Mấy toán địch rầm rập chạy qua trước mặt Phong. Anh yên tâm vén những cây cỏ gianh chung quanh, che kín chỗ mình ngồi. Tiếng súng của địch nổ loạn phía con suối ở trước làng Phương Chánh. Ban nãy, nếu chạy thẳng, Phong phải vượt qua đó. Lát sau, anh lại nghe cả những tiếng nổ ở trong làng Phương Chánh.
Mặt trời vẫn còn khá cao. Chốc chốc tiếng súng lại vang lên ùng ục phía suối. Chỗ này lòng suối nhiều quãng có nước sâu. Khéo mà chúng bắn xuống nước cũng nên. Chúng nó đánh giá du kích Mỹ Thủy tài lặn lắm sao, Phong nghĩ vậy. Nhưng anh cũng biết nếu còn ánh sáng mặt trời thì bọn chúng chưa chịu buông tha vùng này. Hơn một tiểu đoàn của chúng chiến đấu suốt một ngày, chả lẽ lại chịu không kiếm chác được cái gì ư? Chung quanh chỗ anh ngồi, không còn thấy chúng nó. Nhưng chắc bốn phía, vòng vây của chúng vẫn đang siết chặt.
Với anh, thì cuộc chiến đấu ngày hôm nay thế là kết thúc rồi. Anh ngồi đánh giá kết quả trận đánh đầu tiên với bọn chúng, điểm lại từng đợt chiến đấu. Chúng nó phải chết trên ba chục thằng. Chỉ tối nay thôi, đồng bào ở Mỹ Thủy, ở Huế, ở Đà Nẵng… sẽ biết kết quả trận đánh khi những xác Mỹ chết được đưa về Phú Bài. Tối nay về, Phong sẽ gặp ngay các đồng chí du kích. Ngày hôm nay, chúng đã bu đến thật đông, đúng như lời các đồng chí đó nói. Nhưng cuối cùng, chúng vẫn chỉ là ruồi. Đập mạnh là chúng bay loạn xạ. Chúng cũng biết sợ hãi như tất cả những loài ruồi khác mà thôi.
Lại có tiếng máy bay lên thẳng phành phạch trên đầu. Chúng đi gắp xác chết đó. Một đám lửa cháy bùng lên trên quả đồi cạnh ấp Năm. Chúng thả bom lửa xuống đồi làm gì? Anh đoán là chúng nó muốn xóa hết những dấu vết của cuộc chiến đấu ngày hôm nay. Bỗng Phong thấy một luồng gió rất mạnh trên đầu. Trong phút chốc, những đám lau đang che giấu cho anh bỗng nằm ép xuống cả mặt đất, phơi người anh ra giữa trời. Ngay trên đầu anh, một chiếc máy bay lên thẳng đang từ từ hạ cánh. Sự việc xảy ra đột ngột quá, làm cho Phong quên cả nằm rạp mình xuống mặt đất cho nhỏ mục tiêu, trên người anh, vẫn còn một mảnh vải dù ngụy trang. Chắc là bọn trên máy bay trông thấy anh rồi. Dù sao mình cũng không chịu để cho chúng bắt sống. Anh vẫn còn một thứ vũ khí trong tay. Phong cứ ngồi ngay như pho tượng. Những chuyện xảy ra từ sớm đến giờ đều thật là đột ngột. Nhung ngay lúc đó, anh cảm thấy trong lòng thanh thản lạ thường.
Chiếc máy bay lên thẳng đỗ xuống cách anh dăm thước. Những cây lau vừa nằm xuống mặt đất đã thong thả đứng dậy, che người cho anh. Phong giương mắt thật to chờ mấy thằng đội mũ lưỡi trai to lớn hấp tấp xô đến chỗ anh. Hai tay anh đã nắm chắc báng súng.
Một chiếc cẳng dài, rồi hai chiếc cẳng dài thò xuống mặt đất. Thằng giặc này không vội vàng tí nào. Nó từ từ đi cách xa chiếc máy bay. Có lẽ chỉ có một mình nó thôi. Thằng Mỹ rất cao và gầy đó đứng xây lưng về phía anh, ngoảnh mặt về làng Phương Chánh. Nhờ có chiếc cần “ăng-ten” ngất nghểu, Phong nhận ra cái vật nó đeo trên lưng là một chiếc máy điện thanh. Nó cắp ở nách một khẩu súng xem chừng rất nhẹ. Chắc là nó chưa trông thấy Phong ngồi đây. Cái chong chóng trên lưng chiếc máy bay quay tít lên bây giờ lại sẽ phơi người anh trên mặt đất. Khi đó, tên lính quay lại nhìn chiếc máy bay bay đi nó sẽ trông thấy anh. Cuộc vật lộn giữa anh với nó sẽ bắt đầu. Mình không cao hơn thắt lưng nó mấy tí, nhưng cái báng súng này thừa sức với tới đầu nó. Cái chong chóng bắt đầu quay. Nó quay tít, những cây lau lại rạp xuống. Đầu óc Phong căng lên. Nhưng cho đến lúc chiếc máy bay lên thẳng bay đi khuất, tên lính vẫn không hề quay lại. Phong nhẹ nhàng vén từng cây lau, che kín chỗ mình ngồi như cũ.
Thỉnh thoảng, anh lại nghe tên lính nói bằng thứ tiếng cổ họng xa lạ và những tiếng ủng oẳng từ chiếc máy phát ra. Anh đã biết rõ tên này được phái đến đây để theo dõi hành tung của cái người hiện đang ngồi ngay sau lưng nó. Nó được giao nhiệm vụ cảnh giới phía đã có một bóng “Việt cộng” rút chạy. Nó làm “công vụ” một cách “nghiêm chỉnh” đến mức Phong không hề nhìn thấy bộ mặt của nó ra sao.
Một chiếc máy bay khác vẫn tiếp tục thả chất cháy xuống những quả đồi, nơi cuộc chiến đấu đã diễn ra ngày hôm nay. Tiếng súng ở vùng này đã im bặt. Mặt trời xuống dần ở phía tây, làm cho những khu rừng, những hẻm núi, những cánh đồng tím dần lại. Tiếng kêu của một con tắc kè bỗng vang lên. Phong nhìn thấy tên lính làm dấu thánh giá. Nó nói lầm bầm những điều gì. Anh đoán là nó cầu nguyện. Quang cảnh buổi chiều vắng lặng ở vùng đồi núi chập chùng này, sau trận đánh đẫm máu các bạn bè nó, chắc đã làm cho thằng lính Mỹ sợ. Nó đang cầu Chúa.
Một giờ sau, chiếc máy bay lên thẳng ban nãy tới đón thằng lính. Cho đến lúc lên máy bay, tên lính Mỹ vẫn chỉ nhìn về phía làng Phương Chánh.
Phong vươn vai đứng dậy. Anh chợt nhận ra quân Mỹ đã rút cả, và thằng Mỹ vừa rồi là tên cuối cùng rời khỏi vùng này. Anh kêu lên “Trời ơi!”. Anh đã để thoát một con ruồi rồi. Nếu có Chúa thật thì vừa rồi, đúng là Chúa đã cứu nó.
Tôi đang nói chuyện với Quang thì thấy một người bé nhỏ, mặc bộ đồ lót bằng lụa đen, đội chiếc mũ học sinh màu trắng, nhanh nhẹn bước vào. Có lẽ anh còn là một thiếu niên. Nhìn khẩu súng Mỹ đeo một bên vai làm lệch người anh và dáng điệu lanh lợi, tôi đoán đây là một chú giao liên. Chú mở tròn mắt, reo lên:
– Anh Quang!
Chú giao liên dựng khẩu súng ngay bên cửa, treo vội cái mũ lên cột nhà. Vụt một cái, chú lao cả người đến chỗ Quang ngồi. Quang dường như đã có chuẩn bị nhưng vẫn bị đè ngửa trên sạp. Hai người quay ra vật nhau một chập. Cái sạp nứa rung lên như muốn sập. Tôi phải ngồi né về một góc để hai người khỏi đạp phải mình. Quang cao lớn gần gấp đôi chú giao liên nhưng ở thế bất lợi, đang đỏ mặt cố lấy sức, lật chú xuống dưới. Chú giao liên ôm ghì lấy người Quang, mặt úp vào ngực anh, đang rộng đôi cẳng chân trắng trẻo không mập mạp gì, lấy hết gân cốt ghìm Quang xuống mặt giường. Chú giao liên tuy bé nhỏ nhưng mà khỏe, Quang cố mãi vẫn không trở mình được.
– Anh Quang chịu chưa?
Quang thở phào, mặt bớt đỏ, đáp:
– Thất thế, chịu rồi.
Chú giao liên buông Quang ra, ngồi dậy, cười để lộ cả hai hàm răng trắng, nói một cách khoái trá:
– Ở đời chỉ hơn nhau cái thế. Tôi phải triệt để tranh thủ bất ngờ. Các anh tới khi mô?
Quang quay lại nhìn tôi, nói để giới thiệu:
– Đồng chí Nguyễn Viết Phong đó.
Xã đội trưởng Nguyễn Viết Phong, người đã được gọi là “Lá cờ đầu đánh Mỹ và thắng Mỹ của phân khu Trị -Thiên-Huế”, là người bé nhỏ này. Tôi đã được nghe Quang tả hình dáng Phong nhưng vẫn ngạc nhiên. Khi chúng tôi tới đây thì Quang đi tỉnh để thông qua bản báo cáo thành tích. Phong sẽ đi dự Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn miền 1.
Quang nhìn khẩu súng dựng ở vách, hỏi Phong:
– Khẩu súng ni đó à?
– Dạ, nặng như cái cùm. Vừa mang lên để tỉnh coi. Muốn đưa phân khu cho rồi.
Quang tới lấy khẩu súng đem lại giường để tôi cùng xem. Đây là một khẩu Garant của Mỹ. Địch gọi súng này là trung liên cá nhân. Trên báng súng, chỗ giáp với khóa nòng có một vết đạn khá sâu, ngoài ra còn ba vết xước khác.
– Cậu mần ra răng mà giật được trên tay hắn?
– Tôi cũng mần cái veo như vừa mần với anh đó.
Phong đáp rồi cười xòa.
Cách đây không lâu, huyện đội Mỹ Thủy có đặt một phần thưởng cho đồng chí du kích đầu tiên bắt được tù binh Mỹ, hoặc đoạt được súng trên tay Mỹ. Diệt Mỹ thì đã có nhiều người, nhưng hai việc này thì chưa có ai làm. Giữa ban ngày, Phong đã dẫn một tổ du kích lọt qua những vọng gác, tiến vào nơi làm việc của bọn Mỹ tại một căn nhà cạnh đường Gia Long. Phong bất thần nhảy tới, gí tiểu liên vào ngực tên gác, bắn chết nó, chụp lấy khẩu súng này. Tổ du kích ném thủ pháo vào nhà, đặt súng ở khe cửa quét vào từng căn buồng. Họ rút trước khi địch chở thêm một đại đội Mỹ từ sân bay Phú Bài đến tiếp viện. Ngày hôm sau, cả một bầy sĩ quan Mỹ kéo đến đây nghiên cứu, hỏi han, xem xét suốt một buổi, vẫn không hiểu lực lượng nào đã đánh chúng và chúng đã bị đánh bằng cách nào.
Tôi ngồi im lặng ngắm Phong đang giở cuốn “an-bom” bìa cứng bọc gấm cho Quang xem. Trong đó dán toàn những ảnh chụp các cảnh đẹp của thành phố Huế. Về sau, tôi biết Phong thích những đồ chơi xinh xinh, những vật kỷ niệm nho nhỏ như thế, nhưng hễ gặp người khác cũng thích là anh vui vẻ cho ngay. Tôi cố tìm ra một vài đặc điểm ở anh, con người bé nhỏ, trắng trẻo đang ngồi cười nói một cách rất vô tâm trước mặt tôi, tự tay đã giết 112 tên địch, trong đó có ba mươi tư thằng Mỹ, phá nát mười chiếc xe vận tải, xe bọc thép của kẻ địch. Quang nói những lần đi đánh địch, Phong thường cải trang làm học sinh. Lần anh ra đón đường giết tên Âu ngoài quốc lộ 1, khi đoàn ác ôn đi tới, một đứa tưởng anh đứng chờ xe ô-tô vô Huế học, đã bảo anh lại ngồi trên đèo hàng để nó chở đi giúp. Khi Phong cười, đôi môi mỏng mở rộng coi rất hồn nhiên. Nhưng nhìn kỹ anh, thì anh có những nét mà một cậu học sinh giống như anh không thể nào có được. Đó là đôi mi mắt rất mỏng, hơi thâm lại vì thức đêm. Đó là vừng trán nhô bướng bỉnh, chưa hằn một nếp nhăn nhưng có đọng những bóng mây của sự suy nghĩ. Cả nước da trắng trẻo của anh cũng không phải là nước da của một cậu bé mới lớn; nước da đó đã phải chiến đấu với bệnh tật rồi. Nhưng tất cả những cái đó đều là do hoàn cảnh công tác, chiến đấu hiện nay đã đem lại cho anh. Thực ra, ở riêng con người Phong, không có gì đặc biệt. Anh có dáng dấp của một cậu học sinh nghèo ở thị trấn nhỏ, lanh lợi, dễ thương… thế thôi. Mỹ Thủy ở gần Huế. Những năm trước đây, khi mới bỏ học, Phong đã phải ra thành phố Huế làm nghề chữa xe đạp một thời gian.
Có lẽ đúng vì Phong cũng chỉ là một thanh niên bình thường như những người thanh niên khác tại Mỹ Thủy, nên đồng bào ở đây đã đánh giá được ngay sức mạnh của “quân lực Huê Kỳ”. Sau trận ấp Năm, đồng bào bảo nhau:
– Hùng hùng hổ hổ, tưởng mần được cái chi, chớ mới gặp có thằng Phong, thằng Xê một ngày mà đã bị đập cho chết như rạ.
Rõ ràng là Phong cũng rất thích thú khi anh kể lại với tôi câu nói này của đồng bào. Anh rất tự hào được là cái “thằng Phong, thằng Xê” của các chú, các thím ở mức độ khác nhau, đều đang ra sức đánh Mỹ, đang ghìm cứng chân hơn hai ngàn quân Mỹ.
———————————————————————————–
1. Tại đại hội này, Nguyễn Viết Phong được tuyên dương là Anh hùng Quân giải phóng miền Nam
1.
Mùa xuân năm 1966, lần đầu, một đơn vị chủ lực lớn của Quân giải phóng từ núi cao kéo xuống đồng bằng. Ở Trị – Thiên này, những sự kiện lịch sử xảy ra chậm hơn so với các nơi khác.
Trong đêm tối, một trời sao bát ngát, xao động, mở rộng trên đầu các chiến sĩ. Họ cảm thấy có những vì sao trời xanh biếc đó rớt xuống, đọng lại rưng rưng ở đôi khóe mắt. Trừ vầng ánh sáng trắng như có mang theo một thứ hơi nóng ngột ngạt, tỏa trên căn cứ Đ. của giặc, cả đồng bằng chìm trong tối tăm. Một số xã vùng lên hồi đồng khởi năm 1964, đã bị quân địch tràn về, chà đi xát lại dìm trở lại trong những ấp chiến lược. Đêm đen ở đây không bắt đầu từ khi mặt trời xuống núi, mà bắt đầu từ sau hồi còi thiết quân luật.
Các chiến sĩ đã bước vào một thời kỳ chiến đấu mới. Đêm nay, ra khỏi rừng cây, tâm hồn các chiến sĩ cũng rào rạt như trời sao kia, như gió biển Đông ấm áp đuổi những đợt sóng tràn về đất liền từng hồi.
Anh cán bộ năm xưa rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn ra đi vì mình, vì muốn cứu lấy cuộc đời mình. Bây giờ, anh trở về vì những người thân đang sống âm thầm trong bóng đen dày đặc kia. Tư tưởng và tâm hồn anh đã lớn lên cùng với những tháng năm chiến đấu. Quê hương và đất nước đã hòa làm một. Nhưng mỗi tấc đất của Tổ quốc ở đây đều chứa đựng những kỷ niệm buồn vui, đều đã in dấu trong tâm hồn của anh. Mỗi búi cây trâm bù vô nghĩa trên con đường mòn này đều gợi cho anh những tình cảm thân thuộc. Bãi cỏ hoang này là nơi các cậu bé năm xưa tranh nhau quả bóng làm bằng trái bòng hơ mềm đi trong bếp lửa. Cái mồ doi này với những hàng dứa dại là nơi đã diễn ra những cuộc “đánh trận” hào hứng của lũ học trò. Cái ao nho nhỏ này là nơi cậu bé mỗi buổi chiều đánh trâu về làng, thường cho con vật dừng lại dầm nước, tắm táp sạch sẽ cho nó trước khi đưa về chuồng. Và cái cây bời lời ngày đó vẫn còn đây với những ông bình vôi trắng xóa, những ông táo vỡ. Suốt những năm thơ trẻ, cái cây này đã hiện hình trong đầu óc non nớt của cậu với một vẻ huyền bí như cây thị trong câu chuyện Tấm Cám của mẹ thường kể. Mọi vật đều không đổi khác. Chỉ có một điều không có chi là lạ lùng nhưng vẫn làm cho anh ngạc nhiên, tất cả đều thu nhỏ lại như những mô hình.
Anh cán bộ dừng chân bên cái miếu thờ sao mà giờ đây bé nhỏ đến thế, nằm ở gốc cây. Những chân hương cháy dở cắm đầy bát nhang còn bốc lên mùi thơm nồng nàn của những ngày tết vừa qua. Anh đưa mắt nhìn về phía ấp, cố tìm ra trong bóng tối ngôi nhà lá của bà cô anh ở kề đây thôi. Ngày xưa, những buổi đi học về muộn, trời tối, cậu bé thường đứng ở đầu đường la thật to: “O ơi, ra đem tôi qua cây bời lời”. Bà o còn ở đây không? Tóc của bà chắc đã bạc hết rồi.
Nhưng anh chưa kịp nhận ra ngôi nhà cũ thì những tiếng mõ lốc cốc đã vang lên trong ấp. Những tiếng mõ đứt quãng, rụt rè, yếu ớt. Nhưng vẫn những tiếng mõ ấy theo nhau, nổi lên ở nhiều nơi, phụ họa nhau thành những tiếng động râm ran bốn bề. Những tiếng động vây bọc lấy đoàn quân. Xen vào những tiếng động khô khốc là những tiếng thanh la, tiếng trống không thành hồi, hỗn loạn, rền rĩ. Vài ngọn đến dầu vàng vọt lác đác hiện trên những bùi tre xơ xác. Anh cán bộ biết rõ đây không phải là dấu hiệu vui mừng của quê hương chào đón những đứa con xa trở về.
Đoàn quân đi trong đêm cảm thấy tình thương đối với quê hương bắt đầu có những vết rạn nứt. Bây giờ thì họ phải cố sao đừng làm thức giấc một ngôi nhà nào trên đường về. Họ phải cố tránh làm bật lên những tiếng động nhọn sắc đó, đâm nhoi nhói vào thân thể mình như những mũi chông. Nhưng rồi những tiếng mõ, tiếng trống, tiếng thanh la vẫn cứ nổi lên trên đường họ đi. Mỗi lần như vậy, một câu hỏi lại day dứt trong tâm hồn các chiến sĩ: “Lòng người đã thay đổi rồi chăng?”.
Rạng đông ngày hôm sau cuộc chiến đấu bắt đầu. Các cuộc chiến đấu nối tiếp nhau mười ngày đêm trên suốt dọc đường. Kẻ địch thính hơi như đàn ruồi. Chúng bu kín gót chân các chiến sĩ giải phóng. Lần này, cuộc chiến đấu càng ác liệt. Nhưng chỉ sau một ngày chiến đấu, anh chiến sĩ giải phóng đã thấy nếu mình có được đến hai cuộc đời thì khi cần, mình, cũng không ngần ngại đem dâng tất cả cho dải đất đồng bằng chật hẹp này.
Ở đồng bằng Trị – Thiên có một số nơi, hàng chục năm ròng, đồng bào chưa được gặp lại những người hoạt động cách mạng. Quân Pháp đi, quân Diệm đến, bây giờ là quân Mỹ.
Trong công việc xuyên tạc những người cách mạng, bọn chiến tranh tâm lý ra sức tạo nên cho họ một hình dạng thật là khủng khiếp. Mấy tên thợ vẽ kém thông minh không biết bôi ra một hình thù như thế nào cho vừa ý kẻ đến đặt hàng. Có lẽ cuối cùng, chúng đã nghĩ ra mẹo làm tiền bằng cách lấy mẫu ở những tên giặc Tưởng xấu xa, ghê tởm nhất. Cũng như khi nói tới những lý tưởng cách mạng của chúng ta, trong việc bôi bẩn này, chúng phóng tay một cách vô tội vạ, chẳng cần nghĩ là người xem có tin được hay không. Có những hình vẽ chúng tạo nên hết sức vô lý. Thí dụ như cái tranh bảy hình nhân xấu xí (chúng bảo đó là “Việt cộng”) cùng bám trên một cọng đu đủ mà cọng đu đủ không gãy. Chúng đã tuân theo một mẹo chiến tranh tâm lý, điều gì dù khó tin đến đâu nhưng cứ được lắp đi lắp lại nhiều lần, thì cuối cùng cũng sẽ gây cho người ta một ấn tượng.
Chúng biết người dân khi nghĩ đến cách mạng thường gắn liền lý tưởng của nó với những con người cụ thể. Từ lâu, hình ảnh đẹp đẽ của những chiến sĩ cách mạng đã trở thành một chỗ dựa tinh thần của đồng bào đang sống trong đau thương, tối tăm. Phải tìm cách phá cho tan chỗ dựa đó đi. Và chúng đã kiếm được ít nhiều kết quả. Những cô gái mới lớn lên trong vùng tạm bị chiếm phân vân không hiểu các chiến sĩ giải phóng có phải là những người đôi chân chỉ bằng cái ống điếu và đầy lông lá? Những đồng bào trước đây đã từng tiếp xúc với những người hoạt động cách mạng cũng lo lắng: “Từng ấy năm qua ở trên rừng, ăn rêu, ăn cỏ, sống được là may, tránh sao khỏi già, khỏi yếu!…”.
Mùa xuân ở Trị – Thiên thường mở đầu bằng những ngày khô lạnh. Buổi sáng vào dạo đầu năm đó, khi mặt trời sắp nhô lên trên biển, tắm đỏ những đám mây sau những hàng dương xanh, thì các chiến sĩ giải phóng xuất hiện. Lần này, thật sự là họ. Đồng bào đã biết rõ những tiếng rậm rịch, những bóng người lầm lũi đi trên đường đêm qua không phải là những tên ác ôn giả đò để thử thách mình như mọi khi. Các chiến sĩ giải phóng với chiếc mũ mềm, bộ quân phục ka-ki xám nhạt, nhiều anh mặc áo len màu đan tay, mang những khẩu súng báng đỏ, nòng tím biếc, từng đơn vị tiến vào ấp.
Các cô gái đồng bằng mở to mắt không chớp. Họ trẻ và khỏe làm sao? Họ hoàn toàn khác với những hình ảnh trong hàng triệu tờ tranh mà bọn địch đã rải đi rải lại khắp các thôn ấp. Họ cũng hoàn toàn khác với những tên lính cộng hòa, khác chúng từ chân tơ kẽ tóc. Quả như vậy. Nước da trắng hơi xanh vì ở rừng của các chiến sĩ được ánh nắng đồng bằng nhuốm hồng lên, khác hẳn với nước da cháy sém của những tên lính cộng hòa. Bộ mặt đầy đặn, tươi tắn, rạng rỡ của họ khác hẳn với bộ mặt hốc hác, xám xịt vì mệt mỏi, lo âu của những tên lính bị điều đi khắp các chiến trường, vừa lo chống cự với quân giải phóng, vừa lo đánh lại nhau. Cặp mắt trong sáng cởi mở của họ khác hẳn với đôi mắt đục lờ, chứa chất những u buồn, những ý định độc ác, và đôi khi, cả sự dằn vặt, giày vò của chút lương tâm con người còn sót lại. Họ khác với chúng từ lời ăn tiếng nói, dáng đứng, điệu đi. Ở họ còn có một cái gì thật khác, đầy sức hấp dẫn, mà các cô gái chỉ cảm thấy thôi, cảm thấy một cách rõ rệt, nhưng chưa thể nói thành lòi. Đó là cái hơi hướng họ đã đem lại từ miền giải phóng, nơi cuộc sống đã hoàn toàn thay đổi so với ở đây, nơi con người đã làm chủ vận mệnh của mình, trí tuệ, tình cảm con người đã được phát triển.
Nếu như hình ảnh trong những giấc mơ bao giờ cũng đẹp hơn trong cuộc sống thì người dân đồng bằng Trị -Thiên ngày đầu xuân đó, đã nhìn thấy tận mắt những hình ảnh đẹp hơn trong bất cứ giấc mơ nào.
Vừa đặt ba-lô xuống nhà, các chiến sĩ đã lao ngay ra xung quanh ấp đào công sự, chuẩn bị trận địa đánh địch. Chúng từ bốn phía kéo đến, từ trên trời đổ xuống, nhanh chóng dùng chiến thuật “hợp vây” bao bọc lấy đoàn quân. Máy bay địch dội bom, pháo lớn đổ đạn xuống thôn ấp. Xe tăng, xe lội nước rú máy, băng qua những bờ ruộng, ầm ầm xông lên mở đường cho bọn lính bám theo. Các chiến sĩ giải phóng chờ cho những khối thép nặng nề tiến lại thật gần. Khi mọi người tưởng như chỉ một tiếng rồ máy nữa, những vòng xích sắt sẽ chà trên hầm hố của họ, thì những khẩu súng nhỏ bé bắt đầu khạc lửa. Có cụ già quên cả bom đạn, trèo lên cây gạo, ngồi xem những con quái vật hàng ngày chỉ cất tiếng rú cũng làm cho nhiều người khiếp sợ, giờ đang đùng đùng bốc cháy. Các chiến sĩ đánh bật những đợt tiến công liên tiếp của kẻ thù đông như kiến cỏ. Nhiều lần họ nhảy lên khỏi công sự, đuổi theo, bắn vào đám quân địch đông hơn nhiều lần đang tháo chạy hỗn loạn. Những bà mẹ, những cô gái mặc bom rơi, đạn réo, vẫn ngồi bên bếp nấu cơm, nấu nước mang ra cho bộ đội. Đồng bào xô đến, khiêng các chiến sĩ bị thương vào nhà cứu chữa. Cuộc chiến đấu diễn ra từ rạng đông tới lúc mặt trời lặn. Đêm đến, cả đoàn quân lại rút ra khỏi vòng vây trùng điệp của giặc như nước biến khỏi một bàn tay nắm chặt.
Các chiến sĩ đến và đi như một làn gió. Nhiều lần, họ không có được chút thời gian để chuyện trò với đồng bào. Những cũng chỉ cần như vậy thôi, mọi vấn đề đều đã rõ ràng.
Ở ấp T., một tiểu đội các chiến sĩ giải phóng kéo vào trú quân lầm ở nhà tên đại diện quận. Trước khi bộ đội tới, tên đại diện đã nhanh chân lẩn trốn. Mụ vợ hắn còn ở lại nhà. Các chiến sĩ chào hỏi mụ xong rồi ra vườn chuẩn bị chiến đấu. Thấy các gia đình thổi cơm, nấu nước cho các chiến sĩ, mụ cũng làm cơm nước đem ra cho họ. Buổi tối, trước khi chuyển quân, đồng chí tiểu đội trưởng xé một tờ giấy trong cuốn sổ tay, ghi lại những bữa cơm đã ăn tại gia đình, rồi đưa cho mụ. Anh nói cứ giữ giấy này, khi có dịp, cơ quan hậu cần của quân giải phóng sẽ thanh toán. Họ cảm ơn gia đình rồi ra đi. Vài ngày sau, tên đại diện trở về nhà. Vừa ló mặt, hắn đã bị mụ vợ nắm lấy tay, kéo ra chuồng gà. Mụ nói với chồng:
– Bữa ông đi, mái gà ni đang ấp mười hai trứng, chừ ông đếm thử coi có còn đủ mười hai trứng đó không?
Tên đại diện nhìn ổ trứng rồi nói:
– Vẫn đủ đó chớ chạy đi mô?
Mụ vợ lại kéo hắn sềnh sệch xa phía vườn. Mụ chỉ vào cây đu đủ nói:
– Bữa ông đi, cây đu đủ ni có ba trái chín, chừ ông coi còn không?
Chờ cho chồng nhìn rõ cả ba quả đu đủ chín rồi, mụ vợ xoay đầu hắn về phía đống rơm trước sân, nói:
– Cây rơm ni bữa ông đi ra răng? Ông coi hắn bữa ni có khác chi không?
Thằng chồng vẫn ngơ ngác không hiểu mụ vợ định làm trò gì.
– Bữa mô ông nói với tui Việt cộng họ mà tới thì nhà ni họ đốt trụi, vợ con ông họ giết sạch trơn. Ông vừa đi khỏi thì Việt cộng kéo vô nhà ni mười mấy người, họ ở suốt cả ngày trời. Chừ nhà của ông còn không? Vợ con ông có mất người mô không?
Thằng chồng đứng câm như hến. Nhưng mụ vợ hắn vẫn chưa buông tha:
– Cái bữa cộng hòa về nhà ni một lúc thì răng? Tám quả trứng gà đang ấp dở, hắn lấy sạch trơn. Cây đu đủ trái còn xanh, hắn ngắt ráo. Cây rơm to hơn thế ni, hắn đốt quá nửa. Rứa thì cộng hòa hay Việt cộng tốt. Chừ thì nhà mô ở đây Việt cộng cũng vô rồi, ông tính nói với dân ra răng?
Dọc trên đường vừa hành quân vừa chiến đấu liên tiếp với quân địch, một số chiến sĩ bị lạc đơn vị.
Hai chiến sĩ đang lần đường trong đêm tối, cố gắng đi nhanh về phía núi thì thấy những đám lửa của mặt trời đã hiện lên ở chân mây. Họ chợt nhận ra mình đang ở giữa một vùng bốn phía nhà cửa san sát, những vệt bánh xe còn hằn rõ trên con đường lớn. Trời chuyển sáng rất nhanh. Họ thấy hình như mình còn vội vã đi cho xa những ngôi nhà thì lại càng lọt sâu vào giữa vùng dân cư đông đúc này. Nếu cứ tiếp tục đi nữa thì những người đầu tiên ra đón tiếp họ nếu không phải là những tên cảnh sát, cũng là bọn dân vệ. Họ nhìn kỹ khắp chung quanh không tìm ra được lấy một bãi cỏ rậm để ẩn náu. Bây giờ thì không thể cứ tiếp tục lẩn tránh những ngôi nhà. Chỗ trú chân yên ổn duy nhất cho họ chỉ có thể là một trong những ngôi nhà xa lạ kia. Họ bàn bạc, chia nhau những trái lựu đạn còn lại, rồi tạt vào một ngôi nhà lá nhỏ ở bên đường.
Hai người tìm được chỗ ẩn tạm phía sau một cây rơm. Họ căng mắt, căng tai lên xem xét, nghe ngóng.
Trong nhà có người mở cửa. Một cô gái đi ngang sân. Cái quần láng bóng may bó chặt lấy người, ngắn cũn cỡn để lộ đôi ống chân mập mạp và đôi guốc cao gót. Họ nhìn nhau như thầm bảo: Vào lầm chỗ rồi! Nhưng bây giờ thì ngay con đường để ra khỏi căn nhà này cũng không còn. Trời đã sáng bạch. Một bà đứng tuổi ra quét sân. Trong nhà có tiếng khàn khàn của một người đàn ông đánh thức một đứa nhỏ. Những tiếng chổi rê trên mặt đất mỗi lúc một gần. Chưa biết tính sao. Cũng may, người đàn bà không đi đến chỗ họ ngồi mà đã quành về đầu sân bên kia. Nét mặt u buồn, lo lắng của bà làm cho họ yên lòng hơn chút ít. Nhưng vì cái o ban nãy, họ vẫn lưỡng lự không biết có nên theo đúng kế hoạch đã bàn bạc, gặp người trong nhà nói thật mình là bộ đội giải phóng? Bà chủ nhà đã quay lưng vào rồi, hai người vẫn ngồi yên cân nhắc. Sau lưng họ, bức tường gạch của ngôi nhà hàng xóm đã có một vệt ánh nắng. Người đi chợ nhộn nhịp trên con đường chỉ cách họ một lũy tre không lấy gì làm kín đáo. Cứ ngồi ở đây, có khi họ bị ngay những người đi ngoài đường trông thấy trước. Như vậy càng nguy hiểm. Còn phải tính đến chuyện lỡ một người trong nhà đi ra bất chợt trông thấy họ với những chiếc mũ giải phóng, những khẩu súng ngồi có vẻ “rình mò” như thế này, dù đó là người tốt, người đó khó tránh bật lên những tiếng kêu. Sự tình lúc đó sẽ khó mà gỡ ra. Cuối cùng, họ thấy chỉ còn một cách làm theo đúng kế hoạch đã định.
