Chuyện tình của lính – Nguyễn Ngọc Chiến 3

Thì ra bấy lâu nay tôi làm những gì, đi những đâu, anh đều biết cả. Cảm thấy xấu hổ trước những đánh giá thẳng thắn, chính xác của trung đội trưởng, tôi chỉ còn biết im lặng ngồi nghe mà không thể chối cãi được một lời. Hai thái dương tôi giật giật, mồ hôi rịn ra trên mặt rồi nhỏ giọt lăn dài xuống cổ. Ấy vậy mà ngay sau khi vừa bước chân ra khỏi phòng trung đội trưởng, tôi đã lại hai tay đút túi quần, vừa đi vừa huýt sáo mồm một cách vô tư, bình thản như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Có cảm giác như mọi phê bình, góp ý của trung đội trưởng chẳng đọng lại được tý gì trong tôi. Chả thế mà vừa thoáng thấy cậu Cần, thằng bạn thân nhất của tôi, vác cuốc đi ngang qua, tôi đã “e hèm” một tiếng thật to, rồi ngoắt cậu ta đến gần, đứng chống nạnh mà rằng:

– Chà chà, người anh em tích cực quá nhỉ! Bộ phấn đấu giành cái danh hiệu “chiến sĩ ihi đua” hay sao mà giờ này còn tăng gia hả? – Cần chưa kịp nói gì thì tôi đã “bồi” thêm: – Này, tớ nói cho cậu biết, cậu cũng “tướng một sao” như tớ! Đừng có mà ra vẻ ta đây chơi trội đấy!

Cần chống cuốc đứng nhìn tôi như nhìn một vật lạ, đoạn nheo mắt trả lời:

– Cậu ăn nói gì lạ thế? Sao lại chơi trội? Mình tranh thủ tăng gia cải thiện chứ làm gì mà chơi trội…

Không đợi Cần nói hết câu, tôi đã cắt ngang:

– Ôi dào, cậu thì lúc nào cũng lo bò trắng răng. Thôi, dẹp mẹ nó đi, lại gần đây tớ nói nhỏ chuyện này. – Tôi hạ thấp giọng: – Tối nay thằng bạn ở quán “Thiên Hương” nhắn tớ và cậu ra quán nó làm một chầu “cầy tơ bảy món” với rượu nếp chính hãng. Xong, nó còn đãi chúng mình một chương trình phim truyện đặc sắc của nước ngoài. Cậu biết phim gì không? – Tôi nói gần như thì thầm: – Phim “tình tang” đấy! Đây là cơ hội ngàn năm có một. Không được thưởng thức tiếc lắm! Thế nào, cậu đi cùng tớ chứ?

Cần vác cuốc lên vai, vừa đi vừa trả lời tôi:

– Thế cậu không nhớ tối nay sinh hoạt tiểu đội sao? Mà đi chỉ vì những chuyện nhố nhăng ấy mình không thể đi được. Cậu thích thì cứ việc đi một mình. – Nghĩ sao Cần dừng bước quay lại phía tôi: – Theo mình cậu không nên đi. Mình là bộ đội cần sống cho đàng hoàng. Mà mình cũng nói thật, dạo này cậu khác lắm rồi đấy Huy ạ! Cậu không còn là cậu nữa rồi đấy! Coi chừng hối không kịp đâu!

Tôi ném theo Cần một cái lườm rồi xẵng giọng:

– Thôi, cậu đừng có dạy đời tôi!

Tôi bỏ ngoài tai tất cả mọi lời khuyên ngăn, cảnh báo của Cần. Vậy nên, tối đó tuy vẫn tham gia sinh hoạt tiểu đội, nhưng đầu óc tôi lại để đẩu đâu. Phải ngồi học tập, sinh hoạt, tôi xem như một sự bắt buộc, không được vắng mặt. Chứ nội dung, họp để làm gì, tôi nào có quan tâm. Ai thảo luận, ai tham gia góp ý tôi không cần biết. Cuộc họp càng kéo dài người tôi càng cảm thấy bứt rứt khó chịu. Chốc chốc tôi lại ngước nhìn cái đồng hồ treo trên tường. Tôi chỉ mong sao cho buổi sinh hoạt sớm kết thúc. Thấy anh em thay nhau phát biểu ý kiến, kéo dài thời gian, tôi nhìn chòng chọc vào mặt họ tỏ vẻ bực bội. Trong khi đang mơ mơ, màng màng về những cảnh huống trong bộ phim mà tôi tưởng tượng ra, tôi bỗng giật nảy người khi nghe tiểu đội trưởng nói: “… Tôi xin tổng kết những tồn đọng của tiểu đội ta qua ý kiến phát biểu của các đồng chí. Đó là ý thức chấp hành kỷ luật của một số đồng chí còn yếu. Cụ thể là còn nói tục, đi chơi về khuya, áo bỏ ngoài quần trong giờ hành chính, cá biệt có đồng chí còn uống rượu say, đọc và xem các loại văn hóa phẩm đồi trụy. Các đồng chí cũng đã liên hệ bản thân. Riêng đồng chí Huy, ý kiến của đồng chí thế nào, mời đồng chí phát biểu!”. Tôi đứng dậy ấp a ấp úng: “Vâng, tôi… tôi hoàn toàn nhất trí với… Với ý kiến của tất cả các đồng chí. Riêng phần… liên hệ… bản thân, tôi thấy tôi cũng… cũng ít nhiều mắc phải những… những khuyết điểm như đã nêu trên. Tôi… tôi xin hứa sẽ khắc phục dần!”.

Cuộc họp kéo dài hơn so với dự kiến. Nhìn đồng hồ tôi thấy đã quá muộn. Cho đến lúc tiếng kẻng vang lên báo giờ đi ngủ thì tôi biết là không còn nước non gì nữa. Nằm trong màn tôi cứ tiếc ngơ tiếc ngẩn, cứ hậm hà hậm hực mãi vì đã lỡ để mất một dịp may. Nhưng nhẩm tính tôi thấy vẫn còn cơ hội. Bất quá, buổi sinh hoạt mới chỉ để mất buổi nhậu, mà ăn uống không quan trọng, thời gian xem phim vẫn còn kịp, mà giờ này càng đảm bảo “bí mật”, càng không ai hay biết gì. Nghĩ thế, tôi ngồi dậy, tung chăn ra rồi cuộn tròn lại để thật thẳng thớm vào chính giữa giường. Xong, tôi chui ra khỏi màn, xỏ chân vào đôi giày “cao cổ”, buộc dây thật cẩn thận. Nhìn vào trong màn, qua ánh trăng hắt vào từ cửa sổ, tấm chăn cuộn tròn trông giống như một người đang nằm ngủ. Xung quanh tôi, những tiếng ngáy khe khẽ, đều đều của mọi người đang ngon giấc. Ngó trước ngó sau, tôi nhẹ nhàng đi ra cửa. Rồi đi qua sân. Rồi đi tắt qua mảnh vườn tăng gia của đơn vị. Rồi sau cùng, tôi đu người nhảy tót qua hàng rào kẽm gai. Chỉ mười phút sau tôi đã có mặt tại quán “Thanh Hương”. Đường phố vẫn chan hòa ánh điện. Ô tô, xe máy vẫn tấp nập ngược xuôi. Trai thanh gái lịch vẫn từng đôi, từng đôi, khoác tay nhau dạo phố. Chừng hơn một tiếng sau tôi đã lại có mặt tại đơn vị. Nằm trên giường, tôi khoan khoái rít từng hơi thuốc dài. Tưởng tượng lại những cảnh yêu đương lâm ly, những cảnh làm tình đủ trò, đủ kiểu, những cảnh ghen tuông, chém giết… trong bộ phim vừa xem, tôi như mê muội đi, cảm thấy tự bằng lòng với mình. Tôi tự thấy mình thật chẳng khác gì một hiệp sĩ! Thoắt một cái đã có mặt ngoài phố. Thoắt một cái đã lại có mặt ở nhà. Rồi tôi ngủ thiếp đi. Sáng ra, khi đang hua chân múa tay tập thể dục thì Cần đến bên tôi thì thào. Tôi nghe mà bàng hoàng cả người. Thì ra, đêm qua khi gác xong phiên của mình, Cần vào gọi tôi gác tiếp. Vì sau cậu ta là tôi. Nhưng khi Cần vào chỉ thấy có cài giường không. Biết là tôi đã “vù”, Cần định báo tiểu đội trưởng, nhung nghĩ sao lại thôi, đành gác luôn phiên gác của tôi. Thật hú vía! Cần buồn rầu nói với tôi: “Mình làm thế là bao che việc làm sai trái của đồng đội, tức là khuyết điểm của mình còn nặng hơn cả cậu. – Rồi Cần nói với tôi như van lơn: – Huy ai, từ nay cậu đừng làm thế nữa! Nếu không, cậu sẽ tự mình làm hỏng cuộc đời cậu đấy. Bố mẹ cậu mà biết cậu như thế chắc sẽ buồn lắm!”. Trước những gì Cần vừa nói, tôi chỉ khẻ gật đầu tỏ ra biết lỗi.

Giá biết nghe lời đồng đội, biết dừng lại đúng lúc thì đã không có chuyện gì xẩy ra với tôi. Và đời lính tráng của tôi, chắc cũng sẽ trôi đi một cách êm đẹp như bao bạn bè, đồng đội khác. Nhưng như ngựa quen đường cũ, tôi vẫn chứng nào tật ấy. Tính vô tổ chức kỷ luật chưa bỏ được. Sau cái đêm bỏ gác trốn đi xem phim, được Cần thương tình giấu đi cho, tôi vẫn thỉnh thoảng trốn đơn vị ra phố chơi. Khi thì lang thang từ phố này qua phố khác, khi thì sà vào một quán karaoke nào đó. Khi thì tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê bên góc đường… Tiền phụ cấp hàng tháng của tôi, tiền của mẹ tôi gửi cho được ném cả vào đấy. Có thời gian không một xu dính túi, tôi buộc phải mang quân tư trang của mình ra hiệu cầm đồ. Hết đồ mới thì tôi bán đồ cũ. Vì bán vội bán vàng nên giá rất rẻ. Cuối cùng, vì vừa bán vừa cầm mà tôi suýt nữa không còn có áo quần để thay đổi. Có lần cả hai bộ duy nhất còn lại đều bị ướt, tôi phải mượn áo quần của Cần để mặc tạm. Cần người cao to, mà tôi thì nhỏ bé nên khi mặc áo quần của Cần, nó cứ rộng thùng thình trông rất buồn cười. Những lúc ấy mấy cậu trong tiểu đội lại nhìn tôi thì thào với nhau: “Trông như người trong tranh hài của họa sĩ Nguyễn Nghiêm ấy chúng mày nhỉ!”. Họp tiểu đội, trung đội, tên tôi luôn được nhắc đến. Đặc biệt gần đây, do những sai phạm liên tục trong thời gian vừa qua, trung đội đã dành hẳn một buổi để phê bình, kiểm điểm tôi. Buổi họp có cả cán bộ đại đội xuống dự. Anh cán bộ đại đội người Nghệ An, tính nóng như lửa, cứ một mực đòi đưa tôi ra kỷ luật trước đại đội để làm gương, nhưng nhờ anh Hàn trung đội trưởng nói đỡ cho nên tôi bị kỷ luật với hình thức khiển trách trước trung đội. Tuy vậy, anh cán bộ đại đội vẫn hậm hực mãi. Hình như anh thấy mức kỷ luật dành cho tôi vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Anh phát biểu, giọng nặng trịch. Tôi có cảm tưởng như mỗi lời anh nói ra là một hòn đá nện xuống đầu tôi. Tôi ngồi im không nhúc nhích, nghe rõ cả tiếng tim mình đập thình thịch. Cuối cùng, anh hạ bớt giọng, nhưng nghe vẫn rất nặng: Chiến sĩ mới mô mà vô tổ chức kỷ luật, muốn răng mần rứa. Không trị đến nơi đến chốn coi chừng hư hỏng. Nhưng hôm ni cứ tạm dừng lại đây. Nếu đồng chí Huy không ăn năn sửa chữa, đơn vị sẽ có biện pháp kỷ luật nặng hơn…”. Tưởng rằng sau những lời phê bình, kỷ luật tôi sẽ thay đổi, nhưng mà tôi đâu có chừa, vẫn chứng nào tật ấy để rồi chuốc vạ vào thân. Sự việc này xảy ra chỉ sau cuộc họp kiểm điểm tôi có vài ngày. Và tôi cũng không ngờ hậu quả của việc tôi làm lại nghiêm trọng đến thế! Chuyện là thế này…

