm nào khi chúng xuất hiện.

        Từ khi Thương hy sinh, các nữ đội viên trinh sát như có sức mạnh nào đó góp vào, họ càng chiến đấu dũng cảm và bền bỉ liên tục không quản gian khổ hy sinh. Thương không còn nhưng bọn tình báo ngụy vẫn ráo riết truy tìm H.25. Chúng bàn tán sao nhiều H.25 đến thế. Ở đâu hầu như cũng có H.25 xuất hiện, đánh tiêu diệt tiêu hao không ít quân lính của chúng. Các lực lượng du kích tự vệ mật, biệt động, trinh sát vũ trang nổi dậy đánh địch ào ào như bão nổi, cùng với Sư đoàn 6 của Quân khu 7 và quân địa phương của tỉnh đội, huyện đội Xuân Lộc, thị đội Long Khánh đánh mạnh, giải phóng các xã, các ấp dọc theo lộ 3 từ Gia Ray đến Trà Tân 2, giáp Bình Thuận khu 6; tiêu diệt địch ở khu lưu vong Lộc Ninh và phân chi khu quân sự Gia Ray, giải phóng một vùng rộng lớn dọc theo quốc lộ 1.

        Trong lúc các Sư đoàn 304, 324, 325 thuộc Quân đoàn 2 đánh vào vùng 1 chiến thuật của địch, áp sát vào các tỉnh bắc Quảng Trị, Tây Thừa Thiên, Quảng Nam – Đà Nằng thì lực lượng cơ động của Bộ cùng bộ đội địa phương đánh vào Tây Nguyên, giải phóng Buôn Ma Thuột, vây hãm Plây Cu, Kon Turn. Khi ta diệt Sư đoàn 23 ngụy thì địch còn lại rút chạy. Ta truy kích từ Cheo Reo đẩy địch chạy về phía Đông.

        Mặt trận Tây Nguyên kết thúc, ta diệt 12 vạn tên địch. 60 vạn dân đứng dậy làm chủ Tây Nguyên.

        Chiến thắng Tây Nguyên, Quân Giải phóng phát triển về ven biển miền Trung, Trung Bộ; làm chủ các con đường 7,19, 21…

        Khi Quảng Trị hoàn toàn được giải phóng thì Quân đoàn 4 đã tiến vào miền Đông Nam Bộ. Sư đoàn 7 thuộc Quân đoàn 4 do tướng Lê Nam Phong chỉ huy đã đánh diệt chi khu Định Quán, đánh rã 3000 quân ngụy, giải phóng Định Quán, làm chủ một đoạn 50 km lộ 20.

        Chỉ mấy hôm sau khi G.Ford, Tổng thống Mỹ cử tướng Weyand (Uây oen) Tổng tham mưu trưởng lục quân Mỹ đến thị sát chiến trường miền Nam thì Quân giải phóng đã tràn ngập Thừa Thiên Huế, Đà Nang. Tướng Ngô Quang Trưởng Tư lệnh Quân khu 1 (vùng 1 chiến thuật) hô hào tử thủ, hắn hứa: sẽ cùng chiến hữu chết trên đường phố. Việt Cộng phải bước qua xác hắn mới chiếm được Huế, Đà Nằng. Nhưng khi quân Giải phóng đánh chiếm Huế, Đà Nẵng thì Ngô Quang Trưởng cùng đám tướng lĩnh vội “cong đuôi” chạy trốn ra biển, lên hạm tàu của Mỹ đón đợi các vị “anh hùng tử thủ” mà không chết đó di tản qua Mỹ.

        Uâyoen lây bệnh bàng hoàng run sợ của Ford vì sự thất thủ mau lẹ của quân ngụy, báo Quật Cường ra ngày 3.4.1975 tại Sài Gòn đưa tin: “Hôm qua, sau khi thị sát vùng đồng bằng sông Cửu Long, tướng Weyand đã tổ chức cuộc họp hỗn hợp Mỹ – chính quyền Thiệu ngay tại Sài Gòn, nhằm thống nhất phòng thủ. Tham gia cuộc họp về phía Mỹ, ngoài tướng Uâyoen còn có Đại sứ G. Mác-tin, Êrích Phon Mác-bốp (Eric Von Marbob) tướng Hô.mơ Đ. Xmít (Homer D.Smith)… Phía Sài Gòn có Tống thống Nguyễn Văn Thiệu, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên…”

        Kết thúc nội dung cuộc họp, ngụy Sài Gòn vội vã bắt tay vào thiết lập tuyến phòng thủ kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc – Long Khánh đến Tây Ninh với hai “tử điểm” là Phan Rang và Xuân Lộc.

        Báo Trắng Đen sáng ngày 3-4-75 đưa tin “ngày 2-4-75, ngay sau cuộc họp hỗn hợp Mỹ-Thiệu, Cao Văn Viên ra Nhật lệnh kêu gọi quân đội Sài Gòn cố thủ chiến tuyến. Nguyên văn như sau:

        “Hỡi chiến hữu các cấp chủ lực quân, địa phương quân và nghĩa quân, đất nước đang trải qua giai đoạn thử thách nghiêm trọng. Từ bốn tuân lễ nay Cộng sản đã dốc toàn lực tống tấn công chúng ta trên khắp 4 quân khu với một ưu thế rõ rệt về hỏa lực và quân số đông đảo lúc ban đầu, địch đã lấn chiếm một phẫn lãnh thổ của ta thuộc quân khu 1 và 2.

        Kể từ giờ phút này, bằng mọi giá, chúng ta phải cố thủ chiến tuyến, ngăn chặn địch, tiêu diệt tối đa địch và phản công quyết liệt.

        Nhân danh Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa, tôi đoan kết với các chiến hữu rằng chúng ta chỉ có một con đường duy nhất, đó là chiến đâu để tồn tại…”

        Lời lẽ của Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên khẳng định như thế. Còn Tổng Thiệu thì sao?

        Ngày 4 tháng 4, giọng lưỡi Thiệu cay đắng thừa nhận sự dao động chủ bại của các cấp chỉ huy, sự hèn yếu của quân đội, nhưng Thiệu cũng lớn tiếng đổ lỗi sự thất thủ triền miên là do Mỹ không chi thêm viện trợ Trong một bài diễn văn củng cổ tinh thần binh lính, sau khi phê phán nội bộ chính quyền và quân đội hèn kém cùng chửi bới Hoa Kỳ, Thiệu bộc bạch với quân lực và quốc dân đồng bào rằng: …Hôm phái đoàn Quốc hội Mỹ qua đây, tôi đã nói với họ rằng: “Mây ông đừng đặt vấn đề cho thêm 300 triệu Mỹ kim. Hồi đó mấy ông đánh ở đây với nửa triệu lính Mỹ, với B.52, với hỏa lực hùng hậu, cộng với một triệu lính Việt Nam Cộng hòa đánh sáu năm trời không thắng được Cộng sản. Mấy ông bỏ đi về, để lại quân đội Việt Nam Cộng hòa đánh một mình, không có B.52, không có lính Mỹ, thiếu vũ khí, thiếu đô la… Bây giờ các ông có cho thêm 300 triệu đô la đi nữa, bảo chúng tôi chiến thắng Cộng sản một cách dễ dàng, nhanh chóng thì tôi cho đó là chuyện phi lý, không tưởng…”

        Nói gì thì cứ nói, nhưng việc sống còn trước mắt là thầy trò Mỹ Thiệu phải lo cho “tử điểm” Xuân Lộc – Long Khánh. Báo chí phương Tây và Sài Gòn bình luận rằng Xuân Lộc là “Chiếc xoáy ốc cuối cùng” quyết định số phận của ngụy quyền Sài Gòn. Uâyoen đã nhấn mạnh với Thiệu là: “Phải giữ cho được Xuân Lộc. Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”.

        Nghe lời Uâyoen và dư luận báo chí, Thiệu đôn đốc các cấp chỉ huy các quân khu, quân đoàn lập các tuyến phòng thủ. “Tử điểm” Phan Rang được thành lập, Thiệu tin tưởng vào Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Quân đoàn 3 chỉ huy trưởng Tiền phương và Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân. Nhưng Phan Rang nếu có thất thủ, Việt Cộng chiếm được thì còn xa Sài Gòn và còn lâu mới có thể đến được Xuân Lộc – Long Khánh.

        Thấy rõ mục đích và ý nghĩa tuyến phòng thủ Xuân Lộc, Thiệu đã dốc toàn lực thành lập một tập đoàn cứ điểm mạnh để chặn đứng quân giải phóng ở mặt trận Đông Bắc Sài Gòn. Muốn chặn được quân chủ lực ta theo đường số 1, số 20 tiến vào thì Xuân Lộc – Long Khánh mới đứng vững đế bảo vệ cả tuyến phòng thủ Biên Hòa, Long Thành – Bà Rịa Vũng Tàu. Hai sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất chưa trực tiếp bị uy hiếp. Con đường 15 Sài Gòn – Vũng Tàu còn, là còn hy vọng nhận thêm viện trợ của Mỹ và rút chạy ra biển khi thất trận.

        Thiệu và Viên ra lệnh cho Quân khu 3 và Quân đoàn 3 ngụy dốc toàn lực tăng viện cho Sư đoàn 18.

        Thiệu rất tin tưởng vào Lê Minh Đảo – vị tưởng trẻ đã nổi tiếng “tử thủ” thành công trận An Lộc mấy năm trước. Đảo cũng nhận thức được chế độ Sài Gòn còn hay mất là nằm trong tay hắn. Đảo thề sẽ giữ vững Xuân Lộc – Long Khánh và huênh hoang: “Quyết đánh một trận này cho thế giới biết đến và người Mỹ phải tăng thêm viện trợ vào đất này…”

        Bầu trời Đông Bắc Sài Gòn cứ ầm ào như cơn bão bắt đầu nổi gió. Dưới đất thì quân ta gồm các đơn vị địa phương thuộc Sư đoàn 6, Trung đoàn 4, Tỉnh đội, Thị đội, Huyện đội, chuyển quân vào các vị trí chuẩn bị xuất phát tiến công. Các đội biệt động, tự vệ mật, trinh sát vũ trang hối hả đi đánh dấu lại các bãi mìn để chờ hướng dẫn bộ binh và cơ giới của ta tránh khi tấn công giặc. Các chi bộ huy động thanh niên, phụ nữ vào các việc chuẩn bị sẵn sàng đón tiếp và phục vụ quân giải phóng. Các cơ sở mật may cờ giải phóng, các tổ chính trị, binh vận in truyền đơn kêu gọi binh lính ngụy làm binh biến, bỏ hàng ngũ địch về với nhân dân. Bà con chuẩn bị sẵn nhiều áo quần cho binh lính thay quân phục khi họ bỏ ngũ, về với dân. Các ấp vừa được giải phóng ở vùng ven nổi trống, nổi mõ làm reo uy hiếp tinh thần địch…

        Trên bầu trời lúc này ầm ầm ào ào tiếng máy bay phản lực đi dội bom vào các căn cứ của ta, đánh phá các con đường địch nghi ta đang chuyển quân…

        Ngụy quyền Sài Gòn hô hào “Tất cả cho “phòng tuyến thép” Xuân Lộc”. Bộ chỉ huy Quân khu 3 ngụy bố trí lại lực lượng để phòng thủ. Hàng đoàn máy bay trực thăng chở Thiết đoàn 22 kỵ binh và một tiểu đoàn biệt động đổ xuống trấn giữ đoạn đường từ Bàu Cá đến ngã ba Dầu Giây. Rút đám tàn quân của Chiến đoàn 43 từ Định Quán chạy về bổ sung quân số, trang bị lại vũ khí để phòng thủ thị xã Long Khánh. Đưa Chiến đoàn 52 Sư đoàn 18 đến đóng từ Kiệm Tân đến suối Sóc Lu, làm lực lượng cơ động ứng cứu Chiến đoàn 43 khi cần. Chiến đoàn 48 ra án ngữ chi khu Tân Phong nhằm ngăn chặn chủ lực ta đánh chiếm lộ 1.

        Như vậy là Thiệu đã dồn về Xuân Lộc – Long Khánh thêm ngót hai sư đoàn quân tổng trù bị và hầu hết xe tăng, xe bọc thép, pháo các loại của Quân đoàn 3 cho Xuân Lộc. Không quân tất cả các sân bay còn lại cùng với 10.000 quả bom, có cả loại bom C.B.U và Daisy Cutler có sức công phá mạnh (chỉ đứng sau bom nguyên tử) đều ưu tiên dành cho “chiến tuyến phòng thủ” Xuân Lộc.

        Lúc ngụy lập xong phòng tuyến cố thủ thì quân Giải phóng cũng đã áp sát thị xã Long Khánh – Xuân Lộc. Đúng 5 giờ sáng ngày 9-4-1975 chỉ sau một ngày sĩ quan không quân Nguyễn Thành Trung phản chiến ném bom vào Dinh Độc lập, Bộ chỉ huy tiền phương Quân đoàn 4 phát lệnh cho Sư đoàn 1 và Sư đoàn 7 Giải phóng quân tiến công vào thị xã Long Khánh. Được Đội Biệt động và Đội Trinh sát vũ trang dẫn đường, chủ lực ta đã công kích mãnh liệt vào các sào huyệt của địch. Sau hai giờ chiến đấu, ta đã chiếm dinh tỉnh trưởng, ty cảnh sát, khu cố vấn Mỹ, khu tình báo CIA, căn cứ biệt động quân, ga xe lửa… Cờ mặt trận đã tung bay trên nóc nhà một số căn cứ địch trong thị xã…

        Sau khi hoàn hòn, Lê Minh Đảo xua quân phản kích quyết liệt. Chúng cho máy bay đến ném bom bắn phá vào các vị trí của ta trên các con đường Phan Thanh Giản, Hồng Thập Tự, Cua Heo nhằm chặn quân chủ lực của ta.

        Sau ba ngày điên cuồng phản kích, chúng dùng nhiều tốp máy bay phản lực F11 ném hàng trăm quả bom xuống trận địa ta, trong đó có cả bom C.B.U và Daisy Cutler với ý đồ hủy diệt quân ta. Dứt đợt bom và pháo, địch cho năm mươi máy bay trực thăng đổ Lữ đoàn dù số 1 xuống Xuân Lộc phối hợp với Sư đoàn 18 từ trong thị xã liều mạng đánh chặn ta.

        Trước sự phản kích điên cuồng của địch, quân ta rút ra ngoài thị xã vây địch lại. Chờ cho thị ủy Long Khánh tổ chức sơ tán hai mươi ngàn dân ra khỏi thị xã, quân ta liên tập trung các trận địa pháo nã pháo cấp tập vào các cứ điểm của địch trong thị xã.

        Thấy ta chỉ bắn pháo mà bộ binh ngưng tấn công. Mỹ và Thiệu cùng báo chí phương Tây hí hửng tuyên truyền rùm beng: “Quân lực Việt Nam Cộng hòa còn đủ sức mạnh để phản công Cộng quân”. Tướng Lê Minh Đảo lại huênh hoang trả lời Hãng thông tấn UP1 và AP: “Tôi sẽ cùng quân lính giữ vững thị xã Long Khánh – Xuân Lộc bằng bất cứ giá nào”.

        Mặc cho địch rêu rao thắng lợi, ta vẫn lặng lẽ “bóc” dần cái “vỏ cứng” của Xuân Lộc bằng cách tấn công Lữ đoàn dù 1 ở cầu Gia Liêu và chi khu quân sự Tân Phong.

        Trên mặt trận phía Tây Xuân Lộc, Trung đoàn 95 (thuộc Sư đoàn 325, Quân đoàn 2) vừa chiến thắng Buôn Ma Thuột, truy kích địch từ Cheo Reo, về phối hợp với Trung đoàn 6 (Sư đoàn 7, Quân đoàn 4) từ bắc lộ 20 tiến xuống, đánh Chiến đoàn 52, tiêu diệt một chi đoàn thiết giáp, một tiểu đoàn pháo, làm chủ Kiệm Tân, Túc Trưng dọc theo lộ 20, chốt chặn Dầu Giây, phía Tây thị xã Xuân Lộc.

        Bị tổn thất nặng sau hàng chục đợt phản kích, Lê Minh Đảo cầu cứu chi viện. Địch đã tăng viện cho Xuân Lộc Chiến đoàn 8 (thuộc Sư đoàn 5) liên đoàn 7 biệt động, các thiết đoàn 315, 316, 332 từ Biên Hòa, Trảng Bom đến. Đưa Bộ chỉ huy Quân đoàn tổng trù bị đến Trảng Bom để chỉ huy phản kích.

        Tình hình lúc này ở nội ô Long Khánh hừng hực như chảo lửa. Tất cả ban thường vụ Thị ủy tỏa đi theo các cánh quân, các đoàn thể. Năm Thị, Năm Quảng, út Lành, Sáu Tuệ, Út Hừng… vắt chân lên cổ mà chạy cũng không hết việc. Quan trọng nhất là việc phục vụ cho quân chủ lực chiến đấu.

        Tại Bảo Vinh, Trung Lương, Hoàng Sáu tập trung cả đội Trinh sát vũ trang lại, động viên tinh thần anh chị em trong trận cuối cùng này. Lương báo Đài phát thanh giải phóng vừa đưa tin ngày 16 tháng 4 quân ta đã đánh chiếm Phan Rang, phá vỡ tuyến phòng thủ của ngụy, bắt sống tướng Phạm Ngọc Sang tư lệnh Sư đoàn 6 không quân và Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Quân đoàn 3. Quân ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận, đang theo đường số 1 đánh vào Bình Thuận, Bình Tuy để tiến vào Long Khánh. Tiếng reo hò của anh chị em trong đội vang dậy mừng chiến thắng. Lương tươi cười nói tiếp:

        – Đây là trận đánh cuối cùng của Đội ta. Anh chị em cố gắng chỉ dẫn đường sá, phục vụ quân chủ lực ta trong chiến đấu. Đồng thời phối hợp đánh giặc và truy lùng, bắt diệt cho hết bọn tình báo, gián điệp, ác ôn của giặc, thu giữ bảo vệ tất cả những tài liệu tình báo, mật điệp của giặc…

        Những trận đánh tiếp theo diễn ra vô cùng ác liệt, ta và địch giành nhau từng nóc nhà, góc phố. Cuộc cố thủ quyết giữ của địch và tấn công đánh phá của ta vào tuyến phòng thủ Xuân Lộc diễn ra mấy ngày liên tục, làm cho địch hoảng sợ, nhiều sĩ quan, binh lính ngụy đã hoang mang tột cùng, trút bỏ binh phục, súng đạn trà trộn vào dân để lẩn trốn hoặc giơ tay đầu hàng tại chỗ.

        Đêm 20 tháng 4 tất cả các trận địa pháo của Quân đoàn 4, Quân đoàn 2 ta trút bão lửa dồn dập vào các vị trí cuối cùng của tập đoàn phòng thủ Long Khánh. Rạng ngày 21- 4-1975, bộ binh ta theo xe tăng dẫn đầu, cùng với các lực lượng biệt động, trinh sát vũ trang phối hợp tấn công vào chiếm lĩnh nội ô, giải phóng hoàn toàn thị xã Long Khánh – Xuân Lộc.

        Tướng Lê Minh Đảo cùng hàng ngàn tên sống sót, theo lộ 2 tháo chạy ra hướng Bà Rịa. Đảo chạy thoát khỏi Long Khánh nhưng đại tá tỉnh trưởng Phạm Văn Phúc thì bị bắt. Khi bị bắt, Phúc ngồi sụp xuống đất khóc than, xin tha tội chết.

        Nhân dân Long Khánh sơ tán các nơi chạy ào về trương băng cờ, khẩu hiệu rợp trời chào mừng chiến thắng. Cờ Tổ quốc tung bay trên nóc nhà vị trí giặc và những ngôi nhà dân còn sót lại. Nhà Thương vẫn còn sau trận chiến và ai đó đã cắm lên trên nóc nhà một ngọn cờ.

        Bí thư Thị ủy đã trao lá cờ lớn nhất của thị xã Long Khánh cho các chiến sĩ xe tăng của Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Sài Gòn…

 

BÃO TAN, TRỜI RẠNG, BÌNH MINH VẾ

        Xuân Lộc – Long Khánh được giải phóng hoàn toàn. Mặc dầu đại bác địch vẫn bắn chặn cuộc tiến quân của ta dọc quốc lộ 1, quốc lộ 20 và máy bay địch vẫn gào rú trên bầu trời, nhân dân vùng dưới chân núi Chứa Chan, các ấp xã ven lộ 1 vẫn chạy ra đường vẫy chào các chiến sĩ ngòi trên những chiếc xe tăng, xe bọc thép, xe vận tải quân sự chở quân, xe kéo pháo mặt đất tiến về Sài Gòn. Bà con khoái nhất khi thấy xe kéo pháo cao xạ vừa chạy, vừa bắn lên xua đuổi bọn giặc trời.

        Mặc anh chị em tự vệ và cán bộ quân quản Long Khánh kêu gọi bà con đừng chủ quan khinh địch, hãy trở về bám xóm ấp, bám hầm hào, cảnh giác đề phòng địch đang ngoan cố phản kích ta, đông bào cười, nói: “Đã cong đuôi lên mà chạy như chó bị cọp đuổi, còn chi nữa mà phản kích”. “Này này các bà – Năm Thị kêu lên – Các bà quên rằng chó cùng đường thì trở thành chó dại cắn càn! Các bà đem con cháu về trong ấp ngay đi!”…

        Tư lệnh Sư đoàn 7 Nam Phong bịn rịn chia tay bà con Xuân Lộc – Long Khánh, ông nói: “Đây vào Sài Gòn chỉ còn ngót trăm cây số nữa, nhưng giặc còn ngoan cố, còn nhiều nơi chúng phòng thủ, đánh cả tháng chưa chắc đã xong”… Ông bước đến bắt tay Năm Thị Bí thư thị ủy Long Khánh để lên xe bọc thép, chị Ba bánh tày còn chạy theo giúi vào tay tư lệnh sư đoàn một đòn bánh tét dài như một quả thủ pháo gửi ra trận.

        Trung Lương, Sáu Tuệ, Hoàng Sáu không có mặt ven quốc lộ để vui mừng nhìn đoàn quân xa đang hối hả nối đuôi nhau chạy về hướng Sài Gòn. Sáu Tuệ thì đang ngồi giữa núi hồ sơ, tài liệu địch bỏ lại khi hốt hoảng chạy khỏi Trung tâm nghiên cứu chính trị, tâm lý chiến, CIA, Ty An ninh tình báo, chiêu hồi,… để chỉ đạo cán bộ trong Ban An ninh sắp xếp, phân loại thu giữ cái “kho bí mật chết người” của địch mà ta chưa hề biết nội dung.

        Sáu và Lương phân công các tổ lùng sục, truy tìm bọn tình báo, tề điệp ác ôn và sĩ quan đang lẩn trốn trong các nhà dân, vườn cây, ngoài rẫy, còn có bọn chui vào các hầm bí mật không người của ta trong nội ô và các vùng ven Long Khánh.

        Anh chị em trong Đội Biệt động cùng Đội Trinh sát dẫn bộ binh quân chủ lực và xe tăng tránh các bãi mìn khi tấn công địch; cùng tham gia chiến đấu, cùng đưa cơm nước tiếp tế cho giải phóng quân, làm luôn cả việc cấp cứu, tải thương, an táng liệt sĩ… Bây giờ “giặc nổi” chạy rồi thì cả hai đội Biệt động, Trinh sát đang đi truy lùng, tìm kiếm bọn “giặc chìm” – là bọn có nhiều tội ác, nhiều nợ máu với nhân dân. Bọn này cứ tin vào miệng lưỡi thề nguyền chắc như “đinh đóng cột” của tướng Đảo, của Tổng Thiệu rằng “Tử thủ đến cùng trên chiến tuyến” cho nên khi vỡ tuyến thì không chạy kịp. Chúng bị anh chị em Trinh sát, Biệt động, tự vệ kéo ra từ chuồng lợn, chuồng bò. “Giặc chìm” rớt lại đông quá, không đủ dây trói, anh chị em phải trói chúng bằng chính cái thắt lưng, cái áo của chúng.

        Nhìn thấy bác Hai Nghĩa và cô út Nữ lăm lăm tiểu liên AK và súng ngắn trong tay, áp giải cả đoàn cảnh sát ác ôn, tề điệp, Trung Lương vui mừng kêu to, hỏi:

        – Bác Hai, cô út, đã tóm được thằng Hạp, thằng Rụt chưa?

        Hai Nghĩa vò đầu, bứt tóc nói:

        – Ngài trung tá Rụt lủi đâu mất tiêu. Khi biết thằng Rụt cũng có mặt trong Ty An ninh, tôi và cô út vào cắm cờ trên nóc dinh Tỉnh trưởng đã đi lùng thằng Rụt ngay, nhưng hắn đã nhanh chân chuồn theo tướng Đảo.

        Cô Út bảo: “Bắt được thằng Rụt thì còn oong đơ gì nữa”…

        – Chặt đầu ngay chứ oong đơ gì. – Bác Hai Nghĩa giơ tay như cầm dao chém xuống, giống như bác đã chém đứt đôi cây chuối khi đi tìm bắt hụt thằng chủ Tây Sở cao su đã hãm hại cô Tình, vợ bác. Hai Nghĩa gằn giọng, mắt như tóe lửa nói tiếp – Nhất định tôi chặt đầu nó đem tế trên mộ cô Tình. Xem cái đầu nó còn đội cái mâm đi làm “lễ cướp” vợ người ta được nữa không?

        Cô Út cũng giọng đẫy nghẹn ngào, nói qua nước mắt:

        – Nhất định rồi! Phải lấy đầu thằng Rụt, thằng Hạp mà tế cho chị Tình, cho anh Long và cu Đợi của tôi nữa…

        Dứt lời, Út Nữ không kìm được, ôm mặt khóc òa.

        Trung Lương vỗ nhẹ vai cô, an ủi:

        – Cô ơi! Cô đừng buồn nữa. Ta đã thắng rồi. Cô ơi! –  Lương quay lại hỏi bác Hai – Vậy có bắt lại được thằng Hạp không? Thằng Hạp đâu?

        Trung Lương có vẻ bực mình trách anh em biệt động cơ sở, lo đánh đá mà lơ là, để thằng Hạp và bọn tù binh trốn mất.

        Bác Hai Nghĩa lại chém bàn tay xuống, nói:

        – Tìm lại được thiếu tá Hạp rồi. Hắn với bọn tù binh trốn, ra trảng tranh làm ám hiệu vẫy trực thăng xuống cứu. Nhưng lớ ngớ làm sao, bọn lái máy bay tưởng nhầm quân giải phóng, ném bom CBU xuống diệt cả bọn chết sạch. Thằng Hạp bị bom giật bay mất áo quân và một nửa thân dưới. Từ cái bụng lên đầu vẫn còn nguyên. Cái đầu trọc lóc của hắn tôi nhận ra ngay. Mắt hắn chết rồi vẫn mở to, hoảng sợ như đã nhận ra tôi là thằng culi cao su đã bị tụi hắn cướp mất vợ…

        Nói đến đó bác không kìm được hai hàng nước mắt đùng đục, nước mắt cũng đã biến thành keo, bò chậm chạp trên gò má nhô cao, gầy guộc của bác.

        Khi Hai Nghĩa và út Nữ đã giao hết bọn tù binh, ác ôn, tề điệp, cho tự vệ dẫn về trại giam, Trung Lương nói:

        – Cô Út và bác Hai vào chỗ hậu cần kiếm cơm cháo gì đó ăn uống nghỉ ngơi một tí. – Chợt Lương đưa mắt nhìn quanh hỏi – Có ai thấy thằng Thảnh đâu không? Từ rạng sáng đến giờ chưa thấy Thảnh…

        Hai Nghĩa vỗ trán suy nghĩ một lát rồi nói:

        – Chắc là thằng Thảnh đi tìm con Thương.

        Mọi người đi theo Hai Nghĩa ra mộ Thương. Từ xa họ đã thấy Thảnh ngồi gục đầu ôm hai đầu gối bên mộ Thương. Những cành hoa cà phê trắng muốt được đặt lên nấm mộ cỏ đã lên xanh. Nén nhang đã tàn từ lâu mà Thảnh vẫn ngồi đó. Lương đến ngôi xuống ôm vai Thảnh, miệng nói như khi Thương còn sống.

        – Thương ơi! Thảnh ngồi đây mà mày đi đâu Thương ơi!

        Thảnh ngẩng lên nhìn mọi người mà như mất hồn, chẳng nhận ra ai…

        Bác Hai nhìn ngôi mộ nhòe dần trong đôi mắt già của bác. Cô Út khóc kêu lên:

        – Thương ơi! Chỉ còn ba tháng sao cháu không chờ được… Thương ơi! Thảnh ơi!…

        Thảnh nhào đến ôm lấy cô út, bác Hai. Bây giờ mới thấy Thảnh khóc. Khóc nức nở, tức tưởi như trẻ thơ… Lương đến ôm lấy bạn vỗ vỗ nhè nhẹ lên vai bạn, thân thiết trìu mến như hồi xưa hai đứa cùng đi ngủ rẫy, canh nương bên nhau. Giọng như dỗ dành, Lương nói:

        – Thôi Thảnh ơi! Đừng khóc nữa để cho Thương được yên nghỉ. Ta đã chiến thắng rồi. Bão đã tan rồi, trời đã rạng lên rồi. Thảnh nhìn kìa, nắng vàng rực lên trên núi Chứa Chan. Quê mình hết giặc, hết khổ nhục rồi. Thảnh ơi! Long Khánh ơi!…

        Giặc đã bỏ Long Khánh chạy. Nhưng giặc vẫn còn ở phía trước, ở Sài Gòn. Mọi người lau khô nước mắt, rời mộ Thương.

        Anh chị em tự vệ, biệt động và trinh sát vũ trang còn bao nhiêu là việc phải bắt tay vào làm: Truy điệu và an táng liệt sĩ. Chuyển thương binh về các trạm quân y dã chiến. Đi dập tắt lửa ở những nơi còn cháy dở. Tháo gỡ bom mìn giặc đã cài khi cố thủ và lúc rút chạy. Thực hiện chính sách của Mặt trận đối với tù, hàng binh…

        Đêm 21 tháng 4 năm 1975 là đêm đầu tiên Long Khánh được sống tự do. Tuy có mất mát đau thương nhưng mọi người cố quên nỗi đau, lao vào công việc. Các má, các dì, nam nữ thanh niên thức suốt đêm xay giã hàng ngàn giạ lúa, chuẩn bị lương thực tiếp tế cho những đơn vị nào lỡ bữa của các binh đoàn quân Giải phóng đang tiến về Sài Gòn. Không chỉ nuôi quân mình, mà còn tốn biết bao cơm gạo để nuôi giặc – nuôi cái đám tù, hàng binh ta đang tạm nhốt trong các ấp, tác phố vừa mới im tiếng súng… Chiến tuyến Xuân Lộc – Long Khánh thất thủ, Sài Gòn vào thế lâm nguy, mặc dầu Thiệu vẫn cố sống cố chết ôm lấy cái chỗ ngồi. Thiệu bày ra mưu ma chước quỷ để phỉnh nịnh phe phái đối lập và lừa dối nhân dân Sài Gòn, bằng cách đưa Nguyễn Bá Cần ra thay Trần Thiện Khiêm làm thủ tướng để mong “vãn hồi hòa bình”.

        Rạng sáng 21-4-1975 “cánh cửa thép” Xuân Lộc bị quân Giải phóng mở toang, thì cũng tối đó, sự cay đắng tủi nhục của một kiếp làm tay sai trung thành bị chủ Mỹ bỏ rơi, Thiệu lên đài phát thanh và truyền hình Sài Gòn đọc diễn văn từ chức, rời bỏ ghế Tống thống Đệ nhị Cộng hòa.

        Đại tướng Cao Văn Viên lo sợ Thiệu từ chức quân đội sẽ tan rã, hắn liền ra cái gọi là “Nhật lệnh”, kêu gọi binh lính:

        …”Đứng trước tình hình mới này, tôi xin long trọng xác nhận cùng quý vị rằng nhiệm vụ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa vẫn không có gì thay đổi… Trong những ngày sắp tới, tôi yêu cầu quý vị bình tĩnh tiếp tục thi hành nhiệm vụ đã được trao phó, đồng thời thi hành những mệnh lệnh mới được ban ra”…

        Tiếp theo Viên, đến lượt tư lệnh Cảnh sát cũng ra lời kêu gọi:

        …”Trong hoàn cảnh khẩn trương này, nhân danh Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia, tôi kêu gọi toàn thể chiến hữu cảnh sát các cấp phải luôn bình tĩnh, phải triệt để tôn trọng kỷ luật, phải nghiêm chỉnh thi hành luật pháp, phải bảo vệ tối đa an ninh trật tự hậu phương”…

        Nhân dân Sài Gòn chẳng cần ai ra lệnh, họ bình tĩnh, trật tự chuẩn bị nổi dậy giành lấy chính quyền.

        Ở Hoa Kỳ thì Giôn Xơn đổ, Tổng thống Ních Xơn lên. Ních Xơn đổ Giêrôn Pho lên thay. Cả ba ông tổng ấy đều không cứu vãn nổi cái “Đệ Nhị Cộng hòa”.

        Miền Nam thì Nguyễn Văn Thiệu đổ, Trần Văn Hương lên thay. Bà con Sài Gòn chẳng biết thành tích, trình độ, tài năng của ông già Hương đã làm được trò trống gì. vốn bản tính hài hước, người dân chỉ nhớ có lần đại hội ngành giáo dục ở Dinh Độc Lập, Trần Văn Hương đến chỉ đạo và phát biểu kêu gọi quốc dân phải giữ vững “thuần phong mỹ tục” bằng một đoạn phê phán, nội dung như sau:

        … “Trong những năm gần đây, các nữ giáo sư và nữ sinh viên mặc váy quá ngắn. Làm cho các nam giáo sư và các nam sinh viên đi lại hơi… khó khăn!” (?)

        Các cô giáo kể Hương rất thương trẻ con, thường tới thăm các trường nữ sinh cấp tiểu học bảy, tám tuổi. Hương mắc bệnh nấc cụt, thường vừa phát biểu vừa nấc cụt, có lần Hương phát biểu vì nấc cụt ngắt câu, ngắt quãng không đúng chỗ làm các cô giáo hoảng hồn:

        “Tôi yêu quý các cháu (nấc cụt) và luôn đến đây (nấc cụt) không phải để làm tình (nấc cụt) làm tội các cháu”… (ý muốn nói làm phiền hà).

        Người ta chỉ nhớ đến Tổng thống Trần Văn Hương có bi nhiêu. Bởi vậy khi Hương lên thay Thiệu, cũng không ai nhớ được mấy ngày thì Hương đổ, nhường “ngôi” cho Dương Văn Minh. Tổng thống Dương Văn Minh lên thay Trần Văn Hương được vài ngày đã phải đọc bài diễn văn nổi tiếng cả thế giới: Đó là tuyên bố đầu hàng quân giải phóng vô điều kiện!

call Hotline 1 0906223114 call Hotline 2 0906 223 114 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok