Lần đầu tiên tôi về thăm làng Mai quê ngoại là vào một ngày hè sau giải phóng miền Nam không lâu. Năm ấy tôi đã là một thiếu nữ mười tám tuổi. Chuyến đi chỉ có hai mẹ con. Chúng tôi đi tàu hoả vào Vinh rồi từ đó đi ô tô. Chỉ một chặng đường không quá xa mà chúng tôi phải mất tới mấy ngày. Tuy vất vả nhưng vui. Tôi thì lần đầu tiên về thăm quê nên tỏ ra rất háo hức. Còn mẹ, tôi đọc được trên gương mặt của mẹ một nỗi buồn vui, xúc động tuôn trào. Dẫu sao thì cũng đã hai mươi năm rồi, kể từ ngày theo ba tập kết ra Bắc, hôm nay mẹ mới lại được trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình! Hai mươi năm đằng đẵng mòn mỏi, đợi chờ. Hai mươi năm phải chịu bao uất ức, khổ đau của chiến tranh và hy vọng hòa bình. Cảm xúc trong mẹ bỗng vỡ oà khi mẹ đặt chân lên con đường làng. Vẫn là con đường làng thuở xưa len lỏi giữa những rặng tre. Và xa kia là dòng sông đang lững lờ trôi. Những nóc nhà tranh hình bánh ích, một gian hai chái quen thuộc. Chẳng có gì đổi khác ngoài phong cảnh, làng mạc trụi trơ và rất nhiều những hố bom, hố pháo.
Đang thoăn thoắt bước, bỗng mẹ đi chậm lại đưa mắt nhìn quanh rồi mẹ dắt tay tôi dừng lại dưới một gốc cây cổ thụ. Mẹ chỉ tay vào gốc cây reo lên khe khẽ: “Trời ơi, nó vẫn còn đây này! Bom đạn mù trời như thế mà nó vẫn hiên ngang sống cho tới bây giờ!”. Tôi nhận ra cây cổ thụ đó là một cây xà cừ. Loại cây này có nhiều ở quê nội nên nhìn thoáng qua tôi đã biết ngay. Thân nó xù xì, loang lổ những vết bằm ngang chém dọc trông như những con mắt hướng về bốn phía. Đúng là một cây cổ thụ còn sót lại sau chiến tranh. Nó không những già nua, khắc khổ vì thời gian, mà trên thân thể nó còn có rất nhiều vết tích của đạn bom. Cây xà cừ chỉ còn lại một cành duy nhất nhưng tán lá vẫn sum suê, dâm mát, che kín một khoảng trời.
Ông bà ngoại tối năm ấy đều xấp xỉ tuổi tám mươi. Gặp lại mẹ con tôi, ông bà vui mừng khôn xiết. Niềm vui gặp lại nhau, mẹ tôi và ông bà ngoại tuôn trào nước mắt. Nước mắt rơi cho ngày chiến thắng và cả cho ngày đoàn tụ. Bà ngoại tôi lưng còng như miếng cau khô, đi lại lom khom, vậy mà bà vẫn suốt ngày luôn chân luôn tay với những việc vặt trong nhà. Mái tóc bà bạc trắng như cước nhưng vẫn còn rất dài. Bà thường búi tóc thành một búi quanh đầu. Thỉnh thoảng lại thấy bà ăn trầu. Bà nhai bỏm bẻm, nhai cả những lúc đang nói chuyện với ai đó. Tuy răng đã rụng móm mém cả, nhưng chưa một lần tôi thấy bà sử dụng ống xáy để nghiền cau như các bà cụ ngoài Bắc, mà chỉ thấy bà ngâm miếng cau khô vào nước, đợi cho thật mềm rồi mới lấy ra cho vào miệng nhai. Mỗi động tác của bà thật ung dung, thư thái, khiến cho lòng người cảm thấy yên tĩnh lại.
Mẹ tôi đã có lần nói với tôi, hồi còn trẻ bà đẹp nổi tiếng khắp vùng, nên từng được mệnh danh là “hoa hậu” làng. Cánh trai làng thời ấy say mê sắc đẹp của bà như bướm say hoa nhưng bà chẳng ưng ai. Lại nghe nói có viên quan tri phủ trẻ huyện bên nhà giàu nứt đố đổ vách theo đuổi bà mấy năm liền cũng bị bà từ chối vì tính hống hách, kiêu ngạo. Tưởng bà lấy ai, lại hoá ra lấy anh hàng xóm nghèo rớt mồng tơi, nhà tranh vách đất, quanh năm cào hến ngoài sông. Vợ chồng anh cào hến đẻ liền năm người con, hai gái ba trai, suốt ngày đội mưa đội nắng vậy mà người vợ vẫn trẻ trung, cứ trắng đẹp… Bây giờ ngắm nhìn “vợ anh cào hến” năm xưa, tôi thấy những nét đẹp thuở thanh xuân vẫn như còn phảng phất đọng lại trên khuôn mặt nhăn nheo của bà. Mấy năm nay bà yếu đi, lưng còng hẳn, nên đi đứng chậm chạp hơn. Khác với bà, ông ngoại tôi quả là một cụ ông tráng kiện. Tóc ông tuy cũng bạc trắng như bà, nhưng lưng ông vẫn thẳng, răng ông vẫn chắc và dáng dấp thì vẫn rất hoạt bát. Ông là cựu du kích làng Mai. Từ chống Pháp cho đến chống Mỹ, cả gia đình nhà ngoại tôi đều có thành tích, công lao với cách mạng.
Ông bà ngoại tôi ngay từ ngày mới kết tóc xe duyên đã cùng gái trai trong làng tự đứng ra thành lập chi hội nghĩa quân, cắt máu ăn thề, nguyện đánh Pháp đến cùng. Khi công khai giữa trận mạc thì họ là những du kích dũng cảm. Khi phải lui vào hoạt động bí mật thì họ lại không quản hiểm nguy, đào hầm nuôi giấu cán bộ, tổ chức rải truyền đơn vạch mặt kẻ thù, kêu gọi nhân dân đánh giặc. Các cậu, các dì tôi sau này lớn lên, theo gương ông bà ngoại cũng lần lượt vào bộ đội, du kích. Cậu Nghĩa, dì Hiệp hy sinh thời chống Pháp. Đến thời chống Mỹ, cậu Hào ngã xuống ở chiến trường Nam Quảng Trị. Ông bà ngoại tôi theo cách mạng từ lúc còn trẻ cho đến khi tuổi già xế bóng. Chiến tranh đã làm ly tán và cướp đi biết bao người thân trong mỗi gia đình. Gia đình nhà ngoại tôi là một trong những gia đình như thế.
– Có lẽ phải hàng trăm năm nay rồi cháu ạ! Bởi từ ngày còn bé bà đã thấy nó sừng sững ở đây rồi. – Bà đứng dậy, đi vòng quanh gốc cây, vừa đi bà vừa nói: – Nó chỉ là thân cây vô tri vô giác nhưng là nhân chứng cho mọi thăng trầm, biến cố của làng ta đấy cháu ạ!
– Thật thế vậy bà?
– Ừ, thật thế đấy!
Rồi bà rỉ rả kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về làng Mai. Mỗi câu chuyện bà kể đều ít nhiều liên quan đến cây xà cừ. Và mỗi câu chuyện đều đem đến niềm tự hào với người dân quê ngoại tôi. Từ những cuộc họp của người dân làng Mai bàn việc đánh Tây, đến treo cờ nhân ngày Quốc tế Lao động mồng một tháng năm. Rồi những buổi diễn thuyết, mít tinh do Việt Minh tổ chức… tất cả đều diễn ra bên gốc xà cừ này. Bà tôi cười bảo: “Thằng Luận, cái Thương (tên bố mẹ tôi) hồi còn hoạt động ở làng, chưa tập kết ra Bắc, tối nào mà chúng chẳng rủ nhau ra gốc xà cừ tình tự…”.
Tôi tung tăng chạy ra bờ sông. Trời về chiều nắng vàng thẫm trên mặt cát. Một đám đông đang ngụp lặn trên mặt nước trắng bạc ở xa xa. Họ kéo theo những chiếc thuyền nan mỏng manh. Tôi nhận ra họ là những người dân của làng Mai đang làm nghề cào hến. Tôi liền men theo mép nước đi dần về phía họ. Ở đó có một đám trẻ vừa chăn trâu vừa thả diều ngay cạnh bờ sông. Chúng chạy nhảy, nô đùa, hát hò rất vui vẻ. Một đứa con trai bỗng hét toáng lên: “Tao đố chúng mày! Tao đố chúng mày!” rồi nó cất giọng ngân nga: “Con chi mà nhỏ nhỏ dưới sông. Để đàn bà đi bán, đàn ông đi cào?”. Nó vừa dứt lời thì cả tốp bạn nó đã đồng thanh đáp lại: “Chắt chắt một đọi hai hào. Cơm nguội trong chạn mua vào mà chan!”. Rồi chúng lại đuổi nhau, cười nói inh ỏi cả quãng sông.