Buổi chiều hôm ấy, tại quán “Thanh Hương” khi tôi đang ngồi uống cà phê thì một chiếc xe tải từ hướng biên giới chạy đến đỗ lại trước cửa quán. Từ trên xe có hai người đàn ông bước xuống. Họ vào quán tìm một góc yên tĩnh rồi gọi chủ quán dọn đồ nhậu. Vừa uống hai người vừa đá mắt sang phía tôi, thì thầm gì đó. Rồi một người đứng dậy đến gần tôi vừa cười vừa nói: “Chào chú em! Nếu quả thật chú em không vội, mời chú em sang bên này với bọn anh cho vui”. Ban đầu tôi kiên quyết từ chối, nhưng anh ta cứ mời mãi, mời mãi, đến nỗi chủ quán quen tôi sốt ruột quá cũng phải nói xen vào. Thấy không thể từ chối được, tôi đành miễn cưỡng sang ngồi. Tôi cũng định bụng là sẽ uống với anh ta một ly rồi đứng dậy ra về. Không ngờ càng uống càng bốc, càng uống càng không thể dứt ra được. Hai người thay nhau vừa rót bia, vừa gắp thức ăn cho tôi, vừa luôn miệng mời mọc có vẻ rất thân tình: “Dùng đi chú em, dùng đi, đừng có ngại. Hồi trước tụi anh cũng từng khoác áo lính như em bây giờ. Em cứ dùng thật thoải mái, hết bọn anh lại gọi”. Thấy thái độ của hai người có vẻ ân cần, vui vẻ, nên tôi rất tự nhiên. Và cũng bởi tự nhiên nên tôi ăn uống không chút e dè, khách sáo. Trong bữa ăn hai người hỏi tôi đủ chuyện. Tôi cũng trả lời họ một cách thẳng thắn, thật thà. Biết tôi là người sống ở thôn quê, bố mẹ làm nông, gia đình khó khăn, hai người có vẻ rất thông cảm. Khi đã ăn uống no nê và nhìn ra bên ngoài thấy trời đã trưa, tôi mới giật mình đứng dậy, vờ thò tay vào túi. Một người thấy vậy bèn vỗ vỗ vào lưng tôi cất giọng khề khà: “Bộ… bộ… em định trả tiền đấy à? Bọn anh có thiếu đâu mà cần tới đồng phụ cấp ít ỏi của em. Mà chú em sao vội về thế? Hôm nay chủ nhật chả lẽ không được nghỉ sao?”. Anh ta ôm tôi, ấn tôi ngồi xuống ghế, tiếp tục rót bia. “Dùng nữa đi chú em, bia ấy mà, nhạt như nước ốc, say sưa gì mà lo!”. Thế là tôi lại tiếp tục uống, tiếp tục ăn. Một người ghé vào tai tôi thì thào: “Lính binh nhì, binh nhất như chú em khổ lắm! Phụ cấp có là bao, mà gia đình, bố mẹ ở xa, lại nghèo, làm sao em có thể thích nghi được với cuộc sống giữa cái cơ chế thị trường khắt khe và bề bộn này. Khi điếu thuốc, khi ly cà phê, biết lấy đâu ra. Rồi thỉnh thoảng cũng phải… tý chút cho đỡ… thèm chứ! Mình cũng là người không lẽ cứ đứng nhìn người ta hưởng thụ sao? Phụ cấp của em thế đáp ứng sao nổi! – Rồi anh ta ghé vào tai tôi nói nhỏ: – Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, thực tình thấy tình cảnh của em, bọn anh cũng thương, định giúp em ít tiền và nhờ em chút việc. Việc này chẳng khó khăn, nguy hiểm gì, chú em chắc làm được. – Anh ta ngửng đầu nhìn quanh rồi lại cúi xuống ghé tai tôi nói tiếp: – Từ đây ra Quốc lộ 1A chỉ còn hơn cây số, mà ở cái ngã ba đằng kia lại có cái trạm kiểm soát liên ngành. Xe nào đi qua đấy cũng đều phải ghé trạm để họ kiểm tra. Nói thật với em, trên xe anh chỉ chở ít củi với mấy thứ hàng lăng nhăng kiếm thêm chút lời nuôi vợ con, chứ chẳng hàng lậu hay hàng cấm gì đâu, nhưng mà họ biết họ bắt đóng thuế cũng hết lời. Anh nhờ em là nhờ thế này, em ăn mặc đàng hoàng, quân hàm quân hiệu chỉnh tề, rồi chỉ việc đứng ở cửa xe anh. Khi qua trạm kiểm soát, nếu họ ra hiệu cho xe dừng lại kiểm tra thì em nói với họ xe chở củi cho đơn vị em. Như thế họ sẽ nể bộ đội mà cho xe đi qua, không cẩn kiểm tra. Xong việc, bọn anh sẽ biếu em vài triệu để em mua gì thì mua”. Tôi nghĩ, “ừ, việc thì đơn giản mà họ cũng đã nói rồi, trên xe họ không có gì, mình giúp họ một tý thôi cũng chả sao. Mà mình cũng đang cần tiền để chuộc lại mấy bộ áo quần. Mình giúp họ, cũng coi như là họ giúp mình, chứ có phải mua chuộc, hối lộ gì mà sợ”. Lúc ấy tôi chỉ biết nghĩ đơn giản như thế, nên vui vẻ nhận lời. Một lát sau, xe nổ máy chuyển bánh. Tôi ra đứng bên cửa xe phóng mắt nhìn về phía trước, nửa lo lắng, nửa hồi hộp. Thế rồi xe đến trạm kiểm soát. Tôi thấy một, rồi hai anh hải quan từ trong vọng gác đi ra. Họ ra hiệu cho xe dừng lại. Nhớ lời dặn của chủ xe, tôi tươi cười, đưa cao tay lên vẫy vẫy. Vừa vẫy, tôi vừa chỉ tay về phía doanh trại quân đội, nơi đơn vị tôi đóng quân. Khi xe tới gần, tôi nói to: “Các đồng chí ơi, đây là xe chở củi cho bộ đội, không có gì đâu!”. Nhưng hai cán bộ hải quan vẫn nghiêm nét mặt, tiếp tục ra hiệu cho xe dừng lại. Nhìn vào trong xe, tôi thấy hai người đàn ông chủ xe mặt biến sắc. Tiếp đó, tôi thấy mấy chiến sĩ kiểm soát quân sự xuất hiện. Nhìn họ, ai cũng đội mũ kêpi, súng ngắn và đeo băng đỏ ở tay. Tôi run lên không hiểu chuyện gì xảy ra. Xe dừng lại. Một anh hải quan bước đến nói với người lái xe: “Tôi biết xe anh thế nào cũng qua đây mà, chứ chả lẽ lại bay qua sông được sao?”. Người lái xe mặt tái xanh tái xám như không còn giọt máu. Anh ta ấp úng nói gì đó với người hải quan tôi nghe không rõ.

Những bó củi trên xe được dỡ xuống. Tôi giật mình khi thấy dưới những bó củi ấy là những kiện thuốc lá ngoại và rất nhiều những đầu vedio, máy tính xách tay, điện thoại di động… do nước ngoài sản xuất được đựng trong những thùng gỗ. Đây là hàng nhập lậu trốn thuế. Chủ xe và tôi cùng được mời vào trạm kiểm soát để lập biên bản. Riêng tôi còn bị kiểm soát quân sự lập thêm một bản riêng. Toàn bộ số hàng nói trên được tịch thu chờ xử lý. Sau đó kiểm soát quân sự đưa tôi về cơ quan thị đội. Đến đây tôi mới vỡ lẽ ra rằng, chiếc ô tô này là của một xí nghiệp nhà nước đã bị lợi dụng nhiều lần vận chuyển hàng lậu từ biên giới về nội địa tiêu thụ. Lần này nhờ được quần chúng cung cấp tin tức nên cả chủ và hàng đã sa lưới pháp luật. Tôi vô tình là người đã thông đồng, tiếp tay cho kẻ buôn lậu, tội ấy cũng không phải là nhẹ. Cơ quan thị đội điện về cho trung đoàn tôi và chỉ sau đó không lâu đã thấy hai vệ binh của trung đoàn có mặt. Họ kỳ giấy nhận người rồi điệu cổ tôi về đơn vị. Tôi tạm thời bị đình chỉ công tác. Quân pháp sư đoàn làm việc với tôi ngay trong chiều hôm đó. Trước cơ quan pháp luật quân đội, tôi có sao nói thế, không giấu giếm một điều gì. Tôi tự dằn vặt đau khổ, thôi thế là hết, lần này thì không ai cứu tôi được nữa rồi. Tôi đã phạm một tội tày đình. Không vào trại kỷ luật thì cũng tước quân tịch đuổi về địa phương… Nhưng mà số tôi cũng còn may. Qua nghiên cứu hồ sơ của hải quan về chủ xe, đối chiếu với lời khai thành khẩn của tôi, xét thấy hành vi của tôi chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, quân pháp sư đoàn giao tôi cho ban chỉ huy trung đoàn xét kỷ luật nội bộ. Nhân dịp này, những sai phạm của tôi từ trước đến nay đều bị phanh phui, kể cả những việc tưởng không ai biết. Trung đoàn đã ký giấy kỷ luật tôi với hình thức cảnh cáo toàn trung đoàn, ghi lý lịch quân nhân, đồng thời thông báo cho địa phương và gia đình cùng biết. Bị tạm giữ ở trung đoàn, chờ đơn vị lên nhận về, tôi suốt ngày ngồi bó gối một chỗ, cơm chẳng muốn ăn, nước chẳng muốn uống. Tôi buồn rầu, ân hận, tôi suy nghĩ về những gì mình đã làm từ trước tới giờ, nước mắt tôi bỗng ứa ra…