Bà chủ nhà vẫn không khỏi sợ hãi khi nhìn thấy một người trẻ tuổi mặc bộ đồ màu xanh lá cây lạ mắt, đột ngột bước vào nhà mình, tuy trước đó, anh chiến sĩ đã cẩn thận để cái mũ giải phóng và khẩu tiểu liên lại cho bạn.
– Thưa mạ, chúng con là bộ đội giải phóng đi công tác bị lạc đường, trời sáng rồi, mạ cho chúng con trú chân lại đây, trời tối chúng con sẽ đi.
Bà chủ nhà giương to cặp mắt đã bạc màu vì phiền mụộn và lo lắng nhìn anh.
– Chúng con có hai người vô nhà từ khi sớm. Còn một đồng chí đang ngồi đợi sau cây rơm. Súng đạn chúng con để ở ngoài nớ.
Bà chủ nhà chăm chú nhìn người trẻ tuổi từ đầu chí chân, không bỏ qua một lời nói, một cử chỉ nhỏ. Bà chưa hề được gặp mặt “giải phóng”. Nhưng bà đã có khá nhiều kinh nghiệm về những kẻ vẫn đến lừa phỉnh mình. Bà đánh giá được là anh ta nói thật. Bà bảo anh đứng lánh tạm vào buồng rồi chạy ra sau nhà. Một việc hệ trọng như thế này, bà không thể không bàn với ông. Chỉ lát sau, bà quay lại dẫn nốt người chiến sĩ còn náu ở đống rơm vào trong buồng. Bà nói:
– Buồng ni của tui, các anh nằm đó nghỉ tới bữa dậy ăn cơm. Tui sẽ khóa cửa buồng bên ngoài. Ở trong ni không can chi mô!
Hai người chiến sĩ nhìn căn buồng, rồi những khe hở, quan sát căn nhà và địa hình ở chung quanh. Ông chủ nhà đang hì hục xới đất ở mảnh vườn sau nhà. Gần chỗ ông làm việc, một chú bé đang cầm chai nước đổ xuống cái lỗ nhỏ, chắc chú đang tìm bắt những con dế. Ở góc buồng, cạnh cái chum lớn không biết đựng chi, có một buồng chuối ngự dựng ở vách. Buồng chuối còn xanh nhưng lác đác có những quả chín. Một chiến sĩ chợt nhận thấy buồng chuối đã có những quả bị vặt. Thấy bà chủ cầm cái rổ từ nhà bếp đi lên, anh gọi:
– Mạ ơi!
– Cái chi đó?
– Mạ đem buồng chuối ni ra ngoài, không lỡ em nhỏ về kiếm chuối ăn…
Bà mở cửa buồng, nhìn họ gật đầu, rồi xách nải chuối ra. Họ nghe tiếng khóa cửa và tiếng bà nói to:
– Thằng nhỏ, buồng chuối tau đưa ra ngoài ni rồi, không để trong buồng mô! Ưng ăn thì ngắt trái chín chớ ngắt trái xanh. Ở vườn chơi với bọ, mạ đi chợ, nghe!
Họ đã đánh giá đúng là gặp được những người tốt rồi. Nhưng khi chợt nghĩ tới cái quần chặt ống của o ban sớm, họ lại hơi phân vân.
Hai người nằm được một lúc, chợt nghe tiếng đẩy cửa. Họ vội nhỏm dậy. Cánh cửa bị đẩy rầm rầm, nhưng không có tiếng người. Rồi im ắng. Họ nhìn qua khe hở thấy thằng nhỏ vừa ở trong nhà chạy ra sân. Ban nãy nó mải chơi nên không nghe rõ lời mẹ nói. Làm thế nào để nó biết buồng chuối đã ở ngay ngoài đó? Cũng may cửa đã khóa.
Một lát sau, có tiếng động ở đầu hồi nhà. Cái đầu thằng nhỏ ló lên trên bức vách. Nó trèo qua, bám tay vào vách, tụt xuống mặt chiếc hòm gian. Nó vẫn có lối đi riêng mà chắc cả nhà không ai biết. Thằng nhỏ đã ở trong buồng. Họ chưa biết xử trí ra sao. Buồng chuối đặt ở chỗ mọi khi đã biến mất. Nó nhìn quanh chợt thấy có hai người đắp chăn nằm trên giường. Nó giật bắn người, đẩy cửa để nhảy ra, nhưng cửa vẫn khóa. Nó kêu tướng lên. Hai chiến sĩ ra hiệu cho nó im. Nhưng những cái miệng không biết nói và bàn tay chỉ trỏ càng làm nó hoảng sợ, kêu không còn ra tiếng. Nó cố giật cho cửa buồng bung ra. May khi đó, ngoài nhà có tiếng hỏi trong trẻo của một cô gái.
– Thằng nhỏ…! Răng mà mi la? Mi ưng phá nhà đi phải không?
Nghe tiếng chị nói, chú bé hớt hãi, đứng im.
– Mi lại hư nên mạ nhốt chớ chi? Đứng im đó, tau mở cho mà ra…
Cửa buồng mở. Cô gái ban sớm bước vào. Cô đứng sững trước hai người con trai lạ mặt. Một chiến sĩ nhanh miệng nói ngay:
– Chúng tôi là bộ đội giải phóng đi công tác qua, được mạ cho nghỉ ở trong ni. O nói cho em nhỏ chớ la mà hàng xóm biết.
Người con gái vẫn nhìn họ. Cái nhìn của cô giống hệt cái nhìn của bà mẹ khi sớm. Cũng ngay lúc đó, có tiếng thằng nhỏ la ngoài đường cái: “Có người mô vô trong buồng nhà tui!”. Nó đã phóng ra đó lúc nào. Tình thế hết sức không hay. Cô gái tái mặt. Cô lao lại giường, giật chiếc khăn chiên, trùm lên người rồi chạy vội ra đường. Hai chiến sĩ rút lựu đạn ra tay và nhìn lên đầu hồi nhà, nơi thằng nhỏ vừa nhảy vào. Họ chợt nghe tiếng cô gái nói to ngoài đường cái:
– Tau đi về đau đầu nằm trong buồng chứ người mô mà mi la ầm làng ầm xóm lên… Đau nằm đó cũng không yên với bay… Phải đập cho mi chết…
Tiếng thằng nhỏ khóc. Rồi cô gái kéo được nó vào nhà. Lát sau, ông bà chủ nhà cũng về. Cả gia đình thu xếp cho hai người một chỗ kín đáo hơn, đề phòng những tiếng la lối của chú bé lọt đến tai bọn tề điệp. Ngay tối đó, họ được dẫn về căn cứ.
Một chiến sĩ khác gặp phải trường hợp vất vả hơn. Anh tên là Mai Văn Khuyên, mới đi chiến đấu lần đầu.
Khuyên bị thương ở chân được một đồng đội dìu đi. Nếu cứ đi bước một thế này thì họ không thể tới kịp chân núi trước khi trời sáng. Nhận ra điều đó, người bạn bảo Khuyên ngồi nghỉ tạm ở một búi tre giữa cánh đồng. Anh đi tìm thêm một người khác, định bụng sẽ làm một cái võng, đưa Khuyên đi cho nhanh. Nhưng đến khi anh quay lại thì cái búi tre đã biến đi trong đêm tối. Anh không tài nào tìm lại con đường cũ giữa một vùng cát trắng mênh mông. Càng đi tìm, người bạn càng đi xa chỗ Khuyên ngồi đợi.
Trời sáng dần. Người đi làm đồng qua lại. Khuyên không dám gọi vì sợ gặp người xấu. Anh náu kín mình dưới búi cây, tin rằng sớm muộn bạn sẽ tìm ra đường quay lại. Suốt cả ngày hôm ấy, bạn anh vẫn chưa trở về. Khuyên cứ ở đó, đợi bạn. Vả lại, vết thương ở chân làm anh không thể nào đi được nếu không có người giúp đỡ.
Gần đó, có một vũng nước. Mỗi lần khát, Khuyên bò ra uống nước. Nhưng anh còn cảm thấy đói. Bụng anh mỗi lúc một quặn lại. Cạnh chỗ Khuyên nằm là một ruộng khoai. Lá khoai lên xanh thế kia, chắc củ cũng tốt, nhất là lại được trồng trên đất pha cát trắng này. Nhưng khoai đó là của đồng bào. Khuyên lần quanh, tìm được mấy đám rau má. Anh nhổ những cây rau má ăn cầm hơi. Nhưng rau má không có nhiều, ăn được vài bữa thì chẳng còn kiếm ra ngọn nào. Người Khuyên cứ lả dần vì đói, chưa kể đến vết thương đã mấy ngày chưa được thay băng, nhức nhối, bốc hơi rất khó chịu.
Những luống khoai kia có thể cứu sống mình cho đến lúc gặp lại các bạn đồng đội, Khuyên biết rất rõ điều đó. Nhưng lấy một củ khoai cũng là đụng đến tài sản của đồng bào, là một điều không nên. Mình đi chiến đấu cho cách mạng chưa làm được gì, chả lẽ lại còn phạm vào chính sách? Chết thì chịu thôi, không thể làm việc đó được. Nhưng rồi khi nhìn bầu trời mùa xuân cao xanh vời vợi, nhìn những ngọn cỏ, lá cây tươi tốt quá chừng, Khuyên lại thấy muốn sống quá. Mình chết như thế này thật là vô ích. Mình phải sống, cố sống để góp chút gì cho cách mạng. Anh không tính đến chuyện lấy khoai. Nhưng anh nghĩ mình có thể xin một ít lá khoai. Những lá này đồng bào cũng bỏ thôi mà. Đấu tranh tư tưởng mãi, cuối cùng, Khuyên ngắt lá khoai ăn. Anh chỉ chọn những lá già rồi vì biết chắc những lá này đồng bào không dùng được vào việc gì.
Nằm ở đó đến ngày thứ chín, người chiến sĩ trẻ lả hẳn đi. Buổi chiều, bất thần trời nổi cơn dông. Hai em nhỏ chăn trâu trên cánh đồng chạy tới náu mưa ở búi tre. Chúng chợt nhìn thấy một anh giải phóng nằm ở đó. Các em trở về ấp nói lại với gia đình. Bà con trong ấp bàn nhau ra khiêng anh giải phóng về ấp để cứu chữa.
Các mẹ đem sữa và nước cháo đổ cho anh. Mọi người đều ngạc nhiên khi biết anh đã nhịn đói suốt chín ngày. Một bà mẹ nói với Khuyên:
– Lính giải phóng răng mà khờ rứa? Ai đời nằm kề bên ruộng khoai mà chịu đói. Ví thử eng bới khoai ăn thì bà con tui đã tìm ra eng từ khi mô rồi!
Anh chiến sĩ trẻ đáp:
– Bộ đội giải phóng không được phép đụng tới cái kim sợi chỉ của dân.