Làng tôi gọi con hến là chắt chắt có lẽ là vì nó có kích cỡ nhỏ nhất trong các loài hến. Khi chế biến, người ta phải rửa sạch rồi luộc đến khi nước sôi, con chắt chắt há miệng ra rồi trơi, rồi phải đãi, phải chắt để vỏ và nhân tách ra hai phần riêng biệt. Ngay trong mùa đông tháng giá loài hến đã sinh sôi nẩy nở. Chúng giấu mình trong cát rồi lớn dần lên cho tới khi mùa hè đến. Đó cũng là lúc người làng tôi rủ nhau đi cào hến. Đàn ông, phụ nữ, người lớn, trẻ con, ai cũng có thể làm được nghề này. Chỗ nào cạn thì người ta dùng rổ, chỗ nào sâu thì người ta dùng cào. Nhưng dùng cào vẫn phổ biến hơn cả. Món ăn được chế biến từ hến cũng đa dạng lắm. Có thể nấu cháo, nấu canh, hay xào xáo túy thích. Khoan khoái làm sao khi giữa những ngày hè oi bức, sau một ngày làm việc vất vả, được trải manh chiếu ra bờ tre đón ngọn gió nồm lồng lộng, cả nhà quây quần bên nồi canh hến, cạnh đấy là mấy đĩa hến xào rau lá lốt và xấp bánh tráng nướng giòn tan… Chao ôi, mới nghĩ đến thôi mà tôi đã thấy ứa nước miếng ra rồi.
Chia tay bọn trẻ tôi đã định quay về nhưng nghĩ sao tôi lại đi tiếp. Sau lưng tôi ánh mặt trời đã tắt hẳn phía chân núi. Còn trước mắt không gian đã chuyển sang màu sẫm. Mặt sông lặng phắc không một gợn sóng. Dưới sông, những người cào hến vẫn đua nhau ngụp lặn như chẳng ai chú ý đến thời gian. Bỗng nhiên trời mây u ám hẳn mặt sông đổi màu và một cơn gió ùa đến. Tôi thấy người bàng hoàng, chới với và như nhìn thấy một người đàn ông bận đồ đen đang hớt hải chạy về phía trước. Mấy lần anh vấp ngã rồi lại lồm cồm ngồi dậy để chạy tiếp. Thoáng qua trước mặt tôi là một khuôn mặt còn rất trẻ, dáng cao cao, gầy gầy. Một khuôn mặt rất quen, rất thân thiết như là tôi đã gặp ở đâu rồi. Khi đến bờ sông anh dừng lại ngó quanh một lúc rồi rẽ nước lao ra giữa dòng. Chẳng mấy chốc bóng anh hoà lẫn vào bóng người đang cào hến trên sông. Cùng lúc ấy tôi nghe có tiếng súng nổ, tiếng quát tháo và một tốp người hùng hổ chạy đến. Trong tốp người có cả lính Tây lẫn lính ta. Mặt mũi tên nào trông cũng hung hăng, dữ tợn. Chúng lăm lăm súng trong tay, miệng quát to: “Việt Minh! Việt Minh! Phải bắt sống cho bằng được tên Việt Minh!”. Rồi chúng đổ xô về phía những người đang cào hến. Những họng súng đen ngòm chĩa thẳng về phía họ. “Ai là Việt Minh hãy bước ra. Nếu không ta nổ súng!”. Một tên Việt gian quát hỏi. Tức thì, từ trong đám đông, có một giọng con gái trả lời: “Không có ai là Việt Minh ở đây cả. Chúng tôi toàn là dân làng Mai làm nghề cào hến. Các ông không tin thì lội xuống đây mà kiểm tra”. Tốp lính đứng chần chừ một lúc rồi lằng lặng bỏ đi. Cơn gió mạnh làm tôi bừng tỉnh như vừa trải qua một cơn mơ, nhìn trước ngó sau nhưng không thấy gì cả. Thì ra đó là do tôi hồi tưởng lại câu chuyện xảy ra cách nay đã hai mươi mấy năm mà mẹ từng kể đi kể lại cho tôi nghe. Để đến hôm nay khi đang đứng trước dòng sông quê nhà, trong một chiều chạng vạng, tôi đã tưởng tượng lại tất cả. Có cảm giác như câu chuyện xa xưa ấy như chỉ vừa mới xảy ra đâu đây. Tôi nhớ mỗi lần kể xong câu chuyện mẹ lại nói với tôi, đó là lần đầu tiên mẹ với ba gặp nhau. Chính mẹ và những người dân làng Mai đã cứu ba thoát khỏi hiểm nguy trong một trận vây bắt của kẻ thù. Để rồi sau này qua một thời gian, mẹ đã đem lòng yêu thương chàng trai xứ Bắc, người lính Vệ quốc đoàn ấy… Tôi ngồi xuống vệ cỏ, vốc nước lên hai lòng bàn tay phả lên mặt. Những giọt nước mát lạnh, len lỏi vào từng tế bào trên cơ thể tôi. Một cảm giác vừa bồi hồi, vừa lưu luyến cứ rạo rực trong tôi trên từng bước chân trở về nhà.
Những đêm mùa hè ở quê ngoại sau giải phóng không gian yên tĩnh lạ lùng. Tôi rất ít ngủ và thường khi đi ngủ phải rất khuya. Trên chiếc giường tre đặt bên cửa sổ, nằm bên bà ngoại và mẹ, tôi cứ trằn trọc không sao ngủ được. Dù ban ngày tôi đã dành hết thời gian cho việc đi thăm hỏi nhà này nhà kia. Tôi nằm yên ngắm nhìn vầng trăng qua ô cửa sổ, nghe rất rõ mọi âm thanh ở xung quanh. Tiếng gió vi vu, xào xạc, tiếng sương rơi, tiếng côn trùng rỉ rả, cả tiếng cá đớp mồi dưới con lạch cạnh nhà. Hương lúa từ cánh đồng làng thoảng về, có cả mùi bùn hăng hăng, mùi phân trâu ngai ngái. Nhưng đậm nét trong tôi hơn cả vẫn là mùi khói súng, khói bom như vẫn còn phảng phất đâu đây, dù tôi biết chiến tranh đã không còn trên mảnh đất này nữa. Không ngủ được, tôi nhẹ nhàng ngồi dậy mở cửa đi ra ngoài sân. Trăng đầu tháng nhợt nhạt nhưng cũng đủ để tôi nhìn thấy một vệt sáng cong cong hình lưỡi liềm trước mặt. Dòng sông về đêm trông vừa yên tĩnh, vừa huyền bí. Gió từ mặt nước thổi thốc lên, mang theo vị mặn của muối, vị ngọt của phù sa và cả vị nồng nồng, chua chua rất đặc trưng của làng quê sông nước này. Một bàn tay đặt nhẹ lên vai tôi: “Không ngủ được hả con?”. Tôi quay lại “vâng” một tiếng rồi ôm lấy mẹ. Mẹ tôi cũng không ngủ được. Đã mấy đêm rồi mẹ rất ít ngủ. Tôi biết mẹ đang nhớ đến ba, nhớ về những kỷ niệm một thời, nhớ tất cả… Những giọt nước mắt nóng hổi của mẹ rơi đầy trên vai tôi, ướt trên má tôi. Tôi biết mẹ đang rất xúc động bởi đây là nơi chôn nhau cắt rốn của mẹ, là nơi ba mẹ lần đầu gặp nhau. Cuộc sống thì dài mà đời người lại quá ngắn ngủi. Rồi thời gian, tuổi tác và cả những bất thường có thể xảy ra… liệu mẹ còn được mấy lần cùng tôi về thăm lại quê nhà?
Những năm gần đây, tôi đều dành thời gian về thăm quê ngoại. Tôi thường về vào những ngày lễ, ngày tết, hay khi cưới hỏi con cháu, giỗ chạp ông bà ngoại tôi. Làng Mai giờ đã thay đổi hơn rất nhiều so với trước đây. Dấu tích của một thời đạn bom cũng đã lùi vào quá khứ. Những người tôi gặp ngày nào, giờ cũng đã già đi và những đứa trẻ được sinh ra cũng trưởng thành theo thời gian. Dẫu làng quê có đổi thay nhiều thì nét mộc mạc, chân quê trên mỗi gương mặt người dân quê tôi có lẽ ngàn đời sau vẫn vậy. Mẹ không thể về cùng tôi được nữa, bởi giờ đây mẹ đã già. Dù lúc nào mẹ cũng ước ao được trở về quê hương, nguồn cội. Tuổi già sức yếu, mẹ chỉ còn biết trông cậy, phó thác cả cho tôi.