Giá mà ngày ấy, sau mỗi lần vấp ngã, được đồng đội nhắc nhở, tôi có nhận thức sâu sắc lỗi của mình, biết khắc phục sửa chữa thì hậu quả này đâu đến nỗi. Nhưng tôi đã lừa dối mọi người, đã phụ lòng tin của anh em. Và hậu quả đến với tôi như vậy là tất yếu. Đó là kỷ niệm đau thương của một thời nông nổi mà suốt đời tôi không bao giờ quên được. Để bây giờ khi đã có trên mười lăm năm trong quân ngũ, và đã là một đại đội trưởng huấn luyện tân binh, những chuyện đã qua không mấy vui ấy, thỉnh thoảng lại ùa về trong tôi. Tôi vẫn thường kể cho các chiến sĩ nghe về câu chuyện nông nổi của một người lính trẻ để lấy đó làm bài học. Nhìn những khuôn mặt thơ ngây, ướt đẫm mồ hôi, sạm màu nắng gió thao trường, tự nhiên tôi có lòng tin rằng các em sẽ không bao giờ có những giây phút nông nổi như tôi ngày nào…

TRĂNG LÀNG CÁT

Sau lễ khánh thành cầu Cửa Tùng, Trần Tam không theo đoàn ra Hà Nội ngay mà xin phép được ở lại thêm một thời gian nữa. Nhưng ông không nghỉ tại khách sạn bên bờ bắc mà lững thững một mình xách hành lý đi bộ qua cầu, sang bờ nam, tìm một phòng trọ bình dân ở một làng chài ven biển xin nghỉ lại. Có vẻ như ông rất thông thạo với cái làng chài có tên là làng Cát nằm ở cửa sông này.

Chủ phòng trọ là một cặp vợ chồng người làng Cát, cả hai có lẽ đã suýt soát tuổi bốn mươi. Họ rời làng ra làm dịch vụ nhà nghỉ ở đây khi cầu Cửa Tùng và tuyến đường nối hai huyện ven biển chỉ mới bắt đầu được khởi công xây dựng. Phòng trọ nằm ngay ven đường, tuy chưa lấy gì làm khang trang nhưng rộng rãi, thoáng mát. Đặc biệt ở đây còn có những bãi cát thoai thoải, rợp bóng cây xanh, vừa yên tĩnh vừa trong lành rất hợp với những người tuổi tác như ông. Trần Tam vẫn có thói quen mỗi lần đi công tác, hay đi du lịch, nghỉ mát cùng gia đình, bè bạn, ông thường tìm những phòng trọ bình dân để nghỉ. Với ông, đây không phải là vấn đề tiền bạc mà cái chính là ông không muốn phải giam mình trong bốn bức tường ở những khách sạn cao tầng, rồi lại phải leo lên trèo xuống cầu thang mỗi khi có việc. Đó là chưa kể đến bao nhiêu phiền toái khác mà ông từng được nếm trải. Một phòng trọ bình dân, tất nhiên đừng tồi tàn quá, nhưng đáp ứng được nhu cầu nghỉ ngơi trong một ngày, thậm chí vài ba ngày, một tuần, đối với ông là lý tưởng hơn cả. Ở đó mọi cái đều hài hoà, gần gũi, nó khiến ông luôn luôn được tự do, thoải mái. Ở đó ông còn cảm nhận được mình lúc nào cũng gần gũi với thiên nhiên, trời mây, non nước, tha hồ mà đắm mình trong suy tư và tưởng tượng. Cũng còn một lý do nữa để ông tìm đến phòng trọ bình dân nơi làng Cát này!

Hôm qua, với tư cách là chuyên viên cao cấp ngành cầu đường, được tháp tùng Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vào công tác, ông đã có một buổi chiều “chơi hết mình” chia vui với đồng bào địa phương khi cây cầu được chính thức đưa vào sử dụng nối đôi bờ nam – bắc dòng sông một thời chia cắt đất nước. Vốn tính trầm lặng, ít bia rượu, vậy mà chiều ấy, Trần Tam đã phải ngà ngà say. Say nhưng tỉnh và vui. Ông ra đứng một mình ở bãi tắm, mặc cho sóng gió vờn trên da thịt để được thư giãn với đất trời và thưởng ngoạn cho hết tất cả những gì mà thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho miền đất này. Trong ráng chiều, biển Cửa Tùng thật đẹp!

Trên cương vị công tác của mình, Trần Tam đã từng đi nhiều nơi, đã từng đến nhiều bãi biển đẹp của đất nước, nhưng ông đặc biệt yêu thích vẻ đẹp hoang sơ ở đây. Đó là vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời, biển cả, không cần lắm sự bài trí, sắp đặt của con người. Một vẻ đẹp thuần khiết, trắng trong, tựa như vẻ đẹp của người con gái vừa bước vào độ tuổi trăng tròn. Cảm thấy chưa hài lòng trước những gì mình muốn, Trần Tam đã mấy lần qua lại hai bên bờ sông để được ngắm nhìn cây cầu từ nhiều góc độ khác nhau. Quả là một cây cầu tuyệt vời tọa lạc ngay bên cửa biển. Có lẽ, trên đất nước này, ở mọi con sông, chưa từng có một cây cầu nào lại gần với biển, sát với biển như cây cầu này. Với con mắt của một kỹ sư có thâm niên hàng chục năm lăn lộn trong ngành cầu đường, ông nhận ra cầu Cửa Tùng là một cây cầu vừa vững chắc vừa duyên dáng bởi những đường nét cấu trúc hết sức đặc biệt. Trong ánh bình minh khi mặt trời vừa ló rạng, cây cầu hiện ra cong cong như một nét vẽ trên vành mi thiếu nữ. Cũng có lúc Trần Tam lại thấy cây cầu nghiêng nghiêng như một mảnh trăng bên cửa biển. Ấy là lúc hoàng hôn mới chỉ kịp buông xuống, mặt biển còn trong cảnh tranh tối tranh sáng, trăng còn trốn đâu đó trong những đám mây chưa vội ló ra.

Ngắm nhìn cây cầu, nghĩ về vầng trăng, ông lại nhớ đến Nguyệt, cô du kích làng Cát năm xưa. Ừ, mới đó mà đã mấy chục năm trôi qua. Thời gian thật quả như người ta nói, chẳng chờ đợi ai bao giờ. Không biết bây giờ Nguyệt có còn ở làng Cát không? Cô ấy sẽ vui mừng đến mức nào khi mơ ước của cô ngày xưa bây giờ đã trở thành hiện thực. Một cây cầu hiện đại, đẹp như một công trình nghệ thuật đã vắt mình sang sông, đã sừng sững tọa lạc ngay chính tại quê hương làng Cát của cô. Trần Tam còn nhớ trong một lần bị thương, phải rời làng Cát sang bờ bắc, khi chèo thuyền đưa ông qua quãng sông này, Nguyệt đã từng mơ ước: “Anh Tam ơi, sau này nước nhà thống nhất em mong sẽ có một cây cầu thật to, thật đẹp bắc qua cửa sông này. Ngày ấy, khi vào thăm quê em, các anh sẽ chẳng phải qua sông khổ cực như bây giờ nữa đâu và em sẽ gặp lại anh”. Hôm đó ông đã trả lời Nguyệt rằng, chẳng phải đợi đến ngày nước nhà thống nhất đâu, mà chỉ một thời gian rất ngắn thôi, khi lành vết thương, ông sẽ trở lại làng Cát, sẽ gặp lại Nguyệt. Nào ngờ từ ngày ấy đến nay coi như biền biệt.

Đêm ở làng Cát thật yên tĩnh. Một sự yên tĩnh không phải dễ dàng tìm thấy ở nơi cửa biển được xem là vùng đất đang trỗi dậy thay da đổi thịt từng ngày với cơ man nào là nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch giải trí; rồi bến cảng, âu thuyền, khu chế biến thuỷ hải sản… đang đua nhau mọc lên như nấm. Ở đây, ven ngôi làng nhỏ này chỉ có tiếng sóng biển là lúc nào cũng ầm ào, lúc nào cũng trầm trầm, bổng bổng không một phút giây ngơi nghỉ. Càng về khuya tiếng sóng càng dạt dào, sâu thẳm. Rồi gió. Gió mênh mang, phóng túng. Gió tạo nên những bản nhạc thiên nhiên réo rắt, vi vu trên những ngọn cây khắp đồi cát ven biển. Ánh trăng ở đây cũng như sáng hơn, trong hơn. Mặt cát phẳng lỳ nhấp nhánh ánh trăng lan toả. Biển cũng sáng, sáng như đang được thêu dệt bởi hàng triệu triệu chuỗi đăng-ten trên mặt sóng và kéo dài cho đến hết tầm mắt. Đất trời, non nước, trăng sao như được hoà làm một, lẫn vào nhau, tạo nên một thiên nhiên làng Cát đầy quyến rũ.

Trần Tam rời phòng trọ lững thững thả bộ ra bãi cát ven biển. Cát lạo xạo, mát lạnh dưới chân. Ông dừng lại và ngồi xuống cạnh một gốc dương liễu. Rồi, như một thói quen vốn có từ những ngày trai trẻ, khi còn làm lính đặc công ém quân chờ lệnh nổ súng, ông đưa mắt nhìn quanh như đang quan sát trận địa. Trong đêm trăng, nơi làng chài ven biển này, dù vạn vật đã thay đổi, dù thời gian đã trôi qua, dù tất cả đang chỉ là mờ mờ, ảo ảo trong ánh trăng thanh, Trần Tam vẫn dễ dàng nhận ra tất cả. Phía nào là làng Thuỷ Bạn, Nhĩ Hạ, Lâm Xuân, Mai Xá… phía nào là sông Hiếu và cảng Cửa Việt. Rồi nơi nào là chỗ trú quân ở Cang Dán trong một đêm mưa tầm tã hành quân chặn địch lấn chiếm vùng giải phóng. Cái cồn cát như quả núi đang bồng bềnh trong trăng kia chính là nơi lần đầu ông gặp Nguyệt, cô du kích làng Cát được ban chỉ huy xã đội giao nhiệm vụ làm giao liên dẫn đường cho bộ đội.