Đó là một câu nói quen thuộc của các chiến sĩ giải phóng. Nhưng ở đây, câu trả lời đơn giản đó làm cho bà con hết sức kinh ngạc. Mỗi người dân tại đây đã gặp bao nhiêu là thứ lính trong cuộc đời của mình. Nào “bản xứ”, nào “quốc gia”, nào “ngoại bang”, da vàng có, da đen có, da trắng cũng nhiều. Những thứ lính trên hầu khắp gầm trời này đều đã kéo đến đây. Nhưng dù chúng là người xứ nào, chúng màu đen hay màu trắng, đã là lính thì lính nào cũng đàn áp dân, cũng bất nhân bất nghĩa cả mà thôi. Mỗi lần chúng tới, chỉ mua rẻ mà không cướp giật, chỉ phá phách mà không đánh đập, giết chóc, thế là đã may lắm rồi. Bây giờ lại có người lính trẻ này… Người lính đã đổ máu của mình vì dân, nhưng anh thà chết đói chứ không thể đụng đến tài sản của đồng bào, dù đó chỉ là một củ khoai…
Người nọ thì thào kể chuyện với người kia. Và ai nấy cố lần mò tới bằng được để xem mặt anh chiến sĩ giải phóng. Sợ bọn tề điệp biết, những gia đình đang chữa chạy cho Khuyên, phải đem anh đi giấu.
Bà con may quần áo, sắm màn, võng ni-lông cho Khuyên, rồi cáng anh về phía núi tìm bộ đội giải phóng trao trả. Một người đi sau cáng, cõng theo một gùi nặng những tặng phẩm của đồng bào, những vật kỷ niệm của các cô gái.
Nhiều người lớn tuổi nói quả quyết với bà con:
– Giải phóng ni không phải ai khác mô! Đúng là Vệ quốc đoàn trước tê rồi!
Một đơn vị quân đồng chí về xã Phong Sơn, tỉnh Thừa Thiên. Đường chiến lược bao vây bốn bề những xóm nhỏ ở vùng giáp ranh này.
Tại một nhà có bộ đội trú quân, một cụ vào, xin gặp cán bộ. Đồng chí trưởng ban tác chiến ra tiếp. Anh lúng túng khi thấy một bà cụ bé nhỏ, mặc áo lụa dài như áo ngày tết, đứng đó ngó anh trân trân. Sau lưng bà cụ là một con heo to, béo núc, lông thưa, dường như vừa được tắm táp sạch sẽ, nằm ngoan ngoãn. Hai giọt nước mắt lặng lẽ chảy trên gò má nhăn nheo của bà cụ.
– Mẹ là Choắt, người xóm Mắc, các con còn đứa mô nhớ không?
Người cán bộ còn chưa biết trả lời ra sao, thì bà cụ đã quay lại chỉ vào con heo nói:
– Hắn đó. Ngày các con đi, các con gửi lại mẹ, chừ các con đã về, mẹ dắt hắn đến trả lại cho các con.
Năm 1954, một đơn vị bộ đội đóng tại đây trước khi lên đường ra Bắc tập kết, đã gửi lại mẹ Choắt một con heo nhỏ. Chắc anh em coi đây là một món quà kỷ niệm để lại cho gia đình. Chưa bao giờ mẹ Choắt lại chăm nom một con heo cẩn thận đến như thế. Nó lớn rất mau và trở thành một con heo nái mắn đẻ. Bà con, những người biết chuyện đến chơi nhà mẹ, không ngớt lời khen đàn heo “của Vệ quốc đoàn” đẹp như trong tranh. Những đứa con bộ đội vừa đi khỏi chưa bao lâu thì tình hình thôn xóm đã thay đổi. Câu chuyện đàn heo của mẹ Choắt tới tai bọn chính quyền xã. Những con heo không bao giờ có thể biến thành cọp dữ để ăn thịt chúng nó. Nhưng việc mẹ Choắt nuôi heo của Vệ quốc đoàn là một hành động mà chính quyền này không thể tha thứ được. Chúng cho rằng heo còn đó thì tư tưởng hướng về “Việt cộng” vẫn còn. Chúng kéo ngay tới tra hỏi mẹ Choắt. Mặc cho mẹ nói thế nào, chúng vẫn bắt cả đàn heo mang đi, mỗi con heo mang biết bao tình thương và đã hút hết bao mồ hôi, sức lực của mẹ. Nhưng lần đó, mẹ Choắt giữ lại được một con heo nhỏ mà mẹ nói với bọn chúng không thuộc đàn heo chúng bắt. Mẹ lại chăm nom cho con heo này lớn lên. Nó đẻ được một lứa heo khác. Đàn heo sau này đã lớn, nhưng bộ đội vẫn chưa trở về. Và không biết kẻ nào biết chuyện lại đem tâu với bọn chính quyền xã. Chúng rất tức tối, lần này, chúng tới bắt sạch đàn heo của mẹ, không để lại một con nào, cho tiệt cái giống heo “của Vệ quốc đoàn”. Sự tức giận vào lúc này chỉ đem lợi thêm cho chúng mà thôi. Nhưng cũng còn may cho mẹ Choắt, lúc đó, một con heo nhỏ chạy sang hàng xóm chưa về. Chúng lại vẫn để sót cho mẹ Choắt con heo này. Từ đó, nhà mẹ Choắt lúc nào cũng chỉ nuôi một con heo bột. Mẹ không nuôi heo nái nữa vì biết hễ nuôi đầy đàn, bọn chúng sẽ lại kéo tới cướp không. Heo lớn quá rồi, mẹ lại bán đi, để riêng tiền ra một chỗ, nuôi tiếp một con khác vẫn là giống của nó. Mắt mẹ Choắt mờ dần, nhưng lương tâm của mẹ ngày càng sáng. Tóc mẹ Choắt bạc thêm, nhưng lòng tin của mẹ thì không đổi màu. Và đến hôm nay thấy “giải phóng” về xã, mẹ đem con heo cùng với số tiền những lần bán heo đến trao trả lại.
Mẹ Choắt cũng như nhiều người khác đều tin là Giải phóng quân ngày nay với bộ đội Cụ Hồ trước kia vẫn là một, vẫn là bộ đội của nhân dân.
Sau mười ngày chiến đấu đầu xuân, các chiến sĩ đã thấy rõ ràng: Lòng người dân Trị – Thiên ở rừng núi, cũng như ở đồng bằng, ở bờ biển đối với cách mạng không hề thay đổi. Đúng là phải như vậy. Có thể nào lòng người đối với cách mạng lại đổi thay khi áp bức ngày càng đè nặng? Nó chỉ bị nén lại mà thôi. Tư tưởng con người cũng giống như một chất khí, không có hình thù gì, nhưng càng nén chặt lại thì nó càng đòi hỏi giải phóng. Bọn địch đã phạm một sai lầm nguy hiểm khi chúng dùng những ngón tay sắt ra sức dồn ép mãi tư tưởng, tình cảm người dân trong cái quả bóng màu làm bằng nhựa cao-su mỏng manh.
Và cũng thật lạ, những người dân sau hàng chục năm sống trong bóng tối, đã biết ngay họ cần làm những gì khi đoàn quân giải phóng vừa xuất hiện. Như những chiến sĩ hậu cần thành thạo nhất, trong lửa đạn, họ tiếp cơm, tiếp nước cho bộ đội, săn sóc, cứu chữa những người bị thương. Như những người chiến sĩ trinh sát, những người giao liên từng trải, họ báo cáo kịp thời từng hoạt động của kẻ địch. Họ biết nổi trống báo động ở đầu ấp làm lạc hướng kẻ địch trong khi dẫn đường cho bộ đội qua ở cuối ấp. Có những người dân vừa gõ mõ, vừa dúi cơm vắt, sữa hộp vào tay các chiến sĩ. Sau trận chiến đấu, từ cụ già đến em nhỏ đi dò từng bờ cỏ, từng gốc cây, tìm kiếm thương binh. Có chị chồng vừa bị ngụy quyền bắt đi lính, tìm được một xác tử sĩ trên bãi cát, nhận ngay là xác chồng đưa về nhà. Chị phát tang, chôn cất người tử sĩ như chính đó là chồng mình, làm đủ lễ vào mồ, ra mồ theo phong tục của đồng bào địa phương. Những chiến sĩ lạc đơn vị sau những cuộc hỗn chiến, bơ vơ giữa một vùng đất lạ, tạm chiếm sâu và lâu, ít ngày sau, lại được đồng bào lần lượt đưa trả về đơn vị.
Vùng giải phóng mới rộng lớn xuất hiện trên vệt đường đoàn quân giải phóng đã đi qua, chạy dài suốt bốn huyện Phong – Quảng – Triệu – Hải của hai tỉnh Quảng Trị – Thừa Thiên. Người dân đồng bằng vùng lên đòi giải phóng với sức mạnh không gì kìm hãm nổi.
1.
Đầu mùa khô thứ hai, Giôn-xơn tố thêm hai mươi vạn quân nữa vào canh bạc miền Nam Việt Nam đang thua cay. Số quân Mỹ tại đây đã lên tới trên bốn mươi vạn. Toàn bộ quân Mỹ, ngụy và tay sai đã vượt quá một triệu tên. Quân số của chúng tăng, bom đạn của chúng dội xuống cả hai miền Nam, Bắc nhiều hơn, nhưng thái độ hung hăng của chúng khi bắt đầu mùa khô thứ nhất thì nay đã xẹp đi khá nhiều.
Căn cứ hành quân An Lỗ nằm trên đường số 1, cách Huế 17 ki-lô-mét, bên bờ con sông Bồ. Đó là một doanh trại lớn được xây dựng từ hồi mồ ma quân Pháp. Hai mươi năm nay, gần bốn chục ngôi nhà gạch mới cũ, lớn bé trong đồn chưa hề dính một viên đạn. Những chiếc “boong-ke” lùn tịt, sản phẩm của thời kỳ quân Pháp bắt đầu biết sợ pháo của Việt Minh, vẫn nằm khắp đồn như cái đầu trọc có những con mắt sâu hoắm. Cộng hòa đã xây thêm một loạt lô-cốt cao, dày, có góc cạnh, đàng hoàng hơn. Ngôi gác hình chữ thập cụt một góc, đồ sộ nằm giữa đồn, cái tháp nước cao lênh khênh, những con đường lớn viền hai hàng cây phi lao chạy ngang, dọc nói lên tính chất an toàn của căn cứ này. Bọn lính về đây là trút bỏ bạc đà, thắng bộ quần áo đẹp nhất, phóng ra phố chợ An Lỗ. Buổi chiều, chúng đổ ra bơi lội trên dòng sông Bồ xanh trong. Những tên lính mình xâm hình đàn bà cởi truồng, đeo kính râm, ngồi tắm nắng trên những chiếc cầu tre bắc ở bờ sông, cười đùa chớt nhả những cô gái bơi thuyền qua lại.
Bốn chung quanh căn cứ, ấp chiến lược ken dày đặc. Nhà dân ở đến giáp hàng rào dây thép gai. Vành đai này để bảo vệ cho An Lỗ đầy rẫy những tên tề lưu vong. Bọn ác ôn mất đất ở vùng giải phóng, chạy giạt về đây đợi thời. Để củng cố chỗ trú chân, chúng vấy thêm khắp các thôn ấp những chuyện không hay về cách mạng. Chúng có những giác quan nhậy bén để đánh hơi người cách mạng. Bọn chúng vẫn giữ thói quen ngày ăn một nơi, đêm ngủ một nơi. Chúng cho chỗ nấu an yên ổn nhất để qua một đêm là bất chợt xuống rúc vào một con thuyền lênh đênh giữa dòng sông Bồ. Bọn địch ở An Lỗ rất tin vào cái vành đai gồm những con chó tinh khôn và những người dân chưa xúc tiếp nhiều với cách mạng. Thỉnh thoảng chúng lại rêu rao: “Giải phóng nói tìm địch mà diệt, răng không về An Lỗ? Đánh nhau với ai trên Phong Sơn đó?” Mỗi lần nghe chúng nói như vậy, đồng bào thấy rõ “quốc gia” ngày nay đã nhìn “giải phóng” với cặp mắt khác, nhưng họ vẫn nghĩ “giải phóng” chưa về An Lỗ được.
