DẢI ĐẤT HẸP – CHẶNG ĐẦU ĐÁNH MỸ
GHI CHÉP DỌC ĐƯỜNG
Tác giả: HỮU MAI
NHÀ XUẤT BẢN TRẺ – 2005
Khổ 13 x 20 cm. Số trang: 217
Số hóa: hoi_ls
Giữa năm 1966, Tổng thống Mỹ Johnson quyết định tiến hành một cuộc chiến tranh hạn chế và không tuyên bố ở Việt Nam, tăng cường đánh phá miền Bắc Việt Nam bằng không quân, đổ thêm nhiều sư đoàn, lữ đoàn quân Mỹ vào Nam Việt Nam, nâng số quân Mỹ ngay trong năm từ tám vạn lên gần bốn mươi vạn. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn dân chống Mỹ cứu nước: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Quân Mỹ dồn ra Đường 9 lập hàng rào điện tử McNamara để ngăn đôi hai miền Nam, Bắc Việt Nam. Pháo đài bay chiến lược B.52 ném bom rải thảm suốt ngày đêm. Mưa chất độc hóa học đổ xuống biến núi rừng quanh năm xanh thành vùng đất chết. Lính Mỹ mang cờ hiệu sọc và sao núp sau xe tăng lao vào cuộc hành binh chiến lược “Tìm và Diệt”.
Ta mở Mặt trận Đường 9 để thu hút, giam chân một lực lượng lớn lính thủy đánh bộ Mỹ, hạn chế Mỹ đưa quân vào đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời chủ động phá kế hoạch địch đánh ra phía nam Khu 4 của ta.
Dải đất hẹp của nhà văn Hữu Mai kể lại cuộc hành trình dọc Trường Sơn, hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, vùng địa đầu của hai miền Nam, Bắc Việt Nam vào thời điểm cuộc chiến đấu giành tự do và thống nhất đất nước đi vào một giai đoạn thử thách cực kỳ quyết liệt. Tác giả đã giúp người đọc thấy được bối cảnh, con người và những tình cảm mang tính đạo lý của họ trong cuộc trường chinh chống Mỹ, trên con đường máu chảy về tim. DẢI ĐẤT HẸP do Nhà xuất bản Văn học ấn hành lần đầu năm 1967 với bút danh Trần Mai Nam, ngay sau đó đã được dịch ra các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, và trích dịch sang tiếng Ba Lan.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi tái bản tập sách này và trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
1.
Chúng tôi đi giữa những khu rừng màu xám dữ dội. Những cây cao rụng hết lá vì chất độc hóa học chỉ còn lại những cành khô cháy, xương xẩu, in hình trên vòm trời thấp đầy mây, nặng trịch như chiếc mền bông nhúng nước. Đôi chân chúng tôi đạp trên lớp lá dày cây cối đã trút xuống từ mấy mùa nay. Những chiếc lá mới rụng vì đợt thả chất độc hóa học cuối cùng còn xanh nguyên, tươi tắn, nằm trên lớp lá màu cánh dán ải mục vì nước mưa.
Quãng quãng, lại vượt qua một đám rừng cây cối bị bom cắt nằm ngổn ngang. Quang cảnh tơi bời gợi cho ta nghĩ tới hình ảnh một hung thần nào đó trong câu chuyện thần thoại, giữa một cơn điên đầu vì tuyệt vọng, đã vung lưỡi tầm sét khổng lồ chém đổ những cây cối không trêu chọc gì mình.
Đôi mắt của chúng tôi cứ đỏ lên vì bom đạn. Khắp miền Nam đâu đâu cũng là bom đạn. Nhưng ở trên dải Trường Sơn núi non triền miên nối tiếp nhau, bom đạn chúng thả xuống tưởng chừng không có nghĩa. Có lúc mình lại hỏi mình: “Chúng định làm gì thế này?” Chả lẽ những pháo đài bay của chúng từ trên đảo Gu-am xa lắc vượt biển đến đây chỉ cốt đạt lấy một sự thay đổi về màu sắc? Những nương sắn, nương bắp nho nhỏ là mục tiêu của chúng. Những khu rừng rậm, những con sông, con suối là mục tiêu của chúng. Cả những quả đồi trọc kia cũng là những mục tiêu của chúng…
Chiều qua, đồng chí trưởng trạm mời chúng tôi lại để phổ biến tình hình đường đi. Trong căn lán náu dưới rừng cây tranh tối tranh sáng, giọng nói thì thầm của đồng chí đó gợi một không khí thật nghiêm trọng. Cũng không phải chỉ vì giọng nói, chặng đường này thực ra có khó khăn nhiều so với mấy chặng trước. Đường tráng, nhiều đèo dốc khó đi, địch luôn luôn ném bom và bắn đại bác. Ở một số đoạn, máy bay trinh sát của chúng kiểm soát ngặt. Ngoài ra, cần phải chú ý đề phòng bọn biệt kích. Trưởng trạm nhắc cho chúng tôi hai lần những mật khẩu, ám hiệu, ký hiệu để tìm nhau ban ngày, ban đêm, khi bị mất liên lạc. Anh không quên dặn cả những việc phải làm nếu trong đoàn có người bị thương hoặc hy sinh.
Sáng nay, trưởng trạm giới thiệu cho chúng tôi hai chiến sĩ giao liên. Cả hai đều còn trẻ. Tổ trưởng có mái tóc khô, loăn xoăn, người gày và xanh. Người chiến sĩ đi cùng anh mặt tròn, rỗ huê, mặc bộ quần áo lót đen để lộ đôi bắp tay, bắp chân trắng trẻo, bụ bẫm, như còn tuổi thiếu niên. Chúng tôi nhìn nhau chẳng khỏi đôi chút e ngại.
Tôi làm quen với người chiến sĩ:
– Đồng chí được mười tám tuổi chưa?
Anh đáp lí nhí, nghe không rõ. Tôi nhắc lại câu hỏi. Lần này, anh trả lời to hơn nhưng vội vã như muốn cho qua chuyện:
– Được rồi ạ.
Từ lúc ra đi, vòm trời không lúc nào ngớt tiếng máy bay. Những chiếc B.57 như những tên côn đồ giấu mặt, bay lẩn trong mây, thả bom theo tọa độ. Tiếng bom réo, tiếp theo tiếng nổ rền rền một khoảng rừng núi. Bọn “con ma” ầm ĩ bay ra Bắc, kéo theo một tiếng rít lanh lảnh như tiếng còi. Nhưng khó chịu nhất vẫn là tiếng vè vè không dứt của loại máy bay trinh sát.
Đường mỗi lúc một khó đi. Có nên gọi là “đường” không? Nhiều quãng, thực ra chưa thành đường; giao liên chỉ mới phát những cây nhỏ và cuốc qua một vài cái bậc ở sườn núi rậm rạp. Nhiều lần luồn dưới những cây đổ, tưởng qua rồi toan đứng lên đi thì cây níu ba-lô lại, giằn người xuống. Có lúc không phải là đi mà phải dùng đến cả tứ chi bám cây, chuyền cành như loài vượn.
Anh chiến sĩ trẻ eo cẳng hất tụt đôi dép dính đất đỏ nặng như cùm. Anh lấy chân gạt gọn hai chiếc dép vào bên đường, ngắt vội mấy cái lá nón, ném lên trên. Hình như anh không chú ý xem những chiếc lá đã đủ che kín đôi dép hay chưa. Tôi buồn cười về cách cất dép của anh, định đến gần nói với anh nên tìm một chỗ cẩn thận hơn thì anh đã đi vụt lên trước.
Chúng tôi đang đi lên phía bắc, bắt đầu đặt chân lên dải đất hẹp nhất của Tổ quốc. Ngày còn đi học, khi nhìn đất nước ta trên bản đồ, tôi đã thấy một cô gái Việt Nam thân hình son sẻ có cái lưng ong, cái lưng ong đó là chỗ này đây. Chật hẹp quá. Đi trên triền núi cao này, nhiều lúc chẳng cần phóng xa tầm mắt cũng nhìn thấy được chỗ tận cùng của đất nước. Biển xanh lục trước mặt chúng tôi, đâu đó, như ngay ở dưới chân núi. Từ đây xuống biển, nghe đâu chỉ cần dăm tiếng đồng hồ.
Trên chiến trường chật chội này, ta và địch ở xen vào nhau như hai thứ quân trên một bàn cờ. Địch và ta cùng ngủ trong một xóm nhỏ, cùng đi chung một con đường. Con đường của chúng tôi còn mang đầy dấu vết của một cuộc rút chạy của bọn lính thủy đánh bộ Mỹ.
Những chiếc áo giáp màu lá cây cứng quèo bị vứt lại, nằm phơi dòng chữ: “… bạn hãy nhớ dùng nó, nó sẽ che chở cho cuộc đời của bạn”… Không biết ai đã moi những mảnh chất dẻo màu trắng, hình quân bài độn trong áo giáp, ném lung tung trên mặt đất. Thật giống như quang cảnh một sòng bạc mà các con bạc vừa hốt hoảng tháo chạy vì tưởng nhà chức trách tới bắt. Những tảng pin dùng cho máy vô tuyến điện, những hộp thức ăn không mang theo được bị chọc thủng, lưỡi lê đựng trong vỏ dẹp màu xám, những viên đạn vàng chóe nằm hỗn độn giữa đám giấy kẹo xanh, đỏ, và rất nhiều vỏ bao thuốc lá Vic-to-ri-a.
Mỗi chuyến đi ở đây đều phải coi là một cuộc chiến đấu. Các chiến sĩ giải phóng đi trên đường với khẩu súng đạn đã lên nòng.
Trước mặt chúng tôi là một ngọn núi cao, cây cối rậm rạp. Người chiến sĩ trẻ đi những bước dè dặt. Từng quãng ngắn, anh dừng lại nghe ngóng, quan sát. Từ sớm, trời không mưa nhưng thỉnh thoảng lại nổi lên một cơn gió lạnh. Cơn gió màu chì đó cuộn tròn trong khu rừng, làm cho những đám sương quyện ở những lùm cây vẩn lên dữ dội, nước đọng trên lá cây rơi rào rào.
Lên đến đỉnh đồi, người chiến sĩ dừng bước, đứng ngó quanh. Anh nhặt một hòn đá ném vào bụi cây rậm đang vẩn lên một đám sương trắng đục. Mấy con chim từ đó tung cánh bay lên với những tiếng kêu hoảng hốt. Anh quay về phía sau, mỉm cười, ra hiệu cho chúng tôi tiếp tục đi lên.
Anh đứng chờ với bộ mặt đỏ hồng, lấm tấm mồ hôi. Nhìn cặp mắt thật thà của anh, chúng tôi như gặp lại người chiến sĩ thiếu niên ngây thơ buổi sớm. Anh trỏ vào một cây to, nói:
– Biệt kích đó!
Chúng tôi nhận ra những vết đạn tiểu liên lỗ chỗ ở thân cây. Một bữa cách đây không lâu, bọn biệt kích được thả từ trên trực thăng xuống, phục kích họ ở đây. Loạt đạn này làm một chiến sĩ giao liên hy sinh. Nhưng chúng ta đã diệt lại của chúng bốn tên khiến cho chúng hốt hoảng tháo chạy về phía đồng bằng. Người chiến sĩ kể vắn tắt lại câu chuyện bằng giọng nói thủ thỉ. Bộ mặt tươi sáng của anh vẫn thản nhiên như là chuyện đó xảy ra ở mãi đâu, xa lắm, chẳng có liên quan gì đến mình. Nhưng đến lúc anh tiếp tục vượt lên thì thái độ của anh trở lại cẩn thận, dè dặt. Chúng tôi biết mình vừa được báo cần phải chú ý đề phòng.