Nguyệt hai hai tuổi, người mảnh mai, duyên dáng. Con gái làng biển mười cô như chục không một cô nào có được nước da mịn màng, trắng trẻo, thứ nước da mà tạo hoá vốn ưu ái chỉ dành riêng cho các cô gái. Hình như ngay từ thuở mới lọt lòng mẹ, người con gái vùng biển ai ai cũng hít thở vị mặn của muối, mùi đắng chát, lam lũ, nhọc nhằn của mồ hôi cha, của nước mắt mẹ nên nước da cô nào cũng đầm đậm, ngăm ngăm, thứ nước da khoẻ khoắn, dãi gió dầm mưa, thứ nước da như lúc nào cũng sẵn sàng lấn át mọi ốm đau, bệnh tật. Nguyệt cũng có một nước da như thế trên một khuôn mặt hình trái xoan. Nhưng mặt Nguyệt lại đẹp ở đôi mắt, một đôi mắt đen lay láy; đẹp ở cặp môi, một cặp môi ươn ướt; đẹp ở mái tóc, một mái tóc rất dày. Trên khuôn mặt ấy còn đẹp ở hàm răng trắng đều, ở nụ cười như lúc nào cũng muốn san sẻ hết niềm vui cho tất cả mọi người. Như bất cứ cô du kích nào ở mặt trận, Nguyệt cũng dép cao su chéo quai sau gót, cũng mũ tai bèo màu xanh, thêm một tấm vải dù màu xanh – chiến lợi phẩm thu được của địch – khoác trên người. Rồi cũng áo bà ba màu đen, quần lụa đen, lúc nào cũng xắn ngang gối. Ra trận thì chỉ thích được mang cạcbin vừa nhẹ vừa gọn. Sau này có AK thì cô nào cũng tranh cho bằng được khẩu báng xếp. Khi gặp con trai, nhất là các chàng lính trẻ vừa từ Bắc vô thì rủ nhau tụm năm tụm ba lại làm bộ bắt nạt, tán tỉnh, rồi thì nghịch ngợm gán ghép, trêu chọc, cấu véo nhau chí choé.

Nhà Nguyệt ở ngay đầu làng Cát, một căn nhà chỉ như cái lán nhỏ vừa dựng lên sau ngày bọn giặc ở đây bị ta đánh cho tơi tả buộc phải tháo chạy về bên kia Dốc Miếu. Nghe đâu hồi ấy Nguyệt suốt ngày chỉ làm mỗi một việc: chèo đò. Bến đò ấy nằm ngay ở cửa biển, là một trong ba cái bến đò trên quãng sông này hoạt động suốt ngày đêm có nhiệm vụ đưa đón bộ đội, thương binh, tử sĩ… qua lại đôi bờ dòng sông này. Hôm Trần Tam gặp Nguyệt thì cô không còn chèo đò nữa mà đã chuyển sang một công tác khác. Cánh lính nhà ta khi có dịp qua đây không ai là không được nghe một vài mẩu chuyện về cô du kích chèo đò có tên là Nguyệt. Trần Tam cũng được nghe và cứ thấp thỏm mong được gặp Nguyệt, được tận mắt nhìn thấy cô du kích chèo đò dũng cảm năm xưa. Nghe đâu Nguyệt đã có cả thảy gần bảy trăm ngày đêm với trên bảy mươi nghìn chuyến đò đưa đón bộ đội, du kích qua lại nơi đây trong tiếng gầm rú bắn phá dữ dội của các loại máy bay, tàu chiến địch. Nguyệt đã phải hơn mười lần bị thương trong khi làm nhiệm vụ chèo đò.

Trần Tam đứng lên đi về phía cồn cát. Trăng đã lên ngang đỉnh đầu. Ánh trăng như nước vỡ bờ tràn trề, lênh láng khắp nơi. Cái cồn cát bỗng chốc sáng bừng lên như ban ngày. Những hạt cát ly ty thấm đẫm ánh trăng cũng óng ánh như kim tuyến, thuỷ ngân. Đây rồi, đúng chỗ này… Đêm ấy trăng cũng sáng như đêm nay. Chỉ có khác trăng đêm nay là một đêm trăng thanh bình, yên ả, một đêm trăng ngọt ngào, tinh khiết, còn trăng đêm ấy lại là một đêm trăng lẫn trong khói súng, khói bom, lẫn trong vô vàn tiếng nổ, lẫn trong nhì nhoằng tia chớp dọc ngang như muốn xé rách bầu trời của bom đạn. Ánh trăng đêm ấy như cũng chao đảo, rung rinh tưởng có thể rơi rụng không tồn tại nữa. Khẩu đội DKZ do Trần Tam chỉ huy vừa vượt sông Bến Hải vào đây chưa kịp nghỉ ngơi đã được lệnh ém sẵn bên cồn cát này ngay từ chập tối. Lúc ấy trăng mới chỉ lấp ló trên ngọn cây, ánh trăng mới chỉ quét một vệt sáng nhờ nhờ trên mặt cát. Nhiệm vụ của ông và đồng đội lần này là phải bằng mọi giá tiêu diệt cho được chiếc tàu chở dầu của địch từ Đông Hà ra Cửa Việt. Đây là mệnh lệnh từ chính Tư lệnh bộ chỉ huy mặt trận. Đã mấy tiếng đồng hồ trôi qua. Nhìn ông trăng tròn vành vạnh càng lúc càng thấp dần về phía tây mà ai cũng hồi hộp, nom nớp, đứng ngồi không yên. Ai cũng tự hỏi sao giờ này rồi mà giao liên chưa có mặt? Rồi có những ý kiến cho rằng đánh tàu địch sao không đánh vào những đêm không trăng mà lại nhằm ngay vào đêm nay, một đêm trăng rất sáng, sáng như ban ngày? Cuối cùng thì người giao liên cũng xuất hiện. Người đó không ai khác là Nguyệt, cô du kích chèo đò một thời tiếng tăm lừng lẫy, người mà cả khẩu đội ai ai cũng khát khao muốn gặp, muốn được bắt chuyện làm quen và nếu có thể còn muốn được… trêu chọc, tán tỉnh nữa. Nhưng tất cả đã diễn ra ngoài dự kiến. Bằng một thái độ dửng dưng, có vẻ hơi lạnh lùng, Nguyệt giới thiệu qua về mình, trình bày tóm tắt phương án tác chiến rồi nhanh chóng ra hiệu cho cả khẩu đội đi theo mình sau khi đã hỏi một câu, giọng lạnh tanh: “Có ai có ý kiến gì nữa không?”. Đó là lần đầu tiên Trần Tam gặp Nguyệt. Gặp mà không được nhìn ngắm, không được chuyện trò. Nhiệm vụ diễn ra quá cấp bách, thời gian phải tính từng phút từng giây. Vả lại, cô du kích làng Cát coi nhỏ con vậy thôi, hiền hiền vậy thôi chứ nghiêm khắc, kỹ tính và rắn lắm! Cả khẩu đội lúc ấy chỉ còn biết làm mỗi một việc là răm rắp nghe theo. Là con nhà lính, lại là lính “đặc biệt tinh nhuệ”, Trần Tam rất hiểu cái khái niệm “chấp hành mệnh lệnh” nó có ý nghĩa thế nào với người lính, nhất là người lính ở chiến trường. Mệnh lệnh của người giao liên lúc này quan trọng không kém mệnh lệnh của người chỉ huy. Mà trong một chừng mực nào đó nó còn quan trọng hơn cả lệnh của chỉ huy. Cả khẩu đội bốn người bước thấp bước cao, lầm lũi theo Nguyệt. Không một tiếng chuyện trò, xuýt xoa. Không một tiếng thở dài. Không một cái đập muỗi… Tất cả cứ thế mà đi. Đi theo cái bóng nhỏ nhỏ, thương thương của cô du kích làng Cát.

Trần Tam quay trở lại nhà trọ. Không biết lúc này nước biển đang xuống hay đang lên nhưng trăng thì đã chếch hẳn về phía tây. Đôi bờ cầu Cửa Tùng ánh điện vẫn như sao sa, rực rỡ một góc trời. Tiếng sóng biển nghe có vẻ như trầm lắng hơn, xa ngái hơn. Vợ chồng người chủ phòng trọ vẫn mải miết làm gì đó bên cái giếng khoan. Trần Tam ngả người xuống tấm đệm muốn ngủ một giấc nhưng không tài nào chợp mắt được. Có lẽ ở một người tuổi tác như ông phải khó khăn lắm mới dỗ được giấc ngủ. Huống hồ đây lại là đêm xa nhà, hơn thế, lại là đêm đầu tiên trở lại với cảnh cũ với bao kỷ niệm thời chiến. Ông lại nhớ tới cô du kích làng Cát năm xưa, nhớ lại cái trận đánh tàu địch trên sông Cửa Việt. Trận ấy ông và đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, bởi không chỉ chiếc tàu chở dầu bị bắn cháy mà cùng với nó còn có một chiếc tàu khác bị bắn hạ. Hai cột lửa bốc cao giữa lòng sông trong một đêm trăng vằng vặc, tất cả những người trong đội Trần Tam sung sướng không sao tả được! Sau này khi có dịp ngồi kiểm điểm lại trận đánh, Trần Tam mới vỡ lẽ ra rằng chính Nguyệt là người đã có sáng kiến đề xuất với bộ chỉ huy mặt trận cho tập kích tàu địch vào đúng cái đêm trăng ấy. Bởi theo cô đó là thời điểm mà bọn địch sơ hở nhất, ít ngờ tới nhất. Trận đánh thắng lợi, kẻ địch tổn thất nặng nề nhưng ta cũng phải trả một cái giá không nhỏ, một người hy sinh và một người bị thương. Người bị thương không ai khác mà chính là Trần Tam. Vết thương không nặng lắm nhưng oắi oăm thay nó lại trúng ngay vào bắp chân nên thật khó có thể một mình đi lại được. Còn lại ba người lành lặn với một tử sĩ, một thương binh, một khẩu DKZ và mấy khẩu tiểu liên. Đi vào đã khó, bây giờ đi ra lại càng khó hơn. Phải làm sao rút ra an toàn trước lúc trời sáng. Đây là địa bàn đang nằm trong thế cài răng lược giữa ta và địch nên không thể chủ quan, sơ suất. Mang vác, đi đứng thế nào đây? Bàn bạc một lúc rồi mọi người cũng tìm được cách khắc phục. Hai người khoẻ có nhiệm vụ cáng tử sĩ. Cho thêm vào cáng khẩu DKZ. Có nặng một tý nhưng vẫn cáng tốt. Trần Tam bị thương chịu khó khoác thêm vào người khẩu tiểu liên sẽ được Nguyệt dìu đi, thế là ổn. Nói thì dễ, nhưng khi đi mới thấy khó khăn làm sao! Dù đã được băng bó kỹ càng, nhưng vết thương vẫn rỉ máu. Mỗi bước đi là đau nhức không sao chịu nổi. Trần Tam vẫn bám vào Nguyệt, nghiến răng lại mà bước. Nguyệt cũng chẳng thảnh thơi gì, trên người đã lỉnh kỉnh đủ thứ lại phải dìu, phải đỡ Trần Tam nên mệt rã người. Đi được chừng vài cây số thì Trần Tam không sao bước nổi nữa. Cả vành băng quanh bắp chân máu đã thấm ra ướt đẫm. Hai người cáng tử sĩ đã vượt lên phía trước rất xa. Nguyệt phải băng lại vết thương cho Trần Tam rồi mới tiếp tục lên đường. Nhưng Trần Tam đã không sao bước được nữa. Phải làm thế nào đây? Không lẽ bỏ Trần Tam ở lại một mình để Nguyệt băng lên phía trước tìm sự chi viện? Như thế sẽ không kịp, sẽ nguy hiểm cho Trần Tam. Cuối cùng, không còn cách nào hơn Nguyệt đành đưa ra phương án là Trần Tam phải chấp nhận để Nguyệt cõng. Sau một lúc chần chừ, miễn cưỡng, Trần Tam cũng phải đồng ý để cho Nguyệt cõng mình. Cô du kích coi nhỏ bé, gầy gò vậy mà thật khoẻ. Cõng thương binh đã đủ mệt, thế mà còn phải mang theo bao nhiêu thứ trên người.