Thượng tuần tháng 12 năm 1966, quân lính sư đoàn 1 lục tục kéo về An Lỗ. Chúng mang trên lưng những chiếc ba-lô không phồng to nhưng có vẻ nặng. Quần áo của chúng sạch sẽ, lành lặn. Nhưng bộ mặt của chúng tối sầm. Mấy mụ bán hàng đã nhận ra bóng dáng quen thuộc của những ngài sĩ quan thuộc tiểu đoàn 3. Chúng ít la cà ngoài phố, ít phá phách hơn những lần trở về sau một trận càn.
Bên trong bức tường có lỗ châu mai và thành đất đắp dày, không khí nhộn nhạo hẳn lên. Lần này, không phải là những tiếng la hò tranh giành nhau quả bóng trên sân vận động, những tiếng cãi lộn vì một vài cây bài trong cuộc đỏ đen. Xe cộ ra vào ầm ầm suốt ngày. Tiếng quát tháo, mắng chửi của những tên chỉ huy chưa chi đã bắt đầu cáu kỉnh. Những tên lính từ các dẫy nhà thấp và dài thỉnh thoảng lại ào ào ùa ra, tụ lại thành những đám đen trên sân, rồi lại ào ào tản đi, biến vào trong những ô cửa.
Ban đêm, từ chòi canh luôn luôn xuất hiện những vệt đèn pin, quệt đi quệt lại chung quanh đồn, rọi vào những lùm cây, những luống rau, những đám ruộng trũng, đọng bóng tối. Thỉnh thoảng lại có một vệt lửa dài hiện trên những mái nhà, như có một bàn tay ma quái nào đó vừa rút một sợi chỉ đỏ rực trên tấm thảm nhung đen của đêm tối. Những viên đạn lửa tắt đi rất mau và những tiếng nổ giòn cũng tan ngay trong thinh không, riêng tiếng rít gió của nó để lại cho những người còn thức giấc một âm vang khó chịu như tiếng roi quất. Các cỗ pháo lớn ở Từ Hạ nổ cầm canh. Chốc chốc lại xuất hiện như một chiếc pháo sáng. Cái chấm sáng giống như một giọt nước lơ lửng giữa khoảng không không gì bấu víu được đó, cứ sáng rực mãi lên, đổ xuống căn cứ một thứ ánh sáng xanh lạnh lẽo.
Tối hôm đó, khi mọi người đi nằm được một lúc, thì có tiếng xe rú máy trên đường số 1, phía thành phố Huế. Những tiếng rú mỗi lúc một gần. Đất mỗi lúc một rung chuyển thêm. Rồi những tiếng xích sắt nạo mặt đường, cái thứ tiếng động làm cho thần kinh khó chịu chẳng kém gì những tiếng động phát ra từ căn buồng các thày thuốc đang làm công việc mổ xẻ. Những người dân thì thầm nói với nhau: “Ngày mai bắt đầu rồi!”. Trước một trận càn, bọn chúng thường dàn xe xích trên đường quốc lộ 1. Họ tự hỏi: Ngày mai những tên lính mặt tối kia sắp nhuốm đỏ thôn ấp nào đây, hay là đã tới lần chúng đem thân đi để đền tội?
Nửa đêm, một cụ già khó ngủ bỗng nghe tên lính gác ở cái chòi góc đồn gần nhà mình, hỏi lên một tiếng: “Ai?” Cái tiếng hỏi không to, không hoảng hốt, cũng không nạt nộ, không có chi là khác thường. Đó chỉ là thói quen của tên lính gác khi thoáng thấy có một cái gì thay đổi trước mắt, một tiếng động lạ tai, dù nó đã đoán đó chỉ là một luồng gió nhẹ hay một con chuột chạy qua hàng rào. Nó chỉ muốn kiểm tra lại cái tỉnh táo của giác quan, chứ không có ý định làm kinh động đồng bọn vì một dấu hiệu không rõ rệt mà nó chưa cảm thấy nguy hiểm. Nhiều đêm, cụ già đã từng nghe tiếng hỏi như thế. Mọi khi, đáp lại tiếng hỏi đó là sự lặng lẽ triền miên của đêm khuya mà những tiếng ếch nhái, tiếng giun dế cũng tạo nên một sự ồn ào náo nhiệt chẳng kém gì phiên chợ họp ban ngày. Nhưng lần này, đáp lại tiếng hỏi chỉ có giá trị giống như tiếng đằng hắng của người chủ nhà khi nghe một tiếng động nhỏ ở ngạch vách, là một loạt súng. Loạt súng nổ rất giòn và rất lạ tai. Đúng như vậy, sau này, khi cụ già kể lại cái giây phút đó, cụ vẫn quả quyết là những tiếng súng mở đầu đêm đó nghe rất khác, khác tất cả những tiếng súng cụ được nghe từ hồi còn là một chàng trai ở cái đất An Lỗ này.
Sự việc đêm đó bắt đầu từ cái tiếng hỏi ngái ngủ của tên lính gác đứng sau thành đất rất dày, ở một góc phía trong của đồn An Lỗ.
Người ta kể lại sự kiện căn cứ hành quân An Lỗ bị tiêu diệt đêm đó, bằng những câu chuyện khác nhau.
Có người nói mình đang ngủ thì choàng thức dậy vì một tiếng nổ lớn. Bác ta nghe một tiếng nổ thứ hai như vậy nữa ở trong đồn. Và sau đó, bác không còn phân biệt được các tiếng nổ. Những chớp lửa đỏ, lóe lên liên tiếp cùng với những luồng gió phả rát mặt bác như roi quất. “Chết cha! B.52 bỏ hầm!” Bác kêu lên không thành tiếng. Bác lao vội xuống hầm với ý nghĩ tuyệt vọng: “Phen này chắc chết!”. Ai mà lường trước được cái tai họa này. Nằm dưới hầm được một lúc, bác mới nhớ đến vợ, đến con. Bác vừa gọi, vừa thét lên rất to mà vẫn không nghe thấy tiếng của mình. Nhưng người vợ cũng đã ôm con nhảy xuống hầm, vừa thở, vừa rên rỉ. Người chồng ngồi gục mặt xuống đầu gối, vẫn thấy những chớp lửa kinh hãi tiếp tục lóe lên trong mắt mình, những chớp lửa đã in hình trong đầu óc bác từ cái trận B.52 đầu tiên trên Trường Sơn. Sắp rồi, chỉ một quả thôi. Một chớp lửa đỏ thôi, tất cả sẽ không còn gì nữa. Ghê gớm quá! Nhưng rồi cái phút khủng khiếp đó vẫn chưa tới. Những tiếng nổ lớn thưa dần. Trong đồn bắt đầu có những loạt súng máy và những tiếng người gọi nhau.
Phải gần nửa giờ sau, nhiều người mới biết rõ quân giải phóng tói đánh vùng này. Khi đó đã có tiếng những bước chân chạy lướt trên phố chợ. Người ta nghe tiếng những viên đạn xóc lên lọc xọc trong bao. Tiếng một người nào đó nói, giọng bình tĩnh, không vội vã:
– Quân giải phóng đã tới, yêu cầu đồng bào mở cửa và thắp đèn lên.
Tiếng những người trẻ tuổi gọi nhau. Tiếng gõ cửa.
Những chiến sĩ giải phóng vô nhà. Họ đội mũ vải tròn, mặc quần ngắn để lộ những bắp chân trắng trẻo. Cắc chiến sĩ đều còn trẻ, nét mặt tươi sáng. Họ trói tay những tên ác ôn lại. Họ phân biệt rất rõ bọn chúng với những người trong nhà. Công việc của họ ở mỗi nhà chỉ có vậy. Họ chào gia đình rồi quay ra. Họ thông thuộc tất cả những đường ngang lối tắt trong phố. Rõ ràng không phải họ mới tới đây lần đầu.
Phố xá bấy giờ mới xôn xao cả lên. Nhiều người ùa ra cửa. Khắp phố đèn đốt sáng như phiên chợ đêm. Người ta thấy trong đồn An Lỗ có lửa cháy và chỉ còn những tiếng nổ lẻ tẻ. Tiếng súng tiểu liên lẫn tiếng lựu đạn lúc này lại ran lên phía Ba Phường. Súng cối vẫn nổ dồn dập, phía Từ Hạ, Phò Trạch. Hai căn cứ này có lẽ cũng bị đánh. Không thấy chúng bắn một quả pháo nào về đây. Người ta vẫn chờ xem bọn lính tiểu đoàn 3 và các cố vấn Mỹ trong đồn An Lỗ sẽ làm gì. Một số người biết chút ít về các trận đánh, đoán là quân giải phóng sắp xung phong sau khi bắn pháo vào căn cứ. Nhưng trong đồn mỗi lúc càng im ắng.
Việc lùng soát ác ôn ở phố chợ đã xong. Chúng đang bị dẫn đi từng dãy qua phố. Một anh giải phóng nét mặt quen quen đội mũ đồng, mang súng ngắn, nói với những người đang đứng ở cửa:
– Mời đồng bào vô nhà xuống hầm, đề phòng địch bắn pháo tới. Quân giải phóng diệt xong đồn An Lỗ rồi!
Có lẽ nào lại nhanh như thế? Các anh ấy chỉ vừa bắn pháo lớn vô đồn thôi mà! Nhưng đúng là như vậy. Họ đã nghe thấy tiếng các chiến sĩ giải phóng thỉnh thoảng lại vẳng ra từ trong cái đồn im ắng, chỉ còn một đám cháy gần chỗ tháp nước. Rồi họ thấy những toán lính cộng hòa bị dẫn qua, nhiều thằng còn mặc quần áo lót. Có tên vác một bó toàn tiểu liên cực nhanh. Có tên vác mấy khẩu súng cối cá nhân. Một tên bé nhỏ lặc lè tha hai cái điện đài. Một điều lạ, họ nhìn thấy rõ ràng có những tên lính cộng hòa vác những chiến lợi phẩm đó, lăng xăng đi theo các anh giải phóng, mặt mũi vui vẻ như chính chúng vừa thằng lợi.
– Đồng bào nên xuống hầm, đồn mất rồi, bọn hắn sẽ bắn pháo tới đó.
Một bà cụ lưng còng, vịn vai một em nhỏ, đứng trước cửa nói:
– Rứa thì chết cũng đã rồi! Mấy chục năm ni lại mới nhìn thấy mặt các con.
Một cô gái từ trong nhà chạy vụt ra, dúi vật chi vào tay anh chiến sĩ đang lúi húi cuốn sợi dây điện thoại rải trên dọc đường:
– Mạ em nói đưa các anh. Anh cầm lấy, ăn đường cho đỡ mệt. Khi mô trở về, các anh vô nhà em.