Lội qua một khe suối, chúng tôi thấy hiện ra phía trước một con đường mòn quang đãng dễ đi. Người chiến sĩ đứng đợi ở đầu cái dốc nhỏ. Chúng tôi đoán anh có điều gì cần nói. Chờ chúng tôi lên đủ, vẫn với cái giọng thủ thỉ như ban nãy, anh nói:
– Khúc ni tụi hắn hay ném bậy lắm các thủ trưởng ạ!
Một người trong chúng tôi mau mồm hỏi:
– Đường yên ngựa đây phải không?
– Dạ.
Trả lời xong, người chiến sĩ lại thanh thản bước đi. Chiều qua, đồng chí trưởng trạm đã nói khá nhiều với chúng tôi về đoạn đường này. Đây là một đoạn đường ít lâu nay địch hay đánh phá. Nhiều quả bom rơi trúng tim đường, đất còn bám đỏ cả những cây cối chung quanh. Trưởng trạm đã căn dặn chúng tôi qua đây cần vượt cho nhanh. Tại sao người chiến sĩ trẻ lại nói với chúng tôi là bọn hắn hay “ném bậy”? Đối với anh, những quả bom Mỹ có sức phát quang một khu rừng rậm hay đào những hố sâu có đường kính rộng hai ba chục mét, phải chăng, chỉ là những việc “bậy bạ”? Nhìn người chiến sĩ trẻ đi rảo bước phía trước, chúng tôi hiểu ý anh là nên nhanh chóng vượt khỏi quãng đường này. Anh cũng cẩn thận như đồng chí trưởng trạm. Nhưng chúng tôi đã thấy rõ anh có cách nói riêng của anh.
Gần trưa, trời bắt đầu hửng nắng. Một thứ nắng non làm cho rừng cây trở nên ngột ngạt, khó chịu.
Trước mắt chúng tôi là thượng nguồn của một con sông nằm giữa những đồi núi lở loét, đỏ hỏn vì bom đạn.
Những con sông xinh đẹp bắt nguồn từ Trường Sơn đều chảy xuống đồng bằng. Ngày này qua ngày khác, dải núi xanh nằm kín cả chân trời phía tây, đã không ngừng vắt những bầu sữa tròn căng ra những dòng nước ngọt, đổ xuống tưới mát cho dải đất chật hẹp, đầy những cồn cát trắng nóng bỏng của miền Trung.
Trên đường đi, chúng tôi đã quen tính các chặng bằng những con sông. Đó là những cái mốc đánh dấu từng chặng đường đèo dốc gian khổ ở phía trước. Đó cũng là những “cửa ải” mà chúng tôi phải lần lượt vượt qua. Dòng nước trong xanh hiền hòa có những đàn cá bạc tung tăng bơi lội kia, chỉ vài giờ sau một trận mưa lớn, có thể biến thành một thác nước gầm thét dữ dội. Khách đi đường bị nghẽn vì nước lũ phải ăn cháo, ăn rau rừng nằm chờ ngày qua sông là chuyện thường. Những con sông còn là nơi địch đánh phá quyết liệt vì nó có hai bờ nam, bắc. Bọn Mỹ muốn mỗi con sông nằm ngang mình đất nước đều phải trở thành những vật chia cắt. Nghe nói, nửa nước ngoài kia, bên Bắc Cửa Tùng, hai bờ sông Kiến Giang, Quán Hầu, sông Gianh, sông Ròn, sông Lam… cũng đều đỏ cháy lên vì bom đạn.
Từ xa, đã nhìn thấy trên mặt sông có những đám bọt trắng báo hiệu nước khá to.
Sau những ngày mưa, đường xuống bến (cứ tạm gọi là bến) lầy lên, in một nét son tưới trên sườn núi dốc có những mảng khu rừng khô cháy, những đám cây đổ ngổn ngang.
Người chiến sĩ trẻ đã dừng lại trên đỉnh dốc. Một chiếc máy bay trinh sát bay dọc trên sông. Những tiếng vè vè và dáng điệu chậm chạp, nham hiểm của nó thật khó chịu. Tổ trưởng giao liên ở phía sau đi lên, bảo chúng tôi tìm chỗ kín đáo tạm nghỉ. Anh đi đến bên người chiến sĩ trẻ. Từ khi lên đường đến giờ, hai người hầu như không trao đổi gì với nhau. Trong im lặng, mọi việc họ làm đều khớp nhau như một bộ máy.
Chúng tôi ngồi náu ở những búi cây lá nón chưa bị chất độc hóa học thiêu cháy.
Chiếc máy bay cứ tiếp tục lượn đi lượn lại trên bến. Nhiều lần, nó nghiêng cánh quan sát mặt sông. Chúng tôi bắt đầu lo nếu không qua được sông sớm, các đồng chí giao liên ở ngoài vào đón khách sẽ về trước khi chúng tôi kịp tới địa điểm bàn giao. Như vậy, sẽ phải quay lại. Với cái điệu nắng non này, chiều hoặc đêm nay, trời có thể giáng một cơn mưa lớn. Chúng tôi đã được làm quen với những trận mưa của Trường Sơn. Những trận mưa không có tiếng hạt mưa rơi. Chỉ nghe thấy tiếng ào ào của một thác nước từ trên trời cao đổ xuống không lúc nào ngớt. Những con sông sẽ lồng lên như con ngựa bất kham, không chịu khuất phục trước bất cứ người cưỡi ngựa tài giỏi nào. Chúng tôi sẽ phải nằm ở trạm, nẫu ruột nẫu gan vì chờ đợi.
Quốc đã mò lại bên các đồng chí giao liên. Chiếc mũ giải phóng rộng che gần hết cả trán, không làm giảm những ánh sáng ở đôi mắt anh đang xoáy vào họ. Anh hỏi:
– Có bến nào khác không? Trong đoàn, anh là người có công tác gấp hơn cả.
Tổ trưởng giao liên đáp:
– Chỗ ni nước sông tương đối lặng. Cũng có bến khác nhưng nước xiết lắm. Các đồng chí lại có người không biết bơi.
Xương ngồi lặng thinh. Cứ bữa nào đi đường thấy anh ít nói, người ta có thể biết chắc chắn phía trước có một con sông. Ở mỗi chặng đường, tình hình B.52, B.57 ném bom nhiều hay ít, biệt kích hoạt động ra sao không làm anh chú ý bằng nước sông to hay nhỏ, qua sông bằng mảng hay phải bơi. Hai đám râu ở trên và dưới đôi môi mỏng của anh hôm nay rất xanh và rõ nét như vẽ. Anh đã đặt mức qua hết các con sông mới cạo râu. Và cứ mỗi lần trước khi vượt sông, râu anh lại tốt lên rất nhanh.
– Bọn mình phải ở lại thì lỡ công việc quá! – Quốc nói.
Những người chiến sĩ giao liên lặng im. Rồi đồng chí tổ trưởng nói:
– Cũng còn sớm. Các anh để bày tui coi.
Quốc quay về chỗ ngồi gần chúng tôi, mở chiếc túi ni-lông nhỏ, rút ra mấy cái cuộng lá thuốc khô cong queo như sợi cói, chầm chậm bứt thành từng đoạn ngắn. Anh cuốn tất cả vào một mảnh giấy báo, lấy mũ che gió và ánh lửa, bật đá châm thuốc hút. Rõ ràng, anh cố kéo dài việc làm này cho đỡ sốt ruột.
Một cây lan rừng với những cành vừa khỏe vừa mềm mại mang những lá thon dài xanh mướt bỗng đập vào mắt tôi. Nó mọc trên một thân cây gỗ mục nằm bên đường ngay gần đây mà lúc này tôi mới nhìn thấy. Hồi còn nhỏ, tôi đã thấy ông tôi chăm một dò lan như thế này. Cụ rất quý những bông hoa như con bướm, hàng năm chỉ nở một lần, nhưng rất thơm và rất lâu tàn. Quê hương của nó là những chỗ này đây. Nó đã sinh ra và lớn lên từ những cây gỗ ải mục như thế kia…
Chiếc máy bay lượn vòng ra xa. Không thấy nó quay lại ngay như lần trước. Những tiếng phành phạch ngày càng yếu ớt. Cái chấm đen nhỏ dần rồi mất hút sau một mỏm núi. Và hình như tên chỉ điểm đã bỏ đi thẳng. Không gian đã hoàn toàn trở lại yên tĩnh. Chúng tôi nghe thấy những tiếng ào ào của nước đập vào các mỏm đá dưới sông, tiếng nước chảy lúc này nghe sao rất thanh bình.
Tổ trưởng giao liên quay lại phía chúng tôi, vẻ mặt tươi tỉnh hơn.
– Các đồng chí chuẩn bị xuống bến. Phải qua sông thật khẩn trương.
Chúng tôi xốc nhanh ba-lô lên vai, theo anh luồn qua những thân cây đổ, tụt dần xuống con đường đất đỏ trơn như mỡ. Tôi vẫn suy nghĩ chưa hiểu vì sao chiếc máy bay trinh sát lại bỏ đi.
Anh chiến sĩ trẻ ngồi đợi chúng tôi ở bờ sông, quay lại nhoẻn miệng cười, nhe đôi hàm răng khấp khểnh một cách dễ thương. Anh đã cởi bỏ hết quần áo ngoài để lộ cái bụng hơi to, trông càng ra vẻ một chú thiếu niên. Người anh đầy cát. Tổ trưởng hỏi anh:
– Dây ở bên ni hay bên tê sông?
– Bên tê.
– Phải chăng lại dây cho bảo đảm. Hôm nay nước xiết. Các thủ trưởng có người không biết bơi. Lanh lanh nghe.
Nước xanh biếc chảy ầm ầm. Phía dưới bến chừng vài chục mét là một cái thác, tuy nhỏ, nhung cũng thừa đủ để gây nguy hiểm cho những ai bị dòng nước đẩy xuống đó. Sợi dây song bám đầu vào một thân cây ở bờ sông bên kia.
Tôi nhìn dòng nước, tự liệu sức mình xem có bơi sang được bờ bên kia không. Cùng với tôi, còn một chiếc ba-lô nặng kèm theo một cái dây lưng treo nào súng ngắn, bi-đông, cơm nắm, túi cấp cứu, lại còn cả đôi dép nữa.
Một toán bộ đội từ trên dốc đổ xuống. Trong lúc chúng tôi còn loay hoay bọc đồ thì họ đã gói gọn mọi thứ đem theo, khoác chéo khẩu súng sau lưng, ào ào nhảy xuống sông. Ra giữa dòng nước, gói ni-lông để chở đồ và làm phao bơi trong tay họ quay tròn. Một vài người bị dòng nước đẩy băng về cuối bến, nhưng các chiến sĩ đứng làm công tác bảo hiểm đã lao ra, kịp dìu họ vào bờ.
Dòng nước chảy nguy hiểm hình như lại tạo ra cho các chiến sĩ trẻ một điều thích thú trong khi vật lộn thử sức với nó. Anh em vượt sông trong những tiếng cười đùa.
Chỉ một loáng, đơn vị bộ đội này đã qua sông hết. Họ vùn vụt leo lên dốc và biến đi sau rừng cây như một trận gió.
Bến sông trở lại im lặng với mấy người chúng tôi. Công việc của mọi người đi trên đường này đều vội. Nhung chúng tôi cũng thấy rõ ràng là ở bến sông, mọi người đều khẩn trương hơn vì không ai muốn nấn ná tại cái mục tiêu nguy hiểm này.
Tổ trưởng giao liên đã cởi bỏ bộ quần áo đen đi đường, để lộ tấm thân còm nhom và một cái sẹo lớn sâu hoắm ở bả vai. Bây giờ chúng tôi mới nhận ra anh là một thương binh. Trên đường dây, chúng tôi đã gặp nhiều chiến sĩ bị thương kém sức khỏe không chiến đấu được nữa, xin về đây làm giao liên.
Quốc và tôi cùng loay hoay buộc chặt vào bộ ngực cánh phản của Xương một cái phao hình tròn làm bằng mảnh nhựa che mưa. Để cho cẩn thận, chúng tôi nối tất cả dây võng lại, buộc thêm vào lưng anh một sợi dây bảo hiểm. Trang bị mới này làm cho Xương giống như một người thợ lặn.