Không biết làm cách nào mà Nguyệt lại có thể đi được, lại có thể bước được những bước nặng nề như vậy trên mặt cát. Có lẽ Nguyệt đã phải cố gắng lắm và trong cô còn có một sức mạnh vô hình nào đó mới cáng đáng nổi! Cùng với sự nỗ lực và ý chí, ròng rã mấy giờ liền, Nguyệt đã cõng Trần Tam trên lưng mình. Bóng hai người nghiêng ngả đổ dài trên cát.

Vợ chồng người chủ phòng trọ vẫn mải miết làm gì đó bên cái giếng khoan. Có vẻ như họ rất bận bịu với công việc của mình. Từ lúc đến đây Trần Tam để ý thấy họ chẳng lúc nào ngơi tay. Cặp vợ chồng này trông cũng khá đẹp đôi, chỉ tội cái nước da hơi đen. Và cả vợ lẫn chồng ai cũng nhanh nhẹn, tháo vát, mồm miệng xởi lởi. Đã mấy lần ông định gặp họ hỏi han đôi điều nhưng xem ra cả hai chẳng lúc nào rảnh rỗi. Bây giờ không ngủ được Trần Tam lại muốn tìm đến chuyện trò với họ. Thì ra cặp vợ chồng này đang tranh thủ làm mắm. “Tụi con tranh thủ làm thêm. Dân miền biển mà không tận dụng lúc cá được mùa giá rẻ làm vài chum mắm để đấy là sai sách chú à!” – người vợ nhanh nhẩu nói với Trần Tam vậy. Đắn đo một lúc rồi Trần Tam cũng hỏi họ về Nguyệt. Họ nói rằng ở làng Cát này có tới ba người phụ nữ cùng tên Nguyệt, cả ba đều sàn sàn tuổi nhau và trước đây ai cũng từng là du kích chiến đấu rất dũng cảm.

– Chú muốn hỏi về cô Nguyệt một thời chèo đò và làm giao liên?…

Cả hai bỗng dừng tay nhìn ông:

– Chú quen cô Nguyệt đó à?

– Ừ, hồi chiến tranh chú đóng quân ở đây nên chú quen cô ấy.

– Và bây giờ chú muốn tìm thăm lại cô ấy?

– Ừ! Các cháu có biết cô ấy không?

Cô vợ nhìn chồng tủm tỉm cười rồi quay lại phía Trần Tam nói với ông có vẻ rất phấn khởi:

– Không những biết mà cô Nguyệt đó còn là người thân của vợ chồng cháu, vì… Vì cô ấy là mẹ cháu mà chú!

– Mẹ của cháu? – Trần Tam sửng sốt.

– Dạ!

Trần Tam gần như reo lên:

– Trời, sao lại có sự trùng hợp này? Thế từ ấy đến nay mẹ cháu làm gì và giờ thế nào?

– Dạ, sau giải phóng, mẹ cháu làm việc ở xã, rồi được điều lên huyện, lên tỉnh công tác ở hội phụ nữ. Cách đây mấy năm mẹ cháu nghỉ hưu… – Cô gái nói đến đó thì dừng lại không nói nữa, vẻ mặt trở nên buồn rầu, trầm lặng.

– Mẹ cháu có khoẻ không? – Trần Tam sốt sắng hỏi.

Phải một lúc sau cô gái mới trả lời, giọng run run:

– Mẹ cháu ốm nặng và mất được nửa năm nay rồi chú ạ!

– Trời! – Trần Tam kêu lên. – Vậy mà chú cứ đinh ninh rằng lần này chú sẽ gặp lại mẹ cháu!

– Dạ! Giá mà mẹ cháu còn sống chắc mẹ cháu sẽ mừng lắm khi có chú vào thăm. Nay, mẹ cháu không còn nữa chú sẽ là khách quý của vợ chồng cháu. Tên cháu là Hằng Nga!

Bấy giờ Trần Tam mới nhìn kỹ khuôn mặt cô gái. Ừ, Hằng Nga cũng có khuôn mặt hao hao giống Nguyệt. Nhất là ở đôi mắt, một đôi mắt đen lay láy không thể lẫn với ai. Nhìn Hằng Nga ông có cảm giác như thấy Nguyệt đang đứng trước mặt mình. Và cả cái tên của con gái Nguyệt nữa. Hằng Nga! Tên ấy cũng có nghĩa là vầng trăng.

Trần Tam quay trở lại phòng ngủ. Ông nằm xuống nhưng chỉ một lát lại ngồi dậy. Ông biết chắc chắn rằng đêm nay ông sẽ không ngủ được, không thể nào ngủ được. Đêm ở làng Cát có quá nhiều những tình cảm buồn vui lẫn lộn đang dập dồn ùa đến làm rung động, xao xuyến cõi lòng ông lúc này. Thôi thì hãy thức trọn một đêm nay với làng Cát. Hãy thức trọn với những ký ức của quá khứ và của cả những gì đang đến. Trần Tam mở cửa bước ra bên ngoài. Trên đầu ông là cả một trời đầy sao. Và trăng. Lạ chưa! Trăng đã chếch hẳn về hướng tây mà ánh trăng vẫn lung linh tỏa sáng, vẫn bát ngát, mênh mông…

ĐÊM – MIỀN BIÊN ẢI

Tiệc rượu kéo dài tới mười một giờ khuya vẫn chưa kết thúc. Năm Tuấn ngồi ở mũi thuyền ngắm nhìn những khuôn mặt xung quanh qua ánh sáng nhợt nhạt hắt ra từ một ngọn nến lớn. Sông Hậu về đêm, nơi tiếp giáp với đất bạn Campuchia phong cảnh thật thanh bình, yên ả. Có lẽ, chỉ có tiếng gió lao xao trên ngọn cây ven bờ và tiếng sóng dập dìu, eo óc dưới mạn thuyền lúc này là những thứ âm thanh nghe rõ hơn tất cả. Một phần vì phải ngồi ô tô trên một chặng đường ngót nghét cả nghìn cây số để vào đây, một phần vì chất men đã bắt đầu ngấm sâu vào lục phủ ngũ tạng nên Năm Tuấn đã cảm thấy rất mệt. Nhưng chả nhẽ chỉ vì thế mà đánh bài chuồn, bỏ dở một cuộc vui mà người ta tổ chức ra chỉ để mừng cho mình, một cựu chiến binh vào thăm lại chiến trường xưa. Thôi thì hãy cố gắng ngồi lại một lúc nữa với những con người tốt bụng để vừa nhâm nhi vừa trò chuyện. Năm Tuấn tự đặt ra cho mình một điều kiện là phải uống vừa phải, nói vừa phải, để luôn luôn giữ cho mình một tâm trí tỉnh táo, một phong độ chững chạc.

Một người nữa vừa bước xuống thuyền. Đó là một người đàn ông trạc độ năm lăm tuổi. Ông ta chào chung tất cả mọi người một câu rồi ngồi xuống khoang thuyền, hai chân xếp bằng lại, mặt hướng về Năm Tuấn. Thái độ của ông ta có vẻ rất tự tin. Sau khi đã uống cạn ly rượu từ tay chủ nhà trao, ông ta mới nhìn chằm chằm vào mặt Năm Tuấn lên tiếng: “Hồi chiều tui có nghe nói anh vừa ở quê vô nhưng vì bận công việc giờ mới tới thăm anh được. Chà, trông anh chẳng khác xưa là mấy. Ta uống với nhau một ly mừng cho cuộc gặp gỡ này nhé!”. Nói rồi người đàn ông nâng ly rượu lên hướng về phía Năm Tuấn. Anh cũng không ngần ngại nâng ly rượu lên hướng về phía ông ta. Mọi cặp mắt đổ dồn về phía anh. Hai người chạm ly. Chạm xong, người đàn ông ngửa cổ uống ực một cái. Còn Năm Tuấn, anh vẫn giữ nguyên ly rượu trong tay. Sở dĩ anh chưa uống vì anh chưa nhớ ra người đàn ông này là ai? Thật lạ! Trong số những người có mặt hôm nay, dù thời gian đã lùi lại phía sau khá xa; dù tuổi tác, nét mặt của mỗi người đã thay đổi đi ít nhiều, ấy thế mà khi gặp lại họ, anh đều nhận ra tất cả. Còn riêng với người này sao nghĩ mãi Năm Tuấn vẫn không thể nhớ ra. Hay ông ta đã nhầm anh với một người nào đó? – “Tui là Đỏm, Hai Đỏm đây! – Người đàn ông lại lên tiếng. – Còn anh, anh là Năm Tuấn đúng không? Anh còn nhớ cách đây mấy mươi năm trước tại bờ sông Bình Di…”. Người đàn ông nói đến đó thì dừng lại không nói nữa. Còn Năm Tuấn, chỉ trong một tích tắc, sau khi người đàn ông tự giới thiệu tên mình, anh cũng đã nhớ ra ông ta là ai và đã gặp ông ta trong hoàn cảnh nào. “Anh thấy nơi này giờ khác xưa nhiều không?”. Người có tên là Đỏm lại lên tiếng. Năm Tuấn không trả lời anh ta mà chỉ khẻ gật đầu. Cái gật đầu như muốn nói rằng, tất cả đã thay đổi, cả anh cũng thay đổi, cả tôi cũng thay đổi. Thay đổi rất nhiều so với ngày ấy.

Tiệc rượu càng về khuya càng trở nên rôm rả. Đã lâu lắm rồi Năm Tuấn mới được sống lại cái không khí ồn ào, náo nhiệt nơi vùng biên cương sông nước này cùng cái tư chất phóng khoáng, chơi hết mình của người dân Nam Bộ mà anh từng một thời nếm trải. Chỉ có khác là hồi đó những người có mặt hôm nay, từ anh Năm Bủng, đến Hai Đỏm… và cả anh nữa đều còn đang rất trẻ. Nay, ai cũng lù xù, đầu ahi thứ tóc. Mặt mũi thì chân chim, chân gà chồng chéo ngang dọc. Chả trách cả chủ lẫn khách gặp nhau mà chả nhận ra nhau. Được cái tửu lượng thì ai cũng dồi dào, hăng hái còn hơn cả thời trai trẻ. Hết ly này tới ly khác, hết chai này tới chai khác mà cuộc vui vẫn chưa chịu tàn. Năm Tuấn đã thực sự thấm mệt nên cũng chỉ nâng lên hạ xuống cái ly cho phải phép. Anh nhâm nhi lát xoài tươi vằm nhỏ dằm nước mắm ngồi nghe Năm Bủng ca vọng cổ, đợi giải tán, rồi lăn ra khoang thuyền ngủ lúc nào không hay. Tỉnh lại mới biết là mọi người đã ra về từ lúc nào. Chỉ còn lại anh và gia đình người chủ thuyền. Họ móc mùng, lót gối, đắp mền cho anh lúc nào anh cũng chả biết. Thế mới biết ngấm rượu là ngủ say như chết, ngủ như không còn biết trời đất là gì. Nhưng tỉnh rượu mới là điều lạ lùng. Tỉnh vô cùng, tỉnh không thể nào ngủ lại được nữa. Chả biết người khác có vậy không, chớ Năm Tuấn là thế. Cả lúc này cũng vậy, dù đầu óc vẫn quay cuồng, nôn nao, dù con thuyền đang tròng trành, lắc lư êm ái, anh vẫn không sao ngủ lại được nữa. Thiệt giống hệt cái đêm cách đây mấy mươi năm trước. Năm Tuấn bỗng nhớ tới Hai Đỏm và câu nói nửa chừng của anh ta. Anh biết Hai Đỏm nhắc tên con sông ấy không phải chỉ để Năm Tuấn nhận ra anh ta mà cái chính là muốn Năm Tuấn nhớ tới một chuyện xảy ra đã lâu. Mà chuyện ấy thì có lẽ cả anh và Hai Đỏm không ai là không nhớ.