Anh chiến sĩ muốn giấu hai tay mình đi nhưng nó còn mắc ở cuốn dây, anh lúng túng lùi lại, rồi nói:
– Cảm ơn gia đình, cảm on o… Bộ đội giải phóng không được phép nhận quà của đồng bào. Khi mô giải phóng An Lỗ, chúng tôi sẽ vô nhà thăm gia đình.
Cô gái đứng sững với mấy túi kẹo trong tay, nhìn theo người chiến sĩ cuộn sợi dây vội vã như muốn chạy cho nhanh.
Những chuyện bàn tán nối tiếp nhau mãi suốt mấy ngày hôm sau. Có người quả quyết là trong lúc đại bác còn đang rót vào đồn như mưa, thì các anh giải phóng đã ở trong đó rồi. Vài tên lính chạy thoát khỏi đồn khi vừa nổ súng dường như cũng chứng nhận điều đó.
Người ta nói nhiều đến cái tài tình, cái “nhân nghĩa” của những quả đại bác giải phóng. Hàng trăm (có người nói: hàng ngàn) quả pháo lớn rót vào cùng một lúc, đúng như một trận B.52, vậy mà không có một người dân nào bị thương, nhà cửa đồng bào ở chung quanh đồn không dính một mảnh đạn, và ngay cả đến những cây chuối trồng sát hàng rào dây thép gai cũng không bị rách một tầu lá. Cả cái đồn rộng bát ngát, hôm qua nhộn nhịp, đầy ắp quân lính, cố vấn Mỹ, sáng hôm sau, im lìm như bỏ hoang, không còn thấy một bóng tên lính. Nhưng từ cái đất chết đó, người ta bỗng thấy một lũ người lôi thôi, lếch thếch đi. Đó là những mụ vợ sĩ quan và vợ lính. Mặt mày những người đàn bà nhợt nhạt, ngơ ngác. Có người bồng con nhỏ trong tay. Hỏi thăm, thì biết chồng các mụ chết rồi. Nhưng chính các mụ và con cái thì vẫn sống. Đạn lớn, đạn nhỏ của quân giải phóng đã biết chừa ra những người đàn bà và những đứa trẻ thơ này.
Hai vợ chồng ông chủ hiệu kim hoàn ở phố chợ An Lỗ thì chỉ kể lại những chuyện xảy ra đêm đó tại chính trong cái cửa hàng của mình. Cũng như nhiều người khác, cặp vợ chồng này đang ngủ chợt tỉnh giấc vì tiếng đại bác. Hai vợ chồng vội vàng tụt xuống hầm. Tiếng nổ ngớt dần. Họ bỗng nghe trên nhà có tiếng gõ cửa. Tiếng đập cửa mỗi lúc một dồn dập. Chồng bảo vợ: “Ngồi im, Việt cộng tới!” Bên trên có tiếng nạy cửa. Họ nghĩ: “Cái chết tới rồi! Nếu Việt cộng không tìm ra họ dưới căn hầm này thì vốn liếng của họ cũng đi đời”. Cánh cửa đã bật ra. Có tiếng người hỏi:
– Gia đình có ai ở nhà không?
Hai vợ chồng nín hơi không dám thở.
– Trong nhà ni có ai không?
Người chồng nắm chặt lấy tay vợ như bảo: “Cứ ngồi im!” Có tiếng chân đi lại trên nhà. Không phải tiếng chân của một người. Cả cơ nghiệp thế là tan tành. Lát sau, có tiếng khép cửa. Không còn nghe nhũng bước chân rậm rịch trên nhà. Họ đi rồi. Người chồng buông tay vợ ra vì nghe mụ kêu đau. Thoát chết rồi. Nhưng như thế cũng là chết. Vốn liếng hết sạch thì cuộc sống sẽ ra sao? Không ở được cái đất An Lỗ nữa rồi. Sáng ngày ra, phải kéo nhau vô Huế thôi, nhưng sẽ làm gì ở Huế để sống với hai bàn tay trắng?
Khi tiếng súng yên, nghe bên hàng xóm có tiếng người gọi nhau, những tiếng gọi không hoảng hốt mà xem chừng lại có phần vui vẻ, bấy giờ hai vợ chồng mới dám chui lên. Nhìn thấy ánh đèn sáng trên nhà, họ bàng hoàng. Cánh cửa ra vào đã được khép lại như cũ. Đồ đạc trong nhà hình như không bị suy suyển. Người chồng xăm xăm đi lại, nhìn vào cái tủ bày nữ trang ở cửa hàng. Mọi thứ vàng bạc trong đó vẫn còn nguyên và không hề bị xê xích. Các cánh cửa tủ lớn, nhỏ vẫn mím chặt trong ổ khóa. Rứa thì ra răng? Hay là không có ai vô nhà ni mà mình hốt hoảng nghe lầm thôi? Nhưng ai thắp ngọn đèn ni lên? Người chồng đến xem lại cái cửa ra vào. Đúng là ban nãy cửa đã bị phá. Họ vẫn bàng hoàng như sau cơn mê. Nhưng đến lúc thật tỉnh rồi, đã xem lại mọi của quý trong nhà, họ thấy đúng là có “Việt cộng” vô, nhưng họ chỉ làm hỏng có cái ổ khóa cửa ra vào.
Ít ngày sau, mấy ông mần việc cho “quốc gia” thoát chết bữa nớ, lại quay về phố chợ An Lỗ. Chúng lân la vào các nhà thăm hỏi:
– Người mần ra của, của không mần ra người mô! Chú thím còn rứa là bày tui mừng rồi. Nhưng bọn hắn lấy đi những cái chi? Mất mát có nhiều không?
Người chồng trả lời một cách lãnh đạm:
– Chỉ mất mấy ông khách hàng, ngoài ra, không mất chi! Các ông tính vàng ngọc họ còn chẳng thèm thì nhà ni có chi đáng cho họ lấy?
An Lỗ bỗng đông đúc, tấp nập hẳn lên. Người các nơi kéo về, người ở Huế đổ ra rất đông. Họ nói đi để tìm chồng, tìm con, nhưng thực ra, phần lớn kéo đến để nhìn tận mắt xem có đúng như lời người ta đã kể lại với mình hay không. Và những ngày ấy, ở chợ An Lỗ, ai muốn mua chi, bán chi bao nhiêu cũng được. Bọn nhân viên ngụy quyền bỗng nghĩ ra, chúng tốn công hạn chế cấm đoán việc mua bán cũng bằng hoài. “Việt cộng” đến đây, gạo, thuốc, đường, sữa hàng núi đó, họ có thèm lấy chi mô!
Bọn địch vội vã đưa công binh đến sửa lại cầu An Lỗ và điều một đơn vị khác đến lấp cho kín những ngôi nhà rạn nứt tại căn cứ hành quân. Nhưng những đám mây mù đã bị xua tan. Bộ mặt mất máu của thị trấn bị chiếm lâu ngày nằm sâu trong lòng địch bỗng dưng hồng hào hẳn lên. Ngoài những chuyên người ta vui vẻ bàn tán công khai còn vô khối chuyện người thì thầm với nhau. Có tin đồn chồng thím V. bữa đó cũng về, khi đi ngang phố, chú kéo cái mũ giải phóng che khuất cả đôi lông mày nhưng cái cằm vuông và đôi môi mỏng của chú thì không thể lầm được. Những người nhiều tuổi, ít tuổi ở An Lỗ bỗng dưng bỏ nhà đi bặt tăm lâu nay, đều có tin là đã trở về cùng “giải phóng” đêm đó. Có người nói anh nớ, chị tê bảo là vô Huế cất hàng nhưng thiệt ra là đi đưa đường cho giải phóng. Tưởng cách mạng ở tận mô chớ cách mạng vẫn ở kề ngay bên mình. Nghe đâu dân xóm C. đã ngâm mình dưới nước lạnh mấy giờ liền đội một cây cầu cho giải phóng qua lạch… Những chuyện to nhỏ đó đem lại cho mọi người một niềm phấn hứng khó tả. Qua cái đêm hôm ấy, người dân ở đây đã hiểu nhau hơn và thấy tin cậy nhau hơn. Thời thế đã đổi khác, con người cũng đã đổi khác.
Một chiến sĩ thông tin trẻ tuổi đưa chúng tôi tới gặp phân đội đã làm nhiệm vụ mũi dao nhọn trong trận tiêu diệt căn cứ hành quân An Lỗ. Người chiến sĩ có dáng đi rất hay. Đi đường bằng cũng như đường dốc, cứ vài bước, anh lại rướn thẳng chân như người tầm vóc thấp muốn đi cho cao. Đôi lúc, anh làm chúng tôi hơi nực cười vì cái lối đi lấy “điệu” ấy. Nhưng khi biết anh bị thương ở chân trái, chúng tôi bắt đầu băn khoăn vì những bước đi khó khăn của anh.
Trước mặt chúng tôi là một khe núi mới bị ném bom. Những cây cối trụi lá, những phiến đá vỡ nát đều nhuốm một màu xám óng ánh như vừa tráng một nước kẽm lỏng. Người chiến sĩ dừng bước, quay lại bảo chúng tôi:
– Các thủ trưởng đứng ở đây chờ tôi đi tìm đàng. Nếu các thủ trưởng mệt thì bỏ ba-lô ra ngồi nghỉ một chặp.
Giọng nói của anh như dỗ dành làm cho chúng tôi đều phải mỉm cười.
Người chiến sĩ trẻ đi vào khe núi, mất hút sau đám cây cối đổ rụi, ngổn ngang. Các chiến sĩ thông tin biết đường xuống phân đội đều đã đi công tác. Anh chiến sĩ đưa đường chúng tôi chỉ mới đến một cơ quan ở gần phân đội. Anh hăng hái nhận nhiệm vụ, tin rằng đến cơ quan này sẽ hỏi thăm được đường. Nhưng tới đây, cái cơ quan đã biến mất. Có lẽ họ vừa di chuyển vì trận bom cách đây một hai ngày. Anh đang bị mất phương hướng.
Một lát, người chiến sĩ ở trong khe núi đi ra, cứ vài bước anh lại phải duỗi thẳng chân trái. Dáng đi của anh không tự nhiên chính vì anh không muốn người khác biết mình có một cái chân đau đã thành tật. Anh bảo chúng tôi khoác ba-lô tiếp tục đi.
Chúng tôi vẫn đi theo con đường mòn. Chắc là trong khe núi người chiến sĩ vừa vào, chẳng có ai. Nhưng con đường mòn cứ chia đôi mãi ra và mờ nhạt, mất dần đi. Mỗi lần như vậy, người chiến sĩ đứng dừng lại, quan sát, chớp chớp mắt mấy cái, rồi quyết định chọn một hướng đi. Chúng tôi không tìm ra lý lẽ gì về sự chọn lựa đó, và lại nghĩ: lầm rồi. Cuối cùng chúng tôi nhìn thấy một mái nhà lấp ló dưới lùm cây. Người chiến sĩ biến vào trong đó một lúc. Anh quay ra, gọi chúng tôi cùng vào. Đến nơi rồi. Hình như anh đã đưa được chúng tôi đến đây nhờ vào một năng khiếu đặc biệt của người đã quen sống ở rừng.
Mấy chiến sĩ đứng nói chuyện quanh những chiếc bàn ăn bằng nứa, quay ra nhìn chiến sĩ. Thân hình tròn trịa và bộ râu hình thang chưa kịp cạo của Xương làm họ chú ý. Một người đội chiếc mũ vải mỏng, kiểu mũ của các thày thuốc ra đón, bảo chúng tôi đi theo.
Bên lề con đường mòn có những công sự đào chắc đã lâu, đất đắp trên nắp bị nước cuốn hết chỉ còn lổn nhổn những miếng đá non. Những vết xước mảnh bom rất mới trên thân một cây dẻ. Người chiến sĩ đội mũ vải mỏng hỏi chúng tôi bằng một giọng thân mật:
– Các đồng chí mới ở miền ra?
– Vừa đi An Lỗ với các đồng chí về đây. Chúng tôi là người của phân khu. – Xương vừa đáp vừa cười.
– Mô? Ngó các đồng chí anh em chúng tôi biết liền… Anh em được nghe thời sự chớ các thủ trưởng?
– Muốn nghe chuyện chi?
– Chuyện chi cũng muốn nghe hết.
Căn nhà của phân đội vắng vẻ. Một người đứng ở cuối nhà đang to tiếng nói chuyện bằng máy điện thoại. Cái ống nói bằng nhựa đen có sợi dây cao-su loăn xoăn như khúc ruột gà rung rung trong tay anh. Chúng tôi chưa đoán ra người đang nói chuyện là ai. Anh đang bị câu chuyện cuốn hút, không nhìn về phía chúng tôi. Người dẫn chúng tôi tới đây, nói nho nhỏ:
– Đồng chí chính trị viên đang ngủ. Mấy bữa ni trời lạnh nhiều, đồng chí ấy đau cả đêm qua không ngủ.
Trên sạp vải một chiếc bạt Mỹ chiến lợi phẩm, có người đang nằm trùm chăn kín.
– Cứ để đồng chí ấy ngủ. – Chúng tôi nói.
Xương và tôi nhẹ nhàng bỏ ba-lô xuống cái sàn bên này, không có người nằm. Người đội mũ vải lấy chiếc bi-đông sắt treo ở vách nứa, rót nước vào những chiếc ca lớn hình bầu dục, mời chúng tôi. Anh làm mọi việc nhẹ nhàng, tránh không gây tiếng động. Trong lúc đó, người cầm máy nói đứng ngay gần chỗ chính trị viên nằm, vẫn không ngừng to tiếng:
– Răng các đồng chí lại không thanh toán? Tự túc được mô? Pin toàn phải mua. Nếu không thanh toán chiến phí, bầy tui sẽ báo cáo đoàn, báo cáo phân khu đó… Còn các khoản sữa của người đau, răng mà tài vụ lại trừ vô tiền gạo… Ăn sữa thì không ăn gạo ư? Chuyện chi lạ rứa! Tôi không đấu tranh cho quyền lợi cá nhân mô! Cứ đúng như tiêu chuẩn mà mần thôi. Bọn tui không cần ưu tiên, không cần chiếu cố…
Họ đây rồi. Chúng tôi nhìn quanh quẩn, xem căn nhà của những người đã làm cho bọn Mỹ, bọn ngụy ở Đồng Lâm, ở An Lỗ rụng rời. Hai chiếc sạp dài lát bằng những cây con không được êm ái lắm. Một chiếc bàn nhỏ cũng ghép bằng cây đứng giáp vách nứa, không có ghế ngồi, chắc không phải để dùng vào việc viết lách. Trên bàn có một cái đài bán dẫn, mấy cuốn vở và một chiếc xà-cột. Cái đèn dầu làm bằng lọ thuốc muỗi dèm dẹp, không có bóng, treo ở sà nhà với một sợi dây chìa khóa mạ kền, thả lửng lơ trên mặt bàn. Một đường hào khá sâu chạy dọc theo căn nhà, dẫn vào những hầm trú ẩn ở ngay dưới cái sạp chúng tôi đang ngồi.
Người nằm ở sàn bỗng kéo cái chăn khỏi đầu, quay lại nhìn về phía chúng tôi. Anh tung chăn ngồi dậy nói:
– Các đồng chí vừa tới?
– Đồng chí cứ nghỉ đi. – Xương nói.
– Nằm đó mà có ngủ được mô!
Đồng chí chính trị viên chậm rãi gấp cái chăn đặt sát vách nứa, kéo ngay cái bạt lại rồi mời chúng tôi sang cùng ngồi nói chuyện. Anh không còn trẻ nữa, tóc vẫn đen nhưng đuôi mắt đã có những vết chân chim. Anh tiếp đón chúng tôi không vồ vập. Bộ mặt của anh có vẻ tư lự. Tôi nghĩ, một đồng chí hơi khó tính đây.
Chúng tôi đưa lá thư giới thiệu của chủ nhiệm chính trị đoàn. Đồng chí chính trị viên xem xong, bỏ tờ giấy vào trong cuốn vở đặt trên bàn, nét mặt không thay đổi. Anh nói với chúng tôi:
– Các đồng chí ở đoàn đã báo điện cho chúng tôi biết.
Đồng chí quản lý của phân đội – chúng tôi đã nhận ra qua những lời lẽ trao đổi của anh ban nãy – bỏ máy nói, lại đứng bên chính trị viên:
– Anh Lực à, tài vụ cứ lằng nhằng không chịu thanh toán hết chiến phí. Họ nói mình không dùng tới thì không nên đòi. Nói thiệt khó nghe! Họ không cấp tiền gạo cho những người đau nói là đã cấp sữa rồi. Tôi nghĩ phải báo cáo với đoàn, với phòng hậu cần phân khu đó.
– Được rồi, cái chi mình đã mua rồi sẽ thanh toán được. Anh em mình đi mần cách mạng có tiền túi mô mà bù vô đó. Nhưng đồng chí nên trình bày cho bình tĩnh, rõ ràng, chớ có dính cái thái độ cá nhân vô với nhau mà mất thì giờ ra.
Lực thong thả vấn một điếu thuốc. Thay lời mời khách, anh lặng lẽ đặt trên mảnh vải bạt trước mặt chúng tôi một lá thuốc. Tôi và Xương chia nhau lá thuốc vàng óng. Khi chúng tôi đã ngấm nghía mùi vị đậm đà và hơi ấm của thứ thuốc miền Tây đó rồi, Lực mới hỏi:
– Chừ các anh cho biết các anh cần những chi? Các anh cho biết thật cụ thể.
Lực nghe rất chăm chú những yêu cầu của chúng tôi. Về sau, chúng tôi biết người chính trị viên đã băn khoăn nhiều từ khi được tin sẽ có những nhà văn, nhà báo ở tận miền ra, sẽ tới công tác một thời gian tại phân đội của mình.
Trận An Lỗ cũng như mọi trận thắng giòn giã khác, không bao giờ diễn ra giống như việc ta châm ngòi làm cho nổ một bánh pháo. Con đường đi đến thắng lợi vẻ vang thường là khúc khuỷu, gồ ghề. Những người đánh thắng những trận đánh tài tình nhất không phải là những người trời nắm trong tay các phép lạ để làm nên chiến công. Còn hơn thế nữa, như trong trận An Lỗ này, đội dao nhọn đảm đương trách nhiệm chính tiêu diệt căn cứ gồm có cả những người mới đánh trận lần đầu.
Mũi trưởng Văn Thế Hùng chỉ huy một bộ phận đánh vào khu vực hầm ngầm. Anh chỉ có một dúm người, trong đó gần một nửa chưa chiến đấu. Khi chuẩn bị, Hùng nói với anh em: “Tôi chết, anh em mới chết. Cứ bám lấy tôi mà đánh”. Các chiến sĩ mới nói với nhau: “Cán bộ vẽ răng, mình đánh rứa”.
Về phía những người chỉ huy, mọi việc cũng không hoàn toàn thông suốt ngay từ đầu.
Giữa thời kỳ chuẩn bị chiến trường, đồng chí đại đội trưởng bị thương. Các cán bộ đi điều tra vị trí địch về, có người cảm thấy phân vân. Trong ban chỉ huy phân đội nảy ra hai ý kiến: Người nói: “Đánh được”; người nói: “Đánh không chắc ăn”. Chính trị viên Lực đứng về phía những người cho rằng có thể đánh được. Anh biết rõ trong cuộc chiến đấu hôm nay, người ta không được phép dừng bước trước khó khăn. Vai trò của người chính trị viên là chính vào lúc này. Ở phân đội bé nhỏ này, quyết tâm của mỗi người đều phải trở thành những việc làm cụ thể. Chính trị viên Lực đeo súng vào người, cùng các cán bộ đi chuẩn bị chiến trường thêm. Họ phải mở đầu mùa khô thứ hai này một cách thật giòn giã. Cái mùa khô thứ hai của toàn miền Nam trong khi tại Trị – Thiên, trời đang đổ xuống từng thác nước. Công việc điều tra không phải chỉ làm trong một đêm. Lực chưa nhiều tuổi lắm, nhưng gần bốn chục mảnh đạn nhỏ li ti còn nằm trong người anh, làm cho anh nhạy cảm trước thời tiết như một cụ già. Mỗi khi trời trở rét, từng mảnh vụn kim khí đó lại trở thành một cái nhọt đau tấy, khiến anh nằm ngồi cũng khó.
Rồi kế hoạch chiến đấu được vạch ra. Nhưng khi bắt tay vào việc vẫn không trôi chẩy. Có lần đã ra quân rồi, lại phải quay về vì thời tiết xấu quá.
Lần ra quân cuối cùng, Lực cũng khoác súng, đeo thủ pháo như mọi người. Đêm nay, khi cần, anh sẽ làm mọi việc của một chiến đấu viên dũng cảm.
Trời sáng sao, vị trí địch im lìm. Sương xuống ướt đầm vai các chiến sĩ. Lực cố nghiến chặt răng để chúng khỏi đập vào nhau thành tiếng. Cái rét của thời tiết bồi thêm vào cái rét của những người sắp bước vào cuộc chiến đấu. Mọi việc đến giờ phút này đang tiến hành thuận lợi, Lực bỗng nghe tiếng hỏi của thằng gác. Phía đó, do mũi trưởng Lê Hồng Thỏa chỉ huy. Lộ rồi chăng? Lực nghe tiếp ngay một loạt tiểu liên. Thỏa đã cho nổ súng rồi. Các mũi khác chưa hoàn toàn chuẩn bị xong.
– Răng anh?
Đại đội phó Bính hỏi Lực. Anh hỏi ý kiến chính trị viên trước khi hạ lệnh, vì lệnh này sẽ quyết định đến toàn bộ kết quả cuộc chiến đấu. Thành bại của một trận đánh nhiều khi nằm trong khoảnh khắc.
– Đánh!
Đồng chí đại đội phó giơ cao khẩu súng ngắn bắn tín hiệu, bóp cò. Một cái pháo hiệu đỏ hiện trên nền trời. Lệnh xung phong. Lực rút thủ pháo cầm tay, lao vào đồn cùng với đồng chí chỉ huy quân sự. Khi thấy những chớp lửa đỏ lóe lên đều khắp vị trí địch, những viên ngói bay khỏi mái nhà, những bức tường đổ sụp, anh thấy rõ mình vừa có một ý kiến đúng.