Công việc chăng sợi dây ngang sông thật không dễ dàng. Hai chiến sĩ nhiều lần dong sợi dây lên ngược bến, dựa theo dòng nước chảy để bơi sang. Nhưng cứ ra đến giữa dòng, nước chảy xiết lại cuốn phăng cả người lẫn dây ném về phía thác. Họ phải buông dây ra để ngoi vào bờ. Da dẻ hai chiến sĩ thâm tím lại vì lạnh. Chúng tôi đưa hộp dầu cao chống lạnh nhưng hai người nói chờ đến khi qua được sông sẽ dùng.
Họ không còn vội vàng như khi mới xuống bến. Sự vội vã không giúp họ vượt qua bến sông nguy hiểm này nhanh hơn. Hai người vòng tay che lấy ngực cho đỡ lạnh, đứng co ro nhìn dòng nước.
Đồng chí tổ trưởng nói nhỏ nhưng giọng hơi cáu kỉnh:
– Không lý đứng đợi đoàn khác đến họ chăng dây rồi mình qua nhờ hay răng!
Người chiến sĩ trẻ nhìn anh, không hiểu sao nhoẻn miệng cười. Đôi môi đỏ của anh đã trắng bợt làm cho nụ cười càng nở rộng. Họ rì rầm bàn bạc một lát rồi lại lội xuống nước.
Cuối cùng, anh chiến sĩ trẻ ôm sợi dây song lao được quá nửa dòng sông đang bị nước cuốn đi thì đồng chí tổ trưởng ở bên này nhoài ra, níu lấy anh; họ vật lộn với nước kéo được sợi dây vàng óng ánh vào bờ.
Chúng tôi cứ lên dốc mãi, lên dốc mãi. Cái đèo thật là cao. Ở quãng này, rừng vẫn xanh, toàn những cây trường cao vút, thoáng và sạch. Chốc chốc, lại một đám mây kéo qua làm cho cây cối như gần như xa. Quang cảnh dường như có vẻ đẹp, nhưng chúng tôi chẳng thấy rõ vì còn đang tập trung tâm trí và sức lực để leo dốc.
Có lúc, tưởng như người đi sau tình nghịch níu lấy lưng mình, nhưng ngoảnh lại, thì vẫn chỉ là chiếc ba-lô đấy thôi, chiếc ba-lô mà chúng tôi đã nghĩ hết cách cũng không biết bỏ bớt cái gì cho nhẹ. Đầu óc căng lên, hai bên thái dương, máu chảy giần giật. Đôi lông mày chẳng còn đủ sức ngăn cản những dòng mồ hôi cứ tuôn vào hai mắt cay sè. Hơi thở phì ra ở cả những lỗ tai. Và những chỗ hở mới này, giống như những vết châm kim ở một quả bóng hơi, làm cho sức lực còn lại trong cơ thể tuôn ra và xẹp đi rất nhanh.
Người chiến sĩ ngoái đầu xuống, nhìn chúng tôi với bộ mặt đỏ căng, nói:
– Các đồng chí cố lên! Lên trên đó…
Tôi nghe thoáng anh nói một câu gì tiếp như “có bồi dưỡng”. Bồi dưỡng gì vậy? Con đường chiến khu chống Mỹ ngày nay không giống như những con đường chiến khu chống Pháp ngày xưa, từng đoạn, lại có những quán hàng cho khách nghỉ chân. Cuộc chiến đấu hôm nay chống một kẻ thù tàn bạo nhất của loài người, gay gắt hơn nhiều, đã đưa tất cả những người bán hàng năm xưa ra các mặt trận khác nhau. Chắc là lên trên đó, đoàn sẽ nghỉ lại để ăn cơm trưa, cái nắm cơm lúc nào cũng lúc lắc bên hông tôi.
Một giọng nói vui vẻ từ phía trên vọng xuống:
– Làm cách mạng chớ có phải đi dạo mát vườn hoa mô mà đủng đỉnh rứa… Mấy cậu trinh sát họ nói gặp các cậu ở bờ sông từ lâu cơ mà? Tưởng biệt kích hắn tóm gọn rồi!
Gặp anh em giao liên ở ngoài vào đón khách đây rồi. Cũng vì lo anh em về mất nên sau khi vượt sông, chúng tôi đã phải đi miết. Anh chiến sĩ trẻ không phân trần gì về chuyện đến muộn mà chúng tôi đã biết rất rõ vì tại chúng tôi.
– Hàng nặng không?
– Nặng hung.
Chúng tôi đã lên đến nơi. Anh giao liên ở ngoài vào đón khách chào chúng tôi bằng một câu vui vẻ:
– Các đồng chí đọa 1 rồi. Bỏ ba-lô ăn cơm, nghỉ ngơi một lúc lại đi. Đường từ đây về trạm như đường trong công viên thôi.
Chúng tôi trút cái gánh nặng trên vai xuống đất không được nhẹ nhàng lắm. Đỉnh dốc đây rồi. Mây bay trên những mỏm núi phía dưới.
Đồng bằng hiện rất rõ dưới chân núi với những xóm làng xanh xanh, những mảng đồng ruộng lấp lánh sánh nước và những con đường chiến lược màu đỏ chạy ngang dọc. Xa hơn chút nữa, lại những cồn cát trắng nổi lên như một ảo ảnh trên nền xanh của biển cả và chân trời. Một cơn gió từ biển thổi vào hòa với hơi lạnh của núi, lùa vào khắp cơ thể, vào lồng ngực, vào buồng phổi, làm cho chúng tôi như được tắm bằng một thứ nước mát kỳ lạ, người cảm thấy bớt mệt rất nhiều.
Người chiến sĩ trẻ đang đứng dang tay đón gió, nói một mình:
– Gió bồi dưỡng.
Lúc này chúng tôi mới biết rõ ban nãy anh đã nói gì. Anh muốn giới thiệu với chúng tôi trước luồng gió này đây. Rừng núi đã làm cho các chiến sĩ vất vả quanh năm vì đèo dốc, nhưng cũng đã dành cho họ trên những đỉnh núi cao, luồng gió quý giá này.
Chúng tôi đứng uống gió thật no nê rồi bỏ cơm nắm ra ăn với muối lạc.
Riêng đồng chí giao liên ở ngoài vào chỉ mang theo gạo rang. Chúng tôi mời anh cùng ăn cơm. Nhưng anh đáp, anh chúa ghét ăn cơm vắt với muối, bữa nào đi đường anh cũng yêu cầu anh nuôi lấy suất gạo của mình ra làm món “kẹo cốm” này, ăn vừa thơm vừa ấm bụng. Anh đổ từng ít gạo một từ trong cái hộp nhôm tròn trước dùng để đựng mắm ra lòng bàn tay, rồi bỏ vào miệng nhai giòn tan. Anh ăn với vẻ ngon lành, anh còn mời mọi người cùng thưởng thức món “kẹo cốm” và xẻ vào bát họ một cách hào phóng cái khẩu phần không lấy gì làm nhiều. Đôi nếp nhăn nhỏ hiện lên ở đuôi mắt mỗi khi anh cười, nói lên anh không còn trẻ lắm. Để bù lại, anh có một bộ mặt xinh trai, kể cả cái quầng thâm quanh đôi mắt to và đen.
– Khi hồi trực thăng hắn thả biệt kích các cậu có nhìn thấy không?
– Ở mô?
– Đứng đây nhìn thấy hắn sà xuống bờ sông. Mình cũng đoán lúc ấy các cậu vượt sông lâu rồi.
– Biết ngay mà…! Cái máy bay trinh sát hắn cứ lượn mãi ở bến.
– Các cậu về phải cẩn thận không đụng đầu bọn hắn!
– Khách đi lọt rồi… – Tổ trưởng giao liên không nói hết lời nhưng chúng tôi đã hiểu ý anh: Họ chỉ lo cho khách chứ còn đối với họ, mấy thằng biệt kích không có nghĩa gì.
Người chiến sĩ trẻ mủm mỉm cười rồi nói:
– Không khéo hắn vớ được đôi dép của tôi.
– Dép cậu để ở mô?
– Tôi ném ở đầu dốc C.
– Cậu sẵn súng, đập cho hắn một trận mà đòi lại.
– Nhứt định đòi lại chớ!
Vừa nói người chiến sĩ trẻ vừa quay đầu lại nhìn khẩu súng dựng ở một gốc cây.
– Hắn biết cậu là thiếu nhi hắn không bắn trả mô! – Câu đùa này làm anh đỏ mặt.
———————————————————————————–
1. Mệt lắm
Ở mỗi chặng đường, chúng tôi lại gặp những người giao liên khác hẳn nhau. Đồng chí tổ trưởng giao liên chiều nay vui tính, hay nói.
Biết chúng tôi đã mệt, anh bảo mỗi người bỏ bớt một ít đồ trong ba-lô, rồi anh lấy chéo vải dù ngụy trang gói thành một gùi hàng đeo hộ. Đoạn đường về trạm mới ít nguy hiểm vì biệt kích, nhưng cũng không giống đường ở công viên như anh đã mau mồm giới thiệu khi vừa gặp chúng tôi. Vẫn là đèo dốc thôi.
Dọc đường, anh nói không biết bao nhiêu là chuyện: Chuyện về phong tục, tập quán, tinh thần cách mạng của đồng bào người Thượng, chuyện về các trận đánh Ba Lòng, Cam Lộ, Khe Sanh, chuyện về những người khách vui tính và khó tính mà anh đã dẫn đi, chuyện về quê hương anh…
Một số anh em giao liên thường nhắc khách đường còn rất xa để khách cố gắng đi cho tới trạm sớm. Nhưng đồng chí này thì lần nào chúng tôi hỏi thăm, anh cũng trả lời: “Gần tới rồi”. Đến mỗi đoạn đường mới khó đi, anh đều nói là đoạn này ngắn thôi. Và đèo dốc nào đối với anh cũng là đèo dốc không cao. Dường như anh có chủ tâm: Cứ nói cho khách vui vẻ đã, khi nào khách mệt mỏi, sốt ruột, anh sẽ lại có cách giải quyết.
Đến khi một người trong chúng tôi tỏ ra không còn tin vào những câu trả lời nhiều tính chất “động viên” của anh, thì anh lại kể một câu chuyện. Anh bảo chuyện này do một thủ trưởng bữa trước qua trạm anh kể lại.
… Lần ấy là lần đầu, đồng chí cán bộ có tuổi phải đi công tác qua vùng núi. Ông thấy đường này đi vất vả hơn bất cứ con đường nào ông đã đi mười năm kháng chiến trước đây. Một buổi chiều, người đã mỏi quá mà hỏi thăm thì lần nào giao liên cũng nói là sắp đến trạm rồi. Cuối cùng, ông quyết định cho đoàn nghỉ lại, sáng hôm sau sẽ tiếp tục đi. Giao liên đến nói với ông:
– Báo cáo đồng chí chỉ một khúc nữa là tới nơi.
– Mình hiểu khúc của cậu rồi. Chỉ còn một khúc nữa thì cũng cứ nghỉ lại đây thôi.
Thế là cả đoàn đi chặt cọc, căng tăng, mắc võng, kiếm lấy nước, dựng nhà bếp che lửa, nấu cơm giữa rừng, chính ông cũng góp tay, góp chân kì cạch với anh em đến hơn hai giờ sau mới được nghỉ. Nếu đến trạm thì chỉ việc rửa mặt, ăn cơm rồi đi nằm, nhà ở không lo, cơm nước đã có anh em giúp đỡ. Đêm ấy, lại dính một trận mưa. Mấy đồng chí không làm cọc phụ mắc võng, ướt như chuột. Sáng sau, lại gọi nhau dậy sớm nấu cơm sáng, vắt cơm trưa. Bắt đầu lên đường, đi đúng mười phút thì giao liên quay lại nói:
– Báo cáo đồng chí trạm ở đây rồi…
Chúng tôi đang mệt thở không ra, nghe chuyện của anh cũng phải phì cười.