… Những ngày gần cuối năm bảy lăm, lúc miền Nam vừa mới giải phóng và biên giới Việt Nam – Campuchia đang thực sự trở nên nóng bỏng bởi cuộc chiến tranh do bè lũ Pônpốt gây ra. Trong một đêm giữa cái lán dã chiến nơi vùng biên ải, sau một ngày cùng đồng đội chống trả quyết liệt với các đợt tấn công của địch, đã rất khuya mà Năm Tuấn vẫn không sao ngủ được. Anh cứ trằn trọc, thao thức, hết trở mình bên này lại lật mình sang bên kia bởi một câu hỏi cứ lặp đi lặp lại trong đầu. Vì sao những quả đạn pháo của bọn Pônpốt từ tít tận bên kia biên giới bắn sang lại rơi rất chính xác vào trận địa chốt của bộ đội ta? Bọn này dù có tài đến mấy cũng không thể bắn trúng mục tiêu một cách tuyệt đối như vậy được. Phải chăng có ai đó sống trong khu vực biên phòng này đã làm gián điệp điều chỉnh pháo cho chúng? Sau một hồi suy nghĩ, Năm Tuấn cho rằng đây không còn là một câu hỏi, hay đơn thuần chỉ là một mối nghi ngờ nữa mà đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng cần nghiêm túc điều tra làm rõ. Chắc chắn có ai đó đã làm việc này! Năm Tuấn khẳng định lại một lần nữa. Nhưng kẻ đó là ai, ở đâu, thì tất cả vẫn chỉ là bóng đêm bao phủ trước mắt anh. Năm Tuấn cố vắt óc ra để suy nghĩ, tìm tòi. Vậy rồi anh nghĩ tới một người. Đó là người đàn ông vừa vượt biên từ Campuchia trở về Việt Nam cách đây không lâu. Các chiến sĩ biên phòng đã bắt được anh ta trong một đêm tuần tra biên giới. Anh ta trạc độ ba mươi tuổi. Lúc bị bắt mặt mày anh ta phờ phạc, hốc hác; áo quần thì rách nát, bẩn thỉu. Người đàn ông tự khai là Cang, Việt kiều ở Campuchia. Anh ta nói rằng, anh ta theo gia đình sang bên ấy sinh sống từ trước năm một chín bảy lăm. Nay, ở Campuchia bọn Pônpốt đang thi hành chính sách diệt chủng, tàn sát đẫm máu đồng bào Khơme và Việt kiều ta. Anh ta sợ quá nên tìm cách trốn về nước. Năm Tuấn tự hỏi, liệu Cang trở về Việt Nam có đúng như anh ta khai không hay nhằm mục đích gì khác? Có thể những điều anh ta nói chỉ là dối trá để nhằm che đậy con người thật của anh ta chăng? Cả đêm ấy Năm Tuấn đã gần như thức trắng cho đến sáng. Lúc nào trước mắt anh cũng hiện lên hình bóng Cang với khuôn mặt phờ phạc và bộ quần áo rách nát.

“Ai chớ Tư Cang thì tụi tui có lạ chi! Anh muốn biết về ảnh hả? Được thôi!”. Năm Bủng, một người dân cùng ấp với Cang nói với Năm Tuấn rồi kể về Cang cho anh nghe. Tư Cang tên thật là Xixănđon. Cha anh ta là người Khơme, mẹ là người Việt Nam. Hồi chế độ cũ, Tư Cang rất nổi tiếng với nghề đâm thuê chém mướn kiếm tiền. Cha Cang trong một lần rượu chè quá chén đã lỡ tay đánh chết vợ. Cang thù cha rồi từ mặt cha, cắt đứt tình máu mủ. Anh ta thương mẹ nên đặt tên mình theo tiếng Việt và lấy họ mẹ. Trước năm một chín bảy lăm không lâu, anh ta rời Việt Nam sang Campuchia sinh sống. Trong kháng chiến, kiều bào ta đã đoàn kết với nhân dân Campuchia chống lại kẻ thù chung, thì Cang, trái lại có cảm tình với địch. Cứ dăm bữa, nửa tháng anh ta lại đi Phnôm Pênh, Xoài Riêng, Xiêm Riệp hay Côngpôngxưpư… một chuyến. Mục đích của những chuyến đi không ai rõ, chỉ biết rằng, sau mỗi lần trở về, Cang lại sống rất xa hoa, tiêu xài xả láng, có vẻ như rất sẵn tiền. Thường xuyên lui tới nhà Cang là những người xa lạ, chẳng ai biết ở đâu, làm gì. Tình cảm giữa kiều bào ta với Cang phai nhạt dần, không còn qua lại đùm bọc, giúp đỡ nhau như trước nữa. Năm một chín bảy lăm, quân Pônpốt lên cầm quyền, thẳng tay tàn sát đồng bào Campuchia, đàn áp, xua đuổi Việt kiều ta về nước và gây ra cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước. Riêng Cang bị chúng bắt đưa đi đâu một thời gian rồi thả về. Năm Tuấn tự hỏi, phải chăng Cang đã bị bọn phản động dụ dỗ, mua chuộc và bây giờ chúng cho Cang về nước để thực hiện những âm mưu đen tối của chúng?

Con thuyền bỗng lắc mạnh một cái rồi nghiêng về một bên như có ai vừa bước lên. Năm Tuấn ngồi bật dậy nhìn ra. Đúng thế thật, có một người đang đi trên tấm ván gác từ bờ ra thuyền. Qua ánh sáng nhờn nhạt anh nhận ra người đang đi xuống là Hai Đỏm. Tại sao Hai Đỏm lại đến đây vào giờ này? Năm Tuấn đang phân vân nghĩ ngợi thì Hai Đỏm đã nhảy phóc lên thuyền, đứng sừng sững trước mặt anh. Tay Hai Đỏm cầm một con dao dài sáng loáng. Như có linh tính mách bảo điều chẳng lành, Năm Tuấn lùi lại phía sau. Tim anh đập rộn lên như muốn vỡ tung lồng ngực. Anh loay hoay tìm một cái gì đó nhưng có và cũng không kịp nữa rồi. Bỗng có tiếng cười xòa: “Tìm chi vậy anh hai?”. Hai Đỏm hỏi rồi ngồi xuống khoang thuyền, gác con dao lên hai đầu gối. Năm Tuấn nhìn Hai Đỏm ậm ự trong cổ không biết trả lời sao. Hai Đỏm lại nói tiếp: “Bộ lạ nhà không ngủ được hay sao hả anh Năm? Tui đi coi đìa, ngang qua nhòm vô, thấy anh cứ trở mình trở mẩy hoài nên ghé lại định rủ anh qua nhà lai rai vài xị cho đỡ buồn”. Thật hú vía! Thế mà ngỡ thằng cha này đêm hôm mò xuống đây để trả thù chuyện năm xưa. Hai Đỏm nói tiếp: “Đã mất công từ ngoài ấy vô thì cũng nên đi đây đi đó một lát cho vui…”. Năm Tuấn vui vẻ đáp lại: “Nhất định tôi sẽ ghé thăm anh chị và các cháu. Ta đợi đến sáng đi anh!”. “Vậy cũng được! Thôi, anh cố ngủ đi một lúc, tui đi đây!”. – Hai Đỏm chào Năm Tuấn rồi bước về phía mui thuyền. Nhoáng một cái bóng anh ta đã mất hút trong màn đêm.

Càng về khuya gió trên sông Hậu càng lồng lộng, con thuyền càng lắc lư mạnh hơn. Năm Tuấn không tài nào ngủ lại được nữa. Anh cố làm mọi cách vẫn không sao ngủ lại được. Kể từ lúc gặp Hai Đỏm, tâm trí anh như lúc nào cũng dồn hết về anh ta. Rồi cả hình bóng Tư Cang, một con người đầy mưu mô quỷ quyệt của mấy mươi năm trước cứ lởn vởn trong tâm trí anh. Năm Tuấn nhớ tới ngày ấy, ngày mà anh cùng đồng đội quyết ra tay để vạch trần cho bằng được con người thật của Tư Cang và đồng bọn, trong đó có Hai Đỏm, một tay chân đắc lực của hắn.

Hôm ấy là một ngày bình lặng, không gian im ắng tưởng như chẳng có chuyện gì xảy ra. Không có tiếng súng. Không có cảnh chết chóc. Không có những trận tấn công hay nã pháo của cả hai bên. Tất cả im ắng đến đáng sợ. Đó đây trên bầu trời trong xanh đã lại thấy thấp thoáng những cánh chim bay lượn. Sang đến ngày thứ hai, thứ ba cũng vậy. Thế rồi bước sang ngày thứ tư, mới sáng sớm tinh mơ, từ bên kia biên giới bỗng rộ lên một loạt tiếng nổ đầu nòng. Sau đó là tiếng gió rít như xé vải trên đầu và một loạt tiếng nổ của các loại pháo, cối. Mặt đất ầm ầm rung chuyển. Tiếng nổ càng lúc càng dày đặc, càng lúc càng dập dồn. Cả một vùng biên cương chìm ngập trong khói lửa.

Đang trên đường làm nhiệm vụ thì Năm Tuấn gặp pháo của địch, tiếng nổ như vây lấy anh. Năm Tuấn phải tạm lánh vào căn hầm bên đường. Chợt nghĩ sao anh nhảy ra khỏi nơi ẩn nấp rồi cứ thế lao mình băng băng trên đường. Khói lửa trùm lấy anh. Những mảnh đạn bay vèo vèo quanh anh. Mặc! Năm Tuấn như không còn hay biết gì nữa, không còn lo sợ gì nữa. Điều anh nghĩ đến lúc này là phải bằng mọi giá đến được nhà Tư Cang. Phải đến ngay bây giờ. Phải đến ngay trong lúc pháo, cối của địch chưa kịp dừng lại. Nghĩ thế và anh vẫn băng băng trên đường. Một quả pháo nổ gần làm anh bị thương nhẹ ở tay. Năm Tuấn giữ chặt lấy vết thương và bước chân vẫn không dừng lại. Nhưng khi anh đến được nhà Tư Cang thì pháo địch đã thôi bắn. Ngôi nhà vắng vẻ, cửa đóng kín. Phải một lúc Năm Tuấn mới thấy Tư Cang từ đâu đó chạy về. Mặt mũi anh ta mồ hôi mồ kê nhễ nhại, áo quần lấm bê bết bùn đất. Nhìn điệu bộ của Tư Cang, Năm Tuấn thấy anh ta có vẻ rất lúng túng. Để tránh sự ngờ vực, Năm Tuấn vội lên tiếng nói với Tư Cang rằng mình đang trên đường đi công tác thì trúng mảnh pháo phải vào đây xin mảnh vải để băng vết thương. Một phút chần chừ rồi Tư Cang cũng nhanh bước vào nhà lấy bông băng ra băng vết thương cho Năm Tuấn. Trong lúc Tư Cang lúi húi băng vết thương, Năm Tuấn đã tình cờ nhìn thấy ở túi quần sau của anh ta có dắt một khẩu súng ngắn loại col45 của Mỹ.

Vậy là rõ. Từ những thu thập về nhân thân kết hợp với những gì vừa thấy, Năm Tuấn đã có đủ cơ sở để khẳng định về con người thật của Tư Cang. Hắn chính là một tên gián điệp đã được tung về nước để hoạt động chống phá ta. Việc bắt giữ hắn có thể được tiến hành bất cứ lúc nào bởi lúc này hắn đã như con cá trong chậu. Điều quan trọng là cần tiếp tục điều tra để biết xem ngoài hắn ra còn có bọn tay chân nào nữa không? Và ngoài hoạt động điều chỉnh pháo bọn chúng còn làm những gì? Năm Tuấn báo cáo tình hình lên cấp trên và một chuyên án được thành lập. Chẳng bao lâu chân tướng phản dân hại nước của Cang đã dần dần lộ ra. Một lũ đàn em thân tín do Cang dụ dỗ, mua chuộc đi theo hắn cũng dần dần lộ ra.

Tư Cang được bọn quan thầy của chế độ Pônpốt và ngụy quyền Sài Gòn sống lưu vong cho trở về Việt Nam với hai mục đích là làm chỉ điểm điểu chỉnh pháo và chắp nối với bọn phản cách mạng trong vùng. Cả hai việc được Cang song song thực hiện. Hắn đã trực tiếp nhiều lần dùng bộ đàm gọi pháo cối bắn vào các điểm chốt của bộ đội ta. Đồng thời hắn cũng đã dò la, móc nối được với một số phần tử xấu để sai khiến. Bọn này chủ yếu là các sĩ quan, binh lính của chế độ cũ hiện đang sinh sống tại các xã dọc biên giới. Do mặc cảm với quá khứ, lại chưa hòa nhập với cuộc sống hiện tại, nên khi được Cang ngon ngọt dụ dỗ chúng đã tỏ ra rất hăng hái. Trong số này phải kể đến Bảy Hàm và Hai Đỏm. Hàm và Đỏm trước đây từng là thủy quân lục chiến trong quân đội Sài Gòn. Từng nhiều năm theo đơn vị đóng quân ở khu vực biên giới nên rất thông thạo tình hình ở đây. Cả hai được Cang giao nhiệm vụ lôi kéo những thanh niên chậm tiến, những kẻ chán đời gia nhập tổ chức Tuổi Xanh đợi dịp sẽ nổi đậy chống phá cách mạng và gây rối trật tự trị an. Hàm và Đỏm đã tỏ ra khá tích cực trong công việc được giao. Chúng được Cang tin cậy nên chi tiền cho ăn uống, chơi bời thả cửa. “Các anh phải hết sức cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi sẽ có trách nhiệm theo dõi báo cáo lên cấp trên. Các ổng đã hứa là không tiếc bất cứ phần thưởng nào đối với chúng ta, nếu chúng ta hoàn thành nhiệm vụ…”. Trong một bữa rượu Tư Cang đã nói với Hàm và Đỏm như vậy. Bảy Hàm mừng rỡ khoe với Cang là hắn vừa rủ thêm được hai người gia nhập tổ chức Tuổi Xanh. Và hắn cũng không quên nhắc đến một người thứ ba mà hắn cho rằng người này cho đến nay vẫn đang lưỡng lự, chần chừ, chưa chịu nhận lời. Tư Cang nghe vậy thì gầm lên chửi rủa, quát tháo một lúc, rồi ngay đêm ấy hắn ra lệnh cho Hàm và Đỏm đi theo hắn.

Đêm ấy, trong một ngôi nhà sàn nhỏ nằm ven thị trấn biên giới, gia đình Út Tam đã hoàn toàn yên tĩnh trong một buổi tối êm đềm hạnh phúc. Chị vợ vừa mới chợp mắt, anh chồng thì còn đang thao thức bởi một điều khiến anh phải trằn trọc suy nghĩ. Mấy ngày nay anh chẳng còn tâm trí đâu mà làm việc. Không nghĩ đến thì thôi, chứ nghĩ đến anh lại thấy lo lắng, bất an mà không biết phải giãi bày cùng ai. Trong đầu anh mông lung với những suy nghĩ, “thì ra Tư Cang sau bao năm lang bạt xứ người, nay trở về nước với mưu đồ đen tối. Tụi thằng Hàm, thằng Đỏm đã theo Cang, sa chân vào con đường tội lỗi, nhúng tay vào việc xấu. Chúng nó trước đây từng là đồng ngũ với mình, rồi khi giải phóng, cùng đi học tập cải tạo, cùng được tha bổng cho trở về làm ăn lương thiện. Sao chúng nỡ lòng quay ngoắt một trăm tám mươi độ, tiếp tục dấn thân trở lại con đường xấu xa một thời ấy. Chúng lại còn rủ mình đi theo chúng với những hứa hẹn viển vông nữa chớ! Mình không những không đồng ý mà còn phản đối quyết liệt. Nhất định chúng sẽ không để mình yên. Bằng cách này hay cách khác, chúng sẽ gây khó dễ, thậm chí trả thù mình. Mình phải làm gì đây? Không lẽ biết mà đành làm ngơ để tụi nó lọng hành, tiếp tục gây tội ác. Thôi, không suy nghĩ gì nữa. Ngay ngày mai phải tìm gặp các anh bộ đội biên phòng nói ra sự thật này”. Nghĩ tới đó Út Tam ngủ thiếp đi.

Bỗng có tiếng gõ cửa. Tiếng gõ dập dồn, gấp gáp. Cả hai vợ chồng Út Tam cùng giật mình thức dậy. Chị vợ thì thầm vào tai chồng: “Đêm hôm khuya khoắt ai đến đây làm chi vậy? Anh ra coi thử!”. Nghe lời vợ, Út Tam lồm cồm ngồi dậy, chui ra khỏi mùng rồi đi về phía cửa. Bên ngoài trăng sáng như ban ngày. Anh nghe có tiếng gọi tên anh. Út Tam nhận ra người gọi mình là Bảy Hàm nên bực bội nói: “Tui đã trả lời anh mấy lần rồi, sao anh không để tui yên mà quấy rầy chi hoài vậy? Anh về đi, khuya rồi, để tui ngủ!”. Bên ngoài vẫn tiếng Hàm van nài: “Thì tui đến đây đâu chỉ vì chuyện ấy…”. Tuy chần chừ, nhưng cuối cùng Út Tam cũng mở cửa, thong thả bước xuống cầu thang. Như chỉ chờ có thế. Bên cạnh cửa, Tư Cang nép sẵn vung dao giáng xuống. Út Tam chỉ kịp đưa hai tay lên đầu chới với một lúc rồi ngã gục xuống, lăn từ trên cầu thang xuống đất, không kêu được một tiếng. Trong nhà chị vợ hỏi to: “Anh Tam, anh làm đổ cái gì vậy?”. Như có linh tính chuyện chẳng lành, chị vùng dậy chạy xuống. Qua ánh trăng vằng vặc chị thấy có mấy người vừa từ nhà chị bỏ chạy về phía biên giới. Và ở dưới đất chồng chị đang nằm im lìm bất động. Chị ôm lấy chồng lay gọi. Nhưng Út Tam đã chết!

Vụ giết người ngay trong đêm đó được cơ sở phát hiện báo ngay cho Năm Tuấn. Nắm chắc tình hình không ai khác ngoài Tư Cang và đồng bọn gây nên vụ án, Năm Tuấn trình bày ý kiến gấp với cấp trên và xin chỉ thị hành động. Kế hoạch được triển khai nhanh chóng và bí mật. Chỉ sau đó vài chục phút, Bảy Hàm đã bị bắt ngay tại nhà hắn khi hắn vừa lững thững cầm con dao dính máu trở về. Cùng lúc ấy Hai Đỏm có việc đến nhà Hàm. Đỏm vừa đến đầu ngõ thì hoảng hốt bỏ chạy khi nắm được sự việc xẩy ra. Hắn ba chân bốn cẳng phóng một mạch đến nhà Tư Cang. Cang nghe Đỏm trình bày thì bực bội gầm gừ: “Vậy là lộ hết rồi! Thôi, nhanh nhanh thu xếp tẩu thoát!”. Đỏm run rẩy: “Tôi… tôi có đi không?”. “Chú mày muốn chết thì ở lại!”. “Nhưng tôi không giết người”. “Không giết người… – Cang cười gằn – Chỉ riêng việc chú mày tham gia vào tổ chức Tuổi Xanh cũng đủ để người ta treo cổ chú mày rồi”. Thế là Hai Đỏm đành phải xin đi theo. Tư Cang lên đạn khẩu súng ngắn rồi cùng Hai Đỏm chạy đến một cái cầu sắt. Cang chui xuống gầm cầu, lục trong đám cỏ khô lôi ra một cái máy PRC25 giao cho Đỏm. “Chú mày mang dùm tôi!”. Nói xong, Cang hùng hổ đi trước. Đỏm mặt mày ủ rũ theo sau. Cả hai hướng về phía biên giới. Khi đến bờ sông Bình Di, con sông ranh giới giữa hai nước, cả hai chuẩn bị lội xuống thì từ ba phía ánh đèn pin lóe sáng. Nhiều họng súng chĩa thẳng vào người chúng. Tiếp đó là một giọng hô dõng dạc: “Tất cả đứng im! Các anh đã bị bắt!”. Tư Cang ngoan cố chụp lấy súng ở thắt lưng chĩa về phía trước. Nhưng hắn đã không kịp bóp cò. Cạnh đó, Năm Tuấn đã lao tới, giáng một cú đá vào người hắn. Tư Cang ngã sấp xuống làm khẩu súng trong tay văng về một bên. Riêng Hai Đỏm thì sợ quá khóc rống lên. Đêm ấy, ta lần lượt quét sạch băng nhóm phản cách mạng do Tư Cang cầm đầu. Cái gọi là tổ chức Tuổi Xanh đã hoàn toàn bị xóa sổ…