Hơn ba mươi năm kể từ ngày cùng mẹ về thăm quê lần đầu, nay quê ngoại của tôi có nhiều thay đổi. Hồi ấy, tôi chỉ là một cô con gái mười tám tuổi, ngây thơ, trong sáng, chưa chút vướng bận gì. Nay tôi đã ngoài năm mươi tuổi, đã lên chức bà nội bà ngoại, con cháu đề huề, công thành danh toại. Dù sống nơi phố phường phồn hoa đô hội, nhưng chưa một phút giây nào tôi nguôi ngoai nỗi nhớ về quê ngoại nghèo khó của mình. Tôi mong muốn được làm một cái gì đó dù nhỏ thôi cho quê ngoại tôi. Đó cũng là niềm mong ước mà suốt cả một đời ba mẹ tôi hằng khát khao nhưng chưa làm được. Mỗi lần về quê ngoại đứng trước bàn thờ gia tiên, bên mộ ông bà, hay ở từ đường nhà thờ họ, bao giờ tôi cũng thành tâm khấn vái cầu mong điều tốt đẹp. Nhưng đôi khi tôi bỗng thấy hoang mang lo lắng giống như nỗi lo của mẹ ngày nào. Đó là rồi đây, cũng như mẹ, tôi sẽ già đi, sẽ không còn được về thăm làng Mai quê ngoại nữa…
Ông Đoàn hết trở mình bên này lại lật mình sang bên kia. Đêm nay đã là đêm thứ hai, rất khuya rồi ông vẫn không sao ngủ được. Chiếc đồng hồ đặt trên nóc tủ cứ lách cách, lách cách… đều đặn, tiếng nó không to, nhưng âm thanh phát ra vào những lúc khuya khoắt này khiến người đang thao thức càng không sao chợp mắt được. Ông cũng đã cố quên đi mọi chuyện, cố quên đi… người đàn bà ấy, quên đi tất cả. Khuya lắm rồi, mệt mỏi lắm rồi, ông muốn ngủ một giấc thật ngon để ngày mai làm việc. Chuyện đâu còn có đó, ngày rộng tháng dài lo gì không giải quyết được nhưng ông vẫn không sao ngủ được! Hình ảnh người đàn bà vẫn cứ hiện ra mồn một trước mắt ông.
Hơn năm năm làm cục trưởng ở đây, với một núi công việc liên quan đến ngành hải quan do ông “đứng mũi chịu sào”, chưa bao giờ ông gặp một trường hợp nào khó xử như trường hợp này. Phòng bên, mấy đứa con ông đều đã ngủ say. Ngoài kia, phố xá cũng đã im lìm, lắng lại, nhường chỗ cho một không gian yên tĩnh, trong lành. Chỉ mình ông trong đêm khuya thức một mình, trăn trở một mình. Phải giải quyết việc này như thế nào đây? Câu hỏi như một mũi dao vô hình ngoáy sâu vào từng tế bào trên cơ thể ông, khơi dậy trong ông biết bao nỗi niềm thầm kín.
Là một cán bộ hải quan có thâm niên trên ba mươi năm trong ngành, dù ở cương vị nào, được phân công làm việc gì; khó khăn, vất vả đến đâu, ông cũng là người luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ. Rồi hơn mười năm làm phó cục trưởng, hơn năm năm làm cục trưởng, ông đã thể hiện được mình là một cán bộ xốc vác, năng nổ, có uy tín, được trên trọng dưới kính. Từ trước đến nay, mọi công việc xảy ra trên địa bàn, dù to nhỏ, nặng nhẹ gì, khi được cán bộ cấp dưới đề xuất ý kiến, với chức trách, quyền hạn của mình ông đều chỉ thị giải quyết một cách chóng vánh, thấu tình đạt lý. Lần này vẫn là việc ông làm hàng ngày vậy mà ông đã phải suy nghĩ đến đau cả óc suốt từ hôm qua đến nay vẫn không sao tìm được cách giải quyết thỏa đáng. Lúc thì ông quyết định thế này, lúc lại thế kia. Rồi suy đi nghĩ lại, ông thấy cả hai cách giải quyết, cách nào cũng không ổn. Trong tình trạng bế tắc, lòng dạ ông càng thêm rối bời, lo lắng. Không ngủ được, ông ngồi dậy, nhẹ nhàng đẩy cửa đi ra ngoài hiên và ngồi lại ở đó nhìn ra xa, rất xa… Ừ, mới đó mà đã hơn ba mươi năm rồi! Thời gian như ngọn gió trôi qua thật nhanh, chả trách mái tóc ông ngày một thêm nhiều sợi bạc. Còn người ấy, người đàn bà khiến ông phải trăn trở đêm nay, chắc cũng không còn trẻ nữa. Hơn ba mươi năm trôi qua, tưởng đâu mọi chuyện đã khép vào quá khứ, chẳng ai còn nhớ đến ai nữa. Thế mà nay bỗng từ đâu tất cả lại lần lượt ùa về. Có một cái gì đó không bình thường, không vui trong chuyện này ư? Không, chẳng có gì là không bình thường cả, mà trái lại rất đáng mừng. Ông phải cảm ơn số phận, cảm ơn cuộc đời đã cho ông niềm vui vì được biết tin về người ấy…
Sáng ra, ông Đoàn ăn uống qua quýt rồi đến cơ quan thật sớm. Ông ngồi vào bàn làm việc, mở tập tài liệu đọc lướt qua một lượt rồi đặt bút ký. Xong, ông để tất cả về một bên, chỉ cần để vào đúng vị trí ấy, cô văn thư không cần hỏi cũng biết chắc chắn số tài liệu ấy đã được ông ký duyệt rồi. Tính ông vốn vậy, việc gì cũng phải ngăn nắp, đâu ra đấy. Bỗng có tiếng chuông điện thoại, ông vội vàng cầm lấy ống nghe. Từ đầu dây bên kia có tiếng cậu Tuấn, đội trưởng đội chống buôn lậu trên biên giới:
– Em gọi về xin ý kiến anh nên xử lý thế nào về số hàng lậu bắt giữ chiều hôm trước ạ?
Ông trả lời gần như quát:
– Còn thế nào nữa, cứ đúng pháp luật mà làm. Đã là hàng lậu, hàng cấm thì cứ tùy theo mức độ mà xử lý.
– Nhưng thưa anh… đây là lô hàng của…
– Của ai?
– Dạ… của chị Mai Thùy ạ!
Có một cái gì đó chợt nhói đau trong lòng ông khi ông nghe người cán bộ cấp dưới nhắc đến tên người ấy với một thái độ có vẻ hơi nể nang, rụt rè. Có lẽ hầu hết các nhân viên của ông đã phần nào hiểu được mối quan hệ giữa ông với người đàn bà có tên là Thùy ấy nên mới tỏ ra lúng túng như thế. Họ hiểu nỗi trăn trở của ông khi đứng trước một sự việc mà giải quyết cách nào cũng không dễ. Một lát trôi qua, ông nói:
– Của ai cũng thế thôi, các cậu cứ cho lập biên bản rồi cho hàng vào kho không nể nang ai hết. Hôm trước tôi cũng đã chỉ thị như vậy rồi.
Sau câu nói ông ngồi lặng đi một lúc. Có vẻ như ông rất miễn cưỡng khi phải thốt ra những lời lẽ mà ông hoàn toàn không muốn. Ông thấy mình quá khắt khe nếu không muốn nói là tàn nhẫn khi quyết định như thế. Rồi ông lục tìm xem lại lá thư của người ấy.
Ông Đoàn tay run run mở lá thư đọc liền một mạch: “Anh Minh Đoàn thân mến! Có lẽ khi nhận được lá thư này anh sẽ rất ngạc nhiên. Nhưng em tin khi đọc xong anh sẽ hiểu tất cả. Hơn ba mươi năm đã trôi qua kể từ ngày ấy. Đất nước, quê hương đã có những thay đổi thật lớn lao. Anh và em, hai người hai hoàn cảnh khác nhau nhưng ở mỗi người đều có những đổi thay nhất định. Từ ngày ấy đến nay, qua bạn bè, người thân em vẫn biết rất rõ về anh và luôn luôn dõi theo từng bước trưởng thành của anh trên mọi chặng đường công tác. Và em đã thực sự phấn khởi khi thấy anh “công thành danh toại”, xứng đáng với gia đình, quê hương; xứng đáng với lòng mong mỏi của biết bao đồng đội, bạn bè, trong đó có em, những người đã cùng anh chiến đấu, hy sinh trong những năm tháng chiến tranh vô cùng gian khổ, ác liệt trước đây. Còn em, sau lần chia tay với anh cũng không còn ở lại nơi ấy mà theo đà thắng lợi của chiến dịch tiếp tục đi sâu vào tuyến trong. Em chỉ có thể trở lại nơi miền quê có nhiều hoa mai ấy khi nước nhà đã hoàn toàn độc lập và sinh sống ở đấy cho đến tận bây giờ. Mấy chục năm qua, em đã bao lần định tìm đến anh để được tâm sự với anh cho thoả nỗi nhớ mong… Nhưng em đã không làm vậy khi biết anh đã có một tổ ấm gia đình đang tràn trề hạnh phúc. Mấy năm trước em được tin chị nhà mất trong một vụ tai nạn giao thông, để lại anh và các cháu côi cút trên đời. Thú thật với anh lúc đó em đã định tìm đến với anh ngay. Bằng tính nhạy cảm của người phụ nữ và bằng những quá khứ ngọt ngào, yêu thương mà chúng mình từng dành cho nhau, em tin, nếu em đến chắc chắn anh sẽ dang rộng vòng tay đón em. Nhưng, một lần nữa em đã gạt mọi ý nghĩ đó sang một bên. Em không muốn làm phiền anh, không muốn chen ngang vào cuộc sống của gia đình anh khi các con anh không còn mẹ nữa mà cha của chúng lại phải san sẻ tình cảm cho một người đàn bà khác là em. Vả lại, em cũng có một gia đình – tạm gọi là gia đình – và cũng đang sống một cuộc sống như tất cả những người đàn bà khác từng đi qua chiến tranh. Rồi sau này anh sẽ hiểu tất cả về em.
Anh Đoàn thân mến! Bây giờ có một việc em cần nhờ đến anh giúp đỡ. Em biết việc này chỉ có anh mới có thể giúp được cho em mà thôi… ”.
Phần cuối của bức thư bà Mai Thùy nói với ông Đoàn rằng, bà có một đứa con gái và đó cũng là đứa con duy nhất của bà, hiện nó đã có chồng có con đang sinh sống cùng bà. Nó là một đứa con ngoan, xinh xắn, hiếu thảo với mẹ, yêu chồng thương con, chăm chỉ làm ăn. Nhưng rồi không biết do trời xui đất khiến thế nào mà cách đây chừng một tuần, nghe bạn bè rủ rê, nó dồn tất cả vốn liếng tích cóp được, lại còn vay hết số tiền mà bà đã dành dụm được để qua biên giới buôn bán làm ăn. Ngay từ chuyến đi đầu tiên nó đã bị lực lượng hải quan ở cửa khẩu biên giới bắt giữ tất cả hàng hoá. Xót của, thương con, bà đã trực tiếp đến đó cầu xin họ tha, nhưng không một ai nhất trí giải quyết. Sực nhớ đến ông, bà liền viết lá thư này…
Ông Đoàn đọc xong bức thư thì thở dài, lộ rõ niềm xúc động. Đã hai ngày trôi qua mà đầu óc ông không một phút thảnh thơi. Hai đêm ông trằn trọc, thao thức, không ngủ được. Hôm nay đã là ngày thứ ba ông đến cơ quan trong một trạng thái như thế. Lúc rảnh việc, ông ngả người ra ghế như muốn dành cho mình một khoảng thời gian yên tĩnh để nhớ về một thời đã qua.
Phải gần một tháng sau những vết thương trên người anh mới lành hẳn. Sức khoẻ anh trở lại bình thường. Trong căn hầm giữa rừng sâu, bốn phía là giặc, vẫn chỉ có hai người, một trai một gái sống bên nhau. “Tên em là Mai Thùy, vì quê em là vùng biên cương nên khi sinh em, ba mẹ em đã đặt tên con gái mình là Biên Thùy. Sau này em thấy tên ấy có vẻ hơi con trai nên em sửa lại thành Mai Thùy. Vả lại tên ấy cũng rất có ý nghĩa với em. Vì quê em có rất nhiều hoa mai. Không biết ai đã trồng chúng ở đây và từ lúc nào. Chỉ biết khi lớn lên em đã thấy cả một rừng hoa mai bạt ngàn nơi vùng biên cương này. Bây giờ đang là mùa thu anh chưa biết đấy thôi, chứ chỉ vài tháng nữa khi mùa xuân đến, ở đây suốt cả tháng ròng, lúc nào cũng vàng rực một màu hoa mai trông đẹp lắm anh ạ! Anh có thích màu vàng của hoa mai không? Người ta bảo màu vàng là màu của cách biệt, chia ly, nhưng màu vàng cũng là màu của hy vọng và chờ đợi. Em rất yêu màu vàng, màu vàng của hoa mai em lại càng yêu hơn”. Một lần khi nghe anh hỏi tên, người con gái ấy đã trả lời anh bằng chính vẻ đẹp của quê hương mình như thế!
Mai Thùy là chiến sĩ giao liên của trạm A12 nằm trong rừng sâu, nơi có những con đường bí mật luồn lách đi các ngả mà chỉ người giao liên mới có thể biết. Trạm của cô có bốn người nhưng ba người đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Còn lại một mình, Mai Thùy vẫn kiên quyết bám trạm và một lần “băng rừng vượt suối” chuyển công văn cô đã thấy Minh Đoàn bị thương đang nằm dưới một hố bom.
Mặc dù đã bình phục sức khỏe, nhưng chưa thể trở lại đơn vị, anh đành ở lại với Mai Thùy và tạm thời trở thành chiến sĩ giao liên. Mai Thùy là một cô gái khoẻ mạnh, rắn rỏi, nước da bánh mật, thứ nước da chỉ con gái vùng biên mới có. Nhưng Mai Thùy lại có duyên và có sức hấp dẫn đến lạ lùng ở đôi mắt. Một đôi mắt đen thăm thẳm. Một đôi mắt mà bất cứ người con trai nào khi nhìn vào cũng phải mê muội, đắm đuối. Minh Đoàn đã thực sự bị chinh phục bởi đôi mắt ấy của Mai Thùy. Cô giao liên cũng không thể từ chối mãi những câu nói, những cử chỉ ngập tràn yêu thương của anh chiến sĩ giải phóng. Và họ đã yêu nhau bằng tất cả tình cảm khát khao ở mỗi người. Họ yêu tha thiết, yêu đến cuồng si, yêu đến lay rừng chuyển núi. Họ bất chấp tất cả, chỉ biết có tình yêu. “Anh sẽ yêu em và đợi em cho đến lúc nào nước nhà độc lập, thống nhất anh sẽ cưới em. Chúng mình cùng ở lại vùng biên cương này và sẽ sống bên nhau trọn đời!”. “Em cũng sẽ mãi mãi yêu anh, cho dù sau này cuộc chiến có còn kéo dài và anh có xa em đi đâu đi chăng nữa thì em vẫn không thay lòng đổi dạ mà vẫn ở vậy chờ anh!”. Tiếng hai người lẫn trong tiếng gió rừng lao xao và như chìm đi trong tình cảm yêu thương nồng cháy mà cả hai cùng tự nguyện trao gửi cho nhau. Hôm hai người chia tay, Mai Thùy đã cắn vào vai người yêu đến rớm máu như muốn ghi dấu ấn trên cơ thể anh và gửi gắm tất cả tình yêu thương, hy vọng của mình. Minh Đoàn trở lại đơn vị, tiếp tục hành quân chiến đấu. Từ đó anh không còn nhận được một chút tin tức nào về Mai Thùy nữa. Bao tháng ngày đi qua, bao trận đánh đi qua, đời lính trận nay đây mai đó, nhưng trong lòng anh không một giây phút nào vắng bóng người yêu. Sau giải phóng anh mới có dịp quay trở lại vùng biên, nơi có những rừng mai để tìm Mai Thùy, nhưng nghe nói cô đã theo chân các chiến sĩ giao liên ra đi vào dạo ấy và đã hy sinh, nên anh đành lặng lẽ quay về…
Ông Đoàn vẫn ngả người trên ghế, tay mân mê bức thư của Mai Thùy. Chợt ông giật mình khi nghĩ tới một điều gì đó. Ông vội mở bức thư đọc lại một lần nữa. Trán ông hằn thêm những nếp nhăn. Bây giờ điều day dứt trong ông không còn đơn giản như ông nghĩ là nên hay không nên bắt lô hàng lậu nữa, mà đó còn là tình cảm riêng tư cách đây mấy chục năm giữa ông với Mai Thùy. Trong bức thư này đâu là tình cảm chân thành, đâu là uẩn khúc mà Mai Thùy còn giấu kín trong lòng chưa muốn thổ lộ với ông? Lại có tiếng chuông điện thoại. Nhưng lần này người đầu dây bên kia là Phó cục trưởng Thành:
– Tôi đang ở trạm cửa khẩu chỉ đạo giải quyết những tồn động ở đây. Thưa anh, tôi thực sự lúng túng không biết nên xử lý thế nào với lô hàng của con gái chị Mai Thùy…
Ông cắt ngang với một thái độ giận dữ:
– Không phải sáng nay tôi đã chỉ thị cho cậu Tuấn rồi sao! Anh là lãnh đạo mà cũng chần chừ vậy ư?
– Nhưng thưa anh đây là một trường hợp đặc biệt. Bà Mai Thùy là người thân của anh. Chúng ta nên…
– Chúng ta nên tha cho họ chứ gì? Anh có biết làm vậy là sai pháp luật, là tiếp tay cho buôn lậu không? Một lần nữa tôi đề nghị các anh không thể vì cá nhân tôi mà dung thứ cho bất cứ ai.
– Nhưng hôm qua chúng tôi đã thống nhất và đi đến quyết định…
– Tôi chân thành cảm ơn các anh, nhưng tôi hoàn toàn không nhất trí cách giải quyết đó được.
Tiếng ông nghe thì có vẻ mạnh mẽ, cương quyết vậy nhưng trong lòng ông thì như đang có cả trăm mối tơ vò. Không biết ông làm vậy có tàn nhẫn với ân nhân của ông, tàn nhẫn với người một thời đã gửi trọn tình yêu thương cho ông không?
Chần chừ một lát rồi thì ông Đoàn cũng mạnh dạn bước vào ngôi nhà ấy. Ông gặp ngay bà Mai Thùy khi bà vừa từ trong nhà đi ra. Tim ông đập rộn lên, đã lâu lắm rồi ông mới gặp lại cảm giác trẻ trung ấy ở mình. Một phút sững sờ trôi qua, cả hai cứ đứng lặng nhìn nhau mà không nói được một lời. Có vẻ như ai cũng rất xúc động, bồi hồi khi gặp lại nhau. Nếu có thể họ đã lao vào ôm lấy nhau như những ngày cả hai còn ở trong rừng sâu. Nhưng hình như cả hai đã cố nén cảm xúc thực của mình, cố giữ cho nhau một khoảng cách.
Cuộc hội ngộ vừa bất ngờ vừa như được báo trước này diễn ra đúng cái nơi họ từng gặp nhau lần đầu. Đó là ngày cả hai hãy còn rất trẻ, phơi phới sức xuân. Ba mươi năm trôi qua, giờ thì tóc của cả hai cũng đã lưa thưa sợi bạc. Gặp nhau họ như quên đi mọi chuyện vừa xảy ra. Họ tránh không đả động gì đến chuyện công tác, làm ăn của nhau. Ký ức về một thời bên nhau cứ thế ùa về. Nó lấn át tất cả mọi mặc cảm, giận hờn, trách móc. Cảm xúc bộn bề làm cho câu chuyện chốc chốc trở nên rời rạc, đứt quãng. Rồi như không biết phải nói gì, hai người lại đưa mắt nhìn nhau. Một chút ngập ngừng, e thẹn ở cả hai và hình như trên khoé mắt bà Mai Thùy có mấy giọt lệ lăn ra chỉ đủ để ươn ướt nơi vành mi. Ba mươi năm trôi qua nhưng đôi mắt bà không khác xưa là mấy. Đôi mắt ấy vẫn đen thăm thẳm, vẫn lay động lòng người. Ông Đoàn đã nhìn rất lâu vào đôi mắt ấy, đôi mắt một thời từng làm ông mê mẩn. Đôi mắt mà trong suốt hàng bao nhiêu năm qua không lúc nào ông nguôi ngoai nỗi nhớ. Và bây giờ khi lại được nhìn vào đôi mắt ấy thì trong ông tất cả quá khứ lại lần lượt hiện về.
Trong lúc ông Đoàn đang mơ màng nhớ về một thời đã qua thì bà Thùy lại đột ngột nhớ tới một chuyện khác. Đó là cách đây mấy ngày, Mai Hương, con gái bà phát hiện trong tài khoản cá nhân của nó có ai đó vừa gửi vào hai trăm triệu đồng. Nghe con gái khoe, ban đầu bà hơi ngạc nhiên nhưng rồi bà cũng đoán ra ai là người đã gửi số tiền đó. Mãi lúc ông Đoàn đứng dậy ra về, bà Mai Thùy mới rơm rớm nước mắt nói với ông. Rằng bà đã làm phiền ông một việc khiến ông khó xử. Nhưng tại sao ông phải làm vậy? Tại sao ông lại phải mang tiền riêng của ông ra chuyển vào tài khoản của Mai Hương con gái bà? Những hai trăm triệu đồng! Đó là một số tiền lớn cả đời ông dành dụm mới có được. Rằng ông không thể tha cho con gái bà để khỏi mang tiếng dung túng cho kẻ buôn lậu, nên ông muốn dùng số tiền đó bù đắp cho con gái của bà ư? Hay là ông muốn đền ơn trả nghĩa bà vì trước đây bà đã từng chăm sóc, cứu sống ông? Giọng bà nửa thương cảm, nửa giận hờn, trách móc. Thì ra mọi việc ông làm bà Thùy đã biết cả.
Đúng là tuần trước ông đã hỏi trạm hải quan cửa khẩu số tài khoản cá nhân của con gái bà đang được giữ ở đó để chuyển số tiền ấy. Bây giờ nghe bà Thùy nói vậy ông không biết phải trả lời bà thế nào. Bất chợt bà Thùy nhìn thẳng vào mặt ông Đoàn và nói:
– Nhưng nếu chỉ vì vậy thôi thì em xin được hoàn trả lại cho anh số tiền đó. Đồng tiền rất quý nhưng không phải ai cũng có thể nhận và nhất lại là vì những lý do như thế. Một người như em thì lại càng không bao giờ cho phép mình được làm như thế.
– Anh chỉ muốn giúp em. – Ông Đoàn ngậm ngùi nói.
– Từng đó đã ăn thua gì, đã thấm tháp vào đâu so với những gì…
Bà Thùy cắt ngang:
– Em đã nói rồi… nếu chỉ vì thế em sẽ trả lại anh!
– Tại sao?
– Anh không cảm nhận được gì ư? – Tiếng bà Thùy trở nên hổn hển. – Anh vô tâm đến thế ư? Anh không biết gì cả sao, anh không nhớ chút gì sao? Trời ơi, em biết nói gì đây để anh hiểu! Bao nhiêu năm trôi qua, em đã phải một mình cực nhọc, vất vả nuôi con, một mình chịu đủ điều tiếng, khổ sở trăm đường… Anh khờ khạo đến thế sao?…
Những câu sau cùng phải cố gắng lắm bà Thùy mới thốt ra được. Tiếng bà nghẹn lại như không thể nói thêm được nữa. Nước mắt bà chảy tràn trên má. Rồi bà loạng choang ngã vật xuống đất. Ông Đoàn bước đến choàng tay ôm lấy bà. Cả người bà như lọt thỏm vào vòng tay ông. Vừa dìu bà ngồi xuống ghế, ông vừa hỏi, giọng lạc đi:
– Em vừa nói gì? Em… em nói lại cho anh nghe đi!
Bà Thùy nhìn ông nói trong nước mắt nghẹn ngào:
– Nó đấy! Nó là Mai Hương, là cái con đi buôn lậu bị bắt, là cái con mà anh đã bỏ tiền túi ra cho nó. Nó… nó là con gái của anh đó!
– Con của tôi ư? – Ông Đoàn xúc động kêu lên. – Trời ơi, vậy mà bao nhiêu năm nay mà em không hề cho anh hay biết. Nó đâu rồi? Mai Hương đâu rồi? Con của chúng ta đâu rồi? Em gọi nó về đây cho anh!
Sau những giây phút xúc động, bàng hoàng ông từ từ bình tâm lại nhìn ra bên ngoài. Ở đó, ngay trước mắt ông là những gốc mai, là những rừng mai bạt ngàn, mênh mông một màu vàng rực rỡ.
Tốt nghiệp ra trường, Thường về nhận công tác tại một đơn vị quân đội, đóng quân ở một thành phố miền Trung. Theo dư luận, thì Thường thuộc vào hàng sĩ quan có tuổi đời trẻ nhất, được đào tạo bài bản, chính quy nhất, ngoài ra anh còn có thêm đôi chút “râu ria” đi kèm là khỏe mạnh, thông minh và khá bảnh trai. Con đường phía trước của anh – cũng theo dư luận – còn rất dài và có nhiều triển vọng tốt cho tương lai. Nghĩa là ở anh đã quy tụ được tương đối đầy đủ những phẩm chất cần thiết cho một sĩ quan quân đội.
Thường không mấy quan tâm đến những tán tụng, bình phẩm có ý “thêm thắt” theo kiểu lính của anh em trong đơn vị. Anh chỉ thấy mình là người may mắn. Và cuộc đời, dẫu không thiên vị, cũng luôn mang đến cho anh những niềm vui bất ngờ. Thường vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà cả bố lẫn mẹ trước đây cũng đều theo binh nghiệp và lại là lính chiến hẳn hoi. Bố Thường hồi còn công tác đã đeo quân hàm thượng tá, làm đến chức chủ nhiệm hậu cần sư đoàn. Đồng đội ông hồi đó phần lớn lăn lộn, trưởng thành trong chiến đấu, có người đang tại ngũ, trở thành những tướng lĩnh nắm giữ những chức vụ quan trọng trong các quân, binh chủng. Ngay lớp chiến sĩ của bố Thường ngày ấy giờ có người đã là chính ủy, trung đoàn trưởng, thậm chí có người đã là chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Ngay từ khi đang học phổ thông, Thường đã có ước mơ sau này được trở thành sĩ quan phục vụ lâu dài trong quân đội. Vì thế anh miệt mài học tập và đã thi đỗ vào một trường đào tạo sĩ quan. Rồi khi ra trường, Thường lại được điều động về công tác ngay chính tại đơn vị ngày trước của bố anh. Và người chỉ huy trực tiếp của anh bây giờ, không ai khác, mà là một trung tá còn rất trẻ, từng là chiến sĩ của bố anh trước đây.
Hồi còn ở nhà, Thường cũng đã yêu. Nhưng tình yêu hồi ấy, nói như văn thơ sách vở, thì đó chỉ là thứ tình yêu tuổi học trò. Nghĩa là chỉ yêu theo cảm tính, yêu mà chưa xác định một tý ty gì cho tương lai. Mẹ anh động viên: “Con hãy học hành cho đến nơi đến chốn, chuyện yêu đương hẵng tính sau. Con trai bây giờ phải phấn đấu ổn định công việc rồi yêu đương, xây dựng gia đình vẫn chưa muộn”. Còn bố Thường thì bao giờ cũng khề khà cười bảo: “Tao với mẹ mày ngày trước ở chiến trường đâu có nghĩ gì đến tuổi tác. Lúc mười tám đôi mươi thì bám trụ ở chiến hào, đạn dưới bom trên, cái sống cái chết không có phân định, ranh giới. Chiến trận ác liệt là vậy nhưng được cái lúc nào cũng lạc quan yêu đời, coi thường cái chết và xem đó là sự hy sinh vì mục đích và lý tưởng của cuộc đời. Đến khi tình hình có vẻ yên tĩnh, được lui về tuyến sau nghỉ ngơi, ui dào, nói là nghỉ ngơi, chứ nào có được nghỉ ngơi gì đâu, chỉ khác với tuyến trong một chút là đỡ ác liệt hơn, chứ cũng phải ngày ngày đối mặt với đạn bom. Rồi đến khi mẹ mày và tao gặp nhau thì cả hai đã ngoài ba mươi. Đấy là tao mới chỉ nói là gặp và yêu nhau thôi, chứ để thành vợ thành chồng có được anh em chúng mày thì phải đợi đến khi miền Nam giải phóng. Nghĩa là lúc ấy mẹ mày và tao cũng đã băm mấy tuổi rồi”. Theo như bố mẹ kể lại thì tình yêu của hai người hồi ấy tuy điều kiện chiến tranh, bom đạn nhưng cũng lãng mạn và đẹp lắm! Mẹ là chiến sĩ lái xe Trường Sơn, đã gặp và yêu bố trong những lần vận chuyển lương thực vào chiến trường. Tình yêu của hai người bền chặt năm này qua năm khác chủ yếu qua những lá thư viết vội gửi cho nhau. Còn gặp nhau thì mỗi năm họa hoằn lắm mới có một lần. Có lần để gặp được mẹ, bố đã phải băng rừng vượt suối, đi bộ gần nửa ngày đường trong điều kiện máy bay địch oanh tạc dữ dội mới đến được chỗ mẹ giao hàng. Nửa ngày cho một chuyến đi, nhưng chỉ được ở cạnh người yêu có vài tiếng đồng hồ để rồi phải chia tay trở về đơn vị ngay trong đêm cho kịp ngày mai làm nhiệm vụ. Kỷ luật chiến trường hồi ấy rất nghiêm khắc và cũng không ai dám trái lệnh chỉ huy. Lại có thời kỳ do tin đồn thất thiệt, rằng người này hy sinh, người kia hy sinh nhưng bố mẹ anh vẫn vững dạ chờ nhau cho đến ngày đất nước thống nhất. Tình yêu thời chiến tranh dẫu có phải xa cách, phải gian nan khó khăn nhưng có thể nói nó đẹp vô cùng. Thú vị và đẹp nhất vẫn là những chuyện tình của lính. Nghĩ thế. Thường lại nhớ đến Hiền. Giờ này ở nơi xa Hiền đang làm gì nhỉ? Cô có biết rằng lúc này đây anh đang nhớ đến cô không?
Thường gặp và yêu Hiền trong một trường hợp hết sức tình cờ. Ngày mới ra trường về đơn vị công tác được ít lâu Thường được ban chỉ huy “linh động” giải quyết cho nghỉ mấy ngày phép về thăm nhà. Hôm trở lại đơn vị, trên chuyến tàu tốc hành, khi đang ngồi gần cửa sổ ngắm nhìn phong cảnh bên ngoài thì có tiếng ai đó gọi anh: “Anh bộ đội ơi, cho em cùng ngồi đây với!”. Thường nhìn lên và nhận ra đó là một cô gái trẻ. Anh nhanh nhẹn ngồi sát vào thành tàu. Cô gái đặt chiếc túi xách xuống khoảng trống rồi ngồi xuống cạnh anh. Thường chưa kịp nói gì thì cô đã lại nói tiếp như muốn phân bua: “Anh biết không, đằng kia có một tốp thanh niên vừa uống rượu vừa nói năng rất tục tĩu. Em sợ quá nên phải chạy đến đây đấy! – Rồi cô hỏi.- Anh xuống ga nào?”.
– Tôi xuống ga… ! – Thường đáp và hỏi lại. – Còn cô?
Đáp lại người sĩ quan trẻ là một nụ cười rạng rỡ. Rồi cô gái nói to gần như reo lên:
– Vậy ư? Em cũng xuống ga ấy. Chắc tàu vào đến nơi cũng tối rồi anh nhỉ? Nhưng mà có anh cùng xuống là em yên tâm rồi. Nghe nói ga ấy bây giờ cũng lộn xộn lắm! Thế xuống ga ấy rồi anh còn đi đâu? Thế ư? Anh ở đơn vị ấy à? Ba em cũng là bộ đội.
Tàu băng qua một cây cầu đài. Tiếng cô gái chìm đi trong tiếng lăn ầm ầm của bánh sắt nghiến trên đường ray khiến cho câu chuyện thỉnh thoảng bị đứt quãng. Thường không biết đây là sông gì, nhưng cảnh vật ở đây xem ra cũng rất đẹp bởi đất đai trù phú, màu mỡ.
Rồi thì tàu cũng đến ga. Thường xách thêm cái túi của Hiền và chìa tay đỡ cô khi bước xuống bậc cửa tàu. Bàn tay mềm mại, ấm nóng của Hiền, chỉ một lát, một lát thôi trong tay Thường, nhưng làm anh bối rối. Anh ước giá mà được nắm bàn tay ấy thật lâu, thật lâu hơn nữa… Thường đưa Hiền ra tận xe taxi ngoài cổng ga, còn cẩn thận nói thêm: “Nếu em cảm thấy chưa an tâm anh sẽ đưa em về tận nhà”.
– Thế này được rồi anh ạ! – Hiền ngượng ngùng trả lời.
– Anh tranh thủ về đơn vị kẻo muộn. Nhớ địa chỉ của em chưa? Đúng ngày ấy em sẽ chẳng đi đâu mà chỉ ở nhà đợi anh thôi đấy! Anh không đến là em giận anh cho mà xem!
Thường trìu mến nhìn Hiền, nghiêm trang đáp:
– Hiền yên tâm, đúng ngày ấy anh sẽ đến, chắc chắn anh sẽ đến.
Thường đứng lặng nhìn theo cho đến khi chiếc xe taxi khuất hẳn vào bóng đêm. Những ngày sau đó, lúc nào Thường cũng nghĩ đến Hiền. Anh cảm thấy nhớ và mong sao sớm được gặp lại cô.
Đến hẹn và cũng trùng vào ngày nghỉ cuối tuần, Thường một mình tìm đến nhà Hiền. Đúng số nhà, anh đứng một lúc ngoài cổng nhìn vào. Quả là một ngôi nhà đồ sộ, được thiết kế cầu kỳ, đẹp đẽ, lại nằm ngay trung tâm thành phố. Xung quanh nhà là những khoảnh đất trống được trồng đủ các loại cây ăn quả. Cái cổng đá được xây theo kiểu hình vòm và trồng hai cây tùng rất cân đối ở hai bên. Thường bấm chuông và thấy trống ngực mình bắt đầu đập loạn lên. Một người đàn bà trạc gần sáu mươi tuổi, da dẻ hồng hào từ trong nhà đi ra. Thấy Thường bà nở một nụ cười rất tươi:
– Kìa! Chào chú bộ đội!
– Dạ! Cháu chào bác! Thưa bác… đây có phải là nhà của Hiền không ạ?
Thường vừa dứt lời thì người đàn bà đã đon đả:
– Đúng! Đúng rồi! Cháu là bạn của Hiền hả? Còn bác, bác là mẹ của Hiền. Em nó cũng vừa nói với bác hôm nay nó có khách, có anh bộ đội đến chơi. Nhưng nó lại mới chạy ù ra phố có tý việc. Nó vừa đi thì cháu đến đấy! Chà, quý hóa quá! Cháu vào nhà đi, vào đi, có bác trai đang ở trong nhà ấy. Hai bác cháu nói chuyện với nhau một lát, em nó về bây giờ đấy!
Thấy bà mẹ Hiền vui vẻ mời chào, Thường bớt hồi hộp và có phần tự nhiên hơn. Anh dắt xe máy vào sân rồi đi thẳng vào nhà. Thường bước lên mấy bậc tam cấp rồi đi về phía cửa chính đang rộng mở. Nhưng… Thường bỗng đứng khựng lại như trời trồng. Mặt anh biến sắc. Một luồng điện vừa chạy dọc sống lưng anh. Tim anh đập rộn lên như trống khải hoàn. Mồ hôi cũng túa ra đầy mặt. Trước mặt anh, phía bên phải, ngay sát với cửa sổ chính, cách anh chừng mấy bước, một người đàn ông có tuổi đang cắm cúi ghi chép gì đó vào một cuốn sổ. Mặt ông hồng hào, phương phi, trông rất nghiêm nghị. Và Thường kịp nhận ra ông chính là trung tướng tư lệnh quân khu mới đến thăm và nói chuyện với đơn vị anh cách đây không lâu.
Thấy khách quay bước, bà mẹ chạy vội ra níu tay anh lại: “Kìa cháu, sao cháu lại về? Đợi một lát là em nó về ngay bây giờ ấy mà. Bác trai đang ở trong nhà… Ông ơi, nhà ta có khách này…”.
– Thưa bác, cháu xin lỗi… cháu nhầm nhà! – Thường lúng túng đáp rồi cứ thế dắt xe đi vội ra cổng.
Bà mẹ vẫn lẽo đẽo chạy theo níu kéo:
– Sao lại nhầm nhà? Đúng là nhà Hiền đây mà…
Thường như không nghe thấy gì nữa. Anh vội vã cho xe nổ máy phóng đi mặc cho bà chủ nhà đứng gọi theo mà không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Cũng lúc ấy Hiền trở về nhà, biết Thường đến rồi lẳng lặng bỏ về, cô đã tức tưởi khóc và… bắt đền bố mẹ. Cha cô là người rất thương con, chiều con. Nhất là với Hiền, cô con gái út ít của ông thì ông lại càng cưng chiều nhất mực. Ông vuốt tóc con gái: “Thì ba đã gặp khách của con đâu, sao con lại cho là tại ba? – Rồi như hiểu hết lòng con, ông hỏi con gái. – Thế bạn con tên gì, ở đơn vị nào? Hai đứa quan hệ thế nào với nhau? Con có thể cho ba biết rõ hơn được không? Nào, con nói đi rồi ba sẽ đền cho con…”.
Một tuần trôi qua nhanh chóng. Nhưng đối với Thường thì quãng thời gian ấy thật nặng nề. Anh đinh ninh thế là mọi chuyện giữa anh và Hiền đã khép lại. Mặc dù trong lòng anh không lúc nào là không nghĩ đến cô. Anh quên sao được ánh mắt và nét mặt rạng rỡ của cô cùng với lời hẹn sẽ gặp lại giữa hai người. Quên sao được bàn tay mềm mại, nóng ấm của Hiền trong tay anh. Rồi Thường tự trách mình sao còn quá trẻ con. Lẽ ra hôm ấy anh không nên bỏ về, anh phải vào nhà chào hỏi ba Hiền đàng hoàng. Anh phải tự hào về người cha của cô. Mà cũng tại Hiền một phần. Cô đã giấu anh, không cho anh biết trước. Thành ra gặp ông đột ngột quá cũng khiến anh phải e ngại. Phải chi ông ở một địa vị khác, đằng này ông lại là vị tư lệnh quân khu tiếng tăm lừng lẫy một thời. Ở địa vị một sĩ quan cấp úy như anh gặp một vị tướng vì công việc đã cảm thấy thiếu tự tin, huống hồ đây lại là việc riêng. Nhưng thôi, mọi chuyện cũng đã qua. Nếu có trách thì phải trách mình trước. Thường định sẽ bằng cách nào đó gặp cho được Hiền để thanh minh với cô về sự “ngớ ngẩn” của mình. Và quan trọng hơn, đấy còn là tình bạn giữa hai người. Một tình bạn tuy mới chỉ thoáng qua nhưng đã để lại trong anh một dấu ấn khó quên.
“Anh Thường, anh lên ngay ban chỉ huy có việc gấp!”. – Một chiều chủ nhật khi Thường đang nằm dài đọc sách thì sĩ quan trực ban chạy ào vào nói bằng giọng gấp gáp. Thường ăn mặc chỉnh tề rồi đi ngay. Đến nơi, vừa bước vào cửa, anh đã thấy trung tướng tư lệnh quân khu đang ngồi một mình ở đấy. Tại sao ba Hiền lại đến đây vào ngày nghỉ? Chuyện này có liên quan gì đến mình không? Mà tại sao lại chỉ có một mình ông?
Thường cảm thấy lo lo khi vừa nhìn thấy trung tướng. Không biết điềm lành hay dữ đây? Anh cố giữ bình tĩnh, đứng nghiêm và dõng dạc: “Báo cáo đồng chí tư lệnh, tôi thiếu úy Trần Văn Thường, có mặt theo lệnh của đồng chí!”. Vị tư lệnh nhìn Thường mỉm cười, chỉ vào chiếc ghế đối diện. “Cậu ngồi đi, ta nói chuyện một lát”. Thường để ý thấy hôm nay trung tướng không mặc quân phục, không đeo quân hàm như mọi bữa. Nếu có một chút hơi hướng nhà binh thì đó chỉ là chiếc mũ mềm có gắn ngôi sao ông đang đội trên đầu. “Nào, ta nói chuyện nhé! – Tư lệnh vui vẻ nói: – Đồng chí là Thường, đúng Thường chứ? – Rồi ông đổi cách xưng hô nói với anh như tâm sự. – Thế nào, bố mẹ cháu ở nhà có khỏe không? Bác với bố cháu hồi trước là bạn chiến đấu cùng đơn vị đấy! Chắc cháu chưa biết? Hồi bố mẹ cháu làm đám cưới, chính bác là người cắt chim bồ câu trang trí đấy. Hai người cưới nhau ở chiến trường, vào sống ra chết nên nhiều kỷ niệm lắm! Chuyện này rồi cháu hỏi lại bố mẹ sau. Bây giờ ta nói qua chuyện khác vui hơn. Lúc nãy bác đã nghe các đồng chí trong ban chỉ huy trung đoàn nói về cháu. Bác rất vui khi thấy cháu rất tích cực trong công tác, năm nay được bầu là chiến sĩ thi đua của đơn vị. Như thế là rất tốt! Nhưng cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Đừng thấy mọi người khen mà thỏa mãn là không được đâu! – Tư lệnh dừng lại một lát rồi nhìn thẳng vào mặt Thường, giọng trở nên thân tình hơn: – Mà tại sao hôm trước vừa đến nhà bác cháu lại bỏ về? Này, cháu có biết là con gái bác bắt đền bác không. Nó bảo, bạn con đến chơi, tại ba nên bạn con bỏ về. – Rồi trung tướng cười thành tiếng sảng khoái: – Tôi đến chịu với các cô các cậu bây giờ… Chẳng còn hiểu ra làm sao nữa”. Nghe ông nói Thường ngượng đỏ cả mặt. Rất may là không có ai chứ nếu có chắc anh đến chui xuống lỗ mất. Nhưng Thường lại rất cảm động, phấn khởi trước những gì ông vừa nói. Anh không ngờ trung tướng lại cùng đơn vị với bố anh trước đây. Và anh càng không ngờ một vị tướng giữa trăm công nghìn việc như ông, lại dành thời gian quan tâm đến những việc rất nhỏ nhặt, rất riêng tư của con gái mình. Thường không biết phải nói gì, chỉ im lặng ngồi nghe. Tự nhiên, anh thấy trung tướng gần gũi, thân thiết chả khác gì bố mẹ anh. Một sự gần gũi, thân thiết xóa nhòa đi cái khoảng cách mà chỉ mới hôm nào còn đè nặng trong lòng anh.
Không phải đợi lâu, ngay ngày hôm sau, Thường quyết định đến nhà Hiền. Để rồi sau cuộc gặp gỡ ấy, tình cảm giữa hai người đã bước sang trang mới. Họ đã yêu nhau. Một tình yêu say đắm và vô tư. Rồi Hiền có giấy báo nhập học. Thường xin nghỉ hẳn một ngày để ở bên người yêu và tiễn cô lên tàu vào Nam. Cũng con tàu hôm nào hai người lần đầu gặp nhau, quen nhau nhưng sao hôm nay cả hai cùng cảm thấy có một cái gì đó cứ dâng lên nghèn nghẹn trong lồng ngực. Họ đứng lặng bên nhau trong ánh nắng vàng rực rỡ của mùa thu, trong lớp lớp những sắc màu của thiên nhiên và đất trời hòa quyện. Tiếng còi tàu đổ hồi vọng trong tít tắp không gian nghe thực thực, hư hư, khiến cho lòng người càng thêm bồi hồi, xao xuyến. Một tình yêu đẹp sẽ làm cho tâm hồn người ta đẹp thêm lên. Với Thường thì tình yêu của anh cũng vậy. Tình yêu sẽ nâng bước chân anh, sẽ tiếp thêm sức mạnh cho anh trên chặng đường binh nghiệp đầy khó khăn và thử thách.
xin dâng tặng cho người con trai, con gái trong chuyện
bằng cả tấm lòng yêu thương và ngưỡng mộ!
Nấm mộ đã đắp xong đâu ra đó, mọi người cũng lũ lượt kéo nhau ra về, Cường vẫn ngồi lại một mình ở nghĩa địa. Anh đốt thêm một nắm hương cắm lên trước tấm bia đá có ảnh của Mai Lan rồi từ từ quỳ xuống phủ phục trước mộ vợ. Bộ quân phục trên người anh ướt đẫm nước mưa và bê bết bùn đất. Khuôn mặt anh bơ phờ, hốc hác, râu ria lổm nhổm. Mưa đã dần ngớt nhưng chưa tạnh hẳn. Gió vẫn gầm rú và những làn nước chênh chếch như những ngọn roi vô hình vẫn đều đặn quất xuống. Nắm hương Cường vừa cắm được dịp cháy bùng lên rồi tắt lịm. Cường phải loay hoay một lúc mới đốt lại được nắm hương khác. Anh nhoài người về phía trước gần như ôm gọn cả tấm bia đá vào lòng để che chắn bớt ngọn gió và làn nước quái ác. Ảnh người quá cố lồng trong bia thật trẻ trung, thật xinh đẹp. Nụ cười của cô vừa hồn nhiên vừa tươi trẻ. Chiếc răng khểnh bên khoé miệng làm duyên dáng thêm cho khuôn mặt trái xoan. Mái tóc chẻ ngôi buông loà xoà tự nhiên trước trán. Bên má là cái lúm đồng tiền không thể lẫn với ai. Cường nhìn ảnh vợ mà thắt ruột thắt gan. Trái tim anh như nát ra từng mảnh. Đã mấy ngày trôi qua, kể từ lúc Mai Lan trút hơi thở cuối cùng, cho đến hôm nay, khi vợ anh đã mồ yên mả đẹp, Cường vẫn chưa hết bàng hoàng, chưa hết xót xa. Anh đã lăn lộn, gào khóc như một đứa trẻ. Anh đã kêu trời gọi đất đến khản cổ. Nước mắt anh đã khô cạn. Và lúc này đây có lẽ đã được vắt kiệt để tưới lên mộ Mai Lan.
… “Anh Cường ơi, chiều nay sang nhà em học bài rồi cùng em làm bánh. Hôm qua em xin mẹ cân bột để chúng mình làm bánh ăn. Sang anh nhé! Không sang là em giận luôn đó!”. Với Cường, Mai Lan bao giờ cũng tha thiết có phần hơi nũng nịu như thế. Cường cũng tỏ ra rất hiểu tấm lòng của cô bạn gái cùng lớp dành cho anh và anh cũng quý mến Mai Lan. Còn bạn bè thì ai mà chả biết Cường và Mai Lan là đôi bạn chơi thân với nhau ngay từ những ngày còn là học sinh học cấp một, cấp hai. Nói là chơi thân cho nó tự nhiên thế thôi, chứ thật ra không ai là không biết họ đang thầm yêu nhau. Bạn bè trong lớp xì xào hai đứa “lúc nào cũng kè kè bên nhau như hình với bóng. Không gặp nhau thì thôi, chứ đã gặp thì y như rằng mặt mũi đứa nào cũng tươi như hoa. Đã thế lại còn anh anh, em em với nhau ngọt xớt. Thử hỏi, trong đám bạn bè cùng lớp đã có đứa con trai, con gái nào xưng hô với nhau như thế bao giờ? Ừ, chúng nó yêu nhau như thế kể cũng hơi sớm, không chừng còn ảnh hưởng đến việc học hành. Nhưng mà trông chúng thật đẹp đôi, thật đáng yêu và cũng… ngang sức ngang tài. Cả hai đứa, đứa nào cũng học giỏi, năm nào cũng đứng đầu lớp. Rồi đứa nào cũng vui vẻ, hoà đồng, được thầy cô tin cậy, bạn bè yêu mến. Thằng Cường là con trai không nói làm gì chứ cái con Lan càng lớn nó càng đẹp. Con gái nhà quê gì mà nước da cứ như trứng gà bóc, mịn màng, trắng trẻo còn hơn cả bôi phấn bôi son. Khuôn mặt nó xinh xắn, dễ thương đã đủ để hút hồn bao thằng con trai, thế mà tạo hoá còn ban thêm cho nó chiếc răng khểnh và cái lúm đổng tiền nữa nên càng thêm duyên dáng, mặn mà. Chả trách thằng Cường say nó cứ gọi là say ngả say nghiêng”.
Nhà hai đứa cùng một làng. Cường ở xóm trên, Mai Lan ở xóm dưới, chỉ cách nhau một quãng đường ngắn. Cả hai học cùng lớp. Lý do để hai đứa chơi thân với nhau kể cũng… bình thường. Đi học, Cường phải ngang qua xóm dưới, lại sát ngõ nhà Mai Lan, thế là gặp nhau rồi cùng đi. Vài ba bận thành quen nếp, hết năm học này sang năm học khác, ngày nào hai đứa cũng đợi nhau để cùng đi.
Tuổi học trò họ vô tư, hồn nhiên bên nhau rồi trở nên thân thiết. Khi phân chia học nhóm thì Cường, Mai Lan và một cậu nữa hợp thành một tổ. Sau, cậu kia theo gia đình chuyển đi nơi khác sinh sống, thế là chỉ còn lại hai đứa. Mai Lan rủ thêm hai cô bạn cùng lớp, nhưng chẳng đứa nào đồng ý. Lý do chúng nó đưa ra chỉ tếu táo: “Chúng tao không học chung cũng là muốn mày với thằng Cường được độc lập, tự do”. Câu nói nửa đùa nửa thật của các bạn làm Lan và Cường ngượng ngùng khựng lại nhưng không giận vì là bạn bè cùng lớp lại sống thật lòng với nhau nên lúc nào cũng hồn nhiên, vui vẻ. Thế là tổ học nhóm lại chỉ còn Cường và Mai Lan luân phiên đến nhà nhau học bài. Cứ một tuần là đổi chỗ. Ngày nào phải học vào ban đêm hay những hôm mưa gió, thì nhất nhất không cần dặn Cường cũng đến nhà Mai Lan.
Những năm học phổ thông rồi cũng trôi qua một cách lẹ làng. Cường và Mai Lan cùng bước vào kỳ thi đại học. Từ một nơi xa, đang làm thợ phụ hồ chờ kết quả thi, Cường nhận được điện thoại của Mai Lan: “Anh Cường ơi, em vừa lên mạng xem kết quả thi. Em đỗ vào đại học nông – lâm rồi! Còn anh, anh cũng đỗ vào học viện chính trị rồi! Anh về ngay nhé!”. Nghe Mai Lan báo tin, lòng ngực Cường đập rộn lên, anh vui mừng thực sự, thế là mong ước của anh đã thành hiện thực. Và Mai Lan, cô bạn gái thân thương của anh cũng toại nguyện. Niềm vui khiến anh dâng trào cảm xúc. Không một phút chần chừ, Cường đón xe về quê luôn.