Hai giờ sau khi anh kể câu chuyện đó, chúng tôi mới tới trạm. Trời đã gần tối. Trạm vừa di chuyển ra đây, chỉ mới có một cái lán nhỏ mái rưỡi với cái sàn lát tạm bằng những sống lá cây đùng đình. Khách thì quá đông. Ngoài chúng tôi, còn một đoàn cán bộ pháo binh đi chuẩn bị chiến trường. Lại còn nhân viên của trạm. Trưởng trạm là một bác tóc bạc, người dỏng cao, mặc bộ quần áo bà ba, chân xỏ tất đi đôi dép đen sạch bóng, dáng điệu ung dung. Bác vui vẻ bảo chúng tôi trải bạt ra sàn nằm nghỉ.
Bác trưởng trạm tự tay chuẩn bị cơm nước. Có lẽ bác muốn cho các chiến sĩ giao liên vừa đi đưa khách về được nghỉ ngơi. Nhưng một hai đồng chí cũng cứ xúm lại giúp bác, xuống suối vo gạo, lấy nước lên. Bác thái hoa chuối và nõn chuối rừng thành những lát mỏng và lọc mắm ruốc rất cẩn thận để nấu canh. Đồng chí giao liên người Thượng đi công tác về sau, đưa bác một con chim nhỏ đã được vặt lông nhẵn nhụi. Ban nãy, tổ trưởng giao liên của chúng tôi cũng đã ném vào chiếc nồi nhôm ba con cua đá mai đỏ như son anh bắt được ở dưới suối.
Trời về tối càng lạnh. Chúng tôi đã rửa ráy xong, lấy áo len trong ba-lô ra mặc. Xương đã thanh toán bộ râu để mừng “đại thắng lợi” vượt sông, trông anh trẻ hẳn ra. Anh hí hoáy ghi nhật ký. Quốc lục tung ba-lô để tìm gói bột ngọt góp vào nồi canh. Anh cũng hăng hái góp ý kiến nên sử dụng thịt chim và cua như thế nào cho “thật hay”. Tôi ngồi trên sàn theo dõi công việc chuẩn bị cơm nước vừa sạch sẽ vừa khéo léo của bác trưởng trạm như hồi nào còn là một đứa nhỏ sau khi đi học về, ngồi xem mẹ làm cơm.
Khi đồng chí cán bộ pháo binh mở máy thu thanh để nghe bản tin buổi chiều thì bếp cũng bắt đầu nổi lửa. Căn lán vui hẳn lên.
Có lên đỉnh Trường Son này vào mùa đông mới thấy hết giá trị của ngọn lửa. Đó là đóa hoa thần nhụy đỏ có những cánh vàng kỳ diệu làm thay đổi bộ mặt tối tăm của những căn lều, xua tan khí rừng lạnh lẽo, bồi bổ sức sống cho con người bằng vẻ đẹp, hơi ấm và nguồn vui. Lửa thu hút mọi người lại gần, kéo những bàn tay tới thoa vuốt trên những cánh vàng của nó. Đôi mắt chúng tôi nhìn lửa cứ như mới được thấy nó lần đầu, muốn tìm cho ra hết những vẻ kỳ lạ.
Chúng tôi tạm dẹp chăn bạt gọn lại một chỗ để dọn cơm. Khách và chủ chia lẫn lộn thành hai nhóm. Cơm bới ra hai rá, canh cũng chia làm đôi. Ánh lửa bếp phòng không không đủ chiếu sáng chỗ ngồi ăn. Các đồng chí pháo binh xung phong góp hai chiếc đèn pin treo lên xà nhà, tin rằng rồi đây sẽ được “Mỹ tiếp tế” thêm pin. Người ngồi trên sàn không đủ. Khách được nhường chỗ ngồi quanh mâm. Một số chiến sĩ giao liên ngồi ở mép sàn, nhờ các đồng chí bên trong xới cơm và chan canh chuyển ra.
Chưa bao giờ tôi được hưởng hết cái vị ngọt ngào của hạt gạo như từ ngày đặt chân lên dải Trường Sơn. Một số chiến sĩ nói nước ở đây nấu cơm ngon. Điều đó nếu có thực, chỉ là một nguyên nhân. Riêng bữa cơm tối nay, có thể nói là ngon đặc biệt. Nó có đủ mùi thơm của rừng núi, vị ngọt của đồng bằng và cái đậm đà của biển. Chất đạm, chất tươi, cả chất tanh nữa đều có trong bữa cơm hôm nay.
Chúng tôi tấm tắc khen cơm canh ngon, bác trưởng trạm chỉ cười. Răng cửa của bác chưa bị rụng chiếc nào, hai hàm răng của bác trắng và đều. Cái cười của bác rất tươi. Nhưng nó cũng kéo thêm nhiều vết nhăn trên mặt bác làm cho chúng tôi thấy bác già hơn. Thấy chúng tôi ăn uống ngon lành, bác dường như vui lắm.
Chợt chúng tôi nhận ra bác trưởng trạm chỉ ngồi cười mà đã buông bát từ lâu. Xương giục:
– Bác ăn cơm đi chứ.
Bác đặt tay lên miệng bát như sợ anh cầm lên xới cơm cho mình:
– Đủ rồi.
– Sao bác ăn ít thế?
Tôi nhìn quanh thì thấy phần lớn các chiến sĩ giao liên đã đi đâu cả. Cũng lúc ấy, đồng chí tổ trưởng giao liên lách cửa đi vào, cầm trong tay chiếc bát sắt và cái thìa nhôm đã được rửa sạch. Quốc kêu lên:
– Các đồng chí ăn ít để nhường khách à?
Tổ trưởng giao liên chối ngay:
– Mô! Các đồng chí ăn một đọi 1 thì chúng tôi đã “bổ nhào” được ba đọi rồi.
———————————————————————————–
1. Bát
Bắt đầu gặp các chiến sĩ giải phóng ở Trường Sơn là tôi cũng làm quen với hai tiếng “ê ẩm”. Tôi không hiểu vì sao anh em sính dùng hai tiếng này: “Bị một chầu B.52 ê ẩm”, “Đường đi suốt ê ẩm”, rồi đến “Ăn một bữa kẹo đậu phụng ê ẩm”… Đêm hôm nay, nằm đặt lưng trên những sống lá cây đùng đình, tôi đã hiểu rõ vì sao. Mới hay mọi từ của ngôn ngữ đều có nguồn gốc của nó.
Chiếc sàn nhỏ chỉ đủ chỗ cho hai đoàn khách và bác trưởng trạm có tuổi. Các chiến sĩ giao liên treo võng thành hai tầng trên chỗ chúng tôi nằm. Một số đồng chí nằm vắt vẻo trên cao, sát mái nhà lợp bằng những lá nón nhỏ lăn tăn.
Chúng tôi đã vượt thêm được một “cửa ải” trên đường tới Trị – Thiên. Cứ sau mỗi ngày đường tôi lại nằm nghĩ tới các chiến sĩ giao liên mình vừa mới chia tay. Riêng hôm nay, từ lúc hai người chiến sĩ trẻ nắm tay chúng tôi nói: “Chúc các đồng chí đi đường an toàn”, hình ảnh họ cứ lởn vởn trong đầu. Tôi lo họ có thể gặp nguy hiểm khi quay lại. Hình như trên những đoạn đường lửa chúng tôi đã đi, ở những nơi nào càng gay gắt, khốc liệt, chúng ta lại đặt vào đó những bông hoa càng xinh đẹp.
“Chúc các đồng chí đi đường an toàn”… Không phải chỉ là một lời chúc thôi đâu. Chúng tôi biết họ có thể đem những gì quí giá nhất của riêng mình đánh đổi với kẻ thù để đạt điều mong muốn đó cho mỗi người khách.
Hai cán bộ pháo binh đang trao đổi nho nhỏ với nhau bằng những câu ngăn ngắn, nửa chừng, chỉ đủ để họ hiểu về một cách đánh mới thì phải. Trong căn lều lợp lá nón mới dựng, có lẽ không chịu nổi một cơn mưa lớn, anh cán bộ ban chiều đi chân đất đến trạm với đôi dép đứt quai xách ở tay, đang say sưa tính chuyện đánh dập đầu tướng Mỹ trong những đồn trại. Anh quay sang hỏi thăm tôi tình hình đoạn đường chúng tôi vừa đi qua. Rồi anh nói:
– Tại sao mình không đào một đường giao thông hào mà đi như ngày xưa bộ đội ta đã đào ở Điện Biên Phủ?
– Đường dài quá!
– Có dài gì đâu! Ngày đánh Pháp, riêng bộ đội tại Điện Biên Phủ đã đào ba bốn trăm ki-lô-mét chiến hào. Bây giờ toàn dân ta đánh Mỹ, lại không đủ sức đào lấy vài ngàn ki-lô-mét hay sao!
Tôi nghĩ anh nói cũng có lý.
– Đào xong ta trương hẳn cờ Mặt trận lên mà đi xem nó làm gì được?
Bác trưởng trạm nói:
– Cần đào thì mấy ngàn, mấy vạn ki-lô-mét mà dân ta không đào được, chỉ có là chưa cần đó thôi. Ngoài Bắc, hắn ném bom như rứa mà không ngăn nổi xe mình đi. Đường rừng ni, hắn ngăn sao được quân giải phóng đi chân đất. Hắn ném đường ni, mình soi đường khác. Mà cứ trèo qua hố bom của hắn đi cũng được chớ răng? Quân giải phóng đâu có sợ nhớp chân!
Các đồng chí pháo binh đã ngủ say rồi. Từ những vị trí địch gần đâu đây, chốc chốc, những loạt đại bác lại đổ hồi hốt hoảng. Những thằng giặc lái máy bay không được ngủ, mò mẫm nặng nề trong màn đêm.
Mấy chiến sĩ giao liên rì rầm nói chuyện. Bác trưởng trạm cũng tham gia vào câu chuyện của họ. Tuổi bác gấp đôi, gấp ba lần tuổi họ, nhưng câu chuyện giữa bác và những người chiến sĩ trẻ vẫn rất tâm đắc, cả những câu chuyện không phải để dành cho người già.
Đồng chí giao liên người Thượng có đôi lông mày rất rậm, cặp mắt xám lờ đờ, suốt buổi chiều nay đi cùng chúng tôi bên anh tổ trưởng lắm lời, chẳng nói câu nào, giờ cũng tán như sáo.
– Răng chừ cách mạng miền Nam thành công, ra Hà Nội chơi, đi mít-tinh được thấy mặt Bác Hồ rồi sang Trung Quốc xem Thiên An Môn, đi Liên xô xem Kờ-rem-lanh.
Câu chuyện chuyển sang đề tài “Ngày cách mạng miền Nam thành công.”
– Mình sẽ đợi đến ngày đó mới lấy vợ… Nhất định mình sẽ tìm hiểu một o văn công. Đẹp hay xấu cũng được, miễn là hát hay, đêm đêm nằm o ấy hát cho mà nghe.
Anh tổ trưởng giao liên xinh trai cũng góp chuyện:
– Thống nhất được về nhà thì mình sẽ nói vợ thịt ngay một con heo ăn mừng. Ăn xong sẽ yêu cầu o đèo xe đạp đưa mình ra thị xã chơi…
Anh luôn luôn có những ý nghĩ độc đáo. Những câu nói của anh thường hay pha một sự vui đùa. Anh là một con người lúc nào cũng vui, hay ít ra, cũng là một người thích mang lại nguồn vui cho chung quanh. Không biết anh có vợ rồi hay chưa? Nhưng nếu anh có người yêu rồi, thì tôi chắc đó phải là một cô gái xinh xắn và cũng yêu đời như anh.
Chợt bác trưởng trạm hỏi:
– Thằng Toàn ngủ rồi phải không? Khi hồi có ai nói với hắn ngày mai dậy sớm thổi cơm cho khách?
Một người nói:
– Thằng nớ là chúa hay quên. Buổi tối, không thấy hắn nói chi đến chuyện cơm nước. Khách đông. Mai phải vắt nhiều cơm đó!
– Kêu hắn dậy, nhắc cho hắn nhớ!
Tổ trưởng giao liên gạt ngay:
– Thôi để hắn ngủ, sớm mai tôi nấu cho. Không hiểu tôi ra răng, cứ khoảng ba bốn giờ sáng là lại thức giấc không răng ngủ được nữa. Ta cũng nói nhỏ nhỏ cho khách nghỉ…
Tôi nhớ đến cái quầng thâm trên đôi mắt anh tổ trưởng xinh trai. Có lẽ vì anh ít ngủ. Tại sao một người vui vẻ, yêu đời như anh lại ít ngủ nhỉ? Trong những giờ phút khó ngủ ấy, không biết anh nghĩ những gì, tôi tự hỏi. Chắc không phải chỉ toàn là những chuyện vui vẻ đâu. Vì mọi điều vui vẻ anh đã dành cho anh em, cho bác trưởng trạm, cho những người khách như chúng tôi rồi. Trên dải đất đau thương này, mỗi người ngoài mối thù chung với bọn cướp nước và bán nước còn có thêm ít ra, một mối thù nhà; phải đâu chỉ là những chuyện vui vẻ đáng cười. Nếu không phải đó là những chuyện đau buồn mà kẻ thù đã đem đến cho gia đình anh hay cho riêng anh, thì tôi chắc cũng là những chuyện nghiêm trang lắm.
Họ vẫn rì rầm câu chuyện về cái ngày vui lớn nhất của Tổ quốc. Họ bàn nhau khi đó đất nước sẽ thưởng huân chương cho những thứ rau nào đã nuôi sống bao nhiêu người cách mạng trên dải Trường Sơn: môn thục, cần đoác, tai nai, chuối, măng hay rau me…? Họ thử sắp xếp thứ hạng cao thấp.
Đêm Trường Sơn trầm lặng và oai nghiêm. Những con đại bàng cô đơn, những đàn vượn tinh nghịch, lắm lời chắc đã ngủ say. Giờ này, những đàn voi nghiêm nghị đang kéo nhau đi, xéo nát rừng thành những con đường mới. Những con hổ với tấm thân dài uyển chuyển và đường bệ đang đi tìm ăn ở một khu rừng bị bom đạn phá nát, nơi bọn Mỹ vừa rút chạy. Những con trăn xám, những con báo hoa, những con gấu đen, những con bò tót hung tợn đang lang thang đi tìm mồi. Trước hừng đông, tất cả những loài thú rừng dữ tợn đó sẽ rút về chỗ ẩn náu, chỉ còn để lại dấu chân trên những con đường đèo dốc. Các đồng chí giao liên đội mũ vải giải phóng, mặc bộ quần áo lót đen bạc màu, gùi hàng nặng và khẩu súng trên vai, lại ra đi nối liền những đường dây mạch máu của đất nước.
Đêm nay, tôi bỗng thấy tiếc mình không phải là nhà thơ để làm một bài thơ về các chiến sĩ giao liên.
1.
Người ta đến với cách mạng bằng những con đường khác nhau. Có người đi theo một con đường giản đơn. Cũng có người đến bằng một con đường quanh co, khúc khuỷu. Đồng bào các dân tộc ở trên dải Trường Sơn này thì hình như sinh ra để làm cách mạng.
Tháng hai năm 1955, cuộc “tố cộng” ở Trị – Thiên mang tên “Phan Chu Trinh” bắt đầu. Trong vòng mấy tháng, ba đợt “tố cộng” nối tiếp nhau. Những người kháng chiến cũ không còn chỗ nương thân ở đồng bằng, phải dời những đám cỏ lác quanh bờ phá 1 Tam Giang, những rừng dương trên bãi cát trắng, kéo nhau lên xanh.
Kẻ địch tình ma quỷ quyệt không bỏ quên một khoảng đất trống nào cho những người cách mạng. Chúng cũng kéo quân lên xanh.
Địch thẳng tay triệt hạ từng bản người Kinh, tuy chúng không phải là người khác giống. Chúng đổ xô vào các bản của người Thượng, lùng bắt những người Kinh đang trốn tránh trong đó. Chúng dùng lưỡi lê ép dân làng đến xem chúng giết những người Kinh mà chúng gọi là “cán bộ Việt cộng”. Có trường hợp chúng giết lầm người Thượng. Đối với chúng, điều đó không can chi, “lầm còn hơn sót”, miễn là để người Thượng biết chúng đang cần giết người Kinh, họ cần lánh xa người Kinh.
Đồng bào Thượng cần sớm có một sự lựa chọn dứt khoát. Một bên, là những người cách mạng bị tước đoạt mọi quyền sống, trong gùi không có một hạt thóc, một nhúm bột sắn, trong tay, không một thứ vũ khí để phòng thân. Một bên, là bọn chúng với những đạo quân súng đạn đầy người, với quyền cho ai sống và bắt bất cứ ai chết. Hầu như không phải cân nhắc, họ đã chọn ngay: Những người cách mạng.
Đó cũng là sự lựa chọn giữa hai cuộc sống. Một là, vẫn giữ được làng, chòi, nương, rẫy, con voi thồ, đàn trâu, đàn lợn; có thêm cái rựa mới để phát rẫy, có muối ăn, có tiền mua hàng hóa ở đồng bằng. Hai là, làng, chòi bị cháy trụi, tài sản bị cướp phá, mưa bom bão đạn đổ xuống đầu, còn phải ăn lạt lâu nữa; và bao nhiêu tai họa khác họ đã lường trước được là ghê gớm và nhất định sẽ tới. Đồng bào Thượng đã chọn ngay lấy cuộc sống hiểm nghèo, chọn con đường đi với cách mạng.
Chưa có súng đạn thì đã có ná, có chông. Những thứ chống được, giết được thú rừng thì cũng có thể chống được, giết được thú người. Thú người tinh khôn hơn thú rừng thì mình cũng phải tinh khôn. Người già lắm mưu, người trẻ có sức cùng nghĩ, cùng làm ra vô vàn thứ chông. Chông sập đặt ngầm dưới đất ăn chân thằng địch. Chông thò phóng ngang ăn tim, ăn ruột nó. Chông đá treo trên cành cây, gieo cái chết từ trên trời xuống đầu nó. Chông liên hoàn từ bốn phía lao tới, thằng giặc có mọc thêm cánh bay cũng không thoát. Phải làm cho mỗi ngọn cỏ, lá cây đều trở thành những vật giết giặc, mỗi tấc đất ở Trường Sơn này đều trở thành đất chết của quân thù.
Làm được một trăm thùng thóc thì đem chín mươi lăm thùng góp cho cách mạng. Năm thùng giữ lại không phải để ăn mà để gieo tiếp vụ sau. Không phải chỉ có một vài gia đình làm như vậy. Tất cả mọi gia đình đều tự ý đóng góp như vậy. Nhiều cán bộ, nhiều bộ đội giải phóng mới chóng tiêu diệt hết giặc. Mình muốn cán bộ nhiều, giải phóng nhiều, cho nó ít, nó lấy chi ăn để làm cách mạng.
Những người bị kẻ địch đặt ra ngoài vòng pháp luật đã có chỗ nương thân.
Lên chiến khu… lên chiến khu… những quả núi xanh lớp lớp chồng chất lên nhau, sóm chiều u ẩn sương mây, chạy dài suốt phía tây, đã trở thành chân trời mới của những người muốn thoát khỏi cuộc sống tù ngục ở đồng bằng. Không phải chỉ vì ở trên đó, mỗi cây cổ thụ có thể giấu được một cái chòi, bưng mắt bọn chó săn đi lùng sục, đề phòng được thú dữ. Mà vì ở đó, có những người dân thương yêu cách mạng, coi cách mạng là lẽ sống của mình. Không phải họ chỉ tìm thấy ở đây những người tốt che chở, giúp đỡ mình trong lúc hiểm nghèo, mà còn tìm thấy ở đây những người đồng chí. Không phải họ tới đây để tìm chỗ ẩn náu, mà chính là để tìm cách giành lại tự do đã bị quân thù tước đoạt.
Kẻ địch cuồng lên trước những người dân mà chúng không biết lấy gì để mua chuộc hay để hăm dọa. Cuối cùng, chúng lại quay về với bom đạn, thuần là bom đạn, bom đạn cho thật nhiều.
Có lẽ không một dải núi nào trên tinh cầu chúng ta đang sống chịu nhiều bom đạn như ở đây. Không một căn nhà sàn nào có thể ở yên với chúng nếu phơi mình ra dưới ánh nắng mặt trời. Kẻ địch thù ghét cả một làn khói thơm của bữa cơm chiều tỏa trên ngọn cây, một ánh lửa ấm đêm đông lọt khỏi căn lều. Mọi căn nhà sàn phải làm thu nhỏ lại dưới những vòm cây xanh luôn luôn bị những trận mưa chất độc hóa học đe dọa.
Chúng điên đầu khi nhìn thấy ló lên ở đây một cái mầm xanh bé nhỏ của sự sống. Những máy bay chiến lược B.52 mà chúng thường gọi là “oanh tạc cơ khổng lồ”, những máy bay B.57 được chế tạo ra để ném bom nguyên tử chiến thuật, đổ xô đến, thả hàng trăm tấn bom vào những nương sắn, nương bắp nho nhỏ vừa hiện lên ở một khu rừng.
Chúng không giấu giếm gì tội ác “diệt chủng” của chúng. Chúng tìm cách tiêu diệt loài người trên dải núi xanh này. Bom đạn đổ xuống đầu con người chưa đủ mà còn phải đổ cả xuống để tiêu diệt tất cả những gì có thể nuôi sống con người.
Thực ra, thằng khổng lồ điên dại này có sức khỏe nhưng lại thiếu mất đôi mắt nên chẳng mấy khi nó làm gì được ai. Tuy nhiên, nó cũng đã mang lại cho đồng bào Thượng một số khó khăn: đó là nương, rẫy bị bom đạn và chất độc hóa học phá hoại.
Trước đây đã không có muối, giờ lại thiếu gạo, thiếu sắn. Có nơi, liền ba năm, không thu hoạch được gì ở nương rẫy. Đồng bào bị đói. Những nương sắn làm ủng hộ cách mạng từ mấy năm trước củ còn nhiều. Lâu nay, bộ đội xuống đồng bằng hoạt động, sắn không ai đào, củ rất to, trong đã có ba lớp xơ. Nhưng đó là sắn của cách mạng, đói thì chịu, không một người nào đụng tới.
————————————————————————————-
1. Vũng biển hẹp
Mưa. Những mỏm núi lầm lì và dữ dội, những rừng tùng bách, lồ ô, đại ngàn đều chìm trong một màn hơi nước ngột ngạt. Bốn phía, trên trời, dưới đất, chỗ nào cũng là nước. Đồi núi, đất đá đều như vữa ra dưới chân, cũng muốn biến thành nước cả. Con đường đi trên sườn đèo chỉ còn lại những rễ cây, vô vàn rễ cây chằng chịt, chăng lưới dưới mỗi bước chân. Những rễ cây biết cử động với những con sên 1 lạnh buốt, rất thính hơi và háu ăn, hễ thấy người đi qua là vươn cao cái vòi hút máu rồi cong lưng đuổi theo.
Mưa ở Trường Sơn có cái gì phũ phàng. Những hạt mưa như roi quất chẳng lúc nào ngớt. Gió trườn mình trong những khu rừng như những con trăn khổng lồ làm cho lá cây, lau lách run lên bần bật vì sợ hãi. Suối réo, thác gầm nhức óc.
Vành mũ giải phóng có lót ni-lông cụp xuống tai. Chúng tôi đã buộc vải nhựa che mưa thành hai vòng thật chặt quanh cổ nhưng nước vẫn rỉ vào người. Ngoài áo mưa là nước. Trong áo mưa cũng là nước, nước mưa, hơi nước đọng thành giọt và mồ hôi. Gạo đựng trong chiếc bao nhỏ buộc cẩn thận ngang thắt lưng bắt đầu lên men. Khẩu súng bôi đầy dầu để trong bao da kín, nước vẫn đọng lại và nổi lên những đám rỉ vàng nhìn thật xót ruột. Chiếc ba-lô trên vai như nặng gấp đôi. Không biết chiều nay đến trạm có củi lửa tốt để hong quần áo, đồ đạc hay không? Thời tiết này mà phơi quần áo trong nhà thì nửa tháng không khô được. Không khí cũng ẩm ướt chẳng kém gì quần áo dính nước mưa. Ngay cả những bộ quần áo đã hong lửa khô cong chỉ vài giờ sau cũng ẩm trở lại, hôi sì. Cơ thể con người cũng như thấm ẩm, nặng nề, nhớp nháp, bứt rứt. Có cảm giác từ trên ba-lô, trên bao súng, trên quần áo và ngay trên da thịt mình đang sắp mọc lên những cây nấm.
Một con dôộc 2 có bộ lông vàng óng, nằm co ở một gốc cây. Cu Ràng, anh chiến sĩ vận tải đi cùng đường với chúng tôi về phân khu, tới nắm hai cánh tay dài của con vật kéo lên xem. Nó đã chết nhưng da thịt vẫn còn mềm. Chúng tôi ngạc nhiên khi tìm khắp mình con vật không thấy một vết thương. Không phải nó chết vì một mảnh bom, một viên đạn, hay một mũi tên. Cũng không phải nó chết bệnh vì cơ thể nó coi rất mập mạp. Chúng tôi đoán là nó chết vì mưa rét, mưa rét đã làm nó ngã trong lúc chuyền cành. Trời rét thật. Nhưng chúng tôi chỉ có cảm giác chính xác về tiết trời sau khi ngồi nghỉ chân.
Từ sáng đến giờ, chúng tôi vẫn đi sau một đơn vị quân giải phóng người Thượng hầu hết là phụ nữ. Đơn vị này làm nhiệm vụ vận tải. Các chị mang trên lưng những gùi hàng lạ mắt. Đó là những chiếc hòm gỗ đóng nẹp chắc chắn, có cái hình chữ nhật dài bằng thân người, có cái hình vuông, mỗi chiều đến gần một mét. Nhiều chiếc hòm được bao trong vỏ kẽm. Cái kỳ dị của những thứ hàng này là đáng lẽ nó phải được nằm trong những toa tàu kín đáo hoặc những xe vận tải có mui, thì bây giờ nó đều được buộc thêm hai sợi dây gùi để bám vào đôi vai các cô gái. Không cần nhắc thử các gùi hàng đó, chỉ nhìn hình thù và những sợi dây lẳn vào đôi vai họ cũng đủ biết sức nặng của nó. Vậy mà nó đã vượt qua những đồng lầy, những chiếc cầu khỉ, những đèo mây, những nơi không nói đến xe cộ mà tưởng chừng như người không cũng khó vượt qua.
Đường đi mỗi lúc một hoang vắng. Ở dưới đồng bằng, người ta nói nhiều nơi trên đỉnh Trường Sơn này chưa có dấu chân người. Khi ngọn lửa cách mạng còn chưa nhen nhóm ở đây thì các đỉnh núi cao chỉ mới là mảnh đất được những các nhà thám hiểm chú ý. Người ta sợ hãi khi nhắc đến những loài thú dữ, những con cọp ba chân, những con voi một ngà… Thiên nhiên đã tạo nên ở đây những quả núi thật ác hiểm, những quả núi không có đường đi cho người nhát gan, và những cái động 3 theo lời đồng bào địa phương: Voi trèo lên đó cũng phải quỵ.
Vậy mà hôm nay, tất cả những ngọn núi đó đang cúi đầu dưới những bước chân thong thả, mềm mại của các cô gái. Phía trước chúng tôi, các cô gái với gùi hàng đồ sộ như những con kiến tha mồi, hai tay chống vào cạnh sườn, khuỷu tay hơi đưa về phía sau để dồn sức cho đôi vai, vẫn tiếp tục đi những bước khoan thai, đều đặn. Họ vẫn giữ dáng đi uyển chuyển của những cô gái. Họ nhẹ nhàng đi trên một thân cây đổ nằm ngang dòng suối ngầu bọt trắng xóa, luồn qua những rừng cỏ gianh rậm, đi qua những đoạn đường chỉ đủ đặt từng bước chân trên sườn núi cheo leo, trèo lên những đỉnh đèo mất hút trong mây.
Cứ mỗi lần mưa gió gào lên, hoặc một đoạn đường khó hiện ra phía trước, nhìn các cô gái, tôi lại như được nghe các cô đang nói với mình: “Thời tiết không xấu lắm đâu, đường đi thế này còn là tốt chán”. Tôi cứ tự hỏi: “Làm sao mà có thể đi nhẹ nhàng như thế kia với những chiếc “tủ hàng” trên vai?” Rồi tôi nảy ra một cảm giác kỳ dị: Những kiện hàng đồ sộ kia, những con đường như sợi chỉ nằm trên vách đá, những con suối tung bọt trắng hung hãn cản đường… cả mưa, gió nữa, đều là giả tạo hết; chỉ có những cô gái với đôi chân uyển chuyển, nhịp nhàng kia là thực mà thôi.
Đoàn người bị ùn lại trước một thân cây đổ. Cái cây vỏ đỏ quạch như gỉ sắt, đầy những chiếc nấm trắng bị đổ từ bao giờ, nằm ngang con suối nhỏ chúng tôi đang đi. Từng người một phải tìm cách đưa kiện hàng vượt qua.
Từ khe núi bên, có một đoàn dân công đang đổ ra. Họ dừng lại ở bờ suối, nhường đường cho bộ đội đi trước.
Một cụ già tóc trên đỉnh đầu đã rụng hết, những sợi tóc còn lại thưa thớt nhưng rất dài rủ xuống hai bên tai, người chỉ đóng một chiếc đót, chìa tay bắt tay tôi, nói bằng những tiếng ngắt quãng:
– Mưa… Trước có ni-lông, chừ rách rồi… Ướt mói… thống nhất mần nhà gạch to… mưa ở nhà, không đi…
Ông cụ cười, nhe hàm răng trên bị cà sát lợi. Hai sợi dây mây nhỏ lẳn vào đôi vai xương xẩu. Trên lưng cụ là một chiếc gùi lớn lót lá xanh bóng. Trong lúc đợi, cụ vẫn đứng khom lưng, đặt một cánh tay trước bụng theo kiểu người đi rừng đeo nặng, tay kia gập trên vai, cầm một tàu lá kè lớn che cho chiếc gùi. Mưa xối vào tàu lá rào rào, giận dữ như muốn xé nó ra. Theo lời ông cụ, chắc trong gùi là muối. Hạt muối ở đây được coi như hạt ngọc. Tôi đã được nghe nói, đồng bào Thượng đói muối nhiều năm liền, nhưng muối của cách mạng nằm ở trên vai họ như thế kia hàng chục ngày ròng để chuyển từ kho này qua kho khác, không suy suyển một hạt.
Anh cán bộ đi cùng đường về phân khu cùng chúng tôi, nói:
– Người già à… mần cách mạng khổ hung!
Ông cụ quay lại, tròn mắt nhìn anh, nói to như muốn át tiếng mưa:
– Đúng… mần cách mạng thì phải khổ… không ưng khổ thì để cho đế quốc Mỹ cướp nước.
Anh bạn chúng tôi cười, vui vẻ:
– Rứa là người già biết hơn bọn tui.
– Mô?… Cán bộ thử mình thôi.
Trong mưa bỗng nổi lên những tiếng đàn. Những tiếng đàn lanh lảnh, nho nhỏ nhưng trầm bổng ấy, vẫn phân biệt rất rõ với tiếng rào rào phũ phàng của muôn vàn hạt mưa rơi, tiếng ào ào của gió rừng hú lên từng hồi, tiếng gầm của một thác nước ở gần đó.
Ngoảnh lại nhìn, tôi thấy người đánh đàn là một cô dân công, còn nhỏ cả về tuổi lẫn tầm vóc. Cô bé mặc một chiếc áo hoa màu hồng, cái váy đen có những đường thêu đỏ và trắng nằm ngang như muốn bó chặt lấy đôi cẳng chân. Người cô bị lút đi vì gùi hàng to lớn trên lưng được che cẩn thận bằng một tấm ni-lông màu xanh rất rộng. Chiếc đàn gòn hình trái bầu xinh xắn nằm trước ngực cô như một thứ trang sức. Cô gái cất tiếng hát:
Lang lư 4 quân đội nhân dân, quân đội cách mạng…
Những tiếng hát nho nhỏ của cô gái chan hòa niềm vui, như một sự thách thức với mưa gió.
– Nhỏ rứa mà cũng đi à? O đủ tuổi đi dân công chưa?
Cô gái ngừng đánh đàn, ngước đôi mắt long lanh nhìn bộ mặt lấm tấm đầy những chân râu, hơi dữ tướng của anh một lát, rồi mỉm cười nói:
– Đồng chí hỏi chi rứa? Bom đạn Mỹ nó có chừa ai mô!
Vẻ mặt tươi cười của cô gái đã làm cho anh bạn tôi lặng thinh. Cô bé ngập ngừng định nói với chúng tôi điều chi lại thôi. Những ngón tay nhỏ nhắn của cô lại chạy trên những sợi dây đàn. Miệng cô gái vẫn mủm mỉm cười.
————————————————————————————
1. Con vắt
2. Một loài vượn
3. Đỉnh núi rất cao
4. Yêu nhiều lắm…
Chúng tôi nghỉ lại trên một quả đồi nhỏ để chuẩn bị vượt đèo.
Các o giải phóng lấy ni-lông phủ hàng, ngồi trên những tảng đá giữa trời mưa, phì phèo hút thuốc lá với những cái tẩu làm bằng đất nung hay một chiếc vỏ đạn.
Chúng tôi ngồi được một lát mới thấy Cu Ràng chậm chạp leo lên dốc. Đêm hôm qua, anh lại lên một cơn rét. Nhưng sáng nay anh không chịu nghỉ lại trạm, cứ khoác kiện hàng lên vai cùng đi với chúng tôi.
Nhìn cái đầu bù xù, cặp mắt luôn luôn mở to như ngơ ngác và dáng điệu chậm chạp của anh, ít ai nghĩ là anh đã được đi nhiều nơi, tinh khôn và biết lắm chuyện hơn những người bạn lanh lợi khác. Anh là một trong số những thanh niên người Thượng được ngụy quyền đưa xuống thành phố Huế, cho đáp máy bay về tận Sài Gòn. Anh đã được chúng dẫn đi xem quân cộng hòa tập trận, xem chớp bóng, xem xích-lô máy, xem xe đạp đi trong nhà lầu. Trong thời gian ở Sài Gòn, Cu Ràng biết bọn tiếp đãi xén bớt tiền ăn của họ, đã đứng ra tố cáo chuyện đó trước tên cấp trên của hắn khi tên này tới thăm. Bọn tiếp đãi buộc phải cho họ ăn uống khá hơn. Qua chuyến đi, Cu Ràng hiểu rõ chúng hơn, trở về, anh càng kiên quyết đi theo cách mạng.
Cu Ràng làm công tác vận tải đã được bốn năm. Lần này là lần đầu anh được cử đi theo một cán bộ mang hàng về phân khu. Cu Ràng không biết bơi. Khi vượt sông Y, chúng tôi để Cu Ràng qua bằng mảng. Cu Ràng vẫn đeo cả kiện hàng trên vai. Vừa ra khỏi bờ thì chiếc mảng nứa chìm dần một đầu vì Cu Ràng đeo nặng, lại đứng tận cuối mảng. Anh thét lên, nhưng trong khi người bị chìm dần xuống nước, anh vẫn đứng lom khom, hai tay bám lấy cây nứa ghép mảng, giữ nguyên kiện hàng trên vai. Nhờ đó, mảng không bị lật. Đồng chí kéo mảng vội kéo chiếc mảng trở lại bờ, và Cu Ràng vẫn bám vào nó. Anh thoát chết nhưng kiện hàng bị ướt. Sau đó chúng tôi bảo Cu Ràng bỏ kiện hàng ra và ngồi vào giữa mảng. Khi đưa được Cu Ràng sang sông, mọi người đều mừng rỡ. Nhưng nhìn Cu Ràng, thấy anh chẳng vui tí nào. Anh buồn bã nói: “Mình không hoàn thành nhiệm vụ đối với phân khu rồi. Thủ trưởng bảo mình là không được để hàng ướt!” Anh rầu rĩ đến nỗi đồng chí cán bộ cùng đi, chịu trách nhiệm về kiện hàng đó phải an ủi anh: “Hàng bọc kỹ mới nhúng nước một chút không can chi”. Bữa tối hôm đó, Cu Ràng bắt đầu lên cơn sốt. Từ hôm đó đến nay, anh không kể chuyện cho chúng tôi nghe nữa, vẻ mặt vẫn rầu rĩ.
Bữa nay, hai má Cu Ràng tóp lại làm cho cái đầu tóc bờm xờm càng xù to. Anh cán bộ đi cùng đã cho Cu Ràng mượn chiếc mũ nhựa trắng to vành đội để tránh mưa, nhưng nước vẫn chảy ròng ròng trên mặt anh, không hiểu nước mưa hay mồ hôi. Tôi hỏi:
– Có đi được nữa không?
– Đi chớ…! Răng lại không?
Cu Ràng đặt kiện hàng xuống một phiến đá, rồi quay lại hỏi đồng chí cán bộ:
– Đồng chí có quen cán bộ Sắc không?
– Cán bộ Sắc nào?
– Cán bộ Sắc trước công tác ở làng A-rum.
Anh cán bộ lắc đầu, rồi nói:
– Đồng chí hỏi làm chi?
– Cái o người Tà-ôi đánh đàn khi hồi nhờ hỏi. Cán bộ Sắc ở nhà hắn. Bữa ni hắn đi dân công, bọ mạ nhủ đem theo mười lăm lon gạo nếu gặp cán bộ Sắc thì cho…
Đôi lông mày của anh cán bộ nhíu lại. Anh lầm bầm: “Biết cán bộ Sắc ở mô mà tìm! Trời mưa, gùi một gùi nặng như rứa mà còn đem theo mười lăm lon gạo cho cán bộ…” Anh lấy túi thuốc ra, vừa vấn thuốc bằng những ngón tay vàng khè vừa đưa mắt nhìn xuống chân dốc.
Đoàn dân công ở dưới suối đã bắt đầu đi lên. Họ xuống đồng bằng không phải vượt đèo nên không nghỉ lại đây.
Tôi ngồi yên lặng nhìn những người dân đi trong mưa lạnh. Các cụ già còn mang trên người đôi dấu vết của cuộc sống một thời xa xưa. Những người dân trước đây tôi chỉ hiểu một cách mơ hồ, sai lạc qua một số sách báo không phải của chúng ta. Những người dân cho tới nay chưa cùng tôi trao đổi một lời, nhưng bỗng nhiên trở nên thân thiết lạ thường.
Cô bé có cây đàn đang đi lên. Cô liếc nhìn về phía chúng tôi với cặp mắt long lanh. Hình như cô tin rằng chúng tôi sẽ chỉ cho cô chỗ ở của người cán bộ mà cô muốn gặp. Tôi sợ niềm vui tan mất trên mặt cô gái, và cảm thấy hai sợi dây mây gùi hàng bé nhỏ của cô đang nghiến mạnh trên chính đôi vai của mình.
Anh bạn mới của chúng tôi rít một hơi dài cho điếu thuốc lá ngấm nước mưa khỏi bị tắt, rồi nói với cô bé:
– O vừa hỏi thăm cán bộ Sắc phải không?
Cô gái dừng bước, quệt những giọt nước mưa trên trán, nét mặt rạng rỡ hẳn lên:
– Đồng chí biết cán bộ Sắc ở mô không?
– Cán bộ Sắc đi công tác rồi, không tìm được mô! Gạo đem theo bỏ ra mà ăn! Đừng mang đi mang về chi cho nặng…
Nhưng thực ra niềm vui vẫn không tắt trên mặt cô gái. Cái ánh sáng của một mùa xuân đang tới vẫn lung linh trong đôi mắt cô.
Dường như sợ cô gái không nghe theo lời mình, anh cán bộ lại nói:
– Không gặp được cán bộ Sắc mô!
– Mình cũng không nghĩ là gặp cán bộ Sắc mô. Bọ mạ 1 mình nói: Cứ mang gạo đi, may gặp thì cho thôi…
Cô gái đi vượt qua chỗ chúng tôi ngồi. Mấy tiếng đàn nho nhỏ lại vang lên trong mưa. Những ngón tay ấy chắc đã quen nhảy nhót trên những sợi dây đàn. Tôi bỗng trở lại với cảm giác ban nãy… không có gió mưa chi cả, không có đèo dốc nào, không có kiện hàng nặng trên đôi vai nhỏ nhắn của cô bé, chỉ có một niềm vui tràn trề trong người thiếu nữ đó thôi, cái niềm vui mà cô không kìm hãm được trong lòng, phải để nó bật lên thành tiếng.
Đoàn dân công với những cụ già đóng lót, những chị mặc váy đen, váy hoa tiếp tục đi ngang chúng tôi. Họ vui vẻ chào đón bộ đội như những người quen gặp gỡ nhau trong một ngày hội.
Anh bạn của chúng tôi đang ngồi tư lự như không yên tâm vì cái mười lăm lon gạo trên vai cô gái, bỗng reo lên:
– Kan Pôộc à!
Anh đã nhìn thấy một người quen. Một chị mặc cái áo đen không có tay rộng thùng thình, cổ đeo chuỗi hạt mặt đá trong, màu hồng, hình ô trám, đang chầm chậm đi lên. Nghe gọi tên mình, chị nhìn lên; cái cười khiến cho bộ mặt có nước da ngăm ngăm trở nên hồn hậu.
– Bỏ con mô mà đi rứa?
– Con đi theo mình.
Chúng tôi nhìn về phía sau chị, ở lưng chừng dốc một thân hình nho nhỏ chùm kín một miếng ni-lông màu da trời chỉ để hở đôi mắt tròn đen láy và hai cẳng chân nhỏ xíu. Em bé cũng có cái gì giống như một gùi hàng trên vai.
– Thằng ni cũng đi gùi à? Mình hỏi đứa nhỏ để mô?
– Đó. Thằng lớn cõng đó.
Chúng tôi chưa hết ngạc nhiên, thì chị hỏi tiếp:
– Cán bộ họ nói con nhỏ, không ai chăm, họ không cho mình đi. Mình ở nhà thì cái bụng không ưng. Cho thằng to nó đi theo thì mình phục vụ được cách mạng mà con cũng được theo mình.
Mặt anh bạn tôi xanh lại. Anh vứt điếu thuốc trong tay, đứng dậy:
– Đi cán bộ có biết không? Rứa mà cho đi à?
– Cán bộ biết cũng không ngăn được mình. Mình không có của cho cách mạng thì mình cho công… Cho mình xin điếu thuốc.
Người cán bộ trút gần hết túi thuốc vào tay chị. Anh nâng tàu lá gồi, ngó vào gùi hàng trên vai chị, hỏi:
– Có mang gạo không?
– Không có gạo mô!
– Ăn bằng chi?
– Có sắn đó.
– Mình thừa mấy ngày gạo, đem đi cho đứa nhỏ ăn.
– Mình không lấy mô! Con bé, họ chưa biết ăn gạo. Còn đứa to, họ có sắn đó rồi.
Anh bạn của chúng tôi cứ tháo túi gạo ở thắt lưng đưa cả cho chị. Chị có con vẫn từ chối. Cuối cùng, anh ép chị nhận bằng cách đổi gạo lấy sắn. Anh nhấc tàu lá chị cầm che miệng gùi, rút ra một củ sắn, rồi bỏ cả túi gạo vào đó.
Mưa vẫn trắng đèo, trắng núi. Những trận mưa ở Trường Sơn có khi kéo dài hàng tháng. Trường Sơn có sáu tháng mưa và sáu tháng khô. Những đàn vượn với giọng hót véo von mọi ngày nhan nhản đầy rừng, bữa nay, biến đâu cả. Chắc chúng đang ngồi buồn bắt rận cho nhau trong những hang động ẩm ướt. Còn chim muông có lẽ bay cả về những miền nắng ấm ở bên kia Trường Sơn. Nghe nói, khi triền núi bên này mưa nhiều thì bên kia tiết trời khô ráo. Chỉ có những đoàn người là vẫn tiếp tục đi trong mưa.
————————————————————————————
1. Bố mẹ
Sau những ngày mưa, sớm nay, khí trời mát mẻ lạ thường. Rừng cây thở ra một thứ hơi mát rất dễ chịu làm cho người đi đường không biết mệt. Tôi mê mải nhìn mảng trời xanh lạ lùng hiện giữa những vòm cây màu lục rất đậm, có những đám mây trắng nhỏ nhẹ như những chiếc bông gạo từ biển trôi vào. Xương nhắc tôi:
– Đi cẩn thận không có hố chông đấy!
Hai bên con đường vắng vẻ hôm nay có nhiều hố chông. Những hố chông như mách chúng tôi: sắp đến “nhà” rồi.
Chúng tôi dừng chân trước một vọng gác nhỏ bốn mái, lợp bằng lá kè. Đã lâu, lại mới gặp một vọng gác. Anh chiến sĩ giải phóng trẻ mặc bộ quần áo giải phóng bằng ka-ki màu xi-măng đỏm dáng, xem giấy tờ rất nhanh rồi để chúng tôi đi qua. Anh dễ dãi như vậy vì đồng chí liên lạc của cơ quan chính trị đi cùng chúng tôi đã là một bảo đảm chắc chắn rồi.
Một chị nuôi mặc chiếc áo ngắn bó sát người, ngồi bên giếng nước xếp bằng đá với đống rau môn thục và những xâu lá tai nai dày như xâu mộc nhĩ, tươi cười gật đầu chào khách.
Chúng tôi đi theo con đường đánh bậc có tay vịn bằng dây song. Những căn nhà nho nhỏ nằm rải rác dưới vòm cây. Một đám sương nhẹ quen thuộc quyện trên đường ống dẫn khói của bếp Hoàng Cầm như có mang theo mùi thơm của gạo đồng bằng, thứ lúa dẻo thơm mà chúng tôi đã được nếm ở trạm chờ đầu tiên của phân khu. Từ một ngôi nhà có những tấm phên đan mắt cáo rất thoáng, điểm những hoa thị xinh xắn, vang ra tiếng nói rành rọt, chậm rãi của một buổi phát tin đọc chậm.
Đồng chí liên lạc của cơ quan chính trị đưa chúng tôi vào một căn nhà sạch sẽ. Trên sàn nằm phủ một chiếc đan bằng vỏ cọng lá đoác bóng và mịn, có những chồng giấy mới in rô-nê-ô xếp ngay ngắn. Ở một góc nhà, mấy chiếc hòm gỗ còn niêm phong, chắc vừa được chuyển đến, mới xếp tạm ngổn ngang. Bên cửa sổ, một đồng chí đang ngồi đánh máy chữ. Tiếng máy kêu giòn giã, lách tách như mưa rào. Đồng chí phụ trách văn phòng người trắng trẻo, mảnh dẻ, mặc bộ quần áo bà ba đen, đặt ống nghe xuống máy, không đợi chúng tôi tự giới thiệu, tươi cười nói:
– Các thủ trưởng đang chờ các anh ở bên tê.
Chúng tôi đặt tạm ba-lô tại đây, rồi lại đi theo con đường có tay vịn bằng dây song tới một ngôi nhà gần đó. Đây là nhà đồng chí chính ủy các lực lượng vũ trang của Trị – Thiên. Đồng chí chủ nhiệm chính trị của phân khu cũng đang ngồi ở đây.
Những ngày còn bị nghẽn đường vì nước lũ, nằm chờ ở trạm X., một chiến sĩ thông tin biết chúng tôi sẽ tới cơ quan bộ tư lệnh phân khu, mau mồm giới thiệu: “Vô nớ, nhà cửa cứ y như thành phố”. Chúng tôi không hình dung được một “thành phố” ở vùng tự do trên dải đất hẹp này ra sao. Bây giờ chúng tôi đã ở vào “khu trung tâm” của cái thành phố mà người chiến sĩ đã giới thiệu. Ngôi nhà của đồng chí phó chính ủy phân khu cũng giống như những ngôi nhà khác, cột kèo, rui, xà đều bằng những thân cây lớn nhỏ vẫn để nguyên vỏ, buộc vào nhau bằng những sợi dây rừng, mái lợp gianh đánh bằng những lá đoác dài đan lóng đôi. Ở đây, vừa là nơi làm việc, vừa là chỗ ở của đồng chí phó chính ủy. Nhà có hai chiếc bàn nứa và một giường nhỏ cũng bằng nứa. Chân giường là những thân cây có ngoãm được chôn hẳn xuống đất. Mấy cành cây treo giáp mái nhà để gác đồ đạc cho khỏi ẩm; trên dàn chỉ có mỗi một chiếc ba-lô. Khẩu súng ngắn đã lồng sẵn vào dây lưng đặt ở đầu giường cạnh chiếc máy thu thanh bán dẫn. Một chiếc bi-đông sắt treo trên cột, chắc còn được dùng để đun nước, khói bám đen. Ngay cửa ra vào, trên khoảng đất trống “rộng rãi” nhất của căn nhà, mấy gốc củi lớn vẫn chụm đầu vào nhau, nhưng lửa đã tắt, tro than đã được dọn sạch. Chúng tôi ngồi quanh bàn trên những chiếc ghế dài làm bằng thân cây. Trên mặt bàn, có đặt một máy nói. Mùi mốc bốc lên từ những phên liếp như thầm nói một điều: chủ nhà hay đi vắng. Phảng phất quanh đâu đây, mùi khét của một trận bom.
Xương cũng đưa mắt ngó quanh. Chúng tôi đã gặp nhau trong một ý nghĩ. Anh nói:
– Hôm nọ có người giới thiệu với chúng tôi: Cơ quan của ta ở đây giống như một thành phố.
Đồng chí phó chính ủy có vầng trán rộng tư lự, mái tóc dày lấm tấm bạc tương phản với cái miệng tươi cười rất trẻ, một phần vì anh không có râu, vừa rót nước cho khách vừa vui vẻ nói:
– Nhà thì như ri, nhưng đi đến mô rồi cũng cứ ưng trở về cái nhà của mình.
Câu nói của anh làm cho căn nhà bỗng dưng ấm cúng hẳn lên và như cũng có một linh hồn.
Đồng chí chủ nhiệm chính trị trán cao, da đỏ hồng, mặc chiếc áo len cổ lọ màu nâu nhạt trông giống như một cán bộ mặt trận gấp cuốn sổ ghi chép bằng vở học trò bìa xanh đỏ lòe loẹt có in hình một cô gái, nói với giọng cởi mở:
– Các anh nghiên cứu lịch sử Trị – Thiên rồi các anh sẽ thấy anh em nói rứa là rất đúng…
Anh kể qua cho chúng tôi nghe những ngày đầu các đơn vị giải phóng mới được xây dựng ở đây. Hồi đó, các chiến sĩ giải phóng đã tổng kết là trên lưng mình luôn luôn có bốn cái “kho”: Thứ nhất là “kho lương thực” gồm bốn mươi lăm lon gạo, dăm lon lạc, vài ba lon muối, ít bột ngọt v.v…; Thứ hai là “kho quân trang” gồm có vài bộ xuân hè, thu đông, áo len, quần đùi, áo lót, chăn, màn, võng tăng v.v…; Thứ ba mới tính đến “kho khí tài” gồm súng, đạn, lựu đạn, thuốc nổ, cuốc, xẻng và những máy móc dùng cho công tác chuyên môn tùy theo nhiệm vụ của từng người; còn phải kể đến cái “kho” thứ tư là “kho quân y”, gồm các thứ thuốc phòng trị sốt rét, cảm cúm, những thứ thuốc kháng sinh nặng nhẹ khác nhau, thuốc ho, thuốc đi rửa, thuốc sát trùng, thuốc tiêu độc, dầu chống lạnh, bông băng cấp cứu v.v… Ngoài ra, mỗi người còn phải có một cái “ca-nô” để qua sông, qua suối. Anh em nói “ca-nô” này chỉ có một mã lực thôi, đó là sức của chính người dùng nó…
Đồng chí chủ nhiệm chính trị cười và nói tiếp:
– Mỗi bước đi, bốn cái “kho” đó đều đè trên vai. Chừ đã được ăn ở như ri. Từ thời kỳ “du mục” chuyển qua thời kỳ “định cư” có khác chi đang ở lều vịt chuyển qua ở nhà lầu.
Các đồng chí thăm hỏi tình hình sức khỏe và những khó khăn chúng tôi đã gặp trên đường đi.
Khi chúng tôi kể lại chuyện đi cùng đường với những o giải phóng người Thượng bữa trước, đồng chí chủ nhiệm chính trị ngừng tay vấn thuốc lá, những nếp nhăn thoáng hiện trên trán cao và bóng của anh. Anh chậm rãi nói:
– Chúng tôi đã suy nghĩ nhiều về công tác ni của các chị em. Chị em vận chuyển hàng không thua chi nam giới mô. Nhưng công việc ni thiệt ra không thích hợp với cơ thể của phụ nữ. Gùi hàng thường xuyên, sống lưng bị đen, vai to ra, ngực nhỏ lại, chân cũng có thể bị ngắn đi. Công tác vận chuyển rất cần, nhưng mình cũng phải nghĩ đến chuyện lâu dài của chị em. Chúng tôi bàn bàn chuyển chị em trở về địa phương công tác nhưng không ai chịu về. Không một ai muốn rời cái áo giải phóng. Chị em cũng nghĩ đến chuyện chồng con… Nhưng cái họ sợ hơn cả là phải xa cách mạng. Đang phải tính cách thuyết phục chị em chuyển qua một công tác thích hợp hơn.
Chợt nhớ ra một điều gì, phó chính ủy hỏi chủ nhiệm chính trị:
– Chuyện vợ chồng Kan Lịch 1 ra răng? Các anh ưng cho Kan Lịch đi phép hay kêu Cu Chiến lên?
– Kêu Cu Chiến lên thì vợ chồng gặp nhau thoải mái hơn. Nhưng còn tùy ở Kan Lịch. Chúng tôi định hỏi ý kiến Kan Lịch rồi ta điện cho đơn vị.
Đồng chí liên lạc mang tới mấy chiếc vừa cốc, vừa ca to nhỏ khác nhau, bên trong đựng một thứ nước sánh như sữa. Phó chính ủy nói:
– Mời các đồng chí nếm một sản phẩm mới của ngành hậu cần vừa gửi cho chúng tôi: Bột trứng đó!
Tôi đang nghĩ xem Kan Lịch là ai, người con gái có cái tên quen quen, thì đồng chí phó chính ủy vừa đặt trước mặt khách những chiếc ca, cốc to nhất, vừa nói tiếp:
– Các anh nên gặp Kan Lịch. Cô ấy hiện đang ở gần đây. Đồng bào người Thượng ở Trị – Thiên thiệt là lạ!
Qua câu giới thiệu ngắn ngủi đó, chúng tôi đã hiểu phần nào về Kan Lịch, biết đó là một người con của Trị – Thiên mà chúng tôi cần gặp và sẽ được gặp.
Ngoài những hồi chuông điện thoại đổ dồn, câu chuyện còn luôn luôn bị ngắt vì tiếng máy bay rít trên đầu, tiếng réo xé không khí của những viên đạn pháo tầm xa, tiếng bom nổ làm rơi những vụn đất nhỏ trên nóc hầm. Có tin Oét-mo-len ra Quảng Trị và những cuộc thay quân mới của địch. Tình hình chiến trường đang khẩn trương. Trên đường đi, một buổi tối ở trạm, chúng tôi đã được nghe những lời kêu gọi hùng tráng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam về việc đánh bại kế hoạch mùa khô thứ hai của đế quốc Mỹ. Trên dải đất hẹp này, hiệp hai giữa quân dân ta với đế quốc Mỹ cũng đã bắt đầu. Bên kia trái đất, tại tòa Nhà Trắng, Giôn-xơn đang điên đầu vì cái mùa khô thứ hai tại miền Nam Việt Nam, trong đó có tất cả những gì đang diễn ra ở đây.
Đồng chí phó chính ủy giải quyết một số công việc qua máy nói, kể lại với chúng tôi một vài tin tức mới, rồi lại tiếp tục câu chuyện. Anh đồng ý với cái chương trình làm việc sít sao mà chúng tôi đề nghị. Quốc sẽ ở với cơ quan chính trị một thời gian rồi đi các đơn vị giải phóng để nghiên cứu tình hình công tác chính trị. Xương và tôi, một người sẽ đi miền Tây, một người đi đồng bằng, sau đó, quay về cùng đi với bộ đội.
Nhưng không phải trong buổi sáng hôm nay, các đồng chí nói toàn những chuyện dính dáng đến công tác. Vẫn với cách nói ngắn gọn, không thừa một tiếng, đồng chí phó chính ủy kể cho chúng tôi nghe về những buổi gặt mò tại vùng ruộng trũng ở quê anh, trước ngày anh rời gia đình đi hoạt động cách mạng. Anh hẹn Quốc, một tối nào trước khi đi xuống đơn vị, ghé qua đây đánh một ván cờ. Đồng chí chủ nhiệm chính trị nói chuyện về âm nhạc cổ điển, nhắc đến một số bản xo-nát của Su-be, Sô-panh, Trai-cốp-xki. Chừng anh cho Xương và tôi là những người viết văn, viết báo hẳn phải sành và say mê âm nhạc. Biết chiếc máy thu thanh bán dẫn của chúng tôi đem theo đã hỏng vì một trận bom, anh rủ chúng tôi nếu không mệt thì buổi tối sang nhà anh, cùng nghe một số bản nhạc cổ điển mà một cái đài phát thanh nào đó hay phát vào nửa đêm.
Chúng tôi đã được biết bộ đội Trị – Thiên đang gấp rút chuẩn bị một số trận đánh lớn. Cả ta và địch đều đã ra quân. Cũng có thể là ngày mai hay lát nữa, chúng ta sẽ phải đối phó với một đòn táo bạo, bất ngờ của kẻ địch. Nhưng ở cơ quan đầu não này, vào mùa khô thứ hai, mọi người vẫn tỏ ra thư thái, ung dung. Mọi tình huống phức tạp đều như đã được tính toán. Kể ra cũng không có gì lạ nếu chúng ta nhớ lại, chúng ta đã đánh giặc ngoài hai mươi năm, trên một chiến trường mà ta chỉ được tiến không được lùi, trong một trận đánh lâu dài mà ta chỉ được thắng không được bại.
———————————————————————————
1. Anh hùng Quân giải phóng miền Nam