Lại một đêm nữa trôi qua nơi vùng sông nước miền Tây. Cũng như đêm đầu tiên khi mới đến đây, Năm Tuấn vẫn không sao dỗ được giấc ngủ. Anh cứ trằn trọc, thao thức hoài. Chắc hẳn sau mấy mươi năm xa cách, giờ trở lại nơi vùng biên cương, gặp lại cảnh cũ người xưa, với bao buồn vui, kỷ niệm, trong lòng anh có quá nhiều những bồi hồi, cảm xúc. Hơn hai mươi năm đã trôi qua, đất và người nơi miền biên ải này đã hoàn toàn đổi khác. Chẳng còn gì là dấu tích của một thời chiến tranh. Cuộc sống đang từng ngày đổi thay. Cảnh vật cũng trở nên tươi đẹp, đáng yêu biết nhường nào. Anh mừng cho tất cả đồng đội và bạn bè cũ của anh. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng tất cả đều làm ăn phát đạt. Có người còn trở nên giàu có nhờ chí thú làm ăn. Anh mừng cả cho Hai Đỏm, người một thời lầm đường lạc lối, đứng ở bên kia chiến tuyến nay đã là người lao động chân chính, có kinh tế khấm khá. Thật đúng là quả đất quay tròn! Không hẹn mà Năm Tuấn đã gặp lại Hai Đỏm. Suốt cả sáng nay anh đã dành trọn vẹn thời gian để đến thăm nhà Hai Đỏm. Trong cuộc hội ngộ đầy bất ngờ này cả hai đã gượng gạo ôn lại những kỷ niệm của một thời. Câu chuyện có lúc trở nên rời rạc, buồn tẻ, nhưng ai cũng muốn trút hết nỗi lòng mình. Năm Tuấn nhớ mãi câu nói của Hai Đỏm khi chia tay ra về: “Sau vụ ấy, Tư Cang phải chịu án tử hình. Tôi và những người khác thì chịu mức án từ năm năm cho tới hai mươi năm. Tôi đã sáng mắt ra rất nhiều sau lần vấp ngã ấy. Có lẽ hồi ấy do tuổi mình còn trẻ, nên nông nổi, không kịp nghĩ suy. Và bây giờ thì tôi đã có thể nói rằng, chỉ có ai ngốc nghếch, ngu si thì mới đi ngược lại con đường mà dân tộc đang đi…”. Năm Tuấn đã rất ngạc nhiên và vui mừng khi được biết Hai Đỏm bây giờ đã là một triệu phú nuôi cá tra, cá basa trên sông Hậu. Anh có tới hai bè nuôi cá mỗi vụ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng từ hai loại cá có giá trị xuất khẩu này. Anh lại càng ngạc nhiên hơn khi nghe Hai Đỏm nói về Ba Đảm: “Anh ấy ra tù sau tôi ba năm, nhưng nhờ chịu khó làm ăn, nên bây giờ cũng có một vườn cây ăn quả vài trăm gốc cho thu nhập khá cao hàng năm. Anh ấy còn sắm cả máy cày, máy gặt đập liên hoàn làm dịch vụ cho bà con trong vùng khi mùa màng, thời vụ đến. Đặc biệt, Ba Đảm có hai con, một gái một trai, học rất giỏi, năm rồi cả hai đứa đều là thủ khoa của hai trường đại học trong kỳ thi tốt nghiệp ra trường…”.

Càng về khuya gió trên sông Hậu càng trở nên lồng lộng hơn, phóng túng hơn. Con thuyền dập dềnh, lắc lư nhè nhẹ như một cánh võng. Mảnh trăng cuối tháng giờ mới chịu ló mình ra khỏi đám mây. Bầu trời đang nhờ nhờ bỗng vụt sáng. Những con sóng lăn tăn chấp chới, long lanh vô vàn những ánh sao khuya. Đêm biên cương vùng sông nước miền Tây thật mênh mông, sâu thẳm.

CÁNH ĐỒNG CHIỀU CỦA MẸ

Tôi mới về quê ngoại trưa nay. Tháng năm, mới chỉ hơn mười giờ đã thấy nắng chang chang bỏng rát, lại thêm ngọn gió Lào hầm hập nên cái nắng nóng càng thêm gay gắt, khó chịu. Trên con đường làng ngồn ngộn những chiếc xe trâu, xe công nông chất đầy lúa. Người người ngược xuôi đi lại. Trông ai cũng hối hả, vội vàng như muốn làm cho thật nhanh công việc để mau mau về đến nhà như thể chạy trốn cái nắng nóng. Từ căn bếp nhà cậu tôi thấy thoảng thơm mùi cơm gạo mới, mùi tiêu hành phi trên mỡ và cả mùi hến nấu canh rau, một món ăn dân dã mà tôi không bao giờ quên được.

Tôi không nhớ chính xác là mình đã về thăm làng Mai quê ngoại cả thảy bao nhiêu lần nhưng cứ mỗi lần trở về tôi lại được thưởng thức món ẩm thực quen thuộc, đậm đà hương vị quê kiểng ấy. Từ ngày về lần đầu đến nay cũng đã thấm thoắt mấy chục năm trôi qua rồi! Dù sống xa quê ngoại, nhưng tâm tưởng tôi vẫn luôn luôn hướng về. Quê ngoại! Đó là tất cả những gì yêu thương đằm thắm nhất, nhớ nhung da diết nhất. Nơi ấy là hình bóng ông bà ngoại, các dì, các cậu tôi sinh sống. Nơi ấy, mỗi nhành cây ngọn cỏ, mỗi bến bãi dòng sông… đều đã bồi đắp nên tâm hồn tôi, làm nên máu thịt trong con người tôi. Chính vì những tình cảm thân thương, sâu nặng ấy mà hình bóng về quê hương chưa một giây phút nào vơi cạn trong tôi. Để đến bây giờ, dẫu đã là một phụ nữ luống tuổi, mái đầu đã lưa thưa điểm bạc, lại bận bịu với biết bao công việc giữa cuộc sống hàng ngày, tôi vẫn vài năm một lần không quên sắp xếp thời gian để về thăm quê ngoại của mình.

Thuở ấu thơ, lúc mới chỉ lên chín, lên mười, tôi đã lơ mơ biết về quê ngoại qua lời kể của ba mẹ tôi. Tuy bé, nhưng mỗi câu chuyện về quê ngoại, tôi đều nhớ rất rõ. Tôi nhớ cả những địa danh như Cửa Tùng, Cửa Việt, Cồn Tiên, Dốc Miếu… Đặc biệt hai tiếng “làng Mai” tôi thuộc lòng ngay từ tấm bé. Và cứ mỗi lần nhắc đến hai tiếng ấy tôi lại thấy ngân rung lên trong sâu thẳm lòng mình. Có cảm tưởng như mỗi tên đất, tên làng mà tôi chưa một lần được đặt chân đến ấy cũng gần gũi, thân quen, nặng tình nặng nghĩa như chính nơi tôi đang sống. Không những thế, mà những tên đất, tên làng ấy còn có cái gì đó cứ khiến tôi nghèn nghẹn, rưng rưng cảm xúc mỗi khi nhắc đến. Tôi ao ước được một lần về thăm quê ngoại. Được tận mắt nhìn thấy cây cầu Hiền Lương và dòng sông có làn nước xanh trong, hiền hoà, bốn mùa lặng chảy. Và cũng được tung tăng chạy nhảy trên con đường làng và thích nhất là được ra sông cào hến, được vốc những vốc hến trong lòng bàn tay, để rồi mỗi buổi sáng mai lên, được cùng với đám trẻ trong làng dựng lò nhóm lửa, chơi trò “nấu canh hến” gánh đi bán rong, cùng với lời rao cất lên lanh lảnh: “Canh hến đây! Ai mua canh hến nào!” như mẹ tôi và bạn bè mẹ từng chơi với nhau từ thuở nhỏ! Có một lần, mẹ tôi chỉ tay vào tấm bản đồ tôi đang học bùi ngùi nói với tôi: “Quê ngoại của con ở ngay bên kia sông Bến Hải, nhưng để qua được con sông này thì mẹ con mình còn phải đợi đến ngày thống nhất đất nước con ạ!”. Từ đấy tôi mới hiểu rằng quê ngoại của tôi đang bị giặc Mỹ chiếm đóng. Và phải đợi đến khi thống nhất đất nước, tôi mới có thể qua được bên kia sông để về thăm quê ngoại. Trong tôi bỗng nhói đau. Có một cái gì đó trở nên hững hụt khiến tôi buồn bã, thất vọng. Nhưng tuổi thơ mọi chuyện vui buồn thường chỉ ở lại chốc lát rồi qua đi rất nhanh. Nhưng hình bóng về làng Mai, về quê ngoại cùng với mong ước được một lần về thăm thì cứ đeo đẳng bên tôi mãi.

Hồi ấy ba tôi là bộ đội đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam, còn mẹ tôi là một cô giáo, một nữ du kích làng Mai. Ba mẹ quen nhau rồi cưới nhưng chỉ được một tuần, ba lại tiếp tục vào chiến trường, rồi mẹ theo ba tập kết ra Bắc. Về quê được một thời gian ngắn thì ba tôi lại đi chiến đấu. Mẹ ở lại quê bố. Hai người xa nhau biền biệt, không thư từ, tin tức. Mãi gần mười năm sau ba tôi mới trở ra Bắc. Tôi nhớ dạo đó hình như là sau Tết Mậu Thân, ta vừa đánh lớn ở miền Nam. Năm đó tôi vừa tròn mười tuổi. Ba về rất nhanh rồi cũng ra đi rất nhanh. Có vẻ như ba rất vội vã, có lẽ do tình hình chiến sự không cho phép ba được ở lại lâu thêm. Rồi sáu, bảy năm sau đó cho tới lúc miền Nam hoàn toàn giải phóng, ba tôi cũng chỉ về lại một lần nữa, đâu như hồi Hiệp định Pari được ký kết.

Thường những lần ba tôi trở về, dù thời gian rất ngắn, có khi chỉ vỏn vẹn một, hai ngày, nhưng như thế cũng đủ để cái gia đình nhỏ bé của tôi được quây quần bên nhau, được ngập tràn trong niềm vui, hạnh phúc. Tôi được ba hết sức cưng chiều. Mỗi một lần gia đình đoàn tụ, ba thường có thói quen bế bổng tôi lên, hôn chùn chụt lên má rồi đặt tôi ngồi gọn lỏn trong lòng. Ba vuốt tóc tôi, vỗ về tôi. Còn tôi thì quàng tay ôm lấy cổ ba, bàn tay nhỏ bé của tôi thoa nhè nhẹ lên cái cằm lởm chởm râu của ba. Mẹ ngồi đối diện mỉm cười hạnh phúc nhìn hai cha con. Mặt mẹ lộ rõ niềm vui và cả niềm xúc động. Nhìn mẹ, tôi biết mẹ đã hạnh phúc biết nhường nào trong những lần ba trở về. Nghe chuyện ba mẹ nói với nhau, tôi biết thêm nhiều điều, trong đó có cả những chuyện mà lẽ ra trẻ con như tôi không cần phải quan tâm đến. Nhưng không hiểu sao mỗi câu chuyện ba kể với mẹ tôi đều để ý lắng nghe và nhớ rất kỹ. Như tình hình chiến sự ở miền Nam, ta đánh những đâu, thắng những đâu. Rồi cả những gian khổ, hy sinh mà ta đang phải chịu đựng.

call Hotline 1 0906223114 call Hotline 2 0906 223 114